30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 09:
Truy Tìm Nguyên Nhân Sâu Xa Của Vấn Đề

Có được mục tiêu rõ ràng, xác định được vấn đề (và sẵn sàng thay đổi) là bạn đã đi được 2 bước của NGUYÊN TẮC 5 BƯỚC.


Bước 3:Chẩn đoán tìm ra nguyên nhân sâu xa để có thể giải quyết rốt ráo vấn đề gặp phải (mà bạn không chấp nhận “sống chung với lũ”)


Lưu ý đầu tiên mà Ray cho biết khi thực hiện Bước này: “Bạn phải tập trung vào bản chất của vấn đề trước khi bắt tay vào giải quyết.”

“Bạn phải tập trung vào bản chất của vấn đề trước khi bắt tay vào giải quyết.”

Sai lầm rất phổ biến của nhiều người là cầm đèn chạy trước ô tô, chưa tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề mà lại nhảy vào tìm hướng xử lý. “Tư duy chiến lược đòi hỏi phải chẩn đoán kỹ trước và sau đó là lên kế hoạch cụ thể!”


Nếu bạn không biết nguyên nhân sâu xa thì bạn sẽ không đưa ra giải pháp phù hợp. Hoặc những giải pháp đưa ra chỉ mang tính tạm thời trước mắt.


Ray khuyên, để có thể chẩn đoán tốt bạn thuê các chuyên gia trong lĩnh vực, cùng xem xét những chứng cứ để tìm nguyên nhân.

Đó là lý do mà để phát triển bản thân, bạn cần có coach. Chơi thể thao thi đấu cũng vậy. Coach là người đáng tin, có chuyên môn lại ở ngoài nên mới nhìn thấy đầy đủ những mặt mạnh và yếu của bạn (mà tự mỗi người sẽ khó có thể thấy đầy đủ được) – có thể gọi là điểm mù.


“Khi đi tìm nguyên nhân sâu xa cũng giống đi tìm Nguyên tắc. Các nguyên nhân gốc rễ thường xuất hiện lập đi lập lại (mang tính hệ thống) trong nhiều tình huống khác nhau.”

“Khi đi tìm nguyên nhân sâu xa cũng giống đi tìm Nguyên tắc. Các nguyên nhân gốc rễ thường xuất hiện lặp đi lặp lại ”

Nếu bạn nấu ăn mà bị cháy khét quá lửa thường xuyên có thể là do bạn đa nhiệm vừa nấu vừa lướt face hoặc làm chuyện khác.


Sai sót quản lý hàng tồn kho trong báo cáo xuất hiện nhiều lần chứng tỏ kế toán viên thiếu kiến thức và kỹ năng nhất định.

Điểm yếu của tôi là đãng trí. Trước đây tôi thường để đồ ở đâu không nhớ. Để khắc phục tôi quy định 1 chỗ để tôi để đồ (kiếng đọc, chìa khóa, điện thoại).


Hoặc mỗi lần mua kiếng (đọc) tôi mua 5 cái để những chỗ tôi cần (dưới nhà, phòng ngủ, xe hơi…).Mỗi lần đi đâu (du lịch) là tôi mang theo 1 cái back up. Và thường là mất (hoặc gãy) 1 cái!


Tương tự kỹ năng quản lý file (trong máy tính) của tôi cũng không tốt. Lưu rồi không biết để đâu. Vì nhiều khi tôi lưu không theo hệ thống.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 9

“Kế đến bạn cần phân biệt rõ nguyên nhân gần nhất với nguyên nhân sâu xa.” Nguyên nhân gần nhất là những hành động (hoặc thiếu hành động) đã dẫn đến vấn đề (cần giải quyết). Chúng thường được mô tả bằng động từ.

Thí dụ: “Tôi đã lỡ chuyến tàu điện đi làm vì tôi quên kiểm tra lịch chạy”. Nguyên nhân gốc rễ nó sâu xa hơn (“quên kiểm tra lịch tàu chạy”) – đó là “Vì tôi đãng trí”, và thường được mô tả bằng tính từ.


Ray nhấn mạnh, “Bạn phải đi tìm nguyên nhân sâu xa nhất thì mới giải quyết được vấn đề tận gốc.”

Trong trường hợp đãng trí (lơ đãng) nên đã lỡ tàu điện, thì có thể bạn phải đặt lịch (điện thoại) nhắc kiểm tra lịch tàu chạy (trước 30 phút).


Tương tự nếu nguyên nhân sâu xa là không được cập nhật quy định kế toán (hàng tồn kho) thì kế toán viên cần phải được huấn luyện đào tạo.


“Bạn phải mạnh dạn chẩn đoán và chấp nhận những sai lầm và điểm yếu của bản thân. Điều này rất khó bởi lẽ chúng ta thường bị mù không thấy và thường bị cái tôi nó cản trở!”


Muốn tiến bộ bạn phải chấp nhận sai lầm và đặc biệt là phải mạnh dạn truy tìm nguyên nhân của những điểm yếu (mà ai cũng có). Từ đó mới có thể giải quyết tận gốc những khuyết điểm cản trở bạn tiến bộ.

“Bạn phải mạnh dạn chẩn đoán và chấp nhận những sai lầm và điểm yếu của bản thân. Điều này rất khó bởi lẽ chúng ta thường bị mù không thấy và thường bị cái tôi nó cản trở!”

Thí dụ có nhiều người thường trở ngại khi học tiếng Anh, đặc biệt là nói: dễ bỏ cuộc, ít tiến bộ, gặp nhiều trở ngại khi giao tiếp (không ai hiểu ai).

Một trong những nguyên nhân (sâu xa) là ngại nói, sợ sai, sợ bị cười hoặc bị quá phân tâm bởi ngữ pháp. Biết được nguyên nhân sâu xa sẽ cho bạn có giải pháp (Bước 4) để vượt qua.


Một cháu của chúng tôi thường “nhát” (ngại) hỏi khi làm việc. Cháu thà là bị bất lợi chứ không chịu hỏi. Cháu đang học Online môn Toán và Hóa lớp 11. Lý do phải học online vì cháu học 1 học kỳ ở Ý rồi mới chuyển về Canada học tiếp học kỳ 2 - nên lịch học trên lớp (in-person) không khớp.


Theo quy định cháu email nộp bài kiểm tra (mỗi chương) và yêu cầu đăng ký lịch làm bài kiểm tra với thầy dạy. Nộp bài mấy tuần mà không thấy thầy hồi âm. Thúc cháu gởi email theo dõi (khi nào thầy cho làm kiểm tra) thì cháu lần lữa (bảo là thầy bận, Covid-19, bla bla bla). Cơ bản là cháu ngại, sợ (mặc dù chẳng có gì phải sợ).

Tôi quyết định gọi điện cho Bộ phận Online học vụ của Thành phố và mở speaker phone cho cháu nghe tôi trao đổi. Tôi nói với người phụ trách là cháu “có quyền được biết khi nào làm kiểm tra chứ không thể ngồi đợi”. Cô phụ trách hỏi nếu tôi có muốn họ liên lạc với thầy dạy để giúp cháu lấy lịch kiểm tra hoặc tôi muốn nói chuyện với người phụ trách cao nhất ở đây hay không.


Đây là điểm yếu của cháucần giải quyết vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc học hỏi, tiến bộ, chất lượng ra quyết định công việc cũng như cuộc sống. Và tôi cũng đã tìm cách giúp cháu giải quyết (hoặc ít ra cũng khắc phục) vì nó có liên quan đến nguyên nhân sâu xa (mà tôi sẽ nói sau).

"Muốn tiến bộ bạn phải chấp nhận sai lầm và đặc biệt là phải mạnh dạn truy tìm nguyên nhân của những điểm yếu (mà ai cũng có). Từ đó mới có thể giải quyết tận gốc những khuyết điểm cản trở bạn tiến bộ."

“Nếu bạn là sếp, nhân viên cũng sẽ ngại trao đổi hoặc góp ý về những sai lầm và điểm yếu vị họ sợ bạn buồn và tổn thương!”


Nhưng nếu bạn là người cởi mở, cầu tiến thì những người xung quanh bạn sẽ sẵn sàng chia sẻ những sai lầm, khuyết điểm để bạn điều chỉnh và sửa chữa! Vì họ sẽ cảm thấy bạn sẽ không buồn, ngược lại là bạn vui vì họ đã giúp bạn tiến bộ.


Nếu bao bọc bởi những người xu nịnh, ve vuốt sẽ làm cho bạn không chỉ mù (không thấy những khuyết điểm và sai lầm) mà còn làm cho “cái tôi” ngày càng lớn. Điều này càng nguy hiểm nếu như xuất phát điểm của bạn đã là người thiếu minh bạch (sợ bộc lộ khuyết điểm, dấu dốt).


Điều khác biệt giữa những người cầu tiến và những người ngại khó hoặc cái tôi quá lớn là họ luôn khách quan mạnh dạn xem xét bản thân để tìm ra những nguyên nhân sâu xa cản trở họ thành công.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 9

Và tôi cũng muốn nhắc đi nhắc lại là NGUYÊN TẮC 5 BƯỚC luôn được thực hiện hàng ngày cho mọi chuyện. Cả cuốn sách Nguyên tắc của Ray cũng vậy. Khi tôi đọc và viết những trang nhật ký này là tôi đã học được rất nhiều. Nó cũng giúp tôi soi rọi lại nhiều điều.


Bạn nhớ phải thực hành hàng ngày. Dù là chuyện lớn nhỏ.


Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>