30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 07:
Dù Gì Cũng Đã Nghĩ, Nghĩ Lớn Luôn Đi
Hôm qua viết xong tôi cảm thấy cần phải viết tiếp về Nguyên tắc này. Trong từng Bước Ray đưa ra thêm một số ý để giúp việc thực hiện tiến trình này tốt hơn.
Thực tế người Việt chúng ta thường làm tốt những việc mang tính sự vụ, sự việc. Và đặc biệt là những chuyện linh hoạt theo kiểu thiếu đinh thì tìm dây kẽm để cột. Mất búa thì tìm (cục) đá để đóng đinh.
Linh hoạt là đức tính tốt vì nó giúp chúng ta dễ thích nghi (dễ tồn tại và tiến hóa). Nhưng mặt khác nó phản ánh việc lên kế hoạch và thực hiện không tốt.
Để tôi kể câu chuyện này bạn sẽ dễ hiểu hơn. Hồi năm đầu mới đến Vancouver. Nhà tôi bị “gấu mẹ vĩ đại” đột nhập. Số là gia đình gấu (mẹ và 2 con) xô đổ hàng rào (đã mục) vào garage lục thùng rác. Vì thứ sáu cuối tuần nên thợ “quăng cục lơ” (bạn biết là, mọi thứ ở đây phải lên kế hoạch xa. Chứ không phải hú một cái là có thợ đến liền).
Vì quá nguy hiểm (gấu mà) nên tôi phải quyết định “triển chiêu”. Cũng sẵn có một người quen (ở VN qua chơi) giúp một tay. Các bạn biết là tôi chưa bao giờ làm những việc này. Lại “tay không tấc sắc” mà làm hàng rào chứ không phải sửa cái ghế.
Thế là tôi phải lên kế hoạch thực hiện nhanh. Nào là loại gỗ gì, kích thước bao nhiêu, cưa cắt ra bao nhiêu cây, máy khoan, ốc vít… Tôi phải cầu cứu ông Carlos hàng xóm tốt bụng. Ông già hơn 70 tuổi có thú vui là sửa tàu (câu cá) nên nguyên cái garage được dùng để làm “xưởng” với đủ đồ chơi (thấy ham luôn!).
Tôi phải tính toán gỗ, ván để rồi ra chỗ khu vực dịch vụ cưa cắt (Home Depot) để họ làm. Đem về nhà là chỉ có ráp vào đóng thôi nên nó mất thời gian là vậy. Anh bạn (cùng làm) thấy vậy hối: “Thôi mình cứ chạy ra đó luôn đi Tường. Tính toán chi cho mệt!”
Tưởng tượng mua thiếu gỗ thì lấy gỗ ở đâu? Không có máy khoan thì làm sao? Hết pin (máy khoan) thì ngồi đợi charge 8 tiếng hay sao? Công việc chuẩn bị nó mới quan trọng nhưng thường người Việt mình lại coi thường.
Hơi vòng vo một chút. Thôi để tôi quay lại chuyện NGUYÊN TẮC 5 BƯỚC THÀNH CÔNG.
Đây là 5 Bước mà Ray đề nghị:
- Bước 1: Có mục tiêu rõ ràng
- Bước 2: Xác định vấn đề (thách thức) và không chấp nhận (vấn đề) tồn tại
- Bước 3: Chẩn đoán vấn đề tìm ra nguyên nhân sâu xa
- Bước 4: Lên kế hoạch để giải quyết vấn đề
- Bước 5: Thực hiện kế hoạch đến kết quả cuối cùng
Đối với Bước 1, Ray nhấn mạnh đến “Phải ưu tiên”, nghĩa là: “Bạn không thể muốn mọi thứ được, bạn phải ưu tiên cho mục tiêu nào đó mà đối với bạn là quan trọng nhất.”
“Do đó khi bạn chọn một mục tiêu (nhiệm vụ) nghĩa là bạn phải từ bỏ một mục tiêu khác ít quan trọng, ít bức thiết hơn. Nhiều người đã thất bại ngay từ Bước này!”, Ray Dalio.
Đơn giản vì họ sợ “Không biết bỏ cái này có phí không” hay “Lỡ bỏ cái này nó hơn cái kia thì sao?”. Thế là, họ “hốt hết" cho chắc ăn. Kết quả là không thể làm tốt hết những nhiệm vụ trong một thời điểm với cùng một nguồn lực. Cuối cùng là chả có cái nào ra cái nào.
“Đừng để những chọn lựa (mục tiêu) làm bạn rối và nhụt chí. Phải dũng cảm chọn!”
Nếu bạn làm thiết kế (bao bì, poster, quảng cáo báo…) Nguyên tắc của thiết kế là: “Less is More”. Bạn chọn nói cái này thì phải bỏ cái kia. Nói nhiều (rối) thì người xem sẽ khó hiểu và lĩnh hội.
Tôi còn nhớ bài phỏng vấn chú của tay vợt Rafael Nadal (cũng là huấn luyện viên). Đại ý phóng viên hỏi là suốt ngày đi đánh như vậy thì cháu ông có định vào đại học không. Ông chú Toni (không phải ông chú Viettel nha) mới hỏi lại phóng viên là "thế vào đại học để làm gì: có việc làm tốt, kiếm tiền, mua nhà, mua xe – đúng không? Thì thằng Rafale nó đang làm đó. Thậm chí còn tốt hơn là vào đại học."
“Bạn không thể muốn mọi thứ được, bạn phải ưu tiên cho mục tiêu nào đó mà đối với bạn là quan trọng nhất.”
Kế đến, Ray viết: “Đừng nhầm lẫn giữa mục tiêu và ước muốn. Mục tiêu là cái bạn muốn đạt được. Còn ước muốn là cái bạn muốn làm nhưng lại cản trở bạn đạt được mục tiêu.”
Thí dụ, mục tiêu của bạn là có sức khỏe dẻo dai khi tập gym. Còn ước muốn của bạn là ăn đồ ăn dầu mỡ ngon nhức nách nhưng lại không tốt cho sức khỏe!
“Do đó bạn phải quyết định điều bạn mong muốn nhất trong cuộc đời là gì bằng cách dung hòa mục tiêu và ước muốn!,” Ray nói.
Nếu bạn chơi thể thao chuyên nghiệp, bạn sẽ phải tuân theo một chế độ tập luyện khắc nghiệt, dinh dưỡng đặc biệt. Do đó bạn sẽ phải hy sinh những thú vui “vài ve” hay món ngon (nhưng không tốt cho sức khỏe). Và bạn có thể dung hòa chỉ “100 phần trăm” khi lên bục nhận giải hoặc thưởng thức món khoái khẩu trong 3 ngày Tết vì “Tết mà!”
Nếu bạn là vận động viên hay từng tham gia quân ngũ (tôi không nói ở Việt Nam) thì hồ sơ xin việc của bạn rất hấp dẫn đối với nhà tuyển dụng. Cả hai đều giống nhau ở một điểm đó là tính tập trung và kỷ luật. Riêng đối với vận động viên thì họ có thêm ý chí bền bỉ (giành chiến thắng). Khi “vững tin bền chí” thì bạn có thể làm được bất cứ chuyện gì!
“Bạn cũng không nên nói không với những mục tiêu tưởng như khó thực hiện. Phải táo bạo. Lúc nào cũng sẽ có cách thực hiện!”, Ray Dalio.
Rất nhiều người mắc phải “bệnh” này. Chưa cần nghe bạn nói hết là họ đã thốt lên: “Cái này sao làm được? Công ty X còn thất bại nữa là!” hoặc “Cái này mới quá không biết có làm được không?”
Bạn hãy khoan “diệt” ngay lập tức những mục tiêu này. Hãy ngẫm nghĩ, rồi điều chỉnh nếu cần.
Lúc đầu, hứng chí tôi định làm “100 ngày thử thách nhật ký”. Tôi cân nhắc sau đó giảm xuống “thất tuần”! Cũng sợ là không biết “qua nổi” không. Cuối cùng dừng lại “30 ngày”.
Hoặc ý tưởng đưa ra có thể không làm được nhưng lại dẫn dắt cho bạn qua một ý tưởng khác (khả thi hơn). Nếu bạn là “dũng sĩ diệt mục tiêu” thì vô tình bạn đã diệt luôn một ý tưởng vĩ đại mà chỉ mới bắt đầu phôi thai.
Bạn cần luyện cho bộ não suy nghĩ (bằng lý trí) theo hướng tích cực:“Cái này hay đây. Nếu mà ứng dụng thì tuyệt vời!” Hoặc lắng nghe với một tâm thế học hỏi: “Bạn nói rõ hơn thêm được không? Tôi thấy rất là lý thú!”
Hai cái chướng ngại thường cản đường cho việc chấp nhận ý tưởng, tiêu diệt mục tiêu. Đó là để cho cảm xúc dẫn dắt và cái tôi quá lớn (ego). Cảm xúc tước mất cơ hội lắng nghe một ý tưởng, tinh thần học hỏi.
Cái tôi lớn còn nguy hiểm hơn nữa: “Mịa, tao chuyên gia nè. Tụi mầy biết gì mà nói. Biến đi!”
Rất dễ thấy khi bạn trình bày một vấn đề, nhiều người đặt câu hỏi thiếu tích cực: một là phản bác chủ quan (do cái tôi cao), hoặc bắt bẻ vô lý (chỉ để chứng minh là họ giỏi, bạn không biết gì) hoặc chỉ muốn phô diễn kiến thức (của họ). Dù kiểu nào người hỏi cũng đều rơi vào 2 chuyện: cảm xúc và cái tôi.
"Khi “vững tin bền chí” thì bạn có thể làm được bất cứ chuyện gì!"
Ray nói thêm: “Mục tiêu mà bạn nghĩ không thể được nó chỉ mang tính tương đối và mang tính chủ quan trong thời điểm hiện tại. Khi bắt đầu làm bạn sẽ vỡ ra và với tinh thần chấp nhận khó khăn thử thách bạn sẽ thấy những con đường mà trước đây không thấy!”
Tôi hoàn toàn đồng ý. Thí dụ như Nhật ký 30 ngày tôi đang viết. Lúc đầu tôi cũng không hình dung là có đủ đề tài (nguyên tắc…) để “nhây” hay không. Tôi cũng chỉ định hướng: trong trường hợp hết đề tài thì tôi sẽ chia sẻ cảm nhận về nguyên tắc nào đó. Nhưng bây giờ viết đến ngày 7 tôi thấy “vỡ” ra nhiều đề tài hơn.
“Đường là do ta đi mà có!” Tôi rất thích câu này. Bạn muốn “ăn dày” thì bạn phải tạo ra đường đi riêng cho mình. Tất nhiên sẽ có nhiều rủi ro nhưng tưởng thưởng thì chắc chắn nhiều.
“Go big or go home!” Tôi thuộc loại người như vậy. Và bây giờ nó rất đúng trong thời đại ecommerce. Mấy bạn bán hàng online, MMO (Kiếm tiền trên mạng), POD (in ấn sản phẩm áo chăn ga gối nệm…theo yêu cầu) hay ecommerce – tôi nghĩ sẽ biết rõ.
Bạn đặt ra mục tiêu 100.000 đô hay 1 triệu đô thì cách làm, số lượng đầu việc thực hiện, công sức nói chung đều không khác mấy (nghĩa là nó không tỷ lệ 10 lần như doanh số). Thì hà cớ gì bạn lại chỉ nghĩ 100K? Chưa kể bạn còn phải dũng cảm đặt ra mục tiêu 10 lần như cuốn sách The 10X Rule?
Ray cũng lưu ý thêm: “Nếu bạn đặt mục tiêu mà bạn biết chắc là bạn đạt được thì mục tiêu đó quá thấp. Nó sẽ không kích thích khả năng cũng như nỗ lực!”
Ray cũng khẳng định: “Nếu có khả năng linh hoạt và đức tính tự chịu trách nhiệm, bạn có thể làm những điều mà bạn không nghĩ đến”.
Linh hoạt nghĩa là có khả năng đối phó với mọi tình huống, cũng đồng nghĩa với khả năng thích nghi cao. “Linh hoạt cho phép bạn chấp nhận là thực tế (và những người hiểu biết) sẽ là người thầy vĩ đại. Trong khi đó, tính tự chịu trách nhiệm sẽ giúp thúc đẩy bạn làm mọi cách để đạt được mục tiêu!”
Là người linh hoạt, tâm thế bạn luôn chủ động đối mặt với thách thức (thực tế). Luôn tìm cách để vượt qua. Và nếu không qua bạn sẽ nghĩ đến làm gì lần tới để có thể vượt qua.
Là người có trách nhiệm bạn không đổ thừa (khi mắc sai lầm). Thay vào đó bạn tự nhận trách nhiệm “Lỗi này của tôi. Thất bại này là của tôi!” và vì bạn đã không đủ sáng tạo, linh hoạt và chưa nỗ lực hết mình. Và do đó bạn sẽ động não thêm, linh hoạt thêm và nỗ lực thêm (cho lần tới).
Theo Ray khi đặt ra mục tiêu trong Bước 1, bạn cũng cần: “Biết rõ cách xử lý trong những tình huống bất lợi cũng như cách tiến về phía trước”
Trong những tình huống xấu như vậy đôi khi mục tiêu đặt ra chỉ để “bảo toàn những gì bạn có” hay “giảm thiểu mất mát”. Không nên đặt ra những mục tiêu rủi ro (vì nếu không đạt được bạn có nguy cơ mất hết). “Nhiệm vụ của bạn là chọn những mục tiêu khả thi nhất. Và khi đó chắc chắn bạn sẽ được tưởng thưởng!”
“Dù gì cũng đã nghĩ, thì nghĩ lớn luôn đi!” Đây cũng là câu của TT Donald Trump mà tôi cũng rất thích. Đừng có rón rén, sợ sệt. Tất nhiên để có những mục tiêu táo bạo bạn phải có một ý chí “không gì không thể” mà tinh thần này không phải từ “trên trời rơi xuống” mà nó được nuôi dưỡng từ “level thấp” (thử thách nhỏ) để có thể lên cao.