30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 18:
Cái Tôi: Vì Mi Mà Ta Ra Nông Nỗi Này!
Hôm qua sau khi viết về “cái tôi”, bạn Huy (Founder của PITO) có skype gợi ý tôi nên viết sâu hơn và diễn giải nhiều hơn. Nhận thấy đây là rào cản cho nhiều người thông minh tưởng sẽ rất thành công nhưng kết cục không như ý – hôm nay tôi quyết định viết tiếp.
Theo Ray: “Cái tôi chính là cơ chế tự phòng thủ trong tiềm thức của mỗi chúng ta làm cho bạn khó chấp nhận sai lầm và điểm yếu bản thân.”
Giải thích của Ray nó cũng rất giống một trong những thói xấu (của người Việt) trong cuốn “Người xưa cảnh tỉnh” (do Vương Trí Nhàn sưu tầm, biên soạn): đó là tính “khiêm nhường giả, kiêu căng thật”, kiêu ngạo, sợ nói đến cái xấu của mình.
Ray giải thích rõ thêm: “Nhu cầu và nỗi sợ luôn song hành. Nhu cầu muốn mình được quan trọng và lo sợ bị xem thường. Nhu cầu luôn muốn mình đúng và lo sợ mình sai!”
Và vì nhu cầu muốn đúng, chứ không phải mong muốn tìm ra sự thật để học hỏi, nên khi tranh luận chúng ta cãi “cố sống cố chết” để giành phần thắng (được đúng). Không chịu lắng nghe bên kia nói gì, giải thích.
Và khi đuối lý (logic) thì tấn công cá nhân, nhục mạ người khác (để tìm chút cảm giác chiến thắng).
“Cái tôi chính là cơ chế tự phòng thủ trong tiềm thức của mỗi chúng ta làm cho bạn khó chấp nhận sai lầm và điểm yếu bản thân.”
Tương tự vì có nhu cầu “cho mình quan trọng” (sợ bị xem thường) nên cứ phải “gồng mình” để được quan trọng. Thí dụ như đi họp phải đến trễ và lúc nào cũng kèm theo một câu: “Bận quá, mới họp xong!”
Trong cuộc họp ra vẻ là “biết tuốt” (thực ra chẳng biết gì). Mỗi lần cần có ý kiến phát biểu thì luôn phô diễn (là mình thông minh, hiểu biết) hơn là góp ý xây dựng và học hỏi.
Theo Ray, phần não xử lý cảm xúc luôn “đánh nhau” với phần não phụ trách tư duy, logic.Trong nhiều trường hợp phần cảm xúc (nhu cầu và nỗi sợ) nó “thay mặt” cho lý trí (logic) để ra quyết định. Vì vậy những quyết định thường là “sáng đúng chiều sai, ngày mai lại đúng!”
Nguy hiểm nhất khi bị cảm xúc dẫn dắt đó là có xu hướng đơn giản hóa vấn đề (bỏ qua hoàn toàn lý trí xem xét). Đơn giản hóa theo kiểu: “Người Việt rất thông minh” (cảm xúc “tự sướng” mà hoàn toàn không có chứng cứ khoa học chứng minh).
Vì suy nghĩ như “tự thân” người Việt đã thông minh rồi, thì chúng ta không cần cố gắng (học hỏi) nữa. Nguy hiểm là ở đây!
Hoặc đơn giản hóa sự giàu có, thành công của người giàu là: “do bóc lột (người nghèo)”??? Chưa kể là “Mịa, thằng đó giàu mà ngu lắm!”
Bạn thấy nó mâu thuẫn không? Giàu mà sao ngu được? Mà ngay cả họ có ngu về chuyện gì đó thôi chứ đâu thể đơn giản đến mức tối giản là ngu tất cả? Trong khi đó chính người giàu là động lực để cho người nghèo thoát nghèo. Và khi “ghét” người giàu (và chê họ ngu) vô hình chung bạn sẽ không muốn học gì ở họ. Do đó bạn sẽ không tiến bộ. Nghèo tiếp tục nghèo!
"Nguy hiểm nhất khi bị cảm xúc dẫn dắt đó là có xu hướng đơn giản hóa vấn đề, bỏ qua hoàn toàn lý trí xem xét"
Tôi có lần kể về một anh sếp làm Acting Marketing Manager (ở một nhà máy rượu bia). Lúc đó tôi làm Management Trainee.
Khi đó anh yêu cầu tôi làm một bài thuyết trình (bằng tiếng Anh) về thương hiệu (của công ty) để huấn luyện cho Sales. Đọc xong (chắc cũng chẳng hiểu gì bao nhiêu) nhưng anh lại đứng giữa phòng nói lớn (cố ý cho nhiều người nghe): “Chắc tao phải nói cái trường của mày ở Philippines lấy lại cái bằng cao học của mày quá!”
Cảm xúc (đố kị) dẫn dắt đến độ đơn giản hóa (mọi chuyện) đến không tưởng! Cảm xúc này nó sẽ cản trở anh học hỏi và tiến bộ (vì “thằng Tường nó đâu có kinh nghiệm gì về Marketing!”). Anh này vẫn thành công chứ không phải thất bại nhưng nếu anh tiết chế được cái tôi (hay đừng để cảm xúc dẫn dắt) thì anh còn thành công hơn nữa.
Mấy năm sau tôi mở công ty PR Max Communications có văn phòng nhỏ đặt cùng tòa nhà (lúc đó anh được chuyển qua làm PR Manager của công ty đó). Đi cùng thang máy có mấy đồng nghiệp cũ, anh nói lớn theo giọng kẻ cả: “Ê, sao tao không thấy mày rủ tao đi nhậu Tường?” Trong khi đó đang rất muốn gặp tôi (rủ tôi đi nhậu) để chỉ vẽ cho công việc chức vụ mới mà anh đảm nhiệm!
Có lần tôi giới thiệu cho một người quen (là BS chuyên khoa cấp 1) cho con qua Philippines học ĐH (chuyên ngành Tâm lý hoặc Y tá).
Đây là 2 ngành mà họ tốt hơn Việt Nam mình rất nhiều (và chi phí thì rất phải chăng). Lại có cơ hội đến Canada làm việc và ở lại (Đây cũng là mục tiêu họ nhắm đến). Nói vừa dứt câu, thì chị đã thốt lên: “Philippines nó nghèo như mình có gì đâu mà học hả em?”
Tương tự cảm xúc "bài Trung" vô hình chung đánh đồng với mọi thứ của Trung Quốc là xấu, là tệ mà quên đi rằng họ quá nhiều những cái cần học cũng như cơ hội đem lại cho chúng ta.
Người Hàn họ “thù” người Nhật không? Thù chứ! Ghét không? Ghét lắm chứ! Nhưng họ khác chúng ta (không thích người Trung Quốc) là họ biến “cảm xúc” ghét để cố gắng nỗ lực không ngừng để bằng Nhật, bằng cách học và vượt qua người người Nhật (mọi thứ).
Khi cảm xúc lấn át lý trí thì chúng ta sẽ “phản ứng một cách bản năng”!
Nghĩ lại thấy đúng. Nhiều chuyện tào lao bí đao (vô bổ) chúng ta cũng bị lôi vào tranh cãi (đến không nhìn mặt nhau). Hay những chuyện sai rành rành nhưng lại “lên đồng” ủng hộ (vì mủi lòng rơi nước mắt)!
Cảm xúc dẫn dắt dễ dẫn đến tính vô kỷ luật. “Tôi làm phải có hứng, không có hứng tôi làm không được!” Nếu ai nói như vậy rõ ràng họ là nghiệp dư.
Bạn đá (bóng) chuyên nghiệp mà chẳng lẽ hôm nay bạn đá dở vì không có hứng? Chẳng lẽ làm việc trong 1 team mà mọi người phải đợi bạn có hứng thì mới làm hay sao?
Cảm xúc dẫn dắt dễ dẫn đến tính vô kỷ luật. “Tôi làm phải có hứng, không có hứng tôi làm không được!” Nếu ai nói như vậy rõ ràng họ là nghiệp dư.
Ray viết rất rõ trong cuốn sách: “Phần não xử lý cảm xúc luôn khát khao muốn nghe lời khen nhưng lại xem chỉ trích, phản biện là cuộc tấn công!”
Nhiều khi không khen hoặc chỉ khen “PR” thôi mà chúng ta cũng “lên đồng” vơ về cho mình. Lời khen (nếu đúng) cũng là một cách lên tinh thần để chúng ta học hỏi thêm. Cái đáng nói là chúng ta không tiếp tục nỗ lực thêm sau khi được khen (vì chúng ta giỏi rồi, biết rồi). Nên đâu có cần học hỏi nữa!
Đặc biệt là nếu ai chê (mà chê đúng) là thôi đó. Chúng ta sẽ nhảy xổ ra ngụy biện, nào là “Tại bởi thì là mà”, nào là “Thằng kia nó cũng vậy!” hay “Chuyện này có gì đâu mà ầm ĩ?”, “Mịa, mày coi lại mày đi, mày có gì hơn tao không?”…
Khi bạn xem phản biện, góp ý xây dựng là tấn công thì bạn sẽ không nhận ra sai lầm, khuyết điểm để sửa sai, để tiến bộ. Lần tới chuyện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra.
Và khi để cảm xúc cầm lái nên người Việt chúng ta thường biến tranh luận trở thành cuộc chiến của 2 phe “một mất một còn”. Trong khi đó tranh luận đúng nghĩa (chứ không phải tranh cãi) là để tìm ra sự thật (bất kể ai đúng ai sai) để học hỏi, để tìm ra giải pháp tối ưu nhất và để cùng tiến bộ.
Ngay từ đầu nhu cầu “được đúng” và lo sợ “bị thua” nó đánh nhau (vì mâu thuẫn vốn có). Và thế là bạn tranh cãi là chỉ để chứng minh là bạn đúng!
Và khi cảm xúc nó bịt mắt lý trí nên nó gân cổ cãi “bất cần thân thể” (mặc dù là phi logic) chỉ để muốn thắng đối phương bằng mọi giá.
Nó (cảm xúc) tranh thủ thêm những yếu tố (phụ) để tăng khả năng chiến thắng: “Mày biết gì mà nói, tao học chuyên ngành đây!” Hoặc “Trứng mà đòi khôn hơn vịt!” Hay “Thằng này hồi xưa toàn copy bài bây giờ bày đặt lí luận!”
Nó còn dùng cả những chiêu bẩn (miệt thị, tấn công cá nhân, gia đình, họ hàng) để thêm phần thắng hoặc chỉ có cảm giác chiến thắng (sau khi đuối lý). Nhưng nói chung kết cục của những cuộc tranh cãi thường là không nhìn mặt nhau, không hợp tác, không học hỏi gì thêm và tất nhiên là cũng ai chẳng tiến bộ.
Nói về cái tôi (và cảm xúc) là có thể nói hết ngày. Khi cảm xúc dẫn dắt bạn ra quyết định sẽ rất tai hại. Bạn cần phải học cách loại bỏ cảm xúc ra khỏi mọi quyết định. Mai mốt tôi sẽ viết về đề tài này.
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen