30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 04:
Nguyên Tắc Cuộc Sống Viên Mãn!
Một trong những nhận xét “nặng ký” của cuốn sách này là của tỷ phú Mike Bloomberg (cũng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân Chủ năm nay): “Bất cứ ai có mục tiêu và ước mơ có thể học được từ cách tiếp cận của Ray!”
Một trong những NGUYÊN TẮC của Ray (mang tính căn bản):
ƯỚC MƠ + THỰC TẾ + BỀN CHÍ
= CUỘC SỐNG VIÊN MÃN!
Thông thường thì người ta thường nói đến thành công (trong công việc) nhưng Ray lại nói đến cuộc sống thành công.
Và thông thường người ta cũng chỉ nói đến ước mơ và ý chí thôi. Ông lại đề cập đến Thực tế vốn xuyên suốt trong toàn bộ cuốn sách cũng như xuất hiện như một cấu thành quan trọng.
“Nếu các bạn tập trung để đạt được ước mơ, tự tìm hiểu những thực tế xung quanh ảnh hưởng đến bạn và làm cách nào để xử lý những khó khăn, thách thức và thực hiện với một ý chí cao độ, bạn sẽ học được những NGUYÊN TẮC, giúp bạn có được cuộc sống viên mãn!”
Như thế nào là cuộc sống viên mãn?
Tôi không muốn dùng từ “Thành công” (“Successful life” như lời Ray viết) vì tôi muốn nhấn mạnh đến cuối cùng của thành công – đó là hạnh phúc.
“Mỗi người trong chúng ta phải tự quyết định xem cuộc sống viên mãn là như thế nào. Tôi thật tình chẳng quan tâm nếu bạn muốn trở thành “Chúa tể của vũ trụ”, hay sống dưới gốc cây cọ hoặc bất cứ cái gì. Tôi chẳng quan tâm đâu!” (Ray Dalio)
“Bất cứ cái gì bạn muốn – tùy bạn! Tôi chỉ muốn bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và không ngừng tiến bộ và đóng góp cho tiến hóa của nhân loại!” (Ray Dalio)
Theo Ray, mỗi người chọn mục tiêu cuộc đời thường phụ thuộc vào giá trị riêng. Mà như đã nói các giá trị này thường ảnh hưởng từ gia đình. Tôi có 2 người quen đều là mục sư ở Mỹ và Canada mà tôi gặp ở Phillipines. Con cái của họ đều trở thành mục sư hoặc làm những công việc xã hội, tôn giáo.
“Tuy nhiên bất cứ con đường nào bạn chọn, bạn phải ĐÓN NHẬN thực tế… Đặc biệt là những thực tế phũ phàng mà bạn không bao giờ mong đợi!”
"Do đó hiểu biết về thực tế vận động như thế nào là nền tảng quan trọng giúp bạn đạt được mục tiêu."
“Để hiểu được thực tế bạn cần phải là người có đầu óc cởi mở và minh bạch”. Đầu óc cởi mở và không dấu dốt (minh bạch) sẽ thúc đẩy bạn học hỏi và tiến bộ. Nghĩa là bạn sẵn sàng lắng nghe, cầu thị về sự thật (thực tế) mà bạn không muốn nghe (không mong đợi). Đó là những lời nhận xét, phê bình (đúng, thực tế) mà bạn không muốn thừa nhận.
Cấu thành “thực tế” mà Ray đưa vào trong nguyên tắc "Cuộc sống viên mãn," đâu đó có thể hiểu “biết mình, biết ta” để “trăm trận trăm thắng”.
Nói cách khác có 2 điểm gây cản trở sự học hỏi, tiến bộ của mỗi người - Cái Tôi và Điểm Mù. Ray sẽ giải thích rõ 2 rào cản này làm cho bạn thất bại trong những phần khác của cuốn sách. Tôi cũng sẽ dành hẳn một ngày nhật ký để nói về đề tài thú vị này.
Cái tôi lớn làm cho bạn tự bịt mắt không thấy (thực tế) hay bịt tai không muốn nghe (sự thật). Lúc nào bạn cũng tự cho mình là đúng, bỏ qua thực tế diễn ra. Và vì thế bạn ra quyết định sai.
Cái tôi sẽ làm cho quyết định của bạn dựa trên cảm xúc hơn là lý trí (logic). Và như thế nó sẽ thiếu nhất quán vì nó phụ thuộc vào “vui buồn, nắng mưa” của bạn.
Lắng nghe, cầu thị những lời nhận xét, bình luận (thực tế) là nên làm.
Theo Ray - “Đừng để nỗi sợ là người khác sẽ nghĩ (như thế nào) làm ngáng đường bạn! Bạn cần phải kiên định làm những gì bạn tin là đúng (mà người khác không tin) và vẫn lắng nghe cầu thị những lời nhận xét, phản hồi! "
Cũng cần nói thêm, không phải người nào bạn cũng nghe. Bạn chỉ nghe những người “đáng tin”. Nghĩa là những người đã THỰC TẾ thành công về vấn đề gì đó và giải thích cặn kẽ họ đã làm chuyện đó như thế nào. Chứ không phải ai đó (ngay cả thành công) phán một vài câu “Cái này không work đâu!” Hoặc “Cái này không nên làm đâu!” Hay “Trước giờ không ai làm được đâu!” – rồi là bạn bỏ cuộc hay thay đổi!
Hiểu được thực tế sẽ giúp bạn chọn được ƯỚC MƠ thực tế, nghĩa là ước mơ có thể đạt được thực tế (khả năng, lợi thế, điểm yếu, những yếu tố bên ngoài tác động đến…).
Thí dụ bạn ước mơ làm ca sĩ vì bạn thấy mình hát cũng được. Nhưng thực tế (mà có thể bạn không biết) là không chỉ giọng hát hay (mà thực tế là giọng hát của bạn chưa thật xuất sắc), bạn còn phải có khả năng vũ đạo, ngoại hình (đẹp), nguồn lực (tiền). Do đó có thể nói, ước mơ ca sĩ sẽ khó thực tế, nghĩa là sẽ khó trở thành sự thực. Thay vì vậy bạn có thể trở thành giáo viên thanh nhạc – thì có thể thực tế hơn.
"Hiểu được thực tế để giúp bạn ra kế hoạch và hành động đúng với thực tế, đạt được mục tiêu đề ra. Tinh thần cầu thị sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình học hỏi, giúp bạn bạn tiến bộ mỗi ngày, tiến gần đến mục tiêu.
Tôi còn nhớ lúc tôi còn dạy ở Hentley Management College (của Anh), chương trình MBA 1997-1998 gì đó. Tôi làm phụ giảng (Local Tutor) cho một giảng viên người Mỹ tên Mike phụ trách môn Marketing.
Cả lớp và Mike cũng rất thích tôi vì làm cho lớp sôi động, thảo luận rần rần. Đồng thời tôi chia sẻ những thí dụ, tình huống thực tế về các hoạt động quảng cáo tiếp thị ở Việt Nam. Lúc đó phụ trách của trường hỏi tôi còn có thể làm thêm một môn nào khác nữa không.
Tuy nhiên kết thúc môn học không thấy trường mời tôi dạy tiếp nữa. Dò hỏi mới biết, một cô sinh viên người Đài Loan (Tổng giám đốc nhà máy ở Bình Dương) phàn nàn với trường là, style của tôi hơi có tính áp đặt và giống với lớp học ĐH hơn là các khóa cao học. Và tất nhiên tôi đã lắng nghe, tự điều chỉnh sau đó, tuy nhiên tôi đã không có cơ hội sửa chữa tại Hentley!
Có ƯỚC MƠ còn phải cộng với (hiểu rõ) THỰC TẾ. Thực tế sẽ giúp cho bạn chọn được ước mơ khả dĩ nhất và giúp bạn tiến bộ để từng bước đạt được mục tiêu.
Chưa hết Ý CHÍ là phần không thể thiếu công thức thành công của Ray. Điều này đã minh chứng qua nhiều người thành công. Thậm chí đã có người như Tiến Sĩ Angela Duckworth, nữ tâm lý học hàng đầu đã dành hàng chục năm trời nghiên cứu xuất bản cuốn “Grit: The Power of Passion and Perseverance” (đã có bản dịch Vững Tâm Bền Chí Ắt Thành Công) khẳng định rằng bí quyết để đạt được thành tựu rực rỡ không phải là tài năng mà là sự kết hợp lạ kỳ giữa đam mê và kiên trì, thứ mà cô gọi là “vững tâm bền chí”.
Theo quan sát người Canada gốc Ấn thường chiếm tỷ lệ bác sĩ cao hơn các sắc dân khác. Bởi lẽ người Ấn luôn coi trọng nghề Y. Tất nhiên để đạt được mục tiêu (trở thành bác sĩ) còn phải cần thêm thực tế và ý chí. Thực tế (sự thật) là người gốc Ấn có lợi thế hơn về mặt ngôn ngữ (Tiếng Anh) so với các sắc dân nhập cư khác. Về ý chí thì chắc không bàn (ngang ngửa với người Hàn) và họ rất kiên nhẫn, tỉ mỉ đáng khâm phục.
Tôi có đứa cháu qua Canada du học 3 năm cuối cấp 3. Cháu không tìm thấy niềm vui trong học tập, không có động cơ học và không biết mình thích cái gì (chứ đừng nói là có ước mơ gì). Tôi nghĩ đây cũng là chuyện đau đầu của nhiều phụ huynh. Và cháu quyết định về Việt Nam.
Trong khi đó, tôi cũng có một cháu gái khác. Kimmy tìm được cho mình công việc tương lai yêu thích, và một ước mơ. Tốt nghiệp xong cấp 3 ở Việt Nam, cháu phân vân không biết chọn ngành nào để học Đại học. Cháu có thế mạnh thực tế về xã hội, văn chương, các môn toán, lý hóa cũng khá. Ban đầu cháu cũng định học Quản trị kinh doanh, Marketing như phần đông sinh viên người Việt. Tôi gợi ý cháu thử Tâm Lý. Cháu là người cởi mở nên đã lắng nghe, cầu thị (vì tôi cũng là người “đáng tin”) và rồi quyết định nộp đơn.
Giống như cá gặp nước Kimmy ham thích ngành học một cách kỳ lạ. Kết quả học cháu đạt xuất sắc 99% các môn. Năm thứ Ba là cháu được trường nhận làm Tutor (được trả tiền) phụ đạo cho các SV năm 1, 2. Được nhận làm trợ lý nghiên cứu cho các giáo sư (cũng được trả tiền) – công việc này thường dành cho SV cao học. Hè cháu được chọn làm dự án nghiên cứu của trường (hợp đồng của chính phủ), làm 6 tuần đủ sống 6 tháng. Rồi được đi Hy Lạp báo cáo cùng với Giáo sư.
Chưa tốt nghiệp ĐH, cháu đã được trường nhận tiếp học Cao học miễn học phí và được cho thêm ít tiền tiêu vặt. Đổi lại là làm việc phụ giảng cho trường. Trường cũng đề nghị Tỉnh Bang hỗ trợ thêm tiền hàng tháng – nên cháu không cần phải đi làm thêm mà tập trung 100% học.
Tôi nghĩ, ước mơ nên bắt đầu từ nhỏ. Là do con quyết định. Chứ con trẻ không thể sống bằng ước mơ của cha mẹ mà họ trước đây không đạt được. Và tất cả mà cha mẹ có thể làm – là giúp con nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho con đạt được ước mơ đó thôi.
Mà muốn biết con ước mơ gì – cứ cho con tham gia vào nhiều hoạt động. Từ đó con trẻ mới thấy cái gì chúng thích. Qua công việc (vui chơi, học tập) giúp cho cho con một thái độ làm việc tích cực, bền chí, không bỏ cuộc.
Đến đây làm tôi nhớ đến cô bé út “tiểu thuyết gia” 9 tuổi (đang viết cuốn thứ 2 được 5000 chữ rồi). Bé cũng học Gymnastic hơn 2 năm. Có dạo bé muốn bỏ không chịu học nữa (chắc bắt đầu tập nặng), đổ thừa là “My coach is mean!”. Chúng tôi cố “dìu” cháu qua giai đoạn này để cháu không bỏ cuộc bằng nhiều chiêu dụ dỗ (“lành mạnh”).
Hay như hôm qua, làm Kumon. Vì cả tháng nay trường đóng cửa nên tôi chỉ đến lấy bài rồi về đưa cháu làm. Gặp bài khó và không khí “thư giãn” (đang mùa dịch) nên cháu muốn nản buông (“It is hard”). Tôi cùng ngồi làm với cháu và cuối cùng là làm xong (tất nhiên là có giải lao bằng iPad). Tôi chỉ muốn dạy cho cháu hiểu: Khó vẫn có thể làm được, không bỏ cuộc!
Nếu chuẩn bị được một tinh thần đối mặt với khó khăn, thử thách (từ nhỏ) lớn lên cháu mới có thể có một cuộc sống viên mãn như Ray nói!
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen