30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 14:
Thất Bại Có Phải Thất Bại?
Hôm rồi nghe Đông Huy (Founder của PITO) thông báo là đóng cửa “đứa con tinh thần” Cocorico Bistro. Tôi không bất ngờ vì đã được biết trước.
Có điều này thì bất ngờ: hôm nay tôi sẽ “bắt trend” ăn theo “sự kiện” (buồn) này. Tôi muốn dùng một số nguyên tắc của Ray (mà tôi đã viết) để soi rọi lại thất bại này cũng như xem liệu nó có là “thất bại” đối với Đông Huy hay không?
Việc soi rọi, chiêm nghiệm ngay từ đầu viết Nhật ký tôi đã nói rõ. Nó giúp cho tôi “tiêu hóa” được cuốn sách và cũng giúp cho bạn hiểu rõ hơn nguyên tắc và cách áp dụng như thế nào.
Tôi sẽ bắt đầu lại với Nguyên tắc đầu tiên: BẠN MUỐN LÀM GÌ? HÃY CAN ĐẢM ĐEO ĐUỔI!
“Ước mơ là thứ rẻ tiền nhất!”
Ai cũng có thể mơ nhưng ít ai bắt tay làm.
Đông Huy muốn làm chủ nhà hàng từ khi là cậu bé ngồi nướng sườn cho mẹ (chắc là bán cơm tấm).
Viết đến đây làm tôi chảy nước miếng và nhớ đến quán cơm tấm bà Bảy Rớt (đầu đường Tô Hiến Thành) những năm sau giải phóng. Lúc đó nhà nghèo (tôi cũng phụ mẹ rửa chén và bưng cho khách ở chợ Hòa Hưng) chỉ mong ước một lần được ăn một dĩa “sà bì chưởn” với miếng sườn nướng bốc khói nghi ngút to tổ chảng. Chỉ ghét một cái là cơm thì chỉ có một nhúm chút xíu. Nếu có ăn chắc phải kêu thêm 5 chén cơm thêm nữa thì ăn mới đã! Nhưng đến lúc có tiền để ăn thì quán đã dẹp!
Lan man một chút vậy thôi. Để tôi quay lại chủ đề chính.
Nguyên tắc thứ 2 của Ray: ƯỚC MƠ + THỰC TẾ + BỀN CHÍ = CUỘC SỐNG VIÊN MÃN!
Và Huy đã nuôi ước mơ 15 năm để trở thành ông chủ nhà hàng Bistro (gà nướng). “Ước mơ là thứ rẻ tiền nhất!” Ai cũng có thể mơ nhưng ít ai bắt tay làm.
Tuy nhiên ước mơ chỉ là cái bắt đầu. Quan trọng là bạn phải hiểu rõ thực tế (khó khăn, thách thức) và làm thế nào để xử lý những khó khăn thách thức này.
Trên con đường để đạt được mục tiêu (làm chủ chuỗi Nhà hàng) bạn luôn vấp ngã (làm bạn đau). Một số đứng dậy, vội vã rời bỏ cuộc chơi theo kiểu “Game is over”: “Cái này nó không dành cho tôi!”
Số khác như Đông Huy (chắc chắn cũng bị đau), tiếp tục suy nghĩ (nghiền ngẫm) làm thế nào để lần tới không bị té nữa. Nghĩa là, Đông Huy cũng đã làm theo NGUYÊN TẮC của Ray:
"Bạn chạy, rồi té, cảm thấy đau. Một số sẽ suy nghĩ (nghiền ngẫm) làm thế nào để lần tới không té nữa. Và bạn sẽ ít bị té hơn. Nghĩa là tiến bộ hơn và thành công"
ĐAU ĐỚN + NGHIỀN NGẪM = TIẾN BỘ
Khi bị té (sai lầm, thất bại) nhiều bạn sẽ rút ra một số nguyên tắc cho riêng mình. Người thông minh (như Ray nói) là vậy.
Nhưng cuối cùng mục tiêu mở thành công chuỗi nhà hàng Bistro cũng đã thất bại – bằng chứng là Đông Huy đã quyết định đóng cái thứ 2, kết thúc ước mơ này. Vậy như vậy bạn đã thất bại rồi, đúng không?
Đúng rồi, bạn ấy lại té. Lần té này rất đau nhưng có phải nó kết thúc luôn ước mơ?
Hoàn toàn không. Nguyên tắc “té” của Ray (đau đớn rồi nghiền ngẫm để tiến bộ) đã được khái quát như thế này.
Bạn chạy, rồi té (vì không vượt qua khó khăn thử thách được), cảm thấy đau. Một số sẽ suy nghĩ (nghiền ngẫm) làm thế nào để lần tới không té nữa. Và bạn sẽ ít bị té hơn. Nghĩa là tiến bộ hơn và thành công (của một mục tiêu nào đó).
Đạt được mục tiêu thấp rồi, bạn lại tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn. Tiếp tục chạy, té, ít bị té, rồi tiến bộ. Rồi đặt mục tiêu cao hơn, rồi, rồi…
Nghĩa là nó là một vòng (liên tục): chạy, té, tiến bộ, chạy té, tiến bộ… Cứ thế và cứ thế. Nên cách nhìn của Ray nó hơi “triết lý” (theo kiểu “tạo hóa xoay vần”) là vì vậy (lúc đầu tôi cũng không thật sự hiểu lắm).
Điều quan trọng nhất của thất bại (té) là bạn phải tự nghiền ngẫm, rút ra bài học để lần tới không phạm lại sai lầm (té) như vậy.
Cú té của Đông Huy (đóng của nhà hàng Cocorico) đâu có kết thúc. Mà Huy đã “nghiền ngẫm” để ít té hơn, để rồi tiến bộ hơn. Bằng chứng là Huy đã cho ra đời Fairy Thôi Nôi (Chuyên tổ chức tiệc thôi nôi tại nhà) và nền tảng Đặt tiệc & Thức ăn Doanh nghiệp PITO - Corporate catering made simple.
Huy đã học được bài học (Vận hành chuỗi nhà hàng là khó khăn, thách thức lớn). Và bạn đã “né” nó bằng 2 ý tưởng kinh doanh mới – tiếp tục cuộc hành trình trở thành ông chủ chuỗi nhà hàng. Mục tiêu này (PITO) nó “cao” gấp nhiều lần so với mục tiêu trước đây: PITO là nền tảng đặt tiệc và thức ăn cho doanh nghiệp do các đối tác (nhà hàng) cung cấp và phục vụ. Kiểu như nền tảng giao thức ăn của GrabFood nhưng dành cho doanh nghiệp vậy.
Tôi viết những điều này không phải là để “bốc thơm” cho PITO hay để “làm dịu cảm giác đau” của Huy theo kiểu “Tái ông mất ngựa!” Tôi chỉ đơn thuần muốn soi rọi những nguyên tắc của Ray (mà tôi đã viết) thông qua “case” của Cocorico và Huy.
Điều quan trọng nhất của thất bại (té) là bạn phải tự nghiền ngẫm, rút ra bài học để lần tới không phạm lại sai lầm (té) như vậy.
Tôi hỏi Huy, thế bài học là gì? “Vận hành chuỗi nhà hàng có thể nói là đầy thách thức mà em lại thiếu tập trung!”
Tôi thích cách nói “thách thức” (của Huy) hơn là nói “khó khăn” vì chữ “thách thức” nó mang tính “tích cực” (kích thích, “khích tướng” mình và có thể làm được) hơn là khó khăn (vốn nghe là thấy tiêu cực, nghe là thấy oải muốn bỏ cuộc).
Nhưng rõ ràng vận hành một nhà hàng (hiệu quả) đã khó. Vận hành một chuỗi nhà hàng để có một chất lượng đồng nhất và có chi phí thấp nhất có thể – khó như “vá trời” vậy. Vì hai yếu tố này (chất lượng đồng nhất và chi phí thấp) không bao giờ song hành!
Người bên ngoài thì thấy dễ dàng nhưng chỉ có bên trong chăn thì mới biết nó khó như thế nào. Anh Lý Quý Trung (Founder của Phở 24) cũng đã có nhiều bài viết về thách thức này. Nhất là tính cách của người Việt nói chung và những người làm trong bếp nói riêng. Họ thiếu tính kỷ luật, không thích làm theo những khuôn mẫu (vốn cực kỳ quan trọng trong việc quản lý chuỗi).
“…mà em lại thiếu tập trung!”. Đây là bài học ai cũng mắc. Nó phản ánh điều gì?
Bạn có nhiều mục tiêu song hành với một nguồn lực giới hạn. Theo Ray, khi đặt mục tiêu (trong NGUYÊN TẮC 5 BƯỚC THÀNH CÔNG), bạn cần phải chọn cái nào là quan trọng, phải ưu tiên.
Bạn sẽ khó trở thành một bác sĩ giải phẫu giỏi mà lại muốn kéo đàn violin biểu diễn chuyên nghiệp được.
Ngay cả đã thành công rồi như ICP/XMen, nhưng khi “lấn máng” mở rộng sang một lĩnh vực khác là Thời trang cho Nam XSeries, mà phải bị tơi tả “má nhận không ra”. Đơn giản chỉ là không được tập trung (cao độ). Trong khi, XMen thành công một phần là do sự tập trung cao độ (ý chí 10X) của hai người co-founders.
Quay lại chuyện Cocorico. Nếu như vận hành chuỗi là khó (như “vá trời) mà Huy phải né – thì hoàn toàn không có gì sai. Không có gì phải cảm thấy “bỏ cuộc”.
Nói theo Ray, cuộc sống (kinh doanh) như dòng sông, luôn có ghềnh đá trên đường đi tới điểm mong muốn (thành công). Bạn phải học cách tiếp cận (approach) với vật cản sao cho hiệu quả nhất.
Thí dụ, quản lý chuỗi nhà hàng là một thử thách lớn. Vượt qua là một cách. “Né” cũng là một cách. Miễn sao cuối cùng bạn cập bến thành công.
Ray cũng nhắc đi nhắc lại: “Tuy nhiên bất cứ con đường nào bạn chọn, bạn phải ĐÓN NHẬN thực tế (khó khăn)… Đặc biệt là những thực tế phũ phàng mà bạn không giờ mong đợi!”
Nếu càng khó khăn, thử thách (“vá trời”) thì bạn sẽ được tưởng thưởng nhiều. Theo kiểu “liều ăn nhiều”. Ray có riêng một chương trong sách nói về làm sao “hài hòa” giữa rủi ro và tưởng thưởng. Tôi sẽ viết sau.
"Bất cứ con đường nào bạn chọn, bạn phải ĐÓN NHẬN thực tế (khó khăn)… Đặc biệt là những thực tế phũ phàng mà bạn không giờ mong đợi"
Tôi cũng muốn nói thêm: những bài học (thất bại) của Cocorico (mà Huy đã học được) chắc chắn sẽ được đem qua Fairy Thôi Nôi và PITO. Nên thất bại (của mục tiêu này) rõ ràng là đóng góp vào thành công (của mục tiêu khác). Chúng ta thường nghe nói: “Thất bại là mẹ thành công!”, câu này chỉ đúng nếu chúng ta tiếp tục làm.
Có một thực tế là, người Việt chúng ta thường coi thành công là đích đến. Nghĩa là “đến rồi” (đạt rồi) thì xem như “được rồi”! Chúng ta thường nghe nói: “Ôi thằng đó giàu quá rồi, tiền để đâu cho hết, còn làm chi nữa!” Có vẻ “tiền” là đích đến cuối cùng vậy.
Thành công (theo Ray) là kết quả của một chuỗi thành công. Nghĩa là hết thành công này nó sẽ tiếp đến một thành công khác. Nói cách khác nó là một cuộc hành trình không có điểm đến.
Thực ra đối với những người thành công (theo đúng nghĩa) như Ray thì họ muốn làm cái gì đó cho nhân loại (mà ông thường nói là “đóng góp cho sự tiến hóa”) hơn là chỉ nhìn thấy con số trong tài khoản ngân hàng. Vì chiếc áo quan tài là chiếc áo không có túi!
Tương tự, người Việt chúng ta lại cảm thấy “trời sập” nếu phải thất bại. Vì từ nhỏ chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng trong một môi trường (gia đình và xã hội) với một tâm lý không được thất bại, không cho phép thất bại.
Thế là ai cũng sợ (và cuối cùng là: không làm gì hết để không bị thất bại!)
Tôi thích câu nói nổi tiếng của Thomas Edison: “Tôi chẳng có thất bại gì cả. Tôi đã tìm ra hơn 10.000 cách mà nó chưa thành công đấy thôi!” hay “Thất bại hoàn toàn không phải đối nghịch với thành công. Nó là một phần của thành công!”
Nên tôi có thể nói: Thất bại (của Đông Huy) không bao giờ là thất bại!
Thành công (theo Ray) là kết quả của một chuỗi thành công. Nghĩa là hết thành công này nó sẽ tiếp đến một thành công khác. Nói cách khác nó là một cuộc hành trình không có điểm đến.
Hồi nãy đang viết giữa chừng đến giờ trưa. Tôi tự tìm cảm hứng viết Nhật ký hôm nay bằng cách tưởng thưởng cho mình một dĩa cơm (chắc không thua gì cơm tấm bà Bảy Rớt năm xưa).
Hành thì tôi ra ngoài vườn cắt mấy cọng. Cắt nhỏ rồi bỏ vào chén cùng với dầu – cho vào lò vi ba, thế là xong hành mỡ. Nước mắm thì bà xã tôi làm vẫn còn nhiều trong chai (ăn với bánh cuốn nhân thịt). Giờ dùng cho cơm “tấm” cũng “chẳng chết thằng tây nào!” Đồ chua bà xã đã làm nguyên keo.
Cơm là cơm nguội (gạo thường). Sườn nướng thì thay bằng lạp xưởng tươi Đài Loan (còn thừa 2 khúc hôm qua). Bỏ vào lò nướng lại cũng ngon thơm nhức nách! Nhờ vậy mới kết thúc được trang nhật ký hôm nay (rất là khó khăn)!
Hôm nay tôi thành công rồi đó bạn!
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen