30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 12:
Khi Nào Hổ Thêm Cánh?
Thành công là chuỗi kết quả của những hành động (thành công) được lặp đi lặp lại nhưng ở mức độ cao hơn.
Nói cách khác, thành công cũng là tập hợp của nhiều kết quả (thành công) khi áp dụng Nguyên tắc 5 Bước thành công.
Khi bạn thành công (ở mục tiêu này) bạn sẽ nâng dần lên mục tiêu cao hơn. Và cứ thế bạn tiến bộ mỗi ngày.
"Thành công là chuỗi kết quả của những hành động (thành công) được lặp đi lặp lại nhưng ở mức độ cao hơn."
Theo Ray không phải ai cũng có thể làm tốt tất cả Nguyên tắc 5 Bước Thành công.
“Bởi lẽ mỗi bước nó đòi hỏi một cách suy nghĩ khác nhau. Và mỗi người khác nhau có những thế mạnh khác nhau!
Thí dụ, Bước 1: Xác định mục tiêu. Cụ thể, là “Bạn muốn cuộc sống sẽ như thế nào?” hay “Muốn làm gì trong 20 năm nữa!”
“Để làm tốt việc xác định này bạn cần phải giỏi về suy nghĩ mang tính chiến lược (nhìn xa), có khả năng tưởng tượng và ưu tiên.”
Bạn sẽ khó mà trở thành một bác sĩ giỏi và một nghệ sĩ dương cầm.
Tôi đang nói về bạn chứ không nói về bác sĩ XYZ (mà cũng là nghệ sĩ dương cầm).
Lý tưởng là bạn có được một người coach (huấn luyện viên) giỏi có thể hướng dẫn và cùng giải quyết với bạn bước này.
"Nếu bạn có tinh thần cởi mở, dễ dàng chấp nhận cái mới và khiêm tốn bạn sẽ có được cái bạn muốn."
“Ở Bước 2 Xác định vấn đề (và không chấp nhận sống chung với lũ) nó đòi hỏi bạn phải là người cởi mở và cầu tiến, sẵn sàng xem xét điểm yếu, thất bại để tiến bộ.”
Không nhiều người Việt chúng ta có được đức tính này. Đó là lý do lớn cản trở chúng ta thành công.
Tương tự ở Bước 3 Chẩn đoán để tìm nguyên nhân sâu xa, “nó đòi hỏi bạn mạnh về logic, có khả năng nhìn thấy nhiều cơ hội khác nhau và mạnh dạn trao đổi (với những người khác) để tìm ra nguyên nhân cốt lõi nhất.”
“Ở Bước 4, Lên kế hoạch nó lại đòi hỏi người làm (bước này) phải có thực tế (kinh nghiệm) và khả năng tưởng tượng.”
Thường là những người ít nhiều có kinh nghiệm (trong vấn đề bạn đang gặp phải) thì họ sẽ giúp bạn tốt hơn.
“Trong khi đó, Bước 5 Thực hiện đến kết quả cuối cùng) thì cần những người có tính kỷ luật cao, thói quen làm việcvà khả năng dứt điểm (hoàn thành công việc).”
Ai sẽ làm tốt lúc này 5 bước này? Chẳng có ai cả. Khó có ai có thể hoàn hảo để có thể làm (giỏi) hết tất cả. “Nhân vô thập toàn” ông bà ta đã nói rồi.
Ray cho biết: “Thật ra là có.Ai có tính khiêm tốn người đó có thể có hết được những gì bạn cần từ những người khác!”
Nghĩa là nếu bạn có tinh thần cởi mở, dễ dàng chấp nhận cái mới và khiêm tốn bạn sẽ có được cái bạn muốn. Cái bạn có được thực ra là từ người khác đem lại.
“Ai cũng có điểm yếu.Điểm yếu này nó sẽ xuất hiện nhiều lần (lặp đi lặp lại) dưới dạng những sai lầm.
Biết được những điểm yếu này và mạnh dạn xem xét những điểm yếu của mình là bước đầu để giúp bạn thành công.”
Không chỉ là những điểm yếu chung chung (dẫn đến sai lầm). Ray còn muốn nói rõ những điểm yếu đó là những bước trong Nguyên tắc 5 Bước thành công.
“Xác định xem bước nào trong Nguyên tắc 5 Bước Thành công bạn thường thất bại. Tìm sự trợ giúp từ những người mà họ mạnh về bước đó, đặc biệt là họ khách quan hơn!”
Như Ray đã nói, mỗi bước cần những kiểu người (suy nghĩ) khác nhau.
Đó là lý do bạn cần có coach (giúp bạn phát triển cá nhân), tư vấn (từ bên ngoài) hoặc đồng nghiệp trong team, hoặc đối tác làm ăn chung hay bạn bè để giúp bạn làm tốt ở bước mà bạn thường thất bại.
Nếu bạn là người “biết tuốt” thì sẽ càng khó cho bạn tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài (vì bạn sẽ nghĩ: “Tôi biết làm rồi”, “Tôi giỏi rồi”…)
Tôi có đứa em họ (con “ông chú Viettel”). Đi học ở Úc 4 năm đại học và 2 năm Cao Học (về Online Marketing).
Tôi có cảm giác là mục tiêu nó quá thấp so với trình độ vì thấy công việc quá khiêm tốn của em (ở một công ty SX hàng công nghiệp chủ Đài Loan) có vẻ như không “xứng tầm” (với bằng cấp).
Thế là tôi gọi điện muốn coach và giúp định hướng công việc, đặc biệt là trong ngành tiếp thị, quảng cáo mà tôi có kinh nghiệm (cả ở client và agency). “Em ổn” và “Cám ơn, em không cần ai giúp!”
“Bất cứ ai chắc chắn cũng sẽ có 1 yếu điểm gì đó mà nó cản trở bạn thành công, hãy tìm và diệt” Chính xác là hãy tìm ra và xử lý. Cái này thì rõ ràng rồi. “Nhân vô thập toàn mà”!
“Viết xuống cụ thể bước nào mà bạn yếu, tự đặt câu hỏi: tại sao nó tồn tại (vì cảm xúc, cái tôi?) nên bạn thực hiện không tốt (bước đó).”
Chỉ khi nào bạn viết ra thì bạn mới thực sự xem xét nghiêm túc. Còn bạn cứ để trong đầu (coi như đã nhớ) nhưng thực ra bạn chẳng nhớ gì cả. Và bạn chẳng dám đối mặt với điểm yếu này.
“Bất cứ ai chắc chắn cũng sẽ có 1 yếu điểm gì đó mà nó cản trở bạn thành công, hãy tìm và diệt”
“Rất nhiều người luôn có 1 hay 2 những chướng ngại, nếu bạn giải quyết triệt để hay tìm cách lách qua được thì bạn sẽ tiến bộ đáng kể.Nếu bạn bắt tay vào xử lý thì sớm muộn gì bạn cũng xử lý thành công với cản trở này!”
Chỉ có khi nào bạn xác lập được ý chí là tôi sẽ giải quyết điểm yếu này thì bạn mới có thể thành công (trong việc xử lý). Còn không thì chỉ “thoáng qua” đến rồi đi thôi.
“Bạn có thể tự mình xử lý hoặc có sự trợ giúp từ bên ngoài. Để có sự trợ giúp từ bên ngoài bạn phải khiêm tốn. Đức tính này nó còn quan trọng hơn là sức mạnh vốn có của bạn. Nếu bạn có cả hai thì trên cả tuyệt vời”
Cái này thì rõ rồi. Rất nhiều người thành công không hẳn là họ giỏi về lĩnh vực đó mà đơn giản học tập được những người giỏi giúp họ giải quyết được điểm yếu (cản trở họ thành công).
Bill Gates không cần là người lập trình giỏi nhất. Steve Jobs không cần là người giỏi nhất về phần cứng.
Có tính khiêm tốn sẽ giúp bạn luôn lắng nghe, học hỏi và tự tìm ra điểm yếu để giải quyết.
Và nếu bạn có tìm ra điểm yếu của người khác thì bạn (với đức tính khiêm tốn) sẽ giúp họ tiến bộ.
Khác với những người luôn hãnh tiến, khoe khoang luôn tìm thấy điểm yếu, sai lầm của người khác không phải để mình học (tránh sai lầm cho mình lần tới) mà cố để chứng minh là họ giỏi (còn bạn không biết gì).
Nếu đi làm mà bạn tìm được sếp – giúp được bạn tìm ra điểm yếu (thường là bạn không thấy) rồi giúp bạn phát triển thì bạn sẽ tiến bộ rất nhiều trên con đường sự nghiệp.
Nhưng thực tế không dễ như vậy. Tôi không được may mắn nhiều nhưng vì tinh thần ham học hỏi, cầu thị và khiêm tốn đã giúp cho tôi tiến bộ (lưu ý, tôi không thích dùng chữ thành công!)
"Rất nhiều người thành công không hẳn là họ giỏi về lĩnh vực đó mà đơn giản học tập được những người giỏi giúp họ giải quyết được điểm yếu"
Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp MBA năm 1994 là Management Trainee tại một công ty bia rượu.
Dự định 6 tháng nhưng chương trình thực tập quản lý sau đó bị cắt ngắn vì tôi phải chuyển gấp qua phòng Marketing (để phụ cho một anh Quyền Giám đốc Marketing). Do không có “nghề” (Marketing) nên anh đã đề nghị Phòng Nhân sự chuyển tôi về gấp để hỗ trợ.
Một mặt là anh cần tôi. Mặt khác thì anh lại cứ cố chứng minh (với mọi người trong Phòng) là tôi không có năng lực và kinh nghiệm (chỉ học lý thuyết thôi).
Thay vì anh “xài” tôi để giải quyết điểm yếu (Marketing) cản trở anh đạt mục tiêu (trở thành Giám đốc Tiếp Thị) – thì cảm xúc (đố kỵ), cái tôi (“Tôi giỏi hơn nó!”, “Nó chỉ học lý thuyết thôi, chẳng có kinh nghiệm gì!”) làm ngáng đường anh (nhận ra điểm yếu, học hỏi) và không tận dụng triệt để sự trợ giúp của tôi.
Anh đã không được bổ nhiệm vị trí mong muốn sau đó. Còn tôi được nhận vào công ty Electrolux với chức vụ Giám đốc Tiếp thị (vì tôi không tìm thấy cơ hội cho mình học hỏi ở công ty rượu bia).
“Thà làm lính thằng giỏi còn hơn làm sếp thằng ngu” các bạn ạ! Những người giỏi hơn bạn (để cho bạn học hỏi) không nhất thiết là họ giỏi hơn bạn cái chuyên môn (bạn đang làm) nhưng họ có thể chỉ cho bạn những điểm yếu, rồi giúp bạn tiến bộ. Như tôi nói không phải ai cũng thể tự mình nhìn thấy được những điểm yếu.
“Một số người giỏi, tự biết được mình cần làm gì”, theo Ray, “Những người này họ có bản đồ tư duy tốt. Có thể là do họ tự học mà có hoặc có may mắn được trời ưu đãi cho khả năng suy đoán tốt. Nhưng dù có được từ đâu những người này luôn có sẵn hoặc tự tìm ra nhanh câu trả lời (giải pháp).”
Nếu lập team đây là người bạn cần tìm – để giúp giải quyết những điểm yếu của bạn.
Tuy nhiên nếu người này là người có tư tưởng bảo thủ (Fixed Mindset) cũng sẽ là thách thức cho bạn vì những người dạng này ít chịu lắng nghe, ít chịu chấp nhận sự khác biệt và không thích nhận sự trợ giúp.
“Tương tự nhiều người rất khiêm tốn và luôn cởi mở, cầu tiến hơn những người bình thường khác. Khiêm tốn nó quan trọng hơn là sở hữu bản đồ tư duy vì nó giúp bạn dễ dàng tìm được những trả lời (giải pháp) từ nhiều người khác hơn là tự chính mình. Nếu bạn vừa khiêm tốn và vừa sở hữu bản đồ tư duy thì giống như hổ thêm cánh vậy!”
Hay như Elon Musk. Anh đâu phải là kỹ sư thiết kế hay vận hành hỏa tiễn hay phi thuyền vũ trụ.
Nhưng Elon có khả năng tập hợp được những người giỏi giúp anh giải quyết những điểm yếu cản trở anh đạt được mục tiêu (là cung cấp dịch vụ du hành vũ trụ giá rẻ) cho SpaceX.
Ray đã phát triển một biểu đồ gồm 2 trục: trục đứng đại diện cho “kiến thức” và trục ngang là tính “khiêm tốn”/ "cầu tiến" để xác định xem bạn đang ở đâu.
Câu trả lời/ giải pháp (hay “kiến thức”) bạn có thể tự mình tìm ra hoặc nhờ người khác hỗ trợ (nếu bạn “khiêm tốn”). Nói cách khác bạn sẽ tiến bộ nhờ một trong hai hoặc cả hai.
Nếu bạn có “kiến thức” (có bản đồ tư duy tốt) tự mình có thể xử lý được hết nhưng tư duy bảo thủ (Fixed Mindset) thì bạn vẫn ok nhưng sẽ không xuất sắc. Bạn sẽ khó đi thật xa.
Tôi có đọc tập truyện ngắn “Nước Mỹ Nước Mỹ” của nhà văn Phan Việt, tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Chicago và hiện là Phó Giáo sư ĐH South Carolina.
Một trong những chuyện mà tôi còn nhớ, đó là nói về một người đàn ông (chắc là chồng của tác giả).
Anh giỏi (có thể nói là rất giỏi) về công nghệ thông tin (lập trình), nhưng lại tự cao (thiếu khiêm tốn), thường bị cảm xúc dẫn dắt (khi ra quyết định).
Ai anh cũng chê dở và thường làm việc thiếu kỷ luật (nên thường trễ deadline). Ai cộng tác với anh thường là “cơm không lành canh không ngọt” và ”một đi không trở lại”!
“Tương tự, nếu bạn là người cởi mở (Growth Mindset), cầu tiến và khiêm tốn nhưng bản đồ tư duy không tốt thì bạn sẽ gặp thách thức khi tìm kiếm người trợ giúp (cho bạn câu trả lời, giải pháp).”
“Người có cả hai (bản đồ tư duy và cởi mở) chắc chắn là người vô địch, chắc chắn hơn hẳn những người không có cả hai! Giống như hổ thêm cánh vậy!”
Đọc sách (nhiều) nói chung cũng là một cách giúp bạn “cởi mở” hơn và biết rằng còn có rất nhiều người giỏi hơn bạn – để xây dựng đức tính khiêm tốn.
Đọc sách cũng là một cách để giúp bạn học trước được những bài học (mà không phải trả tiền) mà không phải đợi đến khi mình gặp (mà bạn đã chuẩn bị từ trước)!
Và bạn thấy đó là lý do những người thành công như Bill Gates, đọc sách là một phần không thể thiếu. Giống như bạn ăn mỗi ngày vậy.
Và cuốn sách Principle: Life and Work (của Ray Dalio) mà tôi đang viết Nhật ký quả là một cuốn sách đáng đọc nhất trong tất cả cuốn sách. Có thể nói nó là cuốn bạn phải đọc (và đọc đi đọc lại nhiều lần).
Và cuốn sách này, ngay từ đầu tôi đã đề cập, Bill Gatesđã dành tặng những lời có cánh: ““Ray Dalio đã chỉ cho tôi hướng tiếp cận và cách nhìn hữu dụng và giờ đây trao lại cho các bạn!”
“Nếu bạn là người biết rõ mình yếu chỗ nào và là người cởi mở, khiêm tốn (cho phép bạn tìm trợ giúp) – thì tin tôi, không có gì mà bạn không làm được! Nhưng nói thật rất là nhiều người đã thất bại vì không làm được 2 điều này!”
Lấy tôi là thí dụ. Tôi không hẳn giỏi (thậm chí là dở) về những việc như mộc, sửa chữa, kỹ thuật, online… Tôi chỉ có thể nói là tôi biết về cách tiếp cận, xử lý, biết tìm người trợ giúp.
Tôi lại là người cầu tiến, cởi mở luôn tìm những điểm yếu của mình để xử lý.
Và vì khiêm tốn nên tôi dễ dàng tìm được sự trợ giúp để có thể thành công như tôi làm hàng rào, làm vườn và làm kinh doanh thực phẩm chức năng trên Amazon.
Có một thực tế là: Người Việt mình khó làm ăn chung. Xáp vô là có chuyện. Thất bại rã đám thì không nói.
Thành công rồi cũng “tan đàn xẻ nghé” theo kiểu: “Thành công là công đầu là của tôi. Thằng đó nó có làm được gì đâu!”
Hoặc chưa ra gì là cũng xào xáo, mất tập trung nên đâu thể toàn tâm toàn ý để đi đến thành công được.
Có nhiều lý do nhưng tựu trung lại nó liên quan đến cảm xúc và cái tôi. Nhiều quyết định không dựa vào lý trí (đúng sai) mà dựa vào cảm xúc cá nhân (nên mưa nắng thất thường).
Và thường đưa cá nhân vào công việc nên dễ ra quyết định sai (theo kiểu: chọn màu bao bì không phải để nổi trên kệ mà do tôi thích, đặt tên sản phẩm không phải vì yếu tố tiếp thị mà đó là tên con gái…)
Tương tự, cái tôi quá lớn. Đâu đó nó cũng liên quan đến tính thiếu khiêm tốn, không chịu cởi mở, bịt tai không lắng nghe, bỏ qua những cơ hội giúp thành công.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa phải đi với bạn”. Bạn phải tìm cho mình người giúp bạn giải quyết những điểm yếu (trong NGUYÊN TẮC 5 BƯỚC THÀNH CÔNG). Nếu tìm được thì bạn giống như Hổ thêm cánh vậy!
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen