30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 06:
Nguyên Tắc 5 Bước Thành Công

Thực ra Ray gọi là “tiến trình” (Process) tôi quyết định gọi là “Nguyên tắc” nghe nó dễ chịu hơn.


Đây là nguyên tắc mà theo Ray, nếu thực hiện tốt – bạn chắc chắn sẽđạt được bất cứ điều gì bạn muốn (cuộc sống cũng như công việc).


Tôi cũng cần nói thêm đây không phải là quá trình 5 bước mà chỉ làm một vài lần trong đời. Đây là nguyên tắc mà bạn vận dụng hàng ngày bất kể cái gì: từ dự án trồng rau cho đến viết nhật ký 30 ngày (tôi đang viết đây) cho đến việc học ngoại ngữ, cao học, định cư hay học nghề mới. Bất cứ chuyện gì.

5 Bước theo Ray là:


  • Bước 1: Có mục tiêu rõ ràng
  • Bước 2: Xác định vấn đề (thách thức) và không chấp nhận tồn tại
  • Bước 3: Chẩn đoán vấn đề tìm ra nguyên nhân sâu xa
  • Bước 4: Lên kế hoạch để giải quyết vấn đề
  • Bước 5: Thực hiện kế hoạch đến kết quả cuối cùng

Chúng ta sẽ đi từng bước một.


“Đầu tiên bạn sẽ phải chọn mục tiêu mà bạn theo đuổi. Chọn mục tiêu nào sẽ quyết định hướng đi!”

Cuộc sống như dòng sông. Nhiều bến cho bạn cập. Và nhiều hướng cho bạn đi.


“Khi bạn đi bạn sẽ gặp phải chướng ngại (thách thức). Một số thách thức bạn gặp phải nhiều lần thường liên quan đến điểm yếu của bạn. Bạn phản ứng với cảm giác đau như thế nào tùy thuộc vào bạn!"


“Nếu muốn đạt được mục tiêu, bạn phải bình tĩnh và phân tích xem nguyên nhân sâu xa của những vần đề (mình gặp phải) là gì, rồi lên kế hoạch để vượt qua chướng ngại và cuối cùng làm tất cả những gì có thể để có kết quả cuối cùng.”


“Bạn sẽ phải xem xét kết quả liệu nhiệm vụ (mục tiêu) đã hoàn thành chưa. Nếu chưa thì bạn lại tiếp tục 5 bước từ đầu."


Để tiến bộ nhanh (mà Ray gọi là “tiến hóa”), bạn phải thực hiện nhanh 5 bước này liên tục và đặt những mục tiêu sau cao hơn mục tiêu trước.


Như vậy 5 bước này không phải là những nhiệm vụ “đời người” hay những chuyện “dời non lấp biển” cao xa mà nó phải được vận dụng hàng ngày, hàng giờ cho mọi chuyện lớn nhỏ. Vì khi bạn đạt được những nhiệm vụ, mục tiêu nhỏ bạn sẽ được “lên level” cho những nhiệm vụ, mục tiêu lớn hơn.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 6

Nhiệm vụ nhỏ có thể là viết xong báo cáo, thiết kế tờ rơi hay phải viết xong trang nhật ký Ngày 6 này chẳng hạn.


Còn những nhiệm vụ, mục tiêu lớn – thí dụ trở thành doanh nghiệp số 1 trong ngành, chuyên gia số 1 về bất động sản hay thành thạo một ngoại ngữ thì sao?


Bạn không thể làm nhanh cùng một lúc 5 bước cho những mục tiêu dài hạn này – đúng không? Bạn sẽ phải chẻ nhỏ mục tiêu lớn này thành những mục tiêu nhỏ. Nghĩa là mục tiêu năm thành tháng, tháng thành ngày.

Sau khi chẻ nhỏ mục tiêu học tiếng Anh (thành thạo trong 1 năm), giả sử mỗi ngày bạn phải biết được thêm 10 từ mới (đây là nhiệm vụ). Và cuối ngày bạn xem là mình đã đạt được mục tiêu này chưa. Nếu chưa thì xem lại 5 bước từ đầu. Nếu đạt được rồi, bạn tiếp tục đề ra mục tiêu 13 từ một ngày và cứ thế. Và nếu không đạt thì xem lại 5 bước. Nếu đạt thì tăng từ lên. Cứ thế, và bạn sẽ thấy mình sẽ tiến bộ hàng ngày. Chẳng bao lâu sẽ đạt được mục tiêu là thành thạo một ngoại ngữ mình muốn.


Quan trọng chưa phải là đạt được mục tiêu học ngoại ngữ. Quan trọng là bạn phát triển được một tinh thần chấp nhận khó khăn, thử thách và từng bước nâng level. Và từ đó bạn sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức trong cuộc sống riêng và công việc. Đó là lý do mà tôi mong các phụ huynh tạo thử thách cho con trẻ ngay từ nhỏ: học tập, vui chơi, giải trí... gì cũng được. Lớn lên chúng sẽ không “ngại nghĩ” và ngại khó!


Ai cũng có mục tiêu lớn, dài hạn. Nhưng thường không đạt được. Một trong những lý do là “nhìn thấy ngán” và thấy mông lung quá, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Rồi nản, thế là buông! Đó là lý do bạn cần phải chẻ nhỏ. Đặc biệt là lúc đầu. Nhiệm vụ cỏn con (trong nhiệm vụ lớn) cũng được, để tạo cho bạn một cảm giác hứng khởi “thành công” với kết quả cụ thể.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 6

Nói đến học tiếng Anh tôi mới nhớ lại. Hồi học Đại học Thuỷ sản Nha Trang là học tiếng Nga. Tài liệu chuyên ngành thủy sản trong thư viện trường là của FAO bằng tiếng Anh. Nên tôi tự học riêng (hồi đó không có nhiều điều kiện như bây giờ).


Kế hoạch của tôi là tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học. Cụ thể: hàng tuần 3 buổi đạp xe xuống Nha Trang học (riêng). Gặp Tây ba lô nào là xin làm free guide và căng đầu nhớ lại những câu học trong giáo trình Streamline. Ghi bài trên lớp (thí dụ môn Bệnh Cá) bằng tiếng Anh (tất nhiên là những từ, thuật ngữ riêng, chứ không thành câu). Nhiều bạn trong lớp nghỉ học mượn tập tôi coi là “điếc”!


khi qua Manila học tôi cũng lên kế hoạch học tiếng “bất cần thân thể”. Một học kỳ sau là tôi không còn kè kè cuốn từ điển 55.000 từ nữa.


Sau khi ổn định chỗ thuê nhà gần trường là tôi mua 1 cái TV cũ. Mỗi ngày coi 3-4 tiếng (mọi chương trình) để phát triển kỹ năng nghe. Sáng dậy là chạy ra mua 2 tờ báo: một tờ lá cải và 1 tờ “chính thống”. Rảnh là xuống “tám” với bạn chủ nhà (cũng là sinh viên) bán hàng tại cái shop nhỏ.


Tôi thường đến trường sớm 1 tiếng. Gặp ai cũng xà vào cập nhật”: “Ê mày biết không sáng nay có vụ cướp nhà băng lấy đi 10 triệu peso đó?”, “Thượng nghị sĩ X vừa rồi dính với vụ gái mãi dâm!” hoặc “Phó tổng thống có bồ nhí mày ơi!” Cứ mỗi bữa, tôi cập nhật cho 3-4 người như vậy" (thông tin có được từ tờ báo lá cải).


Hàng tuần tôi hẹn với một bạn người Indo 1-2 tiếng, nói về những vấn đề xã hội, kinh tế (nói sâu hơn). Tôi cắt bài báo (chính thống) muốn thảo luận đưa để đọc trước cho tuần sau. Mỗi tuần tôi dự lớp bible (kinh thánh) do một cô giáo người Mỹ dạy. Chưa kể mỗi ngày tôi viết penpal (tìm bạn bốn phương) sử dụng lại những từ tôi đọc (báo chính thống) để luyên thêm kỹ năng viết. Tất cả những hoạt động trên nó nằm trong kế hoạch (Bước 4) để đạt được mục tiêu theo kịp với chương trình học MBA.

"Ý chí (tinh thần không gì không thể) nó quyết định sự thành công. Chưa gì mà “Cái này khó lắm không làm được đâu” thì bạn biết kết quả là gì rồi."

Quay lại vấn đề. Ray nói đi nói lại, 5 bước này bạn phải thực hiện hoàn tất rốt ráo trong một thời điểm nhất định và theo thứ tự. Và khi làm từng bước, thì chỉ tập trung vào bước đó. Đừng nghĩ tới những bước sau vì nó sẽ “rối hàng”.


Thí dụ, khi xác định mục tiêu thì bạn chỉ nghĩ đến mục tiêu. Đừng nghĩ đến làm như thế nào, ai làm, nguồn lực ở đâu… Trong nhiều trường hợp nó làm “nản” và bỏ cuộc ngay từ vòng đậu xe! Hoặc sẽ làm bạn lẫn lộn giữa mục tiêu và chiến lược.


Tương tự khi bạn thực hiện Bước 3 chẩn đoán vấn đề, thì bạn cũng đừng nghĩ tiếp là “Ai sẽ giúp ta giải quyết được chuyện này?”. Câu trả lời “ai” sẽ được thực hiện trong Bước 4.


“Làm từng bước một với đầy đủ thông tin cần thiết. Khi nào xong thì chuyển sang bước kế tiếp.” Ray khuyên như vậy.


Nếu để ý bạn sẽ thấy những chuyện “cầm đèn chạy trước ô tô" như thế này khi họp thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Nào là: “Không biết mục tiêu vậy làm sao đây?”. Hoặc “Phòng mình đâu có đủ nhân sự để làm!” Hay “Cái này bữa trước bên công ty X nó đâu có làm được!”


Ray khuyên chúng ta hãy đặt mục tiêu cao hơn là mục tiêu có thể đạt được. Thậm chí Grant Cardone (tác giả cuốn sách The 10X Rule) còn khuyên bạn đặt ra mục tiêu cao 10 lần so với mục tiêu mà bạn làm được.


Vì đặt mục tiêu cao (10 lần) như vậy bạn sẽ nỗ lực 11 lần. Và nếu như chỉ đạt 90% thì cũng là trên cả mong đợi rồi. Ý chí (tinh thần không gì không thể) nó quyết định sự thành công. Chưa gì mà “Cái này khó lắm không làm được đâu” thì bạn biết kết quả là gì rồi.


Nhật ký 30 ngày thành công ngày 6

Ngoài ra khi thực hiện nguyên tắc này, Ray khuyên: “Bạn cần để đầu óc thoải mái, để lý trí dẫn đường thay vì cảm xúc chi phối. Nếu cảm xúc (yêu ghét, đố kỵ, bực tức) xâm chiếm thì bạn nên bình tâm cho cảm xúc lắng xuống rồi mới làm.”


Lưu ý: “Fact not fear”, dùng lý trí để đánh giá, ra quyết định hơn là nỗi sợ dẫn dắt. Khi để cảm xúc (nỗi sợ) chi phối thì quyết định thường là hên xui và “đực cái” (theo “kiểu sáng nắng chiều mưa ngày mai lại nắng”!)


Để giúp bạn tập trung và hiệu quả (khi thực hiện nhiệm vụ), Ray gợi ý: “Bạn nên tưởng tượng là cuộc sống như là trận đấu võ hay một ván cờ mà nhiệm vụ của người chơi là làm sao vượt qua thách thức và đạt được mục tiêu. Một khi bạn chấp nhận thể lệ cuộc chơi, bạn sẽ quen với cảm giác khó chịu (bị gò bó theo thể lệ) đi cùng với nỗi thất vọng không ngừng!”


“Bạn sẽ không bao giờ làm mọi thứ hoàn hảo được. Sai lầm là không tránh khỏi.Và quan trọng là bạn chấp nhận: đó là một phần của cuộc sống (để bạn không bị dằn vặt, chán nản)”


“Tin tốt là, sai lầm sẽ là cơ hội cho bạn học hỏi, tiến bộ. Do đó việc học hỏi sẽ không có điểm dừng!”. Nói cách khác “đau đớn” sẽ mách bảo bạn làm gì để lần tới bạn sẽ không lập lại sai lầm này. Hay làm gì để lần tới mình sẽ làm tốt hơn!


Ray cũng cho biết thêm: “Từ từ bạn sẽ nhận ra rằng những kiểu đổ thừa (tại, bị, bởi, do…) sẽ không còn. Hay “Cái này khó! Tôi không làm được đâu!” sẽ dần biến mất. Vì tâm thế của bạn là “sẵn sàng” là “chào đón” (thách thức). Bạn sẽ không nói “khó” hoặc bạn sẽ không nghĩ “khó lắm!” mà sẽ nghĩ ngay: “Chắc chắn làm được thôi! Cố gắng là được!”

"Vì tâm thế của bạn là “sẵn sàng” là “chào đón” (thách thức). Bạn sẽ không nói “khó” hoặc bạn sẽ không nghĩ “khó lắm!” mà sẽ nghĩ ngay: “Chắc chắn làm được thôi! Cố gắng là được!”

Tôi nhớ lúc làm Thực tập quản lý (Management Trainee) tại Nhà máy Bia Việt Nam VBL năm 1994 (sau khi tốt nghiệp Cao học ở Phillipines). Ông Giám đốc Huấn luyện, người Hà Lan (quản lý trực tiếp tôi) có giao một nhiệm vụ: Xây dựng Microplanning System (Kiểu như Supply Chain) làm sao để phối hợp các phòng ban (Phòng Mua, Bao Bì, Nấu Bia, Đóng chai, Kho, Bán Hàng, Tiếp thị…) một cách hiệu quả.


Cụ thể là tôi cùng làm việc với một chuyên gia bay từ Hà Lan đi xây dựng hệ thống này trong 3 tuần. Khi ông này về nước thì tôi sẽ triển khai. Tôi có nói với ông Giám đốc Huấn luyện: “Cái này khó!” (chứ không phải là không làm được). Thử nghĩ một người mới tốt nghiệp chưa bao giờ đi làm, lại quăng xuống nhà máy bia, một lãnh vực hoàn toàn mới. Ông trả lời: “Khó tôi mới giao anh! Nhưng nếu qua được, anh sẽ ngon!” (“If it does not kill you, it will make you stronger!” nguyên văn).

Đúng như Ray đã nói, nếu bạn chấp nhận thử thách, ngay cả như nếu bạn thất bại thì bạn vẫn tốt hơn nhiều so với bạn không làm gì – bạn sẽ được “lên level” (chấp nhận thương đau, chịu bầm dập), có cơ hội học hỏi. 


Tôi đã có một cơ hội “ngàn năm một thuở” là tham gia được đầy đủ các hoạt động của một công ty sản xuất (trong một thời gian ngắn).

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 6

Nhiều người luôn nghĩ phải có kỹ năng (cần thiết cho một công việc nào đó), học vấn, kinh nghiệm thì mới thành công. Chưa hẳn như vậy! Theo Ray, “Bạn chỉ cần biết khi nào bạn cần những kỹ năng này và bạn học những kỹ năng này ở đâu. Khả năng lĩnh hội nhanh mới là quan trọng!”


Khả năng lĩnh hội (có thể gọi là kỹ năng lĩnh hội) gần đây nó được đề cập nhiều thông qua 2 khái niệm “Growth mindset” (tư duy cầu tiến) và “Fixed mindset” (tư duy bảo thủ).


Những người có tư duy cầu tiến là những người có đầu óc cởi mở, ham học hỏi, chào đón cái mới, chấp nhận sự đa dạng. Và do vậy họ chấp nhận đối đầu với khó khăn, thử thách hơn là né tránh. Người có tư duy cấp tiến luôn tin rằng mình có thể nắm bắt và lĩnh hội nhanh được những kỹ năng, lãnh vực mới.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 6

Lấy trường hợp tôi là thí dụ. Khi tôi nói với bạn bè, tôi đang làm về thực phẩm chức năng và bán ở Mỹ (trên Amazon). Nhiều người luôn ngạc nhiên hỏi: nếu tôi có tốt nghiệp Dược hay Y gì không? Và sao không bán ở Canada mà bán ở Mỹ? Hay sao không xuất về Việt Nam bán?


Trong nhiều trường hợp tôi thường biến điểm yếu trở thành lợi thế. Vì tôi không có học hành liên quan đến Y Dược nên tôi không có suy nghĩ của một bác sĩ hay dược sĩ (vốn đóng khung vào những “định kiến” mà dễ rơi vào nhóm tư duy bảo thủ). Tôi lại có một cách suy nghĩ - nếu bạn nói “điếc không sợ súng” cũng được nhưng thường nó là “out of the box”!


Đúng, tôi là kiểu người “liều ăn nhiều” nhưng tôi không để cho cảm xúc chi phối quyết định. Để giảm thiểu rủi ro, bao giờ tôi cũng đưa ý tưởng sản phẩm (thực phẩm chức năng) “khác người” cho một số người hiểu biết (khách quan) đánh giá. Tôi kiếm 3-4 dược sĩ (Mỹ, Ấn Độ, Canada) để họ phản biện.


Có vẻ như mỗi ngày tôi viết lên đô rồi. Cũng hơi dông dài nhưng tôi nghĩ nó sẽ dễ tiêu hóa hơn. Nhưng tôi vẫn mong có ai dịch được cuốn sách 600 trang này. Vì nó quá hữu ít. Chỉ có điều nó hơi khô.


Tôi có bàn với Huy (Founder của PITO): PITO có thể tài trợ một phần nào đó cho việc xuất bản sách. Và tôi cũng mong có những người như chị Nguyễn Phi Vân chủ biên (dịch). Vì đề tài này cần người thâm sâu, có kinh nghiệm thực tế và trải nghiệm nhiều thì mới chuyển tải hết ý của Ray. Và tôi nghĩ, chị Phi Vân là người tốt nhất làm việc này!


Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>