30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 20:
Làm Sao Để Được Vừa Cởi & Vừa Mở?
Từ khi viết Nhật ký tôi bắt đầu chiêm nghiệm nhiều. Đặc biệt là những người thành công và thất bại.
Có rất nhiều người có bản đồ tư duy tốt nhưng cái tôi quá lớn (quá hãnh tiến) nên cũng không đi xa được như mong đợi.
Tương tự có người có bản đồ tư duy tốt, khiêm tốn nhưng có một số điểm mù (mà không biết) nên cũng không phát huy hết khả năng vốn có.
Thậm chí có những người có bản đồ tư duy bình thường vậy mà rất thành công. Tôi nhớ đến bạn học cùng lớp phổ thông (1981- 1984). Bạn tên Tuấn, biệt danh là Tuấn Ngố. Bạn có ngoại hình cao quá khổ (hơn 1,85m) và trắng kỳ lạ. Tôi đùa là có liên quan đến gene (vì 2 người anh em kia cũng vậy). Bạn học trung bình (hơi vất vả). Điểm đặc biệt là bạn ưa làm trò gây chú ý.
Vài năm sau khi tốt nghiệp, chúng tôi gặp nhau ở đám cưới một bạn học cùng lớp. Tuấn làm mọi người kinh ngạc. Bạn đi xe hơi đến. Có tài xế và có bodyguard (Bự như con trâu mà cần gì cận vệ? Thích làm trò mà!). Hỏi ra là sau tốt nghiệp, bạn làm quấn thuốc lá (tay) cho chủ, kích cóp tiền rồi làm ở nhà, rồi mở cơ sở, thành lập công ty chuyên bỏ thuốc lá quấn tay (rẻ tiền) đi các tỉnh. Cuối cùng là ông chủ thành công hẳn hoi!
Trùm bất động sản Donald Trump lúc trẻ là bài học nhãn tiền. Thành công giòn giã Trump được báo chí bốc lên tận mây xanh với biệt hiệu: “Đụng đến đâu là thành vàng”. Sau đó vì quá tự mãn và thiếu tập trung, Trump bắt đầu nếm mùi cay đắng, và bắt đầu học cách tiết chế cái tôi và ngạo mạn!
Trong thể thao luôn có câu nhắc nhở: “Thắng không kiêu, bại không nản!” là vậy.
Khi quá tự mãn (không còn khiêm tốn) đồng nghĩa với việc bạn sẽ ngừng học hỏi, tiến bộ.
"Khi quá tự mãn (không còn khiêm tốn) đồng nghĩa với việc bạn sẽ ngừng học hỏi, tiến bộ."
Theo Ray, cái tôi và điểm mù luôn tồn tại. Và là những cản trở chính cho bạn tiến bộ thành công.
“Nếu biết mình mù thì bạn sẽ tìm cách khác để nhìn. Còn nếu không biết mình mù (điểm mù) thì bạn sẽ cứ va đầu vào tường (lập đi lập lại những sai lầm)!”
“Nói cách khác nếu bạn biết điểm mù và chào đón ai có thể nhìn thấy (cơ hội và rủi ro) tốt hơn là bạn – thì khả năng bạn ra quyết định đúng (tìm giải pháp) là rất cao.”
Ray cho biết nếu bạn có được suy nghĩ cởi mở (Radically open-minded) – học mà có hay tự nhiên mà có, thì bạn sẽ tiết chế được cái tôi, tìm và khắc phục điểm mù để có thể “nhìn rõ” hơn.
“Suy nghĩ cởi mở có được từ nỗi lo sợ cố hữu là không biết mình ra quyết định có tối ưu chưa. Kiểu suy nghĩ tích cực này là khả năng xem xét hiệu quả mọi quan điểm, cơ hội; đồng thời loại bỏ cái tôi và điểm mù luôn ngáng đường (để có quyết định tối ưu).”
Đây là chiến lược “ám ảnh” (bằng nỗi lo sợ) để luôn tìm kiếm quyết định tối ưu hơn thông qua học hỏi (tìm người “đáng tin” hơn để phản biện…) đồng thời “dìm” cái tôi xuống (vì “tôi chưa biết gì nhiều về chuyện này, “tôi còn phải học hỏi nhiều”…)
“Nếu biết mình mù thì bạn sẽ tìm cách (khác) để nhìn. Còn nếu không biết mình mù (điểm mù) thì bạn sẽ cứ va đầu vào tường (lập đi lập lại những sai lầm)!”
Trường hợp tôi phát triển một sản phẩm (thực phẩm chức năng) hơi “khác người” một chút nên một mặt tôi rất là phấn chấn (vì có cơ hội thành công cao), một mặt tôi cũng rất lo (không biết nó có được thị trường chấp nhận hay không). Tôi luôn tìm trên mạng liệu đã có sản phẩm tương tự đó đã có hay chưa. Tôi cũng đem ý tưởng (sản phẩm) này hỏi một số người “đáng tin” (như dược sĩ trên Fiverr.com).
Ray viết tiếp: “Để có suy nghĩ cởi mở hơn, nó đòi hỏi bạn phải thay thế cái suy nghĩ “tôi luôn đúng” bằng niềm vui có được từ thái độ học hỏi sự thật (bất kể là bạn đúng hay sai)”
Nếu một lúc nào đó, bạn vẫn còn nói: “Thấy không, tao nói rồi!” hay “Mày thấy tao nói có đúng không!” thì bạn vẫn còn nghiện cảm giác “phê” vì đã đúng. Bạn cũng đã tiến bộ nhưng bạn sẽ không đi được xa vì bạn vẫn còn cái tôi (“tôi đúng!”) đeo bám.
Bạn cần phải tước bỏ cảm giác “phê phê” này bằng niềm vui “Tôi hiểu rồi. Tôi biết được rồi. Cái này là…” bất kể là ai đúng ai sai! Nghĩa là vẫn tiếp tục học hỏi, tất nhiên sẽ tiếp tục tiến bộ và thành công.
“Khi suy nghĩ cởi mở bạn sẽ điều khiển không cho phần não dưới (Cảm xúc) cất tiếng và đảm bảo phần não trên (tư duy, logic) nhìn thấy đầy đủ tất cả các chọn lựa, giải pháp, từ đó ra quyết định tốt nhất có thể. Nếu bạn có thể có được khả năng này (cùng với luyện tập) chắc chắn bạn sẽ xử lý hiệu quả những khó khăn, thách thức trong cuộc sống và công việc.”
Sau đây, Ray đã đưa ra một số chiến lược (gợi ý) để bạn có được cách nghĩ cởi mở. Và cần phải “luyện tập” thường xuyên.
“Hãy luôn nghĩ rằng cái giải pháp (con đường) bạn đưa chưa phải là tốt nhất.” Ý nghĩ này cũng là một dạng sợ hãi “ám ảnh”, để bạn sẵn lòng tìm kiếm những giải pháp tốt hơn.
Nếu bạn luôn tin rằng đây là cái tốt nhất thì bạn sẽ không xem xét những giải pháp khác.
“Tự ám thị mình, giải quyết những điều chưa biết thì quan trọng hơn là điều mình biết!” Có nghĩa là cái mình biết là hữu hạn (không bao nhiêu). Cái chưa biết mới là vô hạn (mới là nhiều). Ám ảnh điều này cũng là một cách để dặn mình “phải tiếp tục học hỏi và xem xét những khả năng khác”.
Ray giải thích thêm: Nhiều người thường ra quyết định sai vì họ luôn chắc rằng họ đúng nên không xem xét những giải pháp khác tốt hơn. Mà những giải pháp (cơ hội) nằm ở cái bạn không biết thì luôn nhiều hơn là cái bạn biết.
“Để ra quyết định đúng bạn cần phải thực hiện quá trình 2 bước: đầu tiên là thu thập thông tin liên quan và sau đó là ra quyết định.”
Nhiều quyết định đưa ra không tốt, đơn giản vì chúng ta không thu thập đầy đủ thông tin (để có những kết luận, giải pháp đầy đủ).
“Nhiều người thường miễn cưỡng thu thập những thông tin hơi tréo ngoe với quyết định sẽ định ra!”
Lý do mà họ làm như vậy là họ đã có sẵn trong đầu quyết định như thế nào rồi. Nên họ có xu hướng là chỉ chọn những thông tin nào mà liên quan đến quyết định họ sẽ ra. Nói cách khác chưa xong bước 1 (thu thập thông tin) nhưng họ đã chuyển sang bước 2 luôn rồi. Không tốt!
“Có vẻ như họ nghĩ rằng đưa những thông tin đối lập, mâu thuẫn để xem xét sẽ ảnh hưởng đến quyết định. Thực ra không phải như vậy. Xem xét những thông tin, quan điểm đối lập hoàn toàn nó không thu hẹp tự do suy nghĩ để ra quyết định độc lập. Thực tế nó giúp mở rộng thêm tầm nhìn của bạn!”
"Cái mình biết là hữu hạn (không bao nhiêu). Cái chưa biết mới là vô hạn (mới là nhiều) là một cách để dặn mình “phải tiếp tục học hỏi và xem xét những khả năng khác”
“Đừng bị sĩ diện khi ra quyết định, hãy tập trung vào mục tiêu đề ra!”
Nhiều người luôn cố gồng mình chứng minh là họ có câu trả lời, thực tế là không. Sở dĩ như vậy là họ tự nghĩ rằng những người giỏi (thành công) không có điểm yếu. Suy nghĩ như vậy cũng sẽ ngáng đường họ học hỏi!”
Bữa rồi có nói đến người bạn làm công ty quảng cáo – có điểm mù. Bạn này cũng có một vấn đề là sĩ diện (cái tôi lớn). Bạn tự đeo một mặt nạ là “Tôi giỏi, tôi pro”. Và để chứng minh cho “hình tượng” này là bạn luôn tìm cách phô diễn, gây ấn tượng với người mới gặp bằng kiến thức, sự hiểu biết (không bao nhiêu). Đồng thời bạn luôn miệng chê bai người này “đầu đất”, người kia “củ chuối”. Sĩ diện là một cách để che dấu điểm yếu, cũng cản trở bạn tiến bộ.
Theo Ray, những người có suy nghĩ cởi mở luôn thừa nhận là họ có điểm yếu và điểm mù, đồng thời luôn tìm cách khắc phục những điểm này. Và vì thế lúc nào họ cũng nghĩ giải pháp của họ chưa phải là cái tối ưu nhất.
Và khi góp ý kiến hay chia sẻ quan điểm, Ray đề nghị: “Bạn không thể chia sẻ hiệu quả nếu không có thái độ lắng nghe học hỏi!”
Nhiều người đặt câu hỏi, chia sẻ ý kiến hay bày tỏ quan điểm được nêm nếm thêm một chút khoe khoang, tự phụ - tạo cơ hội đánh thức cho “cái tôi” (tự mãn) trỗi dậy.
Một phần sẽ hại cho bạn (học hỏi tiến bộ). Một phần khác nó cũng làm cản trở sự tiếp thu của người kia. Vì như Ray đã nói, não luôn lập trình mọi lời nhận xét (dù là xây dựng) là cuộc tấn công.
Ray cũng cho biết thêm, để hiểu được quan điểm (cái nhìn) về sự vật sự việc qua mắt người khác thì bạn sẽ phải thôi đánh giá (nhận xét) về họ. Chỉ có đồng cảm mới có thể đánh giá đúng quan điểm của người khác.
“Suy nghĩ cởi mở không có nghĩa là chấp nhận cùng song hành với những điều bạn không tin, mà là xem xét lập luận của người kia thay vì cứng đầu khư khư giữ quan điểm thiếu logic của mình. Để có tư duy rộng mở bạn cần phải cởi mở thật sự chào đón những khả năng bạn có thể sai và khuyến khích người khác nói là bạn sai.”
Ray cũng nhắc nhở chúng ta: “Nhớ là bạn đang đi tìm câu trả lời tốt nhất chứ không phải là câu trả lời tốt nhất mà tự mình đưa ra!"
Câu trả lời (giải pháp) không nhất thiết là tự chính mình mà có thể từ bên ngoài. Nếu bạn thật sự tìm kiếm những giải pháp khách quan bạn cần nên biết những giải pháp tốt nhất đến từ mình thật sự là không nhiều, nếu như không muốn nói là rất ít.”
Một công nhân vận hành tay chân dầu mỡ hay một nhân viên sales ngoài chiến trường thường “đáng tin” hơn bạn (nếu bạn đang ngồi máy lạnh quản lý công ty) về công việc họ đang làm. Nên giải pháp khách quan tốt nhất là đến từ họ. Đưa những giải pháp của họ vào để xem xét khi ra quyết định, lâu dần sẽ tập cho bạn thói quen tiết chế cái tôi (tự mãn).
Ray cũng giải thích thêm về tư duy cởi mở: “Tùy thuộc vào mức độ hiểu biết (đáng tin) mà mục tiêu tranh luận như thế nào. Nếu 2 người là đồng nghiệp thì việc tranh luận là tìm ra sự thật (hơn là ai đúng ai sai).”
Theo Ray, trong trường hợp nếu một trong 2 người đáng tin hơn (hiểu biết hơn) thì mục tiêu lại khác.
Thí dụ một người là thầy (hay bác sĩ) còn bạn là sinh viên hay bệnh nhân.
Rõ ràng thầy (hay bác sĩ) trong lĩnh vực chuyên môn có thể được xem là “đáng tin” (hiểu biết) hơn bạn. Thì mục tiêu của bạn (ít hiểu biết hơn) sẽ là tìm hiểu quan điểm của người kia. Và trong trường hợp bạn đáng tin hơn người kia, bạn cũng nên khuyến khích người kia đặt câu hỏi để hiểu thêm về quan điểm của bạn (thầy giáo hay bác sĩ).
Tư duy cởi mở (theo Ray) đối với những người đáng tin hơn không có nghĩa là “răm rắp” chấp nhận hay gân cổ cãi “cố sống cố chết”, mà là đặt câu hỏi tìm hiểu quan điểm của người kia (về vấn đề liên quan đến chuyên môn của họ). Quan điểm thì không thể nói đúng hay sai.
Tôi đang liên lạc lại mấy người bạn cũ. Hỏi xem về Tuấn Ngố giờ ra sao. Tôi muốn biết xem những điều của Ray nói có đúng với bạn ấy không. Có gì mới tôi sẽ cập nhật tiếp với các bạn.
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen