30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG 
Ngày 02
Bạn Muốn Làm Gì? Hãy Can Đảm Đeo Đuổi!

“Cuộc sống là một cuộc hành trình dài. Khó ai có thể biết được những gì sắp xảy ra xung quanh”.
Trong hành trình đến mục tiêu (điểm đến) dù trong cuộc sống hay công việc – theo lời Ray Dalio bạn cần có những NGUYÊN TẮC đúng.

“Nguyên tắc là những phương cách riêng giúp xử lý thành công những tình huống thực tế mà bạn gặp phải.” Mà thực tế là những tình huống luôn xảy ra hàng phút, hàng giờ. Vận dụng được những Nguyên tắc này sẽ giúp bạn ra quyết định đúng.

“Nguyên tắc này chính là công thức làm nên thành công của mỗi người.” Giống như bạn làm bánh vậy. Bánh ngon vì có công thức ngon.

“Những người thành công cũng vậy. Họ có những nguyên tắc giúp họ thành công.”

Bill Gates, Steve Jobs, Donald Trump là những người thành công. Và họ cũng có những nguyên tắc riêng – đã giúp họ thành công.

nhat-ky-30-ngay-thanh-cong-ngay-2
nhat-ky-30-ngay-thanh-cong-ngay-2

"Trong cuộc hành trình của mình tôi đã tích lũy được hàng trăm NGUYÊN TẮC, và tôi sẽ trao lại cho các bạn qua các trang sách."

- Ray Dalio

Ray đã viết hàng loạt những cuốn sách “gối đầu giường”, trở thành Top 100 người ảnh hưởng nhất trên thế giới (do Times bình chọn năm 2012).

“Trong cuốn sách tối giản này tôi sẽ chia sẻ với các bạn những NGUYÊN TẮC CĂN BẢN nhất để thành công. Tự mỗi người có thể đánh giá và xem cái nào hợp nhất cho mình để mà vận dụng!”

Nguyên tắc thứ nhất: 

BẠN MUỐN LÀM GÌ? HÃY CAN ĐẢM ĐEO ĐUỔI

Rõ ràng đây là nguyên tắc tối thượng nhất. Nếu bạn không muốn, không biết mình muốn gì thì cuộc hành trình của bạn không phương hướng, bạn sẽ bị dòng đời đưa đẩy, trôi nổi trên sóng nước mà không biết về đâu. Khi đó mỗi sáng thức dậy bạn không biết mình sẽ làm gì. Tại sao bạn phải bước xuống giường đi làm?

Vì nhiều lý do nhiều người lớn lên hoàn toàn không có một ước muốn là lớn lên mình sẽ làm gì. Nhiều người chưa bao giờ tự hỏi là mình sẽ làm gì, thích gì, muốn gì.

Gia đình đã góp không nhỏ đến điều này. Phụ huynh đã không dạy cho trẻ TRÁCH NHIỆM (bản thân). Trong nhiều trường hợp phụ huynh đã BẢO BỌC, làm thay cho con cái. Đến mức chúng không còn thấy trách nhiệm của mình nữa. Mọi thứ cứ bê lên và chúng được thụ hưởng một cách đương nhiên!

Trẻ cảm thấy quá dễ dàng để có. Không cần phải nỗ lực phấn đấu nữa. Tôi nhận ra điều này khi đến Canada định cư cách đây gần 4 năm. Và bắt đầu áp dụng chúng.

Cô con gái thứ 2 của tôi muốn mua iPhone (cũ) đã phải đi giao báo ròng rã mỗi tuần 1 lần, miệt mài kèm em đàn Piano để được 10 đô/giờ. Phone của em chỉ xài wifi thôi chứ không gọi được vì em không đăng ký thuê bao (đơn giản vì không muốn tốn 700k/tháng).

Bé trai nhà tôi có cô giáo tên Michele. Cô có con gái lớn tên là Vanessa, là radio host về âm nhạc ở Vancouver. Sau nhiều lần lận đận học và thử các loại công việc khác nhau, Vanessa kết thúc với công việc dẫn chương trình âm nhạc trên đài phát thanh và cô cảm thấy rất là hạnh phúc với công việc này. Michele cho tôi biết, làm cha làm mẹ, họ chỉ có thể giúp cho con cái đạt được những gì con có thể làm tốt nhất trong khả năng! ("Help them be the best they can!" – nguyên văn là như vậy).


Cách đây mấy ngày con gái báo cho tôi biết một người bạn trong trường, Miranda, vừa mất. Cô bé chỉ mới 15 tuổi. Tôi sững sờ nghĩ chắc có liên quan đến Wuhan Virus. Tôi biết rõ Miranda vì cô bị bệnh vẹo xương sống – thuộc loại bệnh hiểm nghèo. Đây là bệnh mà bác sĩ cho biết là sẽ khó qua được 16 tuổi.


Điều đáng nói nhất là cô rất năng động, ham học hỏi. Cô chơi trống (biểu diễn văn nghệ trong trường) mong trở thành tay trống chuyên nghiệp, tham gia vào Girl Guides (Hướng đạo sinh nữ) và nhiều hoạt động khác trong trường. Tôi thầm nể phục mẹ cô, tạo mọi điều kiện cho con đạt được mục tiêu mà con đề ra, sống từng giây từng phút có ý nghĩa!


Có nhiều người cũng biết là mình muốn gì, muốn làm gì. Nhưng họ lại không có can đảm theo đuổi.
Nhiều người họ sợ nghĩ đến điều mình muốn. Vì nếu nghĩ đến điều đó lại phải nghĩ xem mình làm thế nào để đạt được nên tốt nhất là không muốn gì hết.

Họ sợ sai, sợ thất bại. Đây cũng là điều nhiều phụ huynh đã gieo vào đầu con cái nỗi sợ hãi thất bại – theo kiểu: “Ôi cái này khó lắm, không làm được đâu!” Hoặc “Bao nhiêu người còn chưa làm được sao con làm được!” Hay “Bỏ đi mày ơi. Tào lao! Làm chi phí sức!”


Cái ĐƯỢC mà phụ huynh và các bạn không thấy đó là ý chí, tinh thần dám đương đầu với khó khăn – mà như Ray Dalio đã viết: Thời gian như dòng sông, bạn không thể bắt sông ngừng chảy hay tránh không gặp ghềnh đá. Thì hãy học cách đương đầu với vật cản ghềnh đá. Vì thích hay không thích, cuộc sống là vậy. Và hãy học ngay từ nhỏ. Còn nếu lớn lên rồi, thì sẽ khó!


Tôi cứ phải dông dài về NGUYÊN TẮC đầu tiên của Ray Dalio. Vì nếu bạn không theo Nguyên tắc này thì bạn chẳng cần đọc tiếp cuốn sách. Tương tự bạn cũng chẳng cần mất thời gian đọc Nhật ký của tôi.

“Làm cái gì” theo Ray – bất cứ gì bạn muốn, miễn là đem lại cho bạn hạnh phúc và đóng góp cho sự tiến hóa của nhân loại. Ray thường đề cập đến evolution trong sách nên nó có vẻ hơi triết lý một chút. Và tôi vẫn chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của từ này ông dùng.
 
Tôi vẫn ấn tượng với lời khuyên của cô Michele “Help your kids be the best they can!”. Nó khác với kiểu dạy dỗ con cái của đa số người Việt chúng ta. Gia đình chỉ muốn cho con là bác sĩ, kỹ sư hay doanh nhân mà không cần biết được là con hoàn toàn không có khả năng để đạt được mục tiêu. Con chỉ có thể trở thành họa sĩ hoặc thợ cơ khí.

Sẽ có bạn hỏi tôi: Vậy làm sao để biết mình muốn gì, thích gì? 

Tôi thật sự không biết trả lời sao. Chỉ biết một điều: bạn nên làm việc, làm việc và làm việc. Chỉ có như vậy bạn mới có thể tìm thấy điều gì đó bạn thích.

Bé gái út của tôi 9 tuổi Minnie. Giống như những đứa trẻ khác, cháu thích đọc sách, chơi game (trang điểm, thời trang) và coi YouTube những clip vui, hack. Lâu lâu “hứng” cháu muốn viết sách và muốn xuất bản (mới ghê chứ!). Mà phải là xuất bản “real book”, kindle hay ebook là không chơi (thế mới sợ!).


Thế là cháu bắt đầu viết “tiểu thuyết” (dạng hư cấu, theo kiểu “điều tra trinh thám”). Cuốn đầu tiên cũng được hơn 7.000 chữ. Thú thật tôi chẳng đọc cháu viết gì. Vì chữ là chữ. Quan trọng là tôi tập cho cháu xây dựng thái độ làm việc tích cực (work habit). Và khi đã làm thì phải làm cho xong. Và cháu cũng đã xong 1 cuốn (phải “ép” mới được) và đang viết cuốn thứ 2. Có thể ngày mai cháu sẽ tìm thấy cái niềm vui khác để làm. Nhưng nếu không làm gì thì cháu sẽ không biết mình thích cái gì.


Quay lại chuyện của bạn. Bạn trả lời cho mình câu hỏi: bạn muốn làm gì?
Và khi đó bạn mới cần theo dõi tiếp Ngày 3 của 30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG!

nhat-ky-30-ngay-thanh-cong-ngay-2

Còn bây giờ tôi phải tranh thủ làm tiếp dự án trồng rau. Tôi đã mua khá nhiều cây (nhỏ) kính thưa các loại cà, ớt, rau, đậu... Giờ là lúc phải cho xuống đất. Thật ra trồng trọt và chăn nuôi là công việc tôi yêu thích (thực tế là tôi đã tốt nghiệp ĐH Thủy Sản Nha Trang, Khoa Nuôi Trồng Thủy Sản). Tôi cũng sẽ cập nhật cho các bạn thường xuyên thú vui này của tôi. 


Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>