30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 22:
Người Việt Chúng Ta Có Bị “Mù” Không?
Ai cũng có điểm mù. Tây Ta Tàu gì ai cũng có. Nên chúng ta chẳng có gì phải tự ái.
Điểm mù (ở mỗi người) là việc mà bạn không thấy được cái mà người khác thấy. Tương tự như như 5 thầy bói mù sờ voi. Mỗi người chỉ đứng ở một vị trí, chỉ sờ được một phần con voi và tưởng tượng ra phần còn lại.
Không nhìn thấy cũng là điểm mù. Nhìn thấy bằng định kiến cũng là điểm mù. Vì khi chúng ta nhìn qua định kiến cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tạo ra thêm 1 lăng kính chủ quan (méo mó), dẫn đến việc thu thập và xử lý thông tin (thông qua lăng kính) cũng bị biến dạng, không còn trung thực nữa.
Dù điểm mù nào (không nhìn thấy hay nhìn thấy bằng định kiến) thì đều ảnh hưởng đến quyết định.
"Dù điểm mù nào (không nhìn thấy hay nhìn thấy bằng định kiến) thì đều ảnh hưởng đến quyết định."
Tôi cảm thấy người Việt chúng ta có rất nhiều điểm mù. Chúng ta thử xem.
Loại điểm mù đầu tiên, mà tôi muốn nói đến – đó là điểm mù kiến thức.
Người có điểm mù này “giúp” cho bạn tự tin lạ thường. Bạn luôn cho rằng mình giỏi (thực tế lại không) và người khác không hiểu bạn (không đánh giá đúng về bạn).
Tôi có người bạn làm thiết kế quảng cáo (có lần kể trước đây). Bạn thường ảo tưởng về bản thân rằng bạn giỏi, bạn "pro" và nhiều người không hiểu bạn. Mở miệng ra là bạn chê bai, bĩu môi “Thằng đó củ chuối lắm!”, “Ông đó, ổng không có pro gì hết!”
Tôi chưa bao giờ nghe thấy bạn khen ai. Tôi đoán chừng, đây cũng là một cách để bạn “bốc” mình (và dìm người khác). Và vì không khen ai (và toàn là chê) nên não sẽ tự lọc bỏ tất cả những thông tin đáng ra bạn sẽ học về người đó (và những người khác).
Không phải bạn không được quyền chê, hay không nên chê. Vấn đề là chê để đi tìm ra nguyên nhân (sự thật) để giúp bạn tiến bộ chứ không phải chê để làm cho bạn cảm thấy mình giỏi.
“Thùng rỗng kêu to” là vì họ bị điểm mù kiến thức mà họ không biết hoặc họ biết nhưng họ không muốn sửa vì họ cảm thấy “yêu đời” hơn vì mình giỏi hơn người khác. Thực ra họ lại không giỏi. Bi kịch là ở chỗ đó!
Nhiều người thường cảm thấy “kỳ kỳ”, “khó chịu” khi phải mở miệng khen người khác. Họ cho rằng: “Khen nó, nó tưởng nó ngon, nó hơn mình!” Khen ngợi là một cách để ghi nhận điều đúng, giúp ta học hỏi tiến bộ.
Thầy cô giáo thường không cho điểm 10. “Cho nó 10 điểm nó bằng mình sao?”. Đây cũng là điểm mù (phổ biến) cho những người tự nhận mình làm thầy vì sẽ không chịu học hỏi, tiến bộ.
"Đi tìm ra nguyên nhân (sự thật) để giúp bạn tiến bộ chứ không phải chê để làm cho bạn cảm thấy mình giỏi."
Điểm mù thứ hai mà người Việt chúng ta bị rất nhiều – đó là điểm mù niềm tin.
Với loại điểm mù này bạn tự xác lập một niềm tin (đỉnh cao là cuồng tín) ngay từ đầu. Và não bạn tìm mọi cách để chứng minh cho niềm tin của bạn. Và vì niềm tin (mù quáng) nên nó khuyến khích bạn chọn phe (theo kiểu ai sai, ai đúng) và sẵn sàng “sống mái” với phe kia.
Vì đã có định kiến (niềm tin) nên bạn sẽ nhìn theo một lăng kính (chủ quan). Nghĩa là não sẽ thu thập thông tin có chọn lọc. Nó chỉ nhận những thông tin nào có lợi cho niềm tin. Nếu phải tiếp nhận những thông tin bất lợi nó sẽ bóp méo theo hướng có lợi (cho niềm tin).
Một thí dụ dễ thấy hiện nay là 2 phe cuồng & chống Trump. Cả hai nhóm hiện đang lao vào “sống mái” đều có điểm mù niềm tin nhưng đối lập nhau.
Cả hai bên đều thu thập thông tin (theo chủ đích) và bóp méo thông tin (theo chủ đích) để chứng minh niềm tin của mình (là đúng). Thậm chí họ còn tạo ra tin giả để ủng hộ niềm tin của mình. Hai bên dùng mọi chiêu (bẩn), nhục mạ chỉ để bảo vệ niềm tin (và chỉ để chiến thắng).
Tôn sùng lãnh tụ cũng là một dạng điểm mù niềm tin. Bạn cuồng ai thế là bạn đặt niềm tin tuyệt đối vào người đó. Bạn yêu người đó đến phát cuồng. Và bạn ghét ai không mê, không cuồng người bạn đặt niềm tin.
Với điểm mù niềm tin bạn có khuynh hướng tin vào “siêu nhân” (mà bỏ qua xem xét thông tin, thực tế). Nghĩa là anh này giỏi marketing, sẽ giỏi luôn sales. Không phải là không có người giỏi cả hai. Nhưng ý tôi là bạn phải xem xét cụ thể là anh này có thật sự giỏi sales luôn không.
Một số doanh nghiệp (muốn đánh lớn) hí hửng “săn” được một anh giám đốc bán hàng ở một công ty thành công và tin rằng, anh sẽ giúp doanh nghiệp mình cũng thành như vậy. Cuối cùng là thất bại thảm hại phải “bỏ của chạy lấy người”!
Với điểm mù niềm tin, ông chủ doanh nghiệp đã “quá tin” vào tài năng của anh giám đốc mà bỏ qua xem xét kỹ lưỡng điều gì cốt lõi giúp xây dựng thành công hệ thống bán hàng (ở doanh nghiệp ông). Chứ không phải bê nguyên si (hệ thống) từ nơi khác đến là nghiễm nhiên thành công.
Điểm mù niềm tin này ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của bạn. Thông tin, cơ sở (lý luận) gần như trở thành thứ yếu. Cảm xúc (phần dưới não) nó chính thức cướp diễn đàn. Bạn không còn xem xét thông tin, cứ liệu (để ra quyết định) một cách khách quan nữa mà não đã quyết định trước rồi (bằng niềm tin chủ quan).
Bạn còn nhớ, Ray có đưa ra quyết định 2 bước. Bước 1 là thu thập thông tin và bước 2 là ra quyết định.Và vì bạn đã quyết (bằng niềm tin) nên việc thu thập thông tin của bạn coi như cho có để hợp thức hóa quyết định (bước 2).
Tương tự bạn sẽ không lắng nghe (những người hiểu biết, tin tưởng) để có quyết định khách quan. Nói cách khác bạn gạt qua những giải pháp hiệu quả (đúng ra phải được xem xét từ đầu).
Một thí dụ dễ hiểu khác đó là “tình yêu mù quáng”, đặt sai niềm tin của cô gái cho chàng trai lừa tình. Mọi hành động rõ ràng như ban ngày là anh chàng “đào mỏ” thế nhưng cô gái luôn suy diễn (theo niềm tin) là anh yêu mình nhất mực.
Viết đến đây tôi nhớ đến một phóng sự dài trên đài CBC (Canada) nói về một tổ chức chuyên lừa tình rất tinh vi (đặt ở Châu Phi). Họ nhắm đến các bà cô đơn rủng rỉnh tiền. Công thức lừa của tổ chức này là: quân nhân (quân đội Mỹ), 6 múi, đã ly dị (nên họ thường đóng vai “phi công trẻ”), đang đóng quân ở một nước khác và mong muốn giải ngũ về sống với nàng. Và muốn giải ngũ thì phải cần tiền.
Họ đánh vào điểm mù niềm tin (phụ nữ lớn tuổi cô đơn thường có). Nhân vật chính trong phim phóng sự cuối cùng đã phải tự tử vì bán nhà để đưa tiền cho chàng quân nhân điển trai. Mặc dù trước đó người em gái đã hết lời khuyên ngăn. Thậm chí còn đưa chị mình đi gặp cảnh sát nhằm thuyết phục chị mình là đây là vụ lừa tình. Tuy nhiên “lưới tình” khó thoát!
"Bước 1 là thu thập thông tin và bước 2 là ra quyết định. Và vì bạn đã quyết (bằng niềm tin) nên việc thu thập thông tin của bạn coi như cho có"
Một loại điểm mù nữa phổ biến nữa đó là - điểm mù cảm xúc.
Đây là điểm mù làm cho nhiều mối quan hệ rạn nứt, kết quả công việc không theo ý muốn và ảnh hưởng rất lớn đến quyết định.
Khi gặp vấn đề, cảm xúc (tiêu cực) là cái bạn phản ứng ngay ra bên ngoài. Còn phần não phụ trách tư duy thì từ từ (vì bận thu thập thông tin, đánh giá, rồi mới ra quyết định). Nếu không tiết chế (kiểm soát) thì chắc cảm xúc sẽ “tay nhanh hơn não!”
Việc phản ứng tức thời (bằng cảm xúc tiêu cực) như đổ thừa, giận dữ, la hét cũng là một cách “hạ hỏa”, giảm cảm giác đau, quên đi thực tại. Vì “quên” đau nên bạn sẽ không nhớ mà suy ngẫm làm gì để lần tới nó không xảy ra nữa. Và lần tới chuyện lại xảy ra và bạn tiếp tục phản ứng bằng những cảm xúc tiêu cực. Cứ thế và cứ thế, bạn không hề tiến bộ chút nào.
Khi đổ thừa nghĩa là bạn không thừa nhận sai lầm, thất bại. Và vì không thừa nhận nó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không tìm hiểu nguyên nhân cũng như không rút kinh nghiệm để lần tới không xảy ra.
Nhiều người họ có điểm mù cảm xúc (đổ thừa, không nhận trách nhiệm) họ cảm thấy “hạ mình”, “nhục”, “thất bại” khi phải nhận lỗi (nên họ phải tìm cách đổ thừa). Và do đó họ sẽ không học hỏi và tiến bộ. Ray dành riêng một chương nói về văn hóa (công ty) chấp nhận thất bại – tôi sẽ viết sau.
Và tôi nhớ đến một câu chuyện đã đọc (không rõ là ai). Một vị CEO tập đoàn lớn nhớ lại một trải nghiệm với một sếp cũ mà sau đó ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp thành công của anh.
Một lần anh ta phạm một sai lầm nghiêm trọng và đi đến báo cáo với sếp. “Kỳ này đi chắc!” anh nghĩ vậy. Ông sếp ngồi lắng nghe chăm chú anh trình bày về dự án thất bại. Rồi hỏi: “Thế anh học được cái gì từ thất bại này?”
Cũng hơi bất ngờ vì câu hỏi này nhưng anh cũng trình bày ngắn gọn một số bài học rút ra. Rồi anh hỏi: “Ông sẽ đuổi việc tôi chứ?” Ông sếp: “Cái gì, anh điên hả? Chúng ta đã tốn bao nhiêu tiền cho dự án này. Nếu anh học được những bài học này và đừng phạm lại những sai lầm này nữa thì anh chẳng phải đi đâu!”
Sau đó anh này đã tận tâm cống hiến và trở thành người lãnh tài ba của tập đoàn. Nếu cảm xúc (thất vọng, giận dữ) “cướp micro” thì ông sếp chắc hẳn sẽ sa thải anh ta. Và nếu ông sếp không xem sai lầm (thất bại) là bài học để anh rút ra và học hỏi để giúp thành công – thì công ty đã không thành công sau đó.
Tôi có biết một bạn giám đốc hình ảnh (quay phim), rất tài năng qua những góc máy sáng tạo, độc đáo nhờ cảm xúc mạnh. Tuy nhiên cũng chính cảm xúc (giúp quay đẹp) lại lấn át lý trí nên ảnh hưởng đến kết quả công việc.
Khi quay ai mà đẹp (mà “feel” được) thì bạn “xả” hết băng (hồi xưa quay betacam). Còn mà bạn không thích là bạn quay “không ra đám ôn” gì, quay xong khỏi xài luôn! Chưa kể cảm xúc làm bệ đỡ cho cái tôi nên cản trở bạn học hỏi, tiến bộ nên không đi xa thêm được.
Nhiều người có cảm xúc “bốc đồng” (mưa nắng, vui đó buồn đó). Người khác thì luôn cáu bẳn, “khíu khíu chọ”, bắt bẻ từng li từng tí (thiếu tính xây dựng) – nói thật là tôi không biết đây có phải là điểm mù (cảm xúc tiêu cực) hay không.
Nhưng một điều tôi biết những cảm xúc này nó tạo ra một lăng kính (méo mó) cản trở bạn có một bức tranh thật về những người xung quanh, hạn chế bạn học hỏi (để tiến bộ), ảnh hưởng đến các quyết định…
Có người lại có điểm mù (cảm xúc) rất là kỳ cục. Khi giao việc (thậm chí là nhờ người khác làm giùm) nhưng lại theo kiểu “đánh đố”. Nghĩa là thay vì phải hướng dẫn tận tình để người ta hoàn thành công việc thì đằng này lại “thách thức” theo kiểu “để coi mày làm được không?!”.
Rồi nếu phải hướng dẫn thì lại “mặt cau mày có”. Nếu làm không được thì lại “có vậy mà làm không được”! Còn làm được thì “quăng cục lơ” (không thèm nói lời cảm ơn).
Loại điểm mù này nó cũng giống như trường hợp anh sếp cũ của tôi ở công ty Rượu Bia (lúc tôi làm Management Trainee) vậy. Một mặt thì cần (tôi) giúp. Một mặt thì lại nói “Thằng này chỉ học thôi chứ không có kinh nghiệm gì đâu!”
Điểm mù muôn hình vạn trạng. Rất khó mà nhận ra để chỉnh sửa. Trong nhiều trường hợp nó là nguyên nhân (cốt lõi) của nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến quyết định, chất lượng công việc, sự nghiệp và cuộc sống gia đình.
Điều này cũng giải thích có những người rất bình thường (về thông minh, IQ) nhưng họ lại rất thành công về sự nghiệp vì họ có chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao. Tôi biết có rất nhiều người như vậy!
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen