30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 24:
Thực Hành Tư Duy Mở Như Thế Nào?
Bạn Huy (PITO) cho tôi phản hồi về nhật ký, đặc biệt là yêu cầu tôi viết thêm: làm sao có thể luyện để có một tư duy, suy nghĩ cởi mở. Hôm nay tôi muốn viết tiếp “theo yêu cầu”.
Có một câu mà tôi rất tâm đắc: "Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt số phận!" Tương tự câu “ngoại nhập” này chúng ta cũng có một câu tương tự: “Gieo gì gặt đó”.
Cả hai câu đều muốn nói đến hữu ích của việc tạo một thói quen tốt, tích cực. Nó không là một ngoại lệ để các bạn muốn có một tư duy (suy nghĩ) cởi mở như thế nào.
Có những người sinh ra là suy nghĩ cởi mở. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, gia đình ảnh hưởng rất lớn. Nếu bạn sinh ra và lớn lên trong gia đình suy nghĩ tích cực, khuyến khích bạn thử thách, học hỏi thì ít nhiều suy nghĩ của bạn cũng cởi mở, dễ chấp nhận cái mới và chấp nhận sự khác biệt.
Theo Ray, ai cũng có thể học và luyện để có được suy nghĩ này. Tuy nhiên học thì rất nhanh nhưng để có nó thì bạn phải thực hành hàng ngày.
Ray gợi ý một số cách để bạn có thể thực hành hàng ngày để biến chúng trở thành thói quen tích cực.
“Suy ngẫm nỗi đau để nhắc nhở bạn phải suy nghĩ cởi mở hơn!”
Chỉ có đau mới nhớ. Nhưng cuộc sống tất bật nhiều chuyện xảy đến thường bạn không nhớ những gì đã qua nhất là những gì không vui. Nhiều người cũng không muốn nhắc đến (thất bại, sai lầm gây ra đau đớn).
Suy ngẫm về những sai lầm (làm bạn đau) không phải sẽ làm bạn “chim sợ cành cong” mà muốn bạn “thấm” một điều: bạn có thể sai (đặc biệt nó liên quan đến điểm yếu của bạn). Đồng thời nhắc nhở để bạn điều khiển phần não trên (tư duy, logic) được tốt hơn thay vì để phần dưới “tiếm quyền”!
Tôi cũng thường không thích (bảo thủ) thử món mới hoặc gia vị mới. Có những thứ tưởng rằng sẽ không bao giờ thích sau đó lại rất thích (lại ghiền). Và tôi dùng những “thí dụ” này để khuyến khích tôi thử cái mới (cởi mở hơn).
“Hãy trao đổi với những người nhìn thấy để giúp bạn hiểu và nhìn rõ”
“Thực hành suy nghĩ cởi mở thường xuyên để nó trở thành thói quen!”
Theo Ray, cuộc sống chúng ta đang sống là kết quả của những thói quen mà chúng ta có. Bạn không nên dùng những cảm xúc tiêu cực như giận giữ, bực mình, than vãn để “hạ hỏa”. Khi nghe ý kiến trái chiều bạn nên sáng suốt bình tĩnh để hiểu tại sao người kia có quan điểm khác như vậy.
Có lần Ray đã nói, chúng ta thường không hiểu người kia xem xét sự việc như thế nào (quan điểm) như thế nào vì chúng ta lo bận chỉ tập trung muốn nói với họ rằng những gì mình đang suy nghĩ là đúng. Vì vậy bạn nên thử đặt mình vào họ xem để có thể suy nghĩ theo cách của họ.
Hiện nay tôi đang mời một người tham gia vào một dự án ẩm thực. Anh này đang làm quản lý cho một nhà hàng tiệc cưới lớn. Tôi phải tự đặt mình vào “đôi giày” của anh ấy để hiểu: một người 40 tuổi độc thân thì xem xét một cơ hội (của tôi) như thế nào. Họ có chấp nhận rủi ro hay không. Họ có chấp nhận lãnh một ít lương và cổ phần.
“Bạn cần phải biết rõ điểm mù của mình!”
Những gì chúng ta không thấy (mù) sẽ dẫn đến quyết định sai. Tương tự những cái gì chúng ta nhìn thấy với định kiến (lệch lạc) cũng dẫn đến quyết định sai. Cả hai thấy (định kiến) và không thấy cũng đều được coi là điểm mù.
Thí dụ nếu bạn không nhìn thấy vùng này có thể bị lụt nên bạn không mua bảo hiểm. Hay bạn có định kiến “những người ti hí mắt lươn” là những người xấu thì bạn sẽ không học hỏi, làm ăn với họ!
Theo Ray: “Hãy ghi chép lại những tình huống sự việc mà bạn thường ra quyết định sai bởi vì bạn đã không nhìn thấy những gì mà người khác lại nhìn thấy (rõ)”. Đây chính là những điểm mù vì nó lặp đi lặp lại nhiều lần.
Tự nhiên ngồi nhớ lại có một số bạn cùng làm với tôi trước đây. Một số rất thành công. Một số khác lý ra phải rất thành công. Cũng đi học ở Mỹ về. Cũng có kinh nghiệm ở những tập đoàn lớn. Nhưng bạn suy nghĩ không có thẳng thớm (lúc đó tôi thấy vậy và cũng chỉ nói với họ như vậy). Giờ mới hiểu là bạn có những điểm mù hạn chế bạn thành công.
Ray khuyên: “Hãy trao đổi với những người nhìn thấy (còn bạn thì không) để giúp bạn hiểu và nhìn rõ”
Khi đi làm ngoài công việc phù hợp lương thưởng hấp dẫn bạn nên xem xét cơ hội có được sếp tốt nhất là những năm đầu làm việc. Những người quản lý giỏi họ có khả năng phát triển bạn, chỉ ra cho bạn những điểm mù để bạn tiến bộ. Biết được những khiếm khuyết này bạn sẽ dễ tiết chế, hạn chế rủi ro, sai lầm.
“Viết ra những danh sách những điểm mù bạn có. Dán lên tường chỗ dễ thấy và nhìn vào đó. Nếu bạn ra quyết định (quan trọng) liên quan đến những điểm mù này mà lại không hỏi ý kiến (tư vấn) của những người “tin tưởng” thì cơ may để có kết quả tốt (từ quyết định) sẽ không nhiều!”
Nếu biết được điểm mù của mình là rất tốt. Quan trọng hơn bạn cần biết cách giảm thiểu nhất tác hại của điểm mù (với những những quyết định liên quan) và làm sao sao “nhìn rõ” được.
“Chấp nhận lắng nghe người hiểu biết!”
“Trong trường hợp có nhiều người hiểu biết (đáng tin) đều nói bạn sai còn bạn thì lại không nhìn thấy thì có thể giả định rằng bạn khá chủ quan (định kiếm). Bạn cần phải khách quan hơn để nhìn rõ mọi việc. Cũng có thể là bạn đúng họ sai tuy nhiên bạn nên chuyển sang “chế độ” từ “tranh luận” sang “đặt câu hỏi”, so sánh mức độ đáng tin (hiểu biết) của bạn so với họ và nếu có thể mời thêm một người “trung lập” (mà mọi người đều tôn trọng) để giải quyết bế tắc giúp “thông quan”.
“Hãy thiền!”
“Thiền là một cách tốt giúp tư duy cởi mở, mở rộng tầm nhìn, và sáng tạo!” Ray cho biết thêm: ông thực hành Transcendental, một dạng thiền giúp cho cơ thể rơi vào trạng thái nghỉ ngơi và đầu óc đạt được trạng thái bình an mà không cần phải cố gắng tập trung.
Ray cho biết thêm: Thiền giúp cho mọi thứ chậm lại nên bạn có thể hành động chậm lại ngay cả mọi thứ trước mắt tưởng như hỗn loạn.
“Quyết định bằng chứng cứ và khuyến khích người khác cùng thực hiện!”
Nhiều người vội vã kết luận hoàn toàn không xem xét đầy đủ các thông tin cũng như cân đong chứng. Họ ra quyết định hoàn toàn dựa trên phần não tiềm thức sâu thẳm muốn và thu thập chủ quan những chứng cứ phù hợp với ước muốn này.
Do đó khi ra quyết định bạn phải tự hỏi mình: đâu là những cơ sở để bạn ra quyết định. Nếu không, có thể bạn không phải là người “trọng chứng”!
“Dùng quyền lực cho phép giúp người khác tư duy cởi mở hơn!”
Khi trình bày (quan điểm) bạn cần điềm tĩnh tránh để phần não dưới (cảm xúc) “cướp diễn đàn”. Thực hiện điều này không chỉ giúp cho bạn (lắng nghe, tìm kiếm sự thật) mà còn giúp cho người kia để phần não trên (tư duy) kiềm chế (để cùng học hỏi, cùng tiến bộ).
“Biết khi nào chấp nhận sự đồng thuận!”
Theo Ray: “Suy nghĩ độc lập là tốt, đặc biệt là đấu tranh để bảo vệ ý kiến mà bạn tin (là đúng). Tuy nhiên cũng có lúc nào đó sẽ tốt hơn nếu bạn ngừng tranh cãi và chấp nhận những ý kiến của những người đáng tin (hiểu biết). Điều này không phải dễ. Tuy nhiên như vậy sẽ tốt hơn cho bạn (suy nghĩ cởi mở) và giúp bạn đặt lòng tin vào sự đồng thuận của những người đáng tin hơn là ý kiến riêng của mình.”
“Nếu bạn không thấy được quan điểm của họ nghĩa là bạn bị mù. Và nếu bạn cứ tiếp tục làm những điều bạn tin với những cơ sở chứng cứ và những người đáng tin chống lại bạn – lúc đó bạn là kẻ kiêu ngạo!”
Nhìn chung đa số nếu muốn thì sẽ học và luyện để trở nên cởi mở trong suy nghĩ. Tuy nhiên có một số gần như không thể ngay cả như họ có đối mặt với những thất bại (gây đau đớn) nhiều lần. Ray chú thích thêm, những người này có thể rơi vào trong nhóm người yếu kém nhưng lại ảo tưởng là mình xuất chúng.
Lưu ý càng có suy nghĩ cởi mở không có nghĩa là bạn đánh mất đi tính quyết đoán. Mà ngược lại nó giúp bạn tự tin hơn và thành công hơn.
Để có tư duy cởi mở đòi hỏi thời gian. Nó không chỉ học mà đòi hỏi bạn phải thực hành hàng ngày để nó trở thành thói quen (tốt) thì chắc chắn bạn sẽ có “số phận” tốt!
Tạm biệt!
Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen