30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 16:
Nguyên Tắc Của Bạn Là Gì?

Tôi cũng đã viết được hơn “nửa đường hương phấn” (của 30 Ngày Nhật ký Nguyên tắc Thành công).

Hôm nay tự nhiên tôi lại muốn biết xem tôi đã “tiêu hóa” như thế nào cuốn sách của Ray. Và tôi cũng muốn kiểm chứng là tôi có riêng những nguyên tắc nào hay không.


Nguyên tắc theo Ray là những cách thức mà bạn dùng để đối phó, xử lý với những thực tế mà bạn gặp phải. Có nguyên tắc sẽ giúp bạn ra quyết định thành công và hiệu quả.


Nghĩa là bạn ít phải suy nghĩ nhiều khi ra quyết định. Vì bạn đã có nguyên tắc soi đường. Những người thông minh luôn có những nguyên tắc riêng (mà họ tự tạo ra hay họ áp dụng của người khác).


Những nguyên tắc được mỗi người đúc kết sau những lần té ngã (tạo cảm giác đau), sau đó sẽ nhắc bạn: làm thế nào để không gặp phải vấn đề (thách thức) đó nữa và nếu phải gặp lại thì phải giải quyết sao.

"Nguyên tắc được mỗi người đúc kết sau những lần té ngã, sau đó sẽ nhắc bạn: làm thế nào để không gặp phải vấn đề"

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 16

Ray nhắc đi nhắc lại rằng: Cuộc sống là luôn có khó khăn thử thách. Bạn không thể tránh mà phải học cách đối phó, xử lý tốt hơn.


Nguyên tắc (sống) cũng được đúc kết trong nhân gian và được “tỉa” thành những câu vần điệu như “Đi hỏi già, về hỏi trẻ” (Người già thì có kinh nghiệm, trẻ thì không biết nói dối!), “Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa” (Làm việc nghiêm túc, kỹ càng sẽ tốt cho lâu dài)...


Hồi trước tôi có học thêm vẽ mẫu (có người mẫu ngồi) bằng chì ở nhà thầy Trương Công Ngự (dạy ở Trường Kiến trúc).

Những bữa học đầu tiên hầu hết mọi người đều gặp phải thực tế (vấn đề): ngày đầu tiên là vẽ quá đậm một bộ phận nào đó (thí dụ như da người) và sau đó đến phần tóc là phải đậm đậm hơn nữa, thậm chí không còn chỗ đậm hơn nữa. 


Thế là mẫu vẽ trở thành người “da đen”. Vài lần như vậy tôi mới rút cho mình một Nguyên tắc “Từ nhạt lên đậm”.

Nghĩa là, đừng có tô đậm ngay từ đầu mà phải nhạt rồi lên đậm từ từ. Hay nói cách khác, nhạt lên đậm thì dễ còn đậm mà xuống nhạt thì khó.


Rồi khi bắt đầu nấu ăn (từ khi chuyển đến Vancouver) tôi cũng bị mấy món mặn chát. Thế là nguyên tắc xưa quay về và được sử dụng: “Nhạt lên mặn”! Nghĩa là, nếu có nhạt thì có thể nêm thêm (chứ còn mặn rồi là khó!) Hoặc để ai muốn ăn mặn thêm thì nêm thêm nước chấm.


Như Ray nói, ai làm (nghề) gì cũng có nguyên tắc của họ. Làm bếp cũng vậy. Tôi học được nguyên tắc “Giòn Ngọt” của Đông Huy (Founder của PITO).


Ngẫm nghĩ lại thấy đúng: các món mà ai cũng thích là giòn (gà rán) và ngọt (mấy món thịt nướng Hàn Quốc).

Thế là tôi đem áp dụng và còn bổ sung thêm “dầu mỡ diêu cua”. Mấy đứa con nhà tôi luôn review 5 sao (Dad is No.1 cook!) còn bà xã cứ phàn nàn là “anh làm dầu mỡ lai láng và ngọt như đường!”

"Nguyên tắc của (giải quyết) khủng hoảng không phải là xử lý mà là chuẩn bị (đề phòng) để nó không xảy ra."

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 16

Tương tự nếu bạn làm tài chính, kế toán, đầu tư, thiết kế, kiến trúc sư, luật sư, tiếp thị, môi giới bất động sản, bán hàng online, kiếm tiền trên mạng (MMO) – thì bạn cũng có những nguyên tắc (nghề) riêng.


Và vì tôi làm về PR, chuyên giúp giải quyết khủng hoảng nên tôi lại có những nguyên tắc: “Mọi chuyện đều có thể xảy ra!” (If it can go wrong, will go wrong”).


Nghĩa là nếu bạn thấy chỗ nào (chuyện gì) rủi ro có thể xảy ra thì bạn phải chuẩn bị đề phòng (vì nó sẽ sẽ xảy ra).

Nguyên tắc của (giải quyết) khủng hoảng không phải là xử lý mà là chuẩn bị (đề phòng) để nó không xảy ra. Hay nhất là phòng bệnh (để không bị bệnh) chứ không phải là bị bệnh (để mà chữa).


Nguyên tắc nó sẽ giúp bạn có phương án dự phòng. Tùy theo mức độ rủi ro mà những phương án dự phòng nó ở mức độ nào.


Và nếu chuyện (xấu, xui) xảy đến, thì tôi thường nghĩ đến một nguyên tắc kế tiếp: “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí!” (Xui lại gặp xui nữa, Kiểu như “đại nạn!”). 

Nghĩa là nếu gặp phải chuyện không may, thì phải giải quyết cho nó dứt điểm, triệt tiêu mọi rủi ro đi kèm (vì nó có thể dẫn đến một rủi ro khác).


Lúc đó tôi sẽ chấp nhận “Giết gà bằng dao mổ trâu!” (hơi phí đạn nhưng “an tâm”). Mỗi người có một nguyên tắc. Đây là nguyên tắc của riêng tôi được đúc kết từ những lần “Họa vô đơn chí”.

"IF IT CAN GO WRONG, WILL GO WRONG"

Cuốn sách của Ray chủ yếu là giúp bạn cách đúc kết nguyên tắc, đồng thời giới thiệu những Nguyên tắc thành công mang tính căn bản. Bạn xem xét rồi chọn cho mình những nguyên tắc mà bạn thấy hợp nhất.

Nếu bạn làm PR, quảng cáo, truyền thông (như tôi) thì chắc hẳn bạn cũng sẽ áp dụng Nguyên tắc “Nghĩ sao là vậy!” (“Perception is Reality”, “Nhận thức là thực tế”). 


Nguyên tắc này được trùm phát xít Hitler sử dụng để tuyên truyền cho “Đức là chủng tộc thượng đẳng”.

Thực tế không có một chứng cứ khoa học nào chứng minh được là dân tộc này (như Đức) thượng đẳng (“cao cấp) hơn dân tộc khác. Chẳng có nghiên cứu khoa học nào nói “Dân Việt Nam thông minh”. Nhưng vì bạn tin như vậy thì nó là như vậy.


Và một Nguyên tắc khác để làm cho bạn tin (trở thành “thực tế”) đó là nhắc đi nhắc lại (cùng một thông điệp)– cho đến khi bạn tin thì thôi.


Thí dụ: tôi không giỏi Toán nhưng tôi cứ nói lại (về chuyện này) cho đến một lúc bạn sẽ tin (mà sự thật là tôi “vất vả” với môn toán).

Hoặc các hãng nhớt hay nước uống sẽ luôn ra rả nói, thương hiệu (sản phẩm) của họ tốt nhất. Sự thật là không có (và nếu có, sự khác biệt không đáng kể).


Tương tự uống sữa thông minh sẽ giúp con bạn thông minh. Hoàn toàn không có như vậy. Thông minh nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dinh dưỡng (sữa ngoài) nếu có chỉ chiếm một rất rất nhỏ (1 phần triệu). Nhưng nếu bạn tin (và mua sữa thông minh của họ) là đủ rồi!


Khi còn đi học (thi cử nhiều), tôi cũng rút ra Nguyên tắc: Dễ làm trước, khó làm sau! Và sau này đi làm, nguyên tắc này vẫn tiếp tục đúng nên được mở rộng thêm Nguyên tắc: Hái trái thấp trước! Khách hàng nào ngon thì “hốt” trước! Sản phẩm nào thơm thì tung ra trước!


Trong nhiều trường hợp nếu bị tắc không hiểu chuyện gì đó thì tôi lại áp dụng Nguyên tắc: Làm tới.

Thí dụ đọc cuốn sách mà có đoạn nào đó (chương nào đó) không hiểu rõ, thì đọc tiếp những phần khác. Chứ không ngồi chờ chết. Hoặc bài toán đó không giải được (vì không hiểu rõ), thì cứ làm tiếp những bài khác. Thường thì sau đó quay lại thì tự nhiên hiểu được (phần trước đó không hiểu) hoặc giải được (bài trước đó chào thua).


Rõ ràng nguyên tắc được tạo ra khi bạn gặp khó khăn, thử thách. Bạn xem xét, làm thế nào để lần tới mình sẽ nó không xảy ra, nếu xảy ra, thì phải làm sao. Lần tới nó xảy ra, thì bạn (đã suy nghĩ trước) bạn sẽ áp dụng giải pháp đó. Nếu giải pháp nó đúng bạn sẽ “ghi nhận”, rồi đúc kết, rồi sau đó trở thành Nguyên tắc.

Những người “ra đời sớm” hay bị trường đời vùi dập nhiều, thường là có khả năng thích ứng cao (vì có những nguyên tắc riêng). Còn những ai được “bảo bọc” thì sẽ không va chạm để có thể đối mặt với khó khăn, thử thách nên sẽ dễ bị đi sớm.

Một trong những Nguyên tắc khác mà tôi “gối đầu” là Nguyên tắc 80/20”.


Nguyên tắc này giúp bạn “làm ít nhưng lại hít rất thơm”. Bạn tập trung nỗ lực (20%) vào những chuyện quan trọng (để tạo ra 80% kết quả). Thực tế chỉ có 20% khách hàng tạo ra 80% doanh số. Tương tự 20% brands tạo ra 80% doanh số.

Hoặc 1 ngành (bất động sản) của VinGroup tạo ra 80% doanh số. Còn lại là những ngành khác (trước đây) như giáo dục, y tế, bán lẻ, ecommerce, điện tử, xe hơi… Vấn đề là bạn phải xác định được những gì là quan trọng nhất và tập trung vào đó. 


Ai cũng có khó khăn, thách thức. Công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.


Thách thức trong hơn 2 tháng qua của tôi là nuôi và ép cá betta (dạng như cá xiêm). Tôi tốn gần 200 đô tiền cá rồi mà hôm qua con cá betta (phướng) cuối cùng “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.

Lâu lâu mà không thấy cá, con tôi hỏi: “Cá đâu rồi bố?” Mặc dù là đã học 5 năm nuôi cá ở ĐH Thủy sản Nha Trang mà kết quả vậy đó các bạn. Nên tôi phải tiếp tục vận dụng các nguyên tắc 5 Bước Thành công của Ray để đạt được mục tiêu này: “Ép cá betta thành công ở Vancouver”.

Ở đây cá (pet) không có chính sách đổi trả. Mua rồi đem về là chết ráng chịu. Cây thì ok. Trồng chết (trong 1 năm) thì đem lại họ đổi cho cây khác!


Chưa hết, từ lúc nghỉ học (vì Wuhan Virus) tôi “vật vã” mỗi sáng đánh thức cô con gái thứ 2 (Kitty). Dùng đủ mọi chiêu trò rồi mà cũng không ăn thua. Mai mốt gì đó có thể tôi sẽ viết về mục tiêu này.

Tôi phải tạm dừng, để đi đánh thức Kitty đây! Hơn 11g giờ trưa rồi!

Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>