30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
#Ngày 26:
Luyện Tập Để:“ Dưới Bảo, Trên Không Nghe”
Nghe giống như đang nói về thuốc “ông uống bà khen” vậy! Hoàn toàn không phải như vậy.
Hôm nay tôi sẽ viết về cách thức (gợi ý của Ray) giúp bạn loại bỏ cảm xúc ra khỏi các quyết định. Ngoài ra bạn có thể tận dụng được lợi ích của phần cảm xúc giúp bạn tiến bộ và thành công hơn (không phải lúc nào cũng là tội đồ).
Cuộc chiến không ngơi nghỉ giữa nhận thức và tiềm thức:
Ray nhắc đến cuộc chiến giữa phần não trên (lý trí) và phần não dưới (cảm xúc).
Phần não trên thì luôn “tỉnh táo” (nhận thức), chậm rãi (vì phải thu thập thông tin, xử lý ra quyết định). Trong khi đó phần não dưới thì lại là “anh hùng núp” (tiềm thức) và nhanh như điện.
Nỗi lo sợ và ước muốn trong mỗi con người chúng ta luôn song hành và dẫn dắt động cơ và hành động thông qua cảm xúc (yêu ghét, lo sợ, tự hào, ngưỡng mộ...).
"Thiền là một cách để kết nối với phần tiềm thức và phần nhận thức."
Để ra quyết định đúng bạn cần phải loại bỏ phần cảm xúc này.
Hẳn bạn còn nhớ, khi ra quyết định Ray đưa ra 2 bước. Bước 1 là thu thập thông tin và bước 2 là ra quyết định.
Và cảm xúc luôn muốn song hành (ngay cả trong quá trình quyết định) nên nó sẽ ảnh hưởng đến việc thu thập thông tin. Nghĩa là không còn khách quan (định kiến) để giúp bạn ra quyết định khách quan (bước 2) nữa.
Theo Ray, nhiều người cho rằng chỉ nên tập trung vào nhận thức mà bỏ quên đi lợi ích khi bạn kết nối với phần cảm xúc (tiềm thức).
Do vậy họ tìm cách nhồi nhét nhiều vào phần này (não trên) và bắt nó làm việc cật lực hơn với mong muốn là sẽ tạo ra kết quả nhiều hơn. Thực ra nó còn có hại hơn bạn nghĩ. Theo Ray, để đầu óc “thông thoáng”, ”thư giãn thì lại tốt hơn.
Bằng chứng là, Ray cho biết, những ý tưởng sáng tạo thường đến khi ông tắm (thư giãn), còn người khác thì rửa bát (Bill Gates), đi vệ sinh, đánh răng... Nói chung những hoạt động này hoàn toàn thư giãn (không phải động não, suy nghĩ nhiều).
Thiền cũng là một cách để kết nối với phần tiềm thức(cảm xúc). Khi thiền bạn sẽ cảm thấy như có luồng ý tưởng từ đâu đến và đổ vào phần nhận thức.
Ray đặc biệt lưu ý: “Khi ý nghĩ và chỉ dẫn đến từ phần tiềm thức (cảm xúc), tôi không hành động ngay. Theo phản xạ (đã thành thói quen) tôi kiểm tra chúng bằng tư duy logic xem cái nào có giá trị và tại sao tôi phải phản ứng lại. Đây là cách tôi kết nối phần tiềm thức và phần nhận thức. Và đây cũng là cách mà tôi tìm ra những Nguyên tắc.”
Với những người “cảnh giới” cao như Ray thay vì “bịt miệng” cảm xúc (loại “ăn hại”) thì ông vẫn tận dụng tối đa lợi ích của phần tiềm thức này.
Những ý tưởng và chỉ dẫn bộc phát nhanh (nóng nảy, đổ lỗi, tìm cách giảm đau) không được hành động tức thời mà được ông chuyển sang “chế độ” xem xét bằng tư duy trước khi ra quyết định.
Có một cuộc chiến dai dẳng khác giữa cảm xúc và suy nghĩ.
Phần hạch hạnh nhân (phụ trách cảm xúc) nằm sâu trong não là phần quan trọng nhất của não, chịu trách nhiệm về hành vi mà chúng ta lại không biết (tiềm thức).
Khi ai đó làm bạn khó chịu (nỗi sợ) – có thể là âm thanh, tiếng động, vật nhìn gớm ghiếc thì hạch hạnh nhân (não) sẽ gửi một tín hiệu cơ thể để chuẩn bị: chiến hay chạy. Tim đập nhanh hơn, áp suất máu tăng, thở cũng nhanh hơn.
Tương tự khi tranh cãi nếu để ý bạn cũng sẽ thấy cơ thể bạn phản ứng (tương tự với cơ thể bạn phản ứng với nỗi sợ) như tim đập nhanh, cơ căng ra, đầu “nóng” lên, dễ mất lý trí và bạn hành động (theo dẫn dắt của cảm xúc).
Nếu bạn nhận ra sự thay đổi này bạn có thể từ chối thực hiện chỉ dẫn của cảm xúc. Nhưng không hề dễ! Chỉ trong tích tắt là bạn đã mất lý trí và làm theo cảm xúc!
Một số người tự trấn an mình là những biến đổi tâm lý (đau đớn) này sẽ nhanh chóng qua mau thôi (chứ không phải chịu đựng lâu). Một số khác “hạ hỏa” bằng cách bỏ đi uống cốc nước!
Tìm cách hòa giải giữa cảm xúc và suy nghĩ!
Đối với nhiều người cuộc chiến trường kỳ giữa 2 phần của não sẽ không bao giờ có điểm kết.
Phản ứng cảm xúc (của hạch hạnh nhân) diễn ra nhanh như điện còn phản ứng của phần tư duy (phần trước của vỏ não) thì từ từ và nhất quán.
Những người nỗ lực đạt được mục tiêu luôn là người cầu tiến, luôn suy ngẫm nguyên nhân nào mà phần cảm xúc đã “cướp cò” – để chuẩn bị cho lần tới nó không xảy ra (lần tới không bị cảm xúc dẫn dắt phải làm theo nữa).
Tập thành thói quen tốt
Thói quen là công cụ hiệu quả nhất trong bộ đồ nghề bộ não.
Thói quen được điều hành bởi một hạch nhỏ khác. Nó nằm sâu bên trong não, điều khiển mọi hoạt động (theo bản năng) mà chúng ta hoàn toàn không hay biết.
Nếu làm một việc lập đi lập lại nhiều lần thì nó sẽ hình thành một thói quen, giúp kiểm soát bạn. Thói quen tốt là những hành động bắt bạn làm những gì phần não trên (lý trí) muốn. Còn thói quen xấu là những hành động được thực hiện theo chỉ dẫn của phần não dưới (cảm xúc).
Thói quen bạn có thể luyện tập mà có. Nó đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn.
Thói quen về bản chất là một quán tính. Mà cứ thấy một dấu hiệu nào đó là bạn hành động (hoặc không hành động).
Giống như thói quen thức dậy là gấp chăn, xếp gối. Hoặc thói quen thức dậy (bước chân ra khỏi giường) là phải pha một ly cà phê uống.
Ray giới thiệu cuốn The Power of Habit (Tạm dịch: Sức mạnh của Thói quen) và mong muốn chúng ta đọc thêm nếu muốn tìm hiểu kỹ cách xây dựng một thói quen tốt.
Theo Charles Duhigg, tác giả của cuốn sách, 3 bước chính để hình thành một thói quen tích cực.
- Bước 1 là tạo Tín hiệu. Nghĩa là khi thấy tín hiệu (ngầm hiểu), sẽ mách bảo cho não để chuyển sang chế độ “tự động” (dạng như quán tính): để hành động mà chúng ta mong muốn (thói quen).
- Bước 2 là tạo thành Thường nhật (lập đi lập lại) cho cơ thể, trí não hay cảm xúc.
- Bước 3 là Tưởng thưởng, để nhắc cho não “nhớ” mà lần sau thực hiện (tự động).
Lập đi lập lại 3 bước này đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành thói quen.
Những người dạy chó, huấn luyện cá heo cũng áp dụng 3 bước này. Họ tạo ra tiếng động quen thuộc (tiếng click), gắn kết một hành động mà họ chú chó làm. Khi làm thành công, thì cho chó đồ ăn.
Ray cho biết, tạo thành một thói quen (hay từ bỏ một thói quen) đều có thể làm được. Nếu như chúng ta thật sự muốn.
Bạn nên viết ra cụ thể bạn muốn xây dựng thói quen nào và từ bỏ cái nào. Để có kế hoạch cụ thể thực hiện. Vì hình thành một thói quen sẽ rất lâu. Và tương tự từ bỏ nó cũng vậy.
Một điều đáng nói là thói quen (tốt) nó tạo ra sự khác biệt rất lớn. Đặc biệt là thói quen trong cách suy nghĩ. Nhiều người không tiến bộ nhiều hay không thành công như mong muốn bởi lẽ họ có một số thói quen xấu.
Ray chia sẻ, ông dùng “cảm giác đau” để bắt não phải suy nghiệm (nghiêm túc). Nghĩa là lần tới nếu khi cảm xúc cướp diễn đàn thì mình sẽ làm gì. Lâu dần ông sẽ đúc kết thành nguyên tắc.
Hiểu sự khác biệt giữa tư duy não phải và trái:
Hiểu được sự khác biệt này cũng giúp bạn tiết chế được cảm xúc (não dưới) hay bắt phần não dưới phục vụ cho bạn.
Không chỉ có phần trên não và phần dưới não, não còn được chia theo kiểu não phải và trái. Mỗi người đều suy nghĩ “thuận” não phải hay trái (giống như thuận tay phải hay tay trái vậy).
Những người suy nghĩ não trái thì có xu hướng tư duy trình tự, phân tích chi tiết, cơ sở thông tin (facts) và giỏi suy nghĩ theo kiểu tuyến tính (đường thẳng).
Thông minh kiểu này thường gọi là “sáng” (bright) và đi học thường đạt điểm cao vì trường thường đòi hỏi cách suy nghĩ theo kiểu này (thông qua hệ thống thi cử).
Còn người suy nghĩ não phải thường suy nghĩ không theo trình tự (với nhiều lát cắt khác nhau), dễ nhận diện được chủ đề, có khả năng tổng hợp thành bức tranh lớn (tổng thể). Họ có khả năng suy nghĩ theo kiểu sáng tạo (lateral thinking).
Thông minh kiểu này thường gọi là “lanh” (smart), đi làm sẽ dễ thành công vì trường đời đòi hỏi bạn giải quyết vấn đề (suy nghĩ lateral) chứ không đơn thuần là chỉ lĩnh hội vấn đề (chỉ để làm bài kiểm tra hay thi cử).
Những người xuất chúng như Elon Musk hay Bill Gates luôn là người có tư duy “song kiếm hợp bích” (thuận 2 não). Nghĩa là họ có khả năng nắm bắt nhanh được một vấn đề mới (não trái) và khả năng giải quyết vấn đề (não phải).
Và thông thường mỗi người chỉ thuận một não (trái hoặc phải). Nên họ sẽ không hiểu cách người kia suy nghĩ nên thường dễ “đụng độ” khi cùng làm việc.
Người suy nghĩ não trái thường “chê” người não phải là chung chung, bay bổng, trừu tượng. Còn người não phải thì luôn xem người não trái là quá tập trung chi tiết, không nhìn cái lớn và “trắng đen” phải rõ ràng.
Chẳng có người (thuận não) nào quan trọng hơn. Hay người não phải thì giỏi hơn não trái. Tùy vào công việc mà đòi hỏi cách suy nghĩ khác nhau. Bạn có thể luyện để có thêm cách suy nghĩ kia. Và trong từng trường hợp bạn vận dụng cách suy nghĩ nào cho phù hợp.
Tuy nhiên bạn chỉ có thể luyện có thêm chứ bạn không thể thay đổi “sở thích” suy nghĩ vốn có.
Tôi không thấy Ray đề cập đến nhiều đến việc hiểu biết sự khác nhau của 2 nhóm người (não trái & phải) thì giúp cho ta tiết chế được cảm xúc ra làm sao. Có điều cá nhân tôi (bây giờ) cảm thấy “tiết chế” được tốt hơn khi làm việc với người thuận não trái.
Chắc hôm nào tôi sẽ viết sâu hơn về người thuận não trái phải. Nói thật viết nhật ký như thế này rất tốt cho tôi mở rộng tầm hiểu biết.
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen