30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 05:
“BÀ ƠI, ĐỪNG ĐÁNH GHẾ!”

Cuộc sống luôn có khó khăn thách thức. Thích hay không thích, muốn hay không muốn - thì khó khăn và thách thức vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu.


Nếu có tham vọng lớn (trèo lên cao), ắt sẽ “té đau”. Nhưng bạn không thể tránh không bị té.


Khi gặp chướng ngại, bạn có thể té. Có thể là do phản ứng không kịp (do đang mãi nghĩ chuyện khác), mắt nhìn không rõ hoặc chân bạn ngắn (điểm yếu) hay do lần đầu chưa có kinh nghiệm…


Dù bất cứ lý do gì, theo Ray: “Khi bị té bạn sẽ cảm thấy đau. Khi bị đau theo phản xạ bạn sẽ khựng và nhiều người thường nghĩ, ước gì mình không bị té!” 


“Sau nhiều lần, tôi học được rằng những nỗi đau chính là thông điệp truyền báo cho tôi cần phải xem xét những thực tế và tìm cách giải quyết rốt ráo!”


Và Ray Dalio đã đưa một NGUYÊN TẮC mang tính căn bản:

ĐAU ĐỚN + NGHIỀN NGHẪM TIẾN BỘ

Nhiều người khi đau (bị té) thường khựng lại chẳng nhớ gì (về chuyện xảy ra). Khi cơn đau đi qua thì lại quên (để ý chuyện khác) nên bỏ qua cơ hội nghiền ngẫm để rút ra bài học để lần tới không xảy ra nữa – để có thể tiến bộ. Do đó lần tới mọi chuyện lại tiếp tục xảy ra và bạn sẽ tiếp tục té (và té). Đơn giản vì bạn đã không chịu suy xét nghiền ngẫm rút ra bài học.


Có người tìm cách cố tình làm “giảm đau” – dễ thấy qua chuyện nuôi dạy con theo cách “đánh cái ghế”. Hồi trước là cách ứng xử của bà và cháu, bây giờ là của người giúp việc và con của chủ.

Khi cháu té vào cái ghế, và khóc òa. Bà lập tức đến bế cháu dậy, sau đó sẽ cầm cái cây đánh cái ghế: “Cái ghế hư nè, làm té cháu bà!”


Điều này rất nguy hiểm. Bé sẽ nghiễm nhiên hiểu là lỗi là tại cái ghế (chứ không phải là do bé đi không chịu để ý). Thế là bé sẽ không nghiền ngẫm, xem xét để lần tới làm sao tránh không bị va vào cái ghế và nếu có va vào cái ghế thì phải làm sao.


Lớn lên bé tiếp tục sống vô trách nhiệm (bằng cách là đổ lỗi cho người khác). Và sẽ không thể học cách giải quyết vấn đề và học cách làm sao hạn chế vấn đề không xảy ra.


Mỗi lần đối mặt với đau đớn là mỗi lần bạn chạm một cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Một là bạn chọn cách đối mặt với sự thật đau đớn nhưng lành mạnh. Hai là bạn chọn ảo giác “phê thuốc” (không bị đau ngay lúc đó) nhưng hại về sau!”, Ray Dalio.


Thí dụ bạn đau (vì té). Bạn sẽ có 2 chọn lựa. Một là bạn đối mặt với cảm giác đau và suy nghĩ xem làm sao để không té nữa. Đây là lợi ích lâu dài (lành mạnh).


Hai là bạn đổ thừa (ai đã để cái ghế vô ý ngáng đường) và bạn sẽ cảm thấy bớt đau (vì mải tập trung vào việc đổ thừa) nhưng sẽ hại sau này. Nghĩa là bạn sẽ tiếp tục té nữa (vì bạn đã bỏ qua cơ hội suy nghĩ làm sao để mình không bị té).

Con gái của tôi cũng thường như vậy. Cháu không bị té nhưng cháu thường bị thất lạc đồ như cây bút, cuốn sách, tai nghe điện thoại. Thay vì đi tìm lại đồ đã thì cháu lại cố đi tìm ai đã lấy. Thường là tra vấn những đứa em và cứ bị “kẹt” vào việc buộc tội (ai lấy) – rồi quên mất việc mình đi tìm lại đồ đã mất (hơn là ai lấy). Đây không hẳn là “chiêu” cháu dùng để quên đi nỗi đau. Mà đơn giản có thể là một thói quen “thiếu tập trung”!


Có một số “công cụ” (chiến lược) mà nhiều người sử dụng cho chọn lựa “đỡ đau” khi té: đổ thừa (“Ai để cái ghế vô ý vậy?), phàn nàn (“Chỗ này lúc nào cũng trơn!”), la mắng (“Chị mới làm hay sao mà không biết?”, ăn vạ, làm náo loạn...


Một khi bạn chọn cách này bạn sẽ “nghiện” chiến lược này. Và càng ngày càng lên “đô”. Và bạn sẽ không bao giờ tiến bộ, nếu không muốn nói là thụt lùi.


Những đứa trẻ bị té (“bà đánh cái ghế”) lớn lên chắc chắn sẽ “nghiện” chiêu “dopping” này: Không dám nhìn thẳng vào sự thật (đau đớn) là mình chẳng làm ra trò trống gì, tiếp tục đổ lỗi (“Tại nhà em không có quen ai!”, "Em không có nhan sắc", "Em không được học trường tốt", “Em không có vốn làm ăn!”, “Không có nhà mặt tiền”…), nếu không có ai đổ lỗi thì nhiều người sẽ tìm cách ca bài ca “con cá” hoặc “than Quảng Ninh” lúc nào cũng phàn nàn, lâu dần hình thành nên một thái độ tiêu cực (như là một cách để đổ lỗi cho hoàn cảnh của mình)


Trong khi đó nếu chọn cách đối mặt với sự thật đau đớn (đau lắm) nhưng sẽ tốt cho bạn về lâu về dài.

Sau khi vượt qua giới hạn thấp (đau ít), bạn sẽ tiếp tục vượt qua những giới hạn cao hơn (đau nhiều hơn). Và đến một lúc nào đó bạn sẽ nói “Chuyện nhỏ như con thỏ” khi đối mặt với những cơn đau nhiều (khó khăn, thách thức lớn). 


Lúc đó, tâm thế của bạn là sẵn sàng “chào đón” khó khăn thử thách (theo kiểu “Try me”) thay vì than vãn, phàn nàn khi gặp khó khăn (theo kiểu “Why me?”) – mà Ray đã viết: “Sẵn sàng đối mặt với nỗi đau thay vì tìm cách né tránh!”


Ray cũng nhấn mạnh: "Chỉ khi nào chúng ta cảm thấy đau thực sự thì chúng ta mới phát huy hết sức mạnh." Ray đã có lần bị phá sản tưởng chừng không thể vượt qua. Công ty chỉ còn một người (đó là Ray). Và ông đã biến đau thương thành hành động!


Những người quen “chịu đòn” với cơn đau sẽ khó mà bị đánh gục. Trong khi đó những người quen dùng “dopping” khi gặp thử thách lớn (đau đớn) họ sẽ dễ gục ngã (vì không còn đủ dopping nữa).

"Làm cha mẹ ai cũng không muốn con mình bị đau, không muốn con mình đối mặt khó khăn, thử thách (sợ té đau). Nên nhiều cha mẹ có khuynh hướng đặt cho con mình những mục tiêu vừa phải (để khỏi bị té)."

Thậm chí đây là trường hợp của tôi. Năm 1985 tôi thi Đại Học (Y) lần 2. Trong khi chờ kết quả (chắc sẽ không đậu) tôi nộp đơn thi vào ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp (kỳ thi mở rộng). Tôi kỳ vọng rất nhiều vì tôi có nhiều lợi thế. Vì thi Y (khối B) nên toán tôi khá. Văn thì tôi không “ngán”. Đây là 2 môn mà những thí sinh thi Mỹ Thuật đều sợ. Còn Vẽ thì tôi đã học hơn 6 năm, có thời gian còn học luyện thi Kiến Trúc. Thi xong môn vẽ (môn trang trí và vẽ người) tôi rất tự tin – so với các thí sinh khác (trong phòng thi). Kết quả là 3 môn Toán 8,5; Văn 6,5 và vẽ 8.5. Tưởng ngon nhưng rớt! Sau đó nhiều người truyền tai nhau “Đây là kỳ thi mang tính hợp thức hóa cho các thí sinh COCC trong ngành!”


Khi bị rớt (đau đớn) tôi đã có 2 cách chọn. Một là đổ thừa (có lý do để đổ thừa), sẽ làm tôi cảm thấy đỡ đau, xấu hổ nhưng về lâu dài thì chẳng giúp gì cho tôi. Hai là chấp nhận đau đớn (là mình đã rớt), xem xét thất bại (vì cuộc thi không minh bạch) và rút ra bài học cho lần tới: “né những cuộc thi ĐH mở rộng!”. Tôi đã chọn cách thứ 2. Sau đó thi vào ĐH Thủy Sản Nha Trang lần thứ 3. Nếu rớt lần này nữa chắc tôi sẽ đi “Viettel” (bộ đội)!


Chuyển đến sống ở Canada tôi phát hiện thấy nhiều điều thú vị, làm tôi thay đổi. Ở đây cha mẹ không khen con mình thông minh. Thầy cô cũng chẳng tự hào nếu học trò thông minh. Thông minh là một lợi thế “trời phú”, nghĩa là may mắn. Đã gọi là may mắn thì không thể tự hào được. Cái mà người ta ngưỡng mộ đó là thái độ làm việc chăm chỉ, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách. Vậy mới đáng tự hào!

"Cái mà người ta ngưỡng mộ đó là thái độ làm việc chăm chỉ, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách. Vậy mới đáng tự hào!"

Trong khi đó nhiều người Việt muốn sở hữu thông minh và thường tự hào (hão) về “dân tộc tính thông minh”. Điều này cũng nguy hiểm không kém. Ngay cả khi bạn thông minh thật, thì bạn sẽ dễ khinh suất, đánh giá thấp vấn đề, không nỗ lực đúng mức, dễ dẫn đến dễ bị đổ gục (khi gặp thất bại).

Và khi đề cao thông minh thì chúng ta có ý xem nhẹ (nếu không muốn nói xem thường) đức tính “cần cù” – bằng chứng là: “Thằng này nó lấy cần cù bù thông minh!”


Nếu bạn thật sự thông minh (và đạt được đến cảnh giới cao) bạn sẽ nghĩ rằng: tôi chẳng thông minh tí nào, nên tôi phải cố gắng hơn nữa! Và người thông minh sẽ tự tìm và tạo ra cho mình những NGUYÊN TẮC.


Như Ray đã nói từ đầu cuốn sách, cuộc sống như một dòng sông. Bạn không thể bắt sông ngừng chảy hay né không gặp ghềnh đá. Bạn cần phải học đối mặt với khó khăn, thách thức để rồi tìm cách “nương theo” dòng chảy.


Đầu tiên bạn phải khuyến khích, tạo điều kiện cho con trẻ đối mặt với khó khăn, thử thách trong học tập, vui chơi, giải trí. Và chấp nhận cho chúng đau (khi vấp té). Khuyến khích chúng thất bại. Quan trọng là dạy cho chúng cách suy nghĩ “rút ra bài học” cho lần tới. Càng nhiều thất bại (lúc nhỏ) thì mới tập cho trẻ tinh thần đương đầu với khó khăn, thất bại khi trưởng thành.


Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & Co-Founder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>