30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 23:
Bạn Có Phải Là Người Suy Nghĩ Bảo Thủ?
Suy nghĩ bảo thủ (closed minded) sẽ cản trở bạn tiến bộ, dễ ra quyết định sai và cũng thường bỏ mất cơ hội thành công.
Tuy nhiên, cũng có những người bảo thủ nhưng vẫn thành công. Theo Ray những người này có thể đã không phát huy hết tiềm năng vốn có. Nói cách khác nếu họ suy nghĩ cởi mở hơn họ sẽ tiến xa hơn nữa.
Sau đây là 6 điểm bạn có thể nhận biết người kia (hoặc chính mình) có phải là người bảo thủ hay không.
1. Những người suy nghĩ bảo thủ thường không thích bị phản biện.
Họ không thích người khác thách thức ý tưởng họ đưa ra. Họ không vui khi người khác thắc mắc, tìm hiểu và không đồng thuận. Họ chỉ quan tâm là làm sao họ được xem là đúng hơn là tìm hiểu quan điểm của người kia.
Trong khi đó người có tư tưởng cởi mở họ lại tò mò tại sao người ta lại không đồng ý hoặc có suy nghĩ khác với họ. Họ chẳng lấy làm buồn nếu có người bất đồng quan điểm.
Vì những người này (cũng là người khiêm tốn) luôn có nỗi sợ cố hữu rằng “chắc mình có gì đó sai đây” và sẵn lòng lắng nghe (ý kiến) và xem xét đề nghị của người kia để bảo đảm họ có cái nhìn đầy đủ trước khi ra quyết định. Cũng như bảo đảm họ không bỏ sót điểm (ý kiến) nào.
2. Thích “phán” hơn là thích hỏi!
Theo Ray, vì không thích phản biện nên những người suy nghĩ bảo thủ thường thích phán (như đúng rồi) không cần biết (và cũng không muốn biết) suy nghĩ của người kia về chuyện mình đề cập ra làm sao.
"Những người khiêm tốn luôn có nỗi sợ cố hữu rằng “chắc mình có gì đó sai đây” và sẵn lòng lắng nghe"
3. Muốn người ta hiểu mình hơn là mình hiểu người khác!
Khi bất đồng ý kiến, những người bảo thủ thường hay tự giả định là người kia không hiểu (họ) hơn là chính họ có hiểu (quan điểm) của người kia hay không. Nói cách khác, ngay từ đầu họ coi ý kiến của họ nghiễm nhiên không cần tranh cãi nên họ không chuẩn bị cho não xem xét những ý kiến của người khác.
Trong khi người cởi mở thì luôn cảm thấy là mình cần (bắt buộc) phải nhìn sự vật sự việc qua con mắt của người khác. Nghĩa là, người kia nhìn (hiểu) chuyện này như thế nào.
4. “Tôi có thể sai, quan điểm của tôi như thế này!”
Nghe thì thấy có vẻ cởi mở (và khiêm tốn) vì “Tôi có thể sai”, nhưng tình thật nó chỉ mang tính chiếu lệ (theo kiểu “rào trước đón sau”) để giữ quan điểm (riêng) thay vì tiếp tục tìm hiểu quan điểm của người kia hay tại sao họ lại không đồng ý với quan điểm của mình.
5. Không cho cơ hội trình bày!
Những người bảo thủ thường không cho cơ hội người khác trình bày bằng cách “thao thao bất tuyệt” hoặc “cướp micro” rồi kết thúc. Hay sẽ nói “Chúng ta không có thời gian…”
"Người cởi mở thì luôn cảm thấy là mình cần (bắt buộc) phải nhìn sự vật sự việc qua con mắt của người khác."
6. Thường tự phụ!
Vì họ quá tự tin (“Tôi biết chuyện này rõ lắm!”) nên họ quá tự hào (“Tôi không thể sai được!) nên họ không muốn lắng nghe, xem xét ý tưởng, quan điểm của người khác. Và do đó trong một số trường hợp nó phản ánh thái độ hơi tự mãn (thiếu khiêm tốn).
Có những người thành công nên cũng dễ trở nên bảo thủ. Hơn 5 năm trước tôi có cùng làm việc với một người sáng lập chuỗi nhà hàng. Và tôi phát hiện ra là anh quá bảo thủ.
Vì anh nghĩ rằng điều mà anh bảo thủ (không thay đổi) đã giúp cho anh thành công. Thực ra hoàn toàn không phải như vậy. Và nếu bạn gặp những người như vậy (làm ăn chung lâu dài) thì bạn nên “né”. Cơ hội cho họ thay đổi cũng khá là mong manh. Chỉ có khi nào đụng vào “thực tế” (té), cảm giác đau, họ mới phải xem xét để thay đổi (tiến bộ)
Tương tự Forever 21 năm rồi đã tuyên bố phá sản. Bị ám ảnh tăng trưởng, công ty đã mở hàng loạt các cửa hàng sang trọng (vốn đã giúp họ thành công) tại Mỹ, Canada, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc. Những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong công ty là do 2 vợ chồng sáng lập người Mỹ gốc Hàn, 2 cô con gái (tân binh) và 1 người bạn “kiêu binh” lâu năm – nên Forever 21 không thích nghi nhanh với sự thay đổi về thị hiếu và thói quen mua sắm!
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để trở thành người có suy nghĩ cởi mở? Ray đã dành hẳn một phần quan trọng giúp chúng ta “thực tập” (mỗi ngày) để rèn luyện cho não cởi mở. Ngay cả những người đã có tư tưởng cởi mở rồi nhưng nếu không thường xuyên luyện tập thì họ cũng sẽ “ngựa quen đường cũ”! Tôi sẽ viết về đề tài này lần tới!
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen