30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 10:
Hãy Nghĩ Kỹ Trước Khi Làm!

Sau khi Bước 3, là bạn đến Bước 4: Lên kế hoạch thực hiện!

Nói cách khác là bạn phải suy nghĩ đầy đủ trước khi làm.


Bạn đã trải qua một số bước như Biết rõ mục tiêu (Bước 1). Xác định vấn đề cần giải quyết và không chấp nhận sống chung với lũ (Bước 2) và Chuẩn đoán tìm ra nguyên nhân sâu xa (Bước 3).

"Nói cách khác là bạn phải suy nghĩ đầy đủ trước khi làm"

Ở Bước 4 này bạn sẽ đưa ra một số hành động giải quyết những nguyên nhân sâu xa, giúp bạn đạt được mục tiêu. Nhiều người chỉ cắm đầu vào làm chẳng có một hoạch định là làm những gì trong bao lâu và cần chuẩn bị gì.

Khi thực hiện Bước 4, Ray có một số gợi ý và lưu ý. “Đầu tiên bạn nên lùi lại trước khi đi tiếp. Bạn thử tua lại câu chuyện hoặc vấn đề (liên quan) cho đến thời điểm này.


Và hình dung ra là bạn sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đề ra”. Mục đích để tua lại một phần là để giúp bạn nhớ những “bài học” (nỗi đau do bị ngã) cần xem xét cho những lần tới. Và lần tới là lần này.

Để tôi nhắc lại một tí. Lần trước tôi đã đề cập đến một Nguyên tắc của Ray.


Đó là Cảm giác đau + Nghiền ngẫm = Tiến bộ

"Bạn nên lùi lại trước khi đi tiếp. Bạn thử tua lại câu chuyện hoặc vấn đề (liên quan) cho đến thời điểm này. Và hình dung ra là bạn sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đề ra”

Khi bạn đau (bị té) nếu bạn chịu nghiền ngẫm, bạn sẽ nghĩ làm thế nào để lần tới không bị té hay làm thế nào để vượt qua chướng ngại.

Thì bây giờ khi bạn lên kế hoạch Bước 4, bạn cần “hồi tưởng” lại để đem những bài học (giúp tôi Tiến bộ) cho lần này. Thí dụ lần trước Bài học tôi rút ra (để phát âm đúng) là tôi cần phải giao tiếp nhiều với người bản xứ.


Như vậy trong kế hoạch tôi nên xem xét một số hoạt động: tham gia các câu lạc bộ, học thêm (người bản xứ), tìm thêm bạn để tám…

Lúc này bạn sẽ thấy vì sao khi tập trung (vào một việc nào đó) sẽ cho kết quả tốt hơn. Vì bạn sẽ nhớ và đem qua ngay những “bài học” để giúp bạn tiến bộ.


Tôi có một đồng nghiệp trẻ (ở Max Communications). Bạn này lúc đó Sinh viên (học ngành Kỹ thuật) làm part-time. Tốt nghiệp xong bạn muốn làm chính thức. Trở ngại lớn nhất của bạn là tiếng Anh “một chữ bẻ đôi” cũng điếc.

Kế hoạch mà tôi đề nghị là cho bạn mượn tiền một phần (sau trừ dần vào lương) để qua bên Philippines học tiếng Anh. Sáu tháng sau bạn về nói như “sáo”.


Đề nghị này có được là do tôi quan sát nhiều người học lây nhây tuần 3 buổi (nhưng chẳng đi đến đâu) và kinh nghiệm bản thân tôi (học ở Philippines).


Tôi đã cố đưa những “bài học” của mình (và của người khác) và bạn này đạt được trình độ nói viết trong một thời gian ngắn nhất. Và từ kết quả này tôi mạnh dạn giới thiệu cho người khác (từ từ biến nó trở thành Nguyên tắc)!

Chỉ khi nào bạn bị “ám ảnh” về mục tiêu hay giải pháp bạn đang tìm kiếm thì bạn mới dễ thành công.

Khi cần học một kỹ năng gì mới tôi thường tập trung trong một thời gian một vài ngày cho đến tuần. Tương tự tôi thường giải quyết từng cụm vấn đề (project) để có đủ thời gian nghiền ngẫm.


Thí dụ tôi sẽ nghiên cứu một lúc 5 – 6 sản phẩm mới thực phẩm chức năng (và để trong “Ngân hàng sản phẩm”) sau đó đưa vào sản xuất dần trong 1 năm.

Trong 1 tuần đó tôi sẽ “ăn ngủ nghỉ” với nhiệm vụ này. Sau đó tôi sẽ tạm vứt nó làm những việc hàng ngày khác hoặc những việc mà cũng lại cần tập trung.


Chỉ khi nào bạn bị “ám ảnh” về mục tiêu hay giải pháp bạn đang tìm kiếm thì bạn mới dễ thành công. Grant Cardone, tác giả cuốn The 10X Rule cũng đã khẳng định như vậy.


Kiểu như mỗi ngày thức dậy bạn chỉ nghĩ đến mục tiêu: “Làm sao tôi đạt doanh số 10 triệu đô!”

“Có rất nhiều con đường đưa bạn đạt mục tiêu. Bạn phải chọn được đường hợp với bạn nhất!”

Ray cũng lưu ý: “Có rất nhiều con đường đưa bạn đạt mục tiêu. Bạn phải chọn được đường hợp với bạn nhất!”

Theo Ray, bạn cần tham khảo những đề nghị của những người “đáng tin” (có chuyên môn và giải thích rõ là họ đã làm chuyện trong cùng hoàn cảnh như thế nào).


Đây là những người có thể giúp cho bạn thấy được cái bạn không thấy (điểm mù) và những người giúp loại bỏ cái tôi làm cản trở những quyết định đúng của bạn. Cuối cùng bạn là người phải chọn ra con đường phù hợp nhất với bạn.

Trong nhiều trường hợp bạn cần phải tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ hơn là dàn trải. Bạn chỉ có thể làm tốt nhất một nhiệm vụ nào đó nếu bạn có đủ nguồn lực (thời gian, tiền bạc…)

Hãy tưởng tượng một kế hoạch kịch tính như một kịch bản phim với những hành động cụ thể như ai làm gì ở đâu khi nào”.


Ở giai đoạn này bạn cần phải có kế hoạch cụ thể để làm. Khi đã nói đến kế hoạch thì phải bao gồm ai làm, làm như thế nào, ở đâu, tốn bao nhiêu tiền, khi nào bắt đầu và khi nào xong…


Nhiều người quá mất thời gian để làm kế hoạch (quá chi tiết). Và rồi kế hoạch đó vẫn là kế hoạch (trên giấy) mà không triển khai. Hoặc có triển khai thì tốn quá nhiều nguồn lực và kết quả lại không mỹ mãn.

Người khác thì lại thiếu kế hoạch (cụ thể) nên cũng không cho kết quả mỹ mãn.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 10

Ở Bước này, tùy vào mục tiêu (nhiệm vụ) mà tôi sẽ lên kế hoạch khác nhau.

Nếu là nhiệm vụ cụ thể rõ ràng như làm cái cái khung gỗ trồng cây (Planter) thì kế hoạch rất cụ thể: làm bao nhiêu cái (planter), kích thước từng cái, dụng cụ (xe kút kít, bay xẻng, máy khoan….) ở đâu (hay mượn của ông hàng xóm), đất (đất gì, bao nhiêu bao), gỗ/ ốc (loại gỗ, cắt thành mấy đoạn mấy đoạn…), ai phụ thêm…


Nhưng nếu nhiệm vụ lớn và và kéo dài thời gian thì tôi (chắc người khác cũng vậy) chỉ có thể xây một khung(sườn)lớn rồi sẽ đắp thêm chi tiết sau. Vì không thể ngồi vẽ ra kế hoạch chi tiết cho những chuyện mà mình mù tịt.

Thí dụ tôi đặt ra mục tiêu “Thực phẩm chức năng 10 triệu đô trên Amazon.” Toàn là những cái tôi chưa bao giờ làm: làm thực phẩm chức năng và bán trên Amazon.


Tôi bắt đầu từ những nhóm công việc (khung): Thương hiệu, phát triển sản phẩm/ SX và bán trên Amazon. Rồi từ từ “đắp” vào chi tiết (sau khi bắt tay vào làm), và hình thành lên kế hoạch cụ thể hơn.


Và trong kế hoạch tôi luôn nhìn những nhóm sản phẩm, khác biệt của sản phẩm so với đối thủ là gì (“mạnh” hơn, thêm tính năng, uống ít viên hơn, chai lớn, giá rẻ…) thiết kế nhãn của toàn bộ portfolio như thế nào (chỉ là phát thảo)…

Một thí dụ dễ hiểu. Khi có khu đất cần xây nhà bạn cần phải quy hoạch hợp lý chỗ nào là nhà, hồ bơi, vườn cây ăn trái, nông trại…


Có thể bạn sẽ chưa xây hết những cái đó nhưng nó đã được tính toán cụ thể từ trước.

Tôi có một người hàng xóm ở Q.9. Họ có khu đất hơn 3 hec-ta.


Đầu tiên là làm công ty và kho (chứa máy may công nghiệp). Sau đó họ quyết định làm thêm biệt thự để ở.

Biệt thự xây xong thấy đất kế bên có hồ bơi. Thế là quyết định làm hồ bơi.


Khổ một cái là thiếu quy hoạch từ trước nên vị trí đặt rất bất hợp lý.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 10

Lẽ ra phải xây ở chỗ kín đáo riêng tư, nếu thích “bơi tiên” thì đi vài bước là vào nhà - thì hồ bơi lại được đặt ra ngay mặt tiền gần cổng công ty.


“Viết ra kế hoạch cụ thể và đưa cho nhiều người xem để cùng đo lường tiến độ.”

Nhiều người có kế hoạch nhưng lại “im ỉm” để nếu mình không làm thì chẳng ai biết.

Nếu kế hoạch đó liên quan đến những người khác thì bạn cần phải để họ biết và cùng xem kết quả có đạt được mục tiêu hay không, có đúng theo tiến độ hay không, cần rút ra bài học gì để tiến bộ lần tới…


Thậm chí ngay cả mục tiêu đó của riêng bạn thì bạn cũng nên chia sẻ cho những người khác để có người “dòm ngó” giúp bạn đạt được mục tiêu.


Hồi trước khi có kế hoạch bỏ thuốc lá tôi cũng đã nói cho một số người biết để “giúp đỡ” và để không có đường lùi.

Bây giờ có Facebook nên nhiều người đã chia sẻ kế hoạch “buộc bụng” và họ thường xuyên chia sẻ những hoạt động ăn uống, tập luyện và size áo mới mua…

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 6

Nhiều người thường nói “Nói trước bước không qua!” Và họ không nói gì cả. Và thường là họ không đặt ra bất cứ mục tiêu gì (vì sợ nói trước).

Bạn sẽ không đạt được gì nếu bạn không xác lập ra mục tiêu. Và không có mục tiêu thì bạn sẽ không làm tiếp 4 bước còn lại.


Đây là những người thường là chẳng làm gì hết!

Bạn cũng có thể chia sẻ những mục tiêu mà bạn đeo đuổi cho những người có thể giúp bạn trực tiếp hoặc gián tiếp. Đó là những người “đáng tin” và những người cho bạn năng lượng tích cực.

“Hoàn toàn không mất thời gian (như bạn nghĩ) để phác thảo một kế hoạch hành động!” Ray khẳng định. Những bước này rất là quan trọng vì nó bạn đạt được mục tiêu hiệu quả nhất!”


Nhiều người không có thói quen lên kế hoạch hoặc coi thường việc làm kế hoạch nên nói tiếng trước tiếng sau là nhảy vào làm. “Hoạch định luôn đi trước thực hiện!”


Trẻ cần được luyện Nguyên tắc 5 bước, trong đó có Bước lên kế hoạch.

Hôm rồi Mother’s Day cháu lớn khởi xướng làm tiệc tối. Cháu cũng lên kế hoạch: làm món gì, mua thực phẩm, gia vị, ai phụ thêm…


Khi cùng làm việc với cháu tôi đặt mục tiêu là giúp cháu biết cách hoạch định bất cứ chuyện gì lớn nhỏ.

Có những đứa trẻ học (hoạch định) một cách tự nhiên (dễ dàng). Có những đứa trẻ khác thì lại không mạnh. “Luyện” thường xuyên kỹ năng này chắc chắn sẽ cải thiện.


Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>