30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 08:
Đừng Bao Giờ Chấp Nhận Sống Chung Với Lũ!

Hôm trước tôi đã viết về Bước 1 "Có mục tiêu rõ ràng" trong NGUYÊN TẮC 5 BƯỚC THÀNH CÔNG của Ray. Nguyên tắc 5 bước này nó được sử dụng cho mọi hoạt động (dù nhỏ) hàng ngày.


Và thực hiện thành công 5 bước này cho mục tiêu thấp sẽ dẫn bạn đến những mục tiêu cao hơn.


Hôm nay tôi sẽ viết tiếp Bước 2: Xác định vấn đề (thách thức) và không chấp nhận (vấn đề) tồn tại. Nói cách khác đừng bao giờ chấp nhận sống chung với lũ!

"Nói cách khác đừng bao giờ chấp nhận sống chung với lũ!"

Như Ray đã viết cuộc sống luôn có khó khăn thách thức, bạn phải vượt qua để tiến bộ trong hành trình đi đến thành công.


Thành công là chuỗi kết quả của những hành động (thành công) được lập đi lập lại nhưng ở mức độ cao hơn.

“Đầu tiên bạn phải xem xét vấn đề rắc rối gặp phải là cơ hội để tiến bộ”. Đây là thái độ tích cực sẽ giúp cho bạn không né tránh, chấp nhận sự thật hiển nhiên “thách thức là một phần của cuộc sống”.


Một khi bạn sẵn sàng đối mặt với thách thức thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ dễ dàng học hỏi và tiến bộ.

Nếu bạn luôn coi góp ý của khách hàng (về chất lượng sản phẩm, dịch vụ) là cơ hội để bạn hoàn thiện, thì công ty bạn chắc chắn sẽ luôn làm hài lòng khách hàng.


Thông thường nghe đến “thách thức” là ai cũng oải. Ai sinh ra cũng đều muốn dễ dàng, muốn là có, chẳng cần phải cố gắng.


Do đó chỉ có tập luyện mới có thể có được suy nghĩ (tích cực) này. Và phải luyện từ mức độ thấp dần lên cao.

“Và bạn cần nhận diện vấn đề một cách rõ ràng không né tránh!


Nhiều người thường không thích như vậy, đặc biệt là nó liên quan đến yếu điểm hoặc yếu điểm của người bạn quan tâm!”

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 8

Về bản chất không ai muốn thừa nhận điểm yếu.


Do đó vấn đề xảy ra (liên quan đến yếu điểm) sẽ tiếp tục xảy ra vì bạn đã phớt lờ không chú ý ngay những lần trước mà bạn đã không xem xét suy nghĩ làm sao để không xảy ra nữa và nếu xảy ra thì làm gì.


Lý Tiểu Long có lần nói: Sửa cho người dại họ sẽ ghét bạn. Sửa cho người thông minh họ sẽ cảm kích. Tôi đã đọc đâu đó giờ tìm lại không thấy đâu.

Ray lưu ý, những người thành công là họ không ngại ngùng bộc lộ điểm yếu để có giải pháp cho điểm yếu này.

Khi thừa nhận điểm yếu đồng nghĩa với đối mặt với chúng và sẵn sàng tìm cách xử lý.


“Bạn cũng đừng né tránh những vấn đề đặc biệt nó có nguồn gốc sâu xa đến những thực tế (không mong đợi)!”

Thí dụ: Thực tế (vấn đề) là bạn thường gây cháy (trong bếp) khi nấu.


Nguyên nhân sâu xa của chuyện này là bạn “đa nhiệm”: vừa nấu vừa lướt "phây" và vừa rửa chén.

Tính đa nhiệm này nó cũng là nguyên nhân của nhiều vấn đề khác.


Bạn chỉ có thể giải quyết được những vấn đề (như hỏa hoạn, làm trước quên sau…) bằng việc đối mặt với thói quen đa nhiệm (thiếu tập trung).


Một thí dụ khác. Thành viên trong team làm việc không có “xuôi chèo mát mái” với nhóm trưởng (là bạn).

Nguyên nhân sâu xa là bạn quen kiểu quản lý cầm tay chỉ việc “phải làm như thế này, phải làm như thế kia” (thay vì bạn nên quản lý bằng kết quả công việc) và thích áp đặt, chủ quan ý kiến riêng.


Đây là điểm yếu (thiếu tin tưởng, chưa có kỹ năng trao quyền) mà bạn cần phải nhìn nhận để cải thiện.

"Thành công là chuỗi kết quả của những hành động (thành công) được lập đi lập lại nhưng ở mức độ cao hơn."

“Nhiều người thường xấu hổ khi vấn đề gặp phải liên quan đến tài năng và kỹ năng. Chẳng có gì phải xấu hổ.

Hãy mạnh dạn thừa nhậnnhững khuyết điểm hạn chế. Vì đây là bước khởi đầu rất quan trọng để bạn vượt qua!”


Vì những vấn đề liên quan đến tài năng và kỹ năng đều có thể cải thiện và giải quyết nếu bạn mong muốn xử lý.

“Khi định danh vấn đề bạn cần cụ thể. Vì vấn đề khác nhau sẽ có giải pháp khác nhau. Nếu vấn đề là thiếu kỹ năng thì chỉ cần là huấn luyện thêm là được.”


Thí dụ, báo cáo tài chính của một kế toán viên gần đây có nhiều sai sót. Có thể vấn đề (chất lượng báo cáo không cao) là bạn này gặp chuyện trục trặc gia đình nên đầu óc lơ đãng hay kỹ năng chuyên môn của bạn còn hạn chế (khi làm những báo cáo tổng hợp).


Theo Ray “Nếu vấn đề liên quan đến người có yếu điểm, thì thay bằng người có thế mạnh phù hợp. Chỉ đơn giản vậy thôi!”

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 5

Bạn không thể luôn làm tốt cái mà bạn không mạnh (hoặc không thích) hoặc những cái liên quan đến điểm yếu.


Nhưng nếu vấn đề là những yếu điểm bẩm sinh, thì bạn cần tìm sự giúp từ chuyên gia hoặc bạn sẽ phải thay đổi vai trò.” Ray chia sẻ. 

Có những người bị chứng rối loạn tự kỷ (liên quan đến ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, tiếp nhận thông tin).

Những người này thường gặp trở ngại về diễn đạt (rõ ràng), hoạch định, sắp xếp, quản lý (thời gian)…


Nên sẽ cần những chuyên gia để giúp giải quyết. Hoặc bạn phải thay đổi nhiệm vụ, vai trò ít liên quan đến những yếu điểm mang tính bẩm sinh.


Tỷ phú “nổi loạn” Richard Branson mắc chứng khó đọc.

Bệnh này thường ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, kỹ năng tổ chức và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.

Bù lại những người này lại mạnh về tư duy hình ảnh, sáng tạo và linh hoạt.


Tương tự một tỉ phú khác (mà tôi quên tên).

Ông bị mắc chứng tăng động (nếu nặng thì thích đập đầu vào tường) nên không mạnh về những chức năng thực hiện của não bộ (executive functioning) và không thích ngồi yên một chỗ.

Vị này luôn thường xuyên đi thực tế (xuống nhà máy, gặp gỡ các phòng ban, đối tác) và thuê riêng một trợ lý làm thay những công việc sắp xếp, tổ chức, hội họp…

“Đừng nhầm lẫn nguyên nhân của vấn đề và vấn đề thật sự!”

Sẵn tôi cũng muốn chia sẻ về suy nghĩ tích cực (mà tôi cũng đã “luyện” được).

Tôi thường nhìn vào điểm mạnh của những người làm chung để “xài” hơn là điểm yếu (mà không quan trọng) để từ chối.

Cái đầu của tôi tập trung “rà tìm” những điểm mạnh và xem những điểm này nó có phù hợp với vấn đề tôi đang cần (giải quyết) không.


“Đừng nhầm lẫn nguyên nhân của vấn đề và vấn đề thật sự!” Ray cho một thí dụ rất rõ: “Tôi ngủ không đủ!” không phải là vấn đề. Nó có thể là nguyên nhân (hoặc là hệ quả) của vấn đề.


Để tránh nhầm lẫn, Ray khuyên nên xác định kết quả (của sự việc) dưới mong đợi.

Thí dụ: Báo cáo tuần này tôi chuẩn bị nó nhiều sai sót quá. Như vậy thiếu ngủ có thể là nguyên nhân làm bạn thiếu tập trung hay là một nguyên nhân nào khác.


Như Ray nói bạn cần tìm hiểu chính xác vấn đề là gì.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 8

Phân biệt rõ vấn đề chính và vấn đề phụ. Vấn đề lớn quan trọng nên cần tập trung giải quyết đầu tiên.”

Trong nhiều trường hợp giải quyết được vấn đề lớn thì đâu đó cũng xử được luôn những vấn đề nhỏ.


Tuy nhiên “bạn cũng không nên bỏ qua những vấn đề nhỏ vì chúng có thể là dấu hiệu của những vấn đề lớn!”

“Một khi xác định được vấn đề, đừng chấp nhận dễ dàng. Chấp nhận vấn đề (mà không có ý định giải quyết) thì cũng giống như bạn thất bại trong việc xác định vấn đề.”


Nhiều người chấp nhận “sống chung với lũ” hiển nhiên (“Số mình nó vậy!”).

Hay ngay từ đầu đã “đầu hàng”vô điều kiện điểm yếu theo kiểu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” (coi như thua).

“Thằng này nó chỉ có trễ deadline thôi chứ làm tốt lắm!” (thôi, tạm chấp nhận nó trễ deadline).

Đơn giản vì họ không tin là họ có thể giải quyết được hay họ có đủ nguồn lực để xử lý – dù lý do gì đi chăng nữa nếu không có ý chí để giải quyết thì coi như vô vọng.


Vì bạn chấp nhận vấn đề (chấp nhận sống chung với lũ) thì lần tới nó sẽ tiếp tục xảy ra và bạn sẽ bỏ qua. Và bạn cũng sẽ không vượt qua.


Nhưng tôi phải nói thật, thừa nhận khuyết điểm (hay thất bại)không phải dễ. Nhất là khi nó đã lên đô rồi.

“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời!” Tất nhiên bạn phải học và luyện cách thừa nhận khuyết điểm nếu muốn tiến bộ. Còn không thì bước 2 coi như thất bại.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 8

Nói đến đây tự nhiên lại nhớ đến “nhà văn nhí” nhà tôi. Chiều nay Minnie càm ràm vì phải làm Kumon mới được xem TV. 

Người lớn hay trẻ con cũng vậy. Chỉ muốn sướng mà không phải bỏ công sức.


Luôn miệng: “Stupid Kumon”, “Kumon chẳng vui gì hết!”, “Đến lớp mấy con không học Kumon nữa?” …

Tôi giải thích cho bé, nếu con cứ càm ràm vậy thì đâu có giải quyết gì. Chi bằng con tập trung vào làm để còn xem TV.

Có thể một lần bé sẽ không hiểu nên sẽ tiếp tục phản ứng như vậy trước khó khăn thử thách.


Nhưng nếu bạn đi lặp đi lặp lại nhiều lần thì bé sẽ hiểu và áp dụng nguyên tắc: phải đối mặt với khó khăn và giải quyết (cho mọi chuyện trong cuộc sống!


Thôi đã dài. Mai tôi sẽ viết tiếp Bước 3: Chẩn đoán vấn đề tìm ra nguyên nhân sâu xa. Hy vọng nó sẽ bớt “khô” hơn hôm nay.


Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>