30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 19:
Bạn Có Điểm Mù Không?

Mấy hôm nay tôi muốn mua một ít cá (betta) về nuôi mà đi 2 tiệm (lớn) đều không có vì cả tháng nay họ không nhập được cá (do Wuhan Virus).


“Buồn tình” nhờ bà xã post lên Facbook group “Hội người Việt ở Vancouver”, hỏi ai có dư cá (betta) thì chia cho. May quá, có một bạn trẻ dọn nhà nên liên lạc nhờ “dọn” (free) luôn cá. Thế là hốt được 6 con trống mái. Đúng là “buồn ngủ gặp Kymdan”!


Nhờ vậy tôi phấn chấn hơn viết tiếp đề tài điểm mù, hơi khó hiểu. Vì phần này Ray viết rất là ngắn và khá là trừu tượng. Tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần mà cũng chẳng “thủng” hết.

"Cái tôi và điểm mù (vốn có) của mỗi người cũng là một chướng ngại cản trở bạn nhìn ra điểm yếu, cản trở bạn nhìn sự vật sự việc đầy đủ và khách quan."

Theo Ray, cái tôi và điểm mù (vốn có) của mỗi người cũng là một chướng ngại cản trở bạn nhìn ra điểm yếu, cản trở bạn nhìn sự vật sự việc đầy đủ và khách quan.


Điểm mù ai cũng có. “Mỗi người đều có những khung tần số mà tai có thể nghe được. Mỗi người cũng có một dãy màu mà mắt có thể nhìn thấy. Tương tự mỗi chúng ta cũng đều có một góc nhìn và hiểu sự vật sự việc khác nhau. Mỗi người nhìn chúng theo cách riêng.” Không ai giống ai.


Ray lấy thí dụ, khi bạn đi một mình băng qua một khu rừng rậm. Nếu có người (đồng hành) giúp bạn gỡ bỏ những điểm mù thì bạn sẽ “sáng” ra rất nhiều.


Bạn có thể nhìn thấy nhiều cơ hội cũng như rủi ro trước đây bạn không thấy.“Nhìn thấy những điều mới mẻ qua mắt của người tin tưởng (hiểu biết) giống như bạn nhìn từ trắng đen sang màu vậy!”


“Do đó tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để băng qua khu rừng là đồng hành với người tin tưởng (hiểu biết) có cách nhìn khác với tôi!” Bạn không thể tự mình làm hết tất cả được. Bạn cần có cộng sự và partner để cùng đi với bạn. Họ có cách nhìn khác (với bạn), bổ trợ cho bạn để cho bạn có thêm nhiều “đôi mắt” khác. “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Một đi xa thì phải đi với bạn!” là vậy.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình. Một đi xa thì phải đi với bạn!”

Điều này cũng dễ hiểu. Trong Nguyên tắc 5 bước thành công, theo Ray, khó có ai có thể làm tốt được 5 bước này. Do đó bạn cần có người mạnh ở những bước mà bạn yếu. Những người có cách suy nghĩ khác, bổ trợ cho bạn.


Cùng một sự vật sự việc có người thì chỉ nhìn thấy “tiêu cực”. Còn người khác thì nhìn thấy tích cực.


Các bạn hẳn còn nhớ 
câu chuyện vui về Marketing.

Một công ty chuyên sản xuất giầy gởi nhân viên đến phát triển thị trường ở một hòn đảo.

Nhân viên thứ nhất đến rồi đánh bức điện “sọc dưa” về:“Không có cửa! Dân đảo toàn đi chân đất!”. Thấy vậy, công ty điều một nhân viên thứ 2. “Wow, thị trường quá lớn. Vì dân ở đây chỉ đi chân đất!”


Thí dụ một số người nhìn là thấy toàn bộ bức tranh và bỏ qua một số chi tiết. Một số người khác thì nhìn (và nhớ kỹ) chi tiết nhưng lại không để ý toàn bộ bước tranh.”


Trên Facebook lâu lâu thấy có mấy cái hình đố vui: có bao nhiêu con hổ trong rừng hay có bao nhiêu con vật trong hình. Đây cũng là dạng đố xem bạn thuộc loại “nhìn” theo kiểu nào (tổng thể hay chi tiết).


“Có người thuộc loại suy nghĩ tuyến tính, thẳng một chiều, suy nghĩ tuần tự (linear thinker). Người khác lại suy nghĩ sáng tạo hơn, đa chiều hơn giúp giải quyết vấn đề (lateral thinking).”


Ray giải thích thêm: “Hầu hết trong chúng ta đều không thể hiểu được người khác nhìn (xem xét) sự vật sự việc như thế nào và thường cũng không muốn biết họ đang nghĩ gì bởi vì chúng ta lo bận chỉ tập trung muốn nói với họ rằng những gì mình đang suy nghĩ là đúng.

"Bạn cần có người mạnh ở những bước mà bạn yếu. Những người có cách suy nghĩ khác, bổ trợ cho bạn."

Tôi có người bạn làm ở công ty quảng cáo. Bạn này làm thiết kế (graphic) có cái “tật” (không bỏ được) là luôn “gồng” lên (“tôi giỏi, tôi pro…”) nên bạn thường không hiểu người người đối diện nghĩ gì vì “bận” tập trung vào việc gây ấn tượng người kia.


Tương tự bạn luôn có ý kiến (suy nghĩ) trái ngược (bất cứ chuyện gì), cũng là một cách để “gồng” lên là “Tôi nghĩ khác!” Giống như não bạn được “lập trình” phải khác (trong nhiều trường hợp rất phi logic). Đây là điểm mù đã cản trở bạn tiến bộ.


Tương tự tôi cũng có người chị họ cùng làm chung trước đây (mà tôi đã kể bữa trước). Điểm mù của người chị là chị luôn tập trung vào những điểm tiêu cực (chi phí là một thí dụ).

Thế là chị không nhìn thấy tôi nghĩ gì (tôi nghĩ đến cái kết quả cuối cùng là lợi nhuận chứ không phải là chi phí). Và chị cũng luôn bận rộn cố chứng minh là chị có “giá trị” (bản thân) cho công ty (bằng cách tự làm một số công việc lý ra là để thuê ngoài). Nhưng nói thật, tự làm lại “đắt hơn” là thuê ngoài!


Điểm mù (của chị) rõ ràng không giúp chị phát huy hết khả năng. Vì phải tự làm (để giảm chi phí) nên chị luôn phải bỏ công sức để học cái mới. Và cứ phải học cái mới làm chị thiếu tập trung vào cái kỹ năng/ thế mạnh vốn có và cái công ty đang cần.

Cuối cùng là chị không có cái (kỹ năng) gì mạnh. Cái gì cũng biết chút chút (theo kiểu bá nghệ). Và công ty cũng không “xài” chị được bao nhiêu!


Tôi ước gì lúc đó tôi hiểu được điểm mù của chị để có thể coach chị tốt hơn. Bản đồ tư duy chị có. Cái tôi của chị không nhiều (cũng rất khiêm tốn, chịu khó học hỏi). Chỉ có điểm mù là nó cản trở chị phát huy hết khả năng, để chị thành công hơn.

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 19

“Nói cách khác chúng ta luôn có cái nhìn thiển cận và tự giả định người kia nghĩ gì và muốn gì. Cách suy nghĩ này rất là tai hại vì chúng ta sẽ bỏ qua những cơ hội lớn cũng như những mối đe dọa tiềm tàng mà người kia muốn truyền tải. Và cách suy nghĩ này nó cũng chặn luôn những lời góp ý mang tính xây dựng!”


Ray cho biết thêm, 2 rào cản (cái tôi và điểm mù) rất là nguy hiểm đặc biệt là khi bạn và người khác bất đồng quan điểm. Cả hai thường tự cho mình đúng và luôn kết thúc là giận không nhìn mặt nhau.


Từ đó dẫn đến những quyết định thiếu tối ưu (nếu không muốn nói là sai lệch). Và khi cả hai đưa ra những kết luận trái ngược – thì điều gì xảy ra. Một trong hai phải sai! Lúc đó liệu bạn có muốn người sai là bạn hay không?

Chắc chắn là bạn sẽ cho mình đúng và người kia saiBạn sẽ tiếp tục bịt tai không nghe người kia nói, không muốn nhìn thấy người kia trình bày. Tương tự người kia cũng vậy.


Do đó trong những lúc nóng giận bạn tuyệt nhiên không nên ra bất cứ một quyết định gì. Vì bạn chỉ có quanh quẩn (vì bận) với những giải pháp (có sẵn trong đầu) mà không thèm xem xét (vì giận) những cơ hội khác tốt hơn!


Ray cho biết thêm: kiểu suy nghĩ thiển cận (do không biết người kia nghĩ gì) không chỉ xảy ra khi hai bên bất đồng mà còn xảy ra khi cả hai đang cùng giải quyết vấn đề. Khi đang cố suy nghĩ tìm đường giải quyết thì nhiều người trong chúng ta cứ lẩn quẩn những ý nghĩ trong đầu thay vì xem xét những cách nghĩ (tiếp cận) khác hay hơn có sẵn.


Khi đi tìm giải pháp để bán được hàng thì cả hai (tôi và người chị họ) thường không đồng thuận. Chị chỉ quanh quẩn với những giải pháp (không tốn phí hay chi phí thấp) trong khi tôi lại thấy có những giải pháp tốt hơn (mặc dù tốn phí nhưng cho kết quả tốt hơn). Bi kịch là chỗ đó!

Nhật ký 30 ngày thành công ngày 19

Ray cũng chỉ cho ta một số cách để “qua” được điểm mù.


- Dạy cho não cách suy nghĩ mà bình thường (tự nhiên) không có. Lưu ý, những người có đầu óc sáng tạo đều phải học cách suy nghĩ theo “lớp lang” (có “tổ chức”), chứ không phải tùy hứng như nhiều người thường nghĩ.

Sử dụng cơ chế “đền bù” (lập trình nhắc nhở) khi rơi vào điểm mù (cách nghĩ) thì lập tức thoát ra. Ray không nói rõ cụ thể cơ chế này như thế nào.

Nhờ người khác giúp, chỉ ra cho thấy điểm mù để tìm cách thay đổi. Đây là nhanh nhất và khó nhất. Hiệu quả vì chỉ có người kia (bên ngoài) mới có thể thấy bạn “mù” (ở chỗ nào). Khó là phải có người cùng làm việc với bạn và người này phải “trên cơ” mới có khả năng phát hiện ra điểm mù của bạn. Và bạn phải là người cầu tiến, lắng nghe để thay đổi.


Nhưng quan trọng hơn mỗi người sẽ phải học và luyện để tạo ra một cơ chế tự phát hiện và xóa điểm mù (và cái tôi). Bữa tới tôi sẽ viết tiếp. Ray đã dành ra một phần quan trọng để bàn về vấn đề này.


Ray cũng lưu ý, “khác nhau trong cách nghĩ (tiếp cận) của 2 người (hay của cùng 1 người) có thể là cộng sinh hay bổ trợ, nghĩa là có lợi, chứ hoàn toàn không phải “chọn một trong hai”.


Mỗi người thường mạnh ở một cách nghĩ. Một số người thường suy nghĩ dựa trên cảm xúc (quan sát, cảm tính) trong khi đó người khác thì suy nghĩ dựa trên logic (data).Sẽ không có một cách nghĩ (tiếp cận) nào hoàn hảo để có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp mà cần phải bổ trợ qua lại bằng những cách nghĩ khác.


Thí dụ những người suy nghĩ sáng tạo (lateral thinking) đôi khi “bay bổng” nên chỉ có thể được “kéo xuống” bởi những người suy nghĩ tuyến tính (linear thinker).


Cũng cần nói thêm những người lateral thinker là những người có khả năng tưởng tượng để xem xét vấn đề theo một góc nhìn mới từ đó đưa ra một giải pháp mới (mang tính đột phá).


Bạn có thể học và luyện để có nhiều cách suy nghĩ khác nhau nhằm vận dụng đúng vào từng trường hợp và mục đích.

Thí dụ: khi phát triển một loại thực phẩm chức năng giúp giảm cân chẳng hạn. Tôi sẽ tự đặt ra cho mình những câu hỏi (và sau đó tôi đi tìm câu trả lời). Sản phẩm sẽ phải tốt hơn đối thủ số 1.


“Tốt” được định nghĩa là: có thể “mạnh hơn” (thành phần nào đó) hay uống ít viên hơn hoặc thêm tính năng (hỗ trợ cho sức khỏe đường ruột chẳng hạn). Trong một số trường hợp tưởng là “bay bổng” không khả thi thế mà tôi vẫn làm được các sản phẩm thỏa mãn được 2 thậm chí 3 yêu cầu tốt (nói trên).


Sẵn tôi cũng muốn nói thêm. Một số người quen làm ở những tập đoàn lớn thường có cách nghĩ “top down”. Dạng như thị trường X có dung lượng (market size) là 100 triệu đô. “Chúng tôi chỉ khiêm tốn nhắm đến chỉ 10%, tương đương với 10 triệu đô!” Kiểu suy nghĩ này rất là nguy hiểm.


Cách suy nghĩ “đếm cua trong hang” như thế này theo tôi có thể được xem là điểm mù!

Nghĩa là bạn coi như “đương nhiên” bạn sẽ bán được 10 triệu mà gần như không phải động não gì nhiều về phát triển sản phẩm đột phá (hay làm các hoạt động tiếp thị sáng tạo) để có thể đạt được mục tiêu!

Chuyện “đương nhiên” có thể đúng ở những tập đoàn lớn. Bởi vì họ có nguồn lực. Thế nhưng thực tế cũng rất phũ phàng. Unilever hùng mạnh như vậy khi tung ClearMEN dự định là sẽ “làm cỏ” XMen mà cuối cùng phải “bắn tiếng” mua lại XMen.


Cách nghĩ “top down” này khi ra làm riêng cho mình hoặc làm cho các công ty nhỏ sẽ là “thảm họa”!

Có những người (trưởng một bộ phận) rất thành công ở công ty lớn. Họ suy nghĩ đơn giản hóa theo kiểu thành công (của công ty) là của mình (mà thực ra nếu phải cân đong đo đếm thì họ chỉ 10% thôi). Tự ra riêng và kết quả là “ôm đầu máu”. Cách suy nghĩ đơn giản quy nạp như vậy cũng có thể được xem là điểm mù.

Tương tự có những người sáng lập công ty quảng cáo, đã giúp cho một số thương hiệu thành công. Và cũng “vơ” luôn thành công (của khách hàng) là của mình. Để rồi quyết định “xuống núi” và kết cục là thất bại thảm hại.


Vì não của mỗi người khác nhau nên suy nghĩ khác nhau. Tương tự công việc khác nhau cũng sẽ đòi cách tư duy khác nhau.


Tuy nhiên những người thành công trong mọi lãnh vực thường là người sử dụng 2 não (trái và phải). Não trái suy nghĩ theo tuần tự (tuyến tính) của những người làm khoa học, tính toán... Não phải tưởng tượng tốt hơn, suy nghĩ sáng tạo hơn. Vận dụng được 2 não thì coi như bạn vô đối vì sở hữu “2 sóng 2 sim”!


Nói thật, kết thúc được ở đây là tôi mừng. Hôm nay muốn bỏ cuộc nhưng rồi nghĩ đến Nguyên tắc: Làm tới - thì tôi đem ra áp dụng liền. Nghĩa là tạm bỏ (chỗ nào không hiểu), rồi đọc tới, sau đó quay lại. Tự nhiên lại nhớ đến bản “Giải trí” dành cho trẻ nên lấy ra đọc. Thấy cũng “sáng” ra một chút.

Nhưng rồi cũng lo là không biết là mình có hiểu đúng và hiểu hết ý Ray hay không. Vẫn mong là có ai đó dịch đầy đủ cuốn sách này. Vì càng đọc tôi thấy càng hay! Ước gì tôi đọc nó cách đây 20 năm!

Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>