30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 11:
Đã Làm Thì Phải Làm Cho Xong!
Bạn đã phác thảo được kế hoạch hành động (Bước 4) sau khi xác định được nguyên nhân sâu xa (Bước 3) của vấn đề cầngiải quyết (Bước 2) để giúp bạn được mục tiêu đề ra (Bước 1).
Bây giờ là bạn đến Bước 5: Thực hiện kế hoạch đến kết quả cuối cùng.
Bạn lưu ý, là bạn phải làm cho xong (nghĩa là cho đến kết quả cuối cùng).
“Những người hoạch định tốt sẽ không làm gì khác nếu không bắt tay thực hiện. Bạn cần phải xắn tay áo lên làm. Để làm được như vậy nó đòi hỏi tính kỷ luật cao triển khai những gì bạn đã đề ra!”
“Những người hoạch định tốt sẽ không làm gì khác nếu không bắt tay thực hiện. Bạn cần phải xắn tay áo lên làm. Để làm được như vậy nó đòi hỏi tính kỷ luật cao triển khai những gì bạn đã đề ra!”
Xây dựng được tính kỷ luật cao nghĩa là bạn phải tuyệt đối tuân thủ theo một chế độ, lịch làm việc nào đó.
Tôi làm việc ở nhà nên luôn cố gắng tuân “thời gian biểu” như đi làm.
Sau khi thức dậy cùng với bà xã chuẩn bị ăn sáng, chuẩn bị đồ ăn trưa (lunch box) và chở con đi học, tôi ăn sáng, tắm rửa, thay quần áo rồi ngồi vào bàn làm việc.
Cho đến khi ăn trưa, nghỉ trưa rồi dậy đón con ở 2 trường. Và mỗi ngày đúng như vậy. Nghĩa là không phải theo kiểu vui thì làm, buồn thì thôi. Bữa đực bữa cái.
Nếu bạn không có kỷ luật như vậy bạn sẽ dễ buông, đặc biệt là lúc nản.
Tất nhiên cũng có những ngày (những lúc) tôi chán, làm việc không hiệu quả. Tôi xuống tưới cây hoặc cho cá (beta) ăn. Hoặc làm một việc khác. Tôi phải tìm cách vượt qua những cảm giác này để luôn “ăn ngủ nghỉ” với mục tiêu đã đề ra.
Nhiều người nghĩ rằng, những người làm nghệ thuật chỉ làm khi họ có hứng.
Việt Thanh Nguyễn tác giả của cuốn “The Sympathizer” (Giải Pulitzer) đã tiết lộ, ông đã bỏ và viết lại không biết bao nhiêu lần vì không vừa ý. Khi con mới sinh, ông “trực” ca đêm để cho con bú. Đó là lúc ông viết miệt mài ròng rã.
"Nếu bạn không có kỷ luật như vậy bạn sẽ dễ buông, đặc biệt là lúc nản."
Tương tự như Nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn nếu không lẽ ngày nào cũng hứng mới có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ như vậy? Chỉ có một tinh thần kỷ luật cao mới làm được như vậy.
Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người có đủ tố chất để thành công nhưng chỉ vì thiếu kỷ luật (đợi hứng mới làm) nên kết cục không như ý.
Và thường là không hứng nên “tranh thủ” cày game, chém gió trên facebook và cà phê cà pháo. Con người ai không muốn chơi, không muốn sướng?
Hà cớ gì phải mệt thân, mệt óc – nếu như ý chí bạn không bắt bạn: “Tôi phải làm cái này cho xong”. Tính kỷ luật nó sẽ kéo bạn vào bàn việc và ngồi cho đến khi nó cho phép bạn đứng lên!
Có lần tôi có nói những người đi quân ngũ hay vận động viên chuyên nghiệp luôn được các công ty săn tìm vì họ có tinh thần kỷ luật cao là vậy.
“Bạn phải luôn kết nối giữa nhiệm vụ (thực hiện) và mục tiêu đề ra. Nghĩa là bạn làm những nhiệm vụ này là để đạt được mục tiêu.”
Bạn cần phải luôn “tỉnh táo” và luôn đặt cho mình câu hỏi: làm cái này nó có giúp tôi đạt được mục tiêu hay không. Có nhiều người làm chỉ để làm chứ hoàn toàn không biết và không quan tâm tại sao phải làm như vậy.
“Bạn phải luôn kết nối giữa nhiệm vụ (thực hiện) và mục tiêu đề ra. Nghĩa là bạn làm những nhiệm vụ này là để đạt được mục tiêu.”
Khi phân nhiệm vụ tôi thường cung cấp một bức tranh rộng hơn công việc giao, nói rõ mục tiêu và nhiệm vụ (công việc) họ cần làm.
Nếu không, họ chỉ cho bạn đôi tay thôi, còn cái đầu thì bạn vẫn phải làm thay cho họ.
Nếu bạn tạo kết nối này bạn sẽ mạnh dạn loại bỏ những việc không cần làm, những việc chưa cần làm ngay hay những việc “vô thưởng vô phạt” hoặc những chuyện làm cho “đẹp” (Nice to have). Vì những việc này nó không dẫn trực tiếp đến mục tiêu.
Đặc biệt nếu là người đạt “cảnh giới” cao (làm việc hiệu quả) thường họ là fan của Nguyên tắc 80/20. Nghĩa là bạn dùng 20% nguồn lực (thời gian, ngân sách) để tạo ra 80% kết quả.
Thông thường người ta lại dùng 80% nguồn lực chỉ để tạo ra 20% kết quả. Bạn thử xem lại mình có vậy không? Bữa nào tôi sẽ viết thêm về Nguyên tắc này.
“Nếu có những lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy mất dấu (kết nối), bạn nên dừng lại và trả lời câu hỏi: tại sao? Khi mất dấu thì cũng nghĩa là bạn bị mất phương hướng (mục tiêu)!”
Tình huống này thường hay xảy ra. Có thể là là thói quen, sa đà vào chi tiết và quên đi tổng thể (mục tiêu) nên lạc lối (mất phương hướng).
Hoặc bạn “đắm đuối” làm cái (phần công việc) bạn thích hay biết rõ, rồi khi “tỉnh” lại không biết mình đang ở đâu.
“Bạn nên tập thói quen làm việc: lên danh sách cần làm, khi nào làm xong thì đánh dấu hoàn thành.”
Đây là thói quen rất tốt. Khi lên danh sách những việc cần làm không chỉ giúp bạn nhớ (làm) mà còn để bạn xem xét thứ tự ưu tiên, bỏ đi những gì mà chỉ “màu mè hoa lá hẹ” (quởn thì làm không quởn thì thôi).
Thiếu check-list dẫn đến “làm trước quên sau” và tùy hứng (hứng chí làm thêm cái không cần trong khi cái cần thì không làm!)
Tôi có bà bác. Năm nào cũng làm giỗ cho khoảng chục người ăn. Năm nào cũng phải ăn “mầm đá” mà cũng làm bấy nhiêu đó món.
Thế là mọi người phải xúm vào một tay (rửa rau, làm nước mắm, chiên chả giò…) nếu không đói xanh mắt luôn.
Bà bác lại có cậu con trai mà tôi có lần nhờ sửa vi tính – sau đó là tôi tởn tới già. Hẹn lần lữa đến nhà để xử lý. Đến nhà xong lại quên đồ nghề. Đến lại lần nữa để kiểm tra được rồi thì tiếp tục hẹn để mua phụ tùng. Đến khi mua thì gọi điện “Chết rồi em không nhớ cái bo mạch của anh loại gì? Để em ghé lại coi để mua cho chính xác!” Hai tuần đi đứt chỉ vì bạn này không thực hiện Nguyên tắc 5 bước (hoặc đơn giản là không làm check list).
Bạn này không hề “nghiền ngẫm” xem lần tới làm thế nào để chuyện này không xảy ra nữa. Nên chắc chắn lần tới sẽ tiếp tục xảy ra.
“Bạn nên tập thói quen làm việc: lên danh sách cần làm, khi nào làm xong thì đánh dấu hoàn thành.”
Những cái này đâu có trường đại học nào dạy. Bạn phải tự học thông qua vấp ngã (còn không làm gì thì khỏi bị ngã!) Mà phải là người “để ý” và cầu tiến thì mới được còn nếu không thì mọi chuyện sẽ là “chuyện thường ngày ở huyện”.
May mắn là đã có được những người như Ray đúc kết “bê” sẵn lên cho chúng ta ăn. Nhưng không chắc là có người muốn ăn!
Xác lập một thước đo để bảo đảm bạn đang thực hiện kế hoạch đề ra. Lý tưởng là có người khác, không phải là bạn, giúp theo dõi và báo cáo tiến độ thực hiện. Họ sẽ khách quan chuẩn đoán tìm ra nguyên nhân khi bạn không đạt được mục tiêu! Và sẽ lại bắt đầu một tiến trình 5 bước lại từ đầu.
Đức tính “tự chịu trách nhiệm” và thái độ cầu tiến sẽ giảm thiểu rủi ro bạn “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Nhiều người thành công không hẳn là họ giỏi thực hiện. Họ thành công vì họ tạo ra được một mối quan hệ cộng sinh với những người giỏi về thực hiện!”
Elon Musk, người sáng lập SpaceX là một thí dụ, với tham vọng dẫn đầu vào lãnh vực du hành không gian giá rẻ.
Và chiến lược thực hiện là phát triển các loại tên lửa giá rẻ tái sử dụng.
Đúng là Elon có học chuyên ngành về vật lý, thiết kế công nghiệp chứ hoàn toàn không phải là kỹ sư chế tạo tên lửa nhưng là người cầu tiến (growth mindset) nên dễ dàng học hỏi và làm chủ được lĩnh vực mới.
Trên hết ông có khả năng kết nối những người giỏi (thành công) để biến tầm nhìn (mục tiêu) của ông trở thành hiện thực.
Còn bé Minnie của tôi (9 tuổi) hiện đang viết sách cuốn thứ 2, cũng hơn 5000 chữ. Và cháu cứ “à ơi ví dầu” nên cũng không xong. Vui thì viết buồn thì game.
Nên tôi phải “deal” với cháu là nếu cháu viết xong (chẳng biết bao nhiêu chữ là xong) thì sẽ tôi sẽ mua (trên Amazon) cho cháu cái đồng hồ GPS mơ ước!
Biết đây cũng là một dạng “mua chuộc” nhưng tôi nghĩ nó lành mạnh với mục đích là rèn luyện cho cháu: đã làm thì phải làm cho xong!
Hay dở chưa cần biết nhưng phải làm cho đến kết quả cuối cùng – cũng là bước cuối cùng của NGUYÊN TẮC 5 BƯỚC THÀNH CÔNG.
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen