30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 17:
Hãy “Bịt Miệng” Phần Cảm Xúc Trong Não Bạn!
Nếu bạn có đọc nhật ký của tôi từ đầu đến giờ chắc chắn đâu đó bạn sẽ nhắc đến thái độ “chào đón” khó khăn thử thách, luôn lắng nghe cầu thị để tiến bộ.
Thậm chí Ray còn nhấn mạnh đến đức tính khiêm tốn nó còn quan trọng hơn sức mạnh bản thân. Đức tính khiêm tốn này nếu cộng với tư duy bản đồ tốt (tạm gọi là thông minh) thì coi như là “Song kiếm hợp bích”.
Ray dành hẳn một chương lớn để bàn luận về tư duy cởi mở, khai phóng (Radically open-minded), dạng như tư duy tiến bộ (growth mindset) vậy. Để tiến bộ bạn phải là người có tư duy cởi mở, khai phóng.
Viết đến đây, tôi nhớ đến lần mẹ tôi sang lại gánh canh bún ở Chợ Hòa Hưng (Q.10), cách đây hơn 25 năm. Gánh bán rất ngon nên đông khách. Có nhiều người là Việt Kiều đi bao năm về nước ra chợ tìm ăn.
Sau đó mẹ tôi quyết định sang lại (vì con cái không chịu cho bán nữa). Người nhận sang là một giảng viên dạy ở trường ĐH Thủy Lợi. Là người tốt bụng, mẹ tôi truyền nghề hết tất cả (nào là luộc rau sao cho xanh, nấu gạch cua sao cho nổi lên). Chưa hết bà còn để lại toàn bộ dụng cụ và ra ngồi bán cùng với chị Giảng viên, rồi chào mời là có gì tiếp tục ủng hộ chị này.
Thế rồi bà bất ngờ nghe chị này nói với nhiều người (trong chợ): “Bây giờ là tui nấu khác rồi. Chứ không phải bả nấu nha!” Sau đó mấy tháng chị đóng sạp!!!
Rất nhiều quyết định ra “sai lệch” chỉ vì “cái tôi” quá lớn.
Cái tôi (của chị Giảng viên) là “Tôi dạy ĐH còn bả (mẹ tôi) chỉ là người học hết lớp 5!”. Cái tôi này nó “mặc định”: Tốt nghiệp ĐH (dạy SV ĐH) sẽ giỏi hơn bà bán canh bún (chỉ biết đọc biết viết).
Cái tôi đó nó đã “quên” một điều quan trọng: chị giảng viên đã phải trả tiền (mấy cây vàng thời đó) để sang lại hàng canh bún! Và cũng không xem xét: bà bán này đã đẻ và nuôi 3 đứa con tốt nghiệp Cao học và cũng đi dạy ĐH (thậm chí còn “khủng” hơn chị nữa!)
Đó là lý do Ray dành hẳn một chương quan trọng để nói. Và tôi cũng vậy. Sẽ dành hẳn ngày hôm nay để nói về cái tôi.
Nó là rào cản lớn trong cuộc sống và công việc. Nó làm mọi mối quan hệ vốn đã phức tạp trở nên rối rắm, khó lường và rủi ro đi đến đổ vỡ. Nó đâu đó giải thích có những người thông minh nhưng không thành công như kỳ vọng (cuộc sống cũng như công việc).
"Rất nhiều quyết định ra “sai lệch” chỉ vì “cái tôi” quá lớn!"
“Cái tôi chính là cơ chế tự phòng thủ trong tiềm thức của mỗi chúng ta làm cho bạn khó chấp nhận sai lầm và điểm yếu bản thân.”
Cái này là quá hiển nhiên. Và cái này cũng “bình thường như cái giường”. Không ai trong chúng ta muốn nhớ đến sai lầm. Tương tự, điểm yếu cũng vậy. “Đụng vào là có chuyện đó!” - Đụng vào là sẽ xù lông lên cho mà coi! Nguy hiểm là, sai lầm (cảm giác đau) nếu mình không nhớ (để rút ra bài học lần tới không xảy ra nữa) thì lần tới nó lại xảy ra nữa. Nghĩa là bạn sẽ không tiến bộ.
Tương tự điểm yếu (mà ai cũng có) nó sẽ hạn chế thành công khi Nguyên tắc 5 Bước (vì ai cũng bị yếu 1 hoặc 2 bước trong Nguyên tắc này). “Nhu cầu và nỗi sợ cư trú ở phần não Amygdala (hạch hạnh nhân), chính là những cấu trúc trong thùy thái dương có nhiệm vụ giúp xử lý cảm xúc”.
“Cái tôi chính là cơ chế tự phòng thủ trong tiềm thức của mỗi chúng ta làm cho bạn khó chấp nhận sai lầm và điểm yếu bản thân.”
Ray giải thích rõ thêm: “Nhu cầu và nỗi sợ luôn song hành. Nhu cầu được yêu và lo sợ bị ghét. Nhu cầu tồn tại và lo sợ bị đào thải. Nhu cầu muốn mình được quan trọng và lo sợ bị xem thường. Nhu cầu luôn muốn mình đúng và lo sợ mình sai!”
Theo Ray, phần này nằm ở phần dưới của não (thùy thái dương) “trong hẻm” nên chức năng nhận thức nó khó tiếp cận đến đó được. Nên gần như là bạn không thể hiểu được chúng (nhu cầu và nỗi sợ) muốn gì và chúng điều khiển bạn như thế nào.
“Chúng thường đơn giản hóa vấn đề và phản ứng một cách bản năng.Chúng khát khao muốn nghe lời khen nhưng lại xem chỉ trích, phản biện là cuộc tấn công (là ai đó ghét mình), ngay cả như phần trên của não (thùy trán)hiểu được rằng những góp ý mang tính xây dựng hoàn toàn tốt cho bạn. Thế nhưng nó vẫn ra sức bảo vệ bạn, nhất là khi liên quan đến những chuyện bạn giỏi.”
Khi bị góp ý sản phẩm (không tốt, dịch vụ tồi) thì nhiều người sẽ nói: “Mịa mua có nhiêu mà bày đặt ý kiến ý cò!” Hay bị báo chí phanh phui vì làm ăn “chụp giật” thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến: “Chắc bị đối thủ chơi!”
Não chúng ta được lập trình như vậy (vì luôn xem những góp ý này là tấn công có chủ đích). Mà khi như vậy chúng ta sẽ không xem xét rút ra bài học để lần tới không xảy ra nữa (sản phẩm tốt hơn, dịch vụ cải thiện…). Đổ thừa cũng là một cách não (cảm xúc) sử dụng.
"Khát khao muốn nghe lời khen nhưng lại xem chỉ trích, phản biện là cuộc tấn công (là ai đó ghét mình)..."
Sáng nay tôi nhấc máy điện thoại để bàn, có bên phát hành Báo gọi, muốn nói chuyện với cháu Kitty (15 tuổi giao báo hàng tuần kiếm tiền mua trà sữa!). Tôi biết chắc là có chuyện rồi.
Hỏi ra là, một nhà không nhận được báo nên họ gọi lên tòa soạn phàn nàn. Kitty đổ thừa là: “Minnie giận không chịu giao!” Đi giao hơn một tiếng đồng hồ một mình cũng buồn và chậm nên Kitty thường rủ bé Minnie 10 tuổi đi giao. Chọc ghẹo con bé sao đó em không chịu giao cái nhà đó và quên luôn.
Bạn thấy không: không ai muốn nhận lấy sai lầm, thất bại cả.
“Trong khi đó chức năng nhận thức (ở mức độ cao) nằm ở phần vỏ não (khu vực nhiều nếp nhăn), đặc biệt là nằm ở phần trước của thùy trán. Đây là đặc tính khác biệt nhất của não người, so với những phần còn lại của não và thường chiếm tỉ lệ cao (diện tích) ở người so với động vật.
Phần này đóng vai trò trong các chức năng thực hiện (như tự nhận thức, tự điều chỉnh cảm xúc, lập kế hoạch/giải quyết vấn đề) cũng như logic và lập luận”. Những chức năng này chỉ phát triển ở động vật có vú, đặc biệt là người.
Theo Ray có 2 “phần não” điều khiển bạn. Phần não trên (thùy trán) chịu trách nhiệm về nhận thức/ “công khai”. Còn phần não dưới (thùy thái dương) thì chịu trách nhiệm về cảm xúc/“núp bóng”.
Cả hai “phần não”, nói cho “bình dân học vụ” là 2 phần của con người bạn, luôn đánh nhau. Và mâu thuẫn này là luôn tồn tại song hành. Bản thân phần dưới giống như chó dữ luôn sủa và nhe răng trực chiến (chẳng cần suy nghĩ, cảm xúc mà) trong khi đó phần trên thì đang tìm cách suy nghĩ, giải quyết (logic).
Ray cho một thí dụ dễ hiểu. Khi bạn (gồm 2 phần người) làm việc với người khác (cũng có 2 phần người). Kết cục nhiều khi là “má nhận không ra”, chia đàn xẻ nghé. Đơn giản vì, bạn và người kia cũng không biết được phần “thú” (thùy thái dương, chịu trách nhiệm cảm xúc) nó tồn tại và tìm cách bắt cóc hành vi của người kia.
“Bạn thử xem điều gì xảy ra khi có người không đồng ý với bạn và yêu cầu bạn giải thích rõ ràng (suy nghĩ về chuyện này như thế nào và tại sao bạn làm như vậy).
Bởi vì não bạn thông thường lập trình luôn xem những thách thức (phản biện, góp ý, chỉ trích) là tấn công. Thế là bạn điên tiết lên, mặc dù đúng ra bạn cần phải tìm hiểu thêm về quan điểm của người kia (đặc biệt nếu họ là người thông minh, hiểu chuyện).
Khi bạn cố giải thích hành vi (của bạn), lời giải thích của bạn dường như vô nghĩa. Bởi vì phần dưới não (thú) nó đã “nói thay” cho bạn lúc đó. Động cơ sâu thẳm mong muốn giải thích bằng logic (tại sao bạn nghĩ hay làm như vậy) thì đã bị phần “thú” (cảm xúc) bịt miệng!”
Ray cho biết thêm: “Ngay cả những người thông minh nhất cũng hành xử như vậy. Đó là bi kịch!”
“Để giảm thiểu được điều này," theo Ray, "bạn không nên để nhu cầu (hoặc mong muốn) “tôi đúng” nó quan trọng hơn nhu cầu tìm kiếm sự thật!” Khi bạn tự lập trình “Thấy chưa, tôi nói đâu có sai!” nghĩa là bạn sẽ “đánh thức” phần cảm xúc nó dậy để “bảo vệ” cho bạn (tôi luôn luôn đúng). Trong khi nhu cầu thật, đó là đi tìm sự thật (cốt lõi) hơn là ai đúng ai sai, hơn là “tôi đúng”. Nói cách khác bạn đi tìm sự thật chứ không phải bạn cố đi chứng minh bạn đúng!
"Nói cách khác bạn đi tìm sự thật chứ không phải bạn cố đi chứng minh bạn đúng!"
“Nếu bạn quá tự hào về những chuyện bạn biết, những điều bạn giỏi, bạn sẽ không chịu học hỏi nữa, không chịu tiếp thu nữa, bạn sẽ ra quyết định kém và sẽ không phát huy hết tài năng vốn có!”
Ý này đâu đó nó liên quan đến tính khiêm tốn, tiền đề để bạn tiến bộ, phát triển và thành công. Đối lập với khiêm tốn là tự mãn. Luôn tự cho mình đúng, để cho phần “thú” (cảm xúc, cái tôi) nó cướp micro và át luôn phần trên của não, chịu trách nhiệm lý trí (“tôi chưa giỏi, tôi cần tìm hiểu thêm cái này…”)
Những người thông minh và khiêm tốn luôn dặn mình “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị” (Người giỏi còn có người giỏi hơn) – để tiếp tục học hỏi, tiến bộ mỗi ngày.
Tôi định viết tiếp về “điểm mù” (mà ai cũng có) nhưng ngồi nãy giờ đọc phần này của Ray hoài chưa hiểu hết. Nên thôi để viết tiếp sau vậy.
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen