30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 21:
Khi Thầy Bói Mù Xem Voi...

Ray đã bàn luận rất nhiều về 2 chướng ngại lớn cản trở bạn học hỏi và tiến bộ - đó là điểm mù và cái tôi.Liên quan đến điểm mù tôi không hiểu rõ lắm. Một phần vì nó quá mới và phần khác Ray không nói sâu. Do đó hôm nay tôi quyết định tìm hiểu thêm điểm mù bên ngoài cuốn sách của Ray


Bất ngờ là có số bài viết nói về đề tài này. Và ngạc nhiên là bài tôi đọc họ bắt đầu đề tài bằng câu chuyện “thầy bói xem voi” (chính xác là 5 người mù xem voi). Và tôi cũng muốn bắt đầu như vậy.


Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói (mù) nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem.

Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo: "Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa."

Thầy sờ ngà bảo: "Không phải! Nó dài dài như cái đòn càn."

Trong khi đó, thầy sờ tai lại bảo: "Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc."

Còn thầy sờ chân cãi: "Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình."

Thầy sờ đuôi lại nói: "Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn."

Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toác đầu chảy máu.


Đây là câu chuyện điển hình cho điểm mù. Thực tế ai cũng chỉ nhìn thấy một phần của sự vật, sự việc. Người khác thấy cái bạn không thấy. Ngược lại bạn thấy cái họ lại không.

"Thực tế ai cũng chỉ nhìn thấy một phần của sự vật, sự việc. Người khác thấy cái bạn không thấy. Ngược lại bạn thấy cái họ lại không."

Những gì bạn không thấy sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Tương tự những gì bạn thấy (bằng định kiến chủ quan) chắc chắn cũng ảnh hưởng đến quyết định.


Vấn đề của điểm mù là bạn không biết cái bạn không biết là gì nên rất nguy hiểm (vì bạn sẽ không chuẩn bị).

Thí dụ. Tôi biết cái tôi không biết là kỹ năng bán hàng trên Amazon (là cần thiết để thành công), thì tôi sẽ học hoặc tìm người hỗ trợ cho tôi kỹ năng này. Nhưng nếu tôi không biết kỹ năng này cần (mà tôi lại không chuẩn bị) thì tôi sẽ thất bại khi bán hàng trên Amazon.


Tương tự nếu tôi không biết điểm yếu (điểm mù) của tôi là gì thì tôi sẽ bị vấp ngã liên tục (lặp đi lặp lại).

Những gì bạn không thấy sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Tương tự những gì bạn thấy (bằng định kiến chủ quan) chắc chắn cũng ảnh hưởng đến quyết định.

Để có thể hiểu rõ bản thân (điểm mù), bạn cần lắng nghe quan điểm của người khác (về bạn) chứ không phải bạn tự nghĩ về bạn.


Điểm mù có thể là cái bạn không thấy hoặc cái mà bạn thấy nhưng thấy bằng định kiến (chủ quan). Điểm mù (hay còn gọi là định kiến chủ quan) thực chất là việc chúng ta không nhận ra nhận thức chủ quan của chính chúng ta.

Định kiến thực ra không phải là xấu. Định kiến là cách não ta xử lý thông tin theo “đường tắt” (để cho nhanh). Giống như bố trí phím tắt vậy. Và cách xử lý thông tin nhanh (định kiến) là đặc điểm quan trọng của con người (so với động vật).

Thí dụ khi con người sống hoang dã, cứ thấy con gì màu vàng to chạy qua thì não mách bảo đó là con cọp (thế là ba chân bốn cẳng chạy!). Đây là định kiến.


Tuy nhiên khi cuộc sống xã hội hiện đại (phức tạp), một số định kiến (chủ quan) nó có ảnh hưởng đến cách bạn nhìn người khác (thế giới bên ngoài) và vì thế ảnh hưởng đến quyết định.

Thí dụ như phụ nữ không giỏi bằng đàn ông, phụ nữ tóc vàng thường não ngắn, những người xăm mình thường không đàng hoàng, “Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, người Mỹ gốc Phi (da đen) thường lười, không chịu làm việc… (Lưu ý đây là một số định kiến của một số người).


Thông thường chúng ta có thể phát hiện ra điểm mù của người khác hơn là tự phát hiện ra của mình. Bởi lẽ điểm mù của mỗi người nó nằm sâu trong thế giới quan (cách chúng ta nhìn thế giới bên ngoài). “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” đâu đó nó cũng đúng với trường hợp điểm mù định kiến.

Có một số điểm mù – tiện để chúng ta theo dõi.


Điểm mù kiến thức:


Nhận thức chủ quan này xảy ra khi người có khả năng thấp kém bị hội chứng “ảo tưởng siêu nhân”. Người có điểm mù kiến thức thường nghĩ mình có khả năng siêu phàm cao so với khả năng thực tế.


Điểm mù này nó làm cho bạn quá tự tin cho đến khi người khác chứng minh bạn sai. Những người có điểm mù kiến thức thường hay huênh hoang và chê bai người khác “Thằng đó đầu đất!” (hoặc “Mịa, mày ăn gì mà ngu vậy!”)

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 21

Điểm mù niềm tin:


Đây là một loại điểm mù huyễn hoặc. Não (không biết lý do gì) cứ ghi nhận những thông tin, chứng cứ mà gia cố cho niềm tin (định kiến) của bạn.Điểm mù này nó khuyến khích bạn “chọn phe” (đúng sai) hơn là đi tìm chân lý (sự thật). Mắng chửi nhau hay mạt sát nhau chỉ để bảo vệ niềm tin riêng của mỗi người.


Thí dụ nếu tôi (có điểm mù niềm tin) tin rằng người Việt rất là thông minh thì mọi thông tin mà không giúp chứng minh niềm tin này thì tôi sẽ loại bỏ (không thu nhận). Còn những thông tin “bá vơ” ở đâu tôi cũng lôi về để minh chứng cho niềm tin (tôi đã chủ quan đặt ra từ đầu).


Tương tự nếu tôi không nhìn nhận nhân viên của tôi giỏi hơn tôi thì tôi sẽ không bao giờ nhận ra là họ có cái giỏi hơn tôi (để tôi học hỏi). Vì não của tôi nó đã loại bỏ thông tin (nhân viên giỏi hơn tôi) hoặc nó (não) tìm cách “bóp méo” theo kiểu “Lâu lâu thằng đó thông minh đột xuất thôi!”


Thế giới quan (cách bạn nhìn sự vật, sự việc) sẽ bị vấy bẩn, không còn khách quan nữa khi đi qua lăng kính điểm mù niềm tin.

"Thế giới quan (cách bạn nhìn sự vật, sự việc) sẽ bị vấy bẩn, không còn khách quan nữa khi đi qua lăng kính điểm mù niềm tin."

Điểm mù cảm xúc:


Cảm xúc có thể che phủ nhận thức.

Cảm xúc của bạn bộc lộ ra là một phần của con người bạn nhưng nó không nói (đúng) được bạn là ai và hành vi của bạn như thế nào. Thực sự bạn không phải là cảm xúc đó.


Ray đã nói đi nói lại, phần não dưới (xử lý cảm xúc) luôn tìm cách “cướp micro” của phần não trên (tư duy). Và thường thì não dưới luôn là người chiến thắng.


Thí dụ, bạn nóng nảy, chửi mắng (quăng đồ quăng đạc) Team vì họ làm lỗi, mắc sai lầm. Thực ra hành vi này nó không thực sự đại diện cho bạn.

Bình thường bạn cũng đàng hoàng, vui vẻ, hòa đồng nhưng chỉ những lúc đối mặt với thực tế (nóng nảy, nhân viên làm sai) thì bạn phản ứng lại như vậy.


Và trong những lúc như vậy bạn sẽ ra quyết định sai (đuổi việc không đúng pháp lý) hay ảnh hưởng đến mối quan hệ làm việc trong Team (họ sẽ phải suy nghĩ cách đối phó với bạn: giấu sai lầm, báo cáo láo…)

Điểm mù cảm xúc sẽ giúp bạn “giảm đau” ngay (vì quên mất thực tại), cảm thấy thoải mái (có chỗ để xả), đổ thừa (“Lỗi này là của nhân viên tôi!”).


Và vì không cảm thấy đau nên bạn không nhớ, không suy ngẫm làm sao để lần sau nó không xảy ra nữa và nếu có xảy ra thì phải làm gì… Nói cách khác, bạn sẽ tiếp tục lặp lại sai lầm. Bạn sẽ tiếp tục “lên đô” (cảm xúc) khi đối mặt với thực tại (không mong muốn).

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 21

Để tìm ra điểm mù đòi hỏi chúng ta phải học cách tự khám phá và sự trợ giúp bên ngoài.

Điểm mù như tôi nó là cách bạn suy nghĩ, lập luận (thường xuyên) dẫn đến ra quyết định kém. Điểm mù cũng là cái mà bạn không thấy, còn người kia thấy (như thầy bói mù sờ voi vậy).


Hay nói cách khác điểm mù nằm ở chỗ giao giữa bạn tự nhận thức về mình như thế nào và người khác nghĩ về bạn ra làm sao.

Thí dụ đây là một số biểu hiện của điểm mù mà bạn không nhận ra. Bạn thường “phòng thủ” khi có người hỏi bạn những chuyện mang tính riêng tư. Bạn thường ngắt lời người khác trước khi họ trình bày xong. Cảm xúc (vui buồn, giận dữ, thất vọng) đã ảnh hưởng lên khả năng ra quyết định. Bạn thường phản ứng khi bị chỉ trích…


Nếu bạn luyện cho mình công cụ “tự nhận thức” thì bạn cũng có thể phát hiện ra được (một phần) những điểm mù của mình. Nói chung là những người bên ngoài mới thấy được rõ những hành vi này của bạn.

Giờ thì tôi mới hiểu vì sao thông minh cảm xúc (emotional intelligence) nó quan trọng hơn là thông minh (đo bằng IQ). Vì cảm xúc nó ảnh hưởng đến kết quả công việc, việc ra quyết định ngay cả như nếu bạn làm một mình.


Giờ đây gần như bạn phải làm việc theo nhóm. Điểm mù nói chung, điểm mù cảm xúc nói riêng, nó ảnh hưởng đến kết quả chung của đội.

Chắc bữa nào tôi sẽ mở rộng viết thêm về thông minh cảm xúc.

Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>