30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 27:
Bạn Thuận Não Trái Hay Phải?

Bữa trước tôi có nói đến việc hiểu rõ não trái phải để có thể tiết chế được cảm xúc (phần dưới não). Mặc dù không được Ray đề cập nhiều nhưng tôi thấy cần thiết để viết thêm vì nó cũng giúp cho bạn phát triển bản thân (chọn nghề, công việc phù hợp) và luyện sao để có thể sử dụng triệt để được “hai sóng hai sim” (2 phần của não).


Não chúng ta được xem là một cơ quan phức tạp nhất. Chỉ chiếm có khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại sử dụng 20% năng lượng (của cơ thể). Não được cấu tạo bởi hơn 100 tỉ nơ-rôn hay còn gọi là tế bào não.


Não được chia làm 2 phần 2 nửa hay còn gọi là 2 bán cầu (não). Mỗi bán cầu chịu trách một số chức năng nhất định.

Hai bán cầu này nhìn rất giống nhau nhưng khác nhau là cách nó xử lý thông tin. Mặc dù là khác nhau nhưng 2 phần này được kết nối thông qua các sợi dây thần kinh.


Nếu não khỏe mạnh thì 2 phần này sẽ “nói chuyện” qua lại. Tuy nhiên trong trường hợp não bị tổn thương (không “giao tiếp” được) thì não vẫn hoạt động bình thường. 


Hai bán cầu não này có những đặc điểm và chức năng riêng. Mỗi người có xu hướng “thuận” một bên.

Thuận 1 bên không bên không có nghĩa phần bên kia vô dụng. Giống như chúng ta thuận tay phải nhưng vẫn cầm nắm thực hiện nhiều hoạt động (đơn giản) bằng tay trái. 

"Không có chuyện thuận não phải thì tốt hơn thuận não trái hay ngược lại."

Bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy logic tuyến tính (thứ tự), ghi nhận chi tiết, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại...


Những người thuận não trái thì mạnh về số (tính toán), suy luận logic và hệ thống (và vì suy nghĩ quá hệ thống nên thường rập khuôn, thiếu sáng tạo), quan sát và ghi nhận chi tiết (nên thường thiếu tính khái quát, tổng thể), thích làm việc theo quy trình (lặp đi lặp lại)...

Những người này thường mạnh về khoa học tự nhiên (facts), kỹ thuật (quy trình), luật sư (chính xác), kế toán (con số)...

Điều này cũng giải thích tại sao có những người lúc đi học (phổ thông, đại học ở Việt Nam) rất giỏi nhưng khi đi làm thì rất là bình thường.

Khi đi học vì tính chất dạy và học thuần túy là truyền đạt kiến thức, nghĩa là chỉ đòi hỏi người học phân loại, sắp xếp, phân tích chi tiết (theo kiểu tuyến tính)... Trong khi đó khi đi làm bạn cần phải tư duy tổng thể (chiến lược), sáng tạo, giải quyết vấn đề...


Bán cầu não phải đảm nhận vai trò kết nối với một số hoạt động như tưởng tượng (tượng hình), suy nghĩ tổng thể (sáng tạo), trực giác, nghệ thuật, giai điệu, dấu hiệu phi hình thể (“hiểu” cảm xúc người đối diện), bay bổng...


Khác biệt lớn nhất đối với thuận não trái là, những người thuận não phải mạnh về tư duy giải quyết vấn đề (khác với tư duy tuyến tính, thứ tự), quan sát/ phân tích tổng thể (khác với chi tiết), nghệ thuật sáng tạo (khác với con số, toán, quy trình), suy nghĩ bằng hình ảnh (khác với bằng từ ngữ), cảm xúc, trực giác...

Những người thuận não phải thường thích hợp cho công việc sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, thiết kế, đầu bếp...

Ray cho biết là hai người thuận não trái và phải thường không hiểu cách mà não của người kia hoạt động nên dễ sinh ra bất đồng. 

"Bạn có thể luyện tập “song kiếm hợp bích”, cải thiện thêm cách nghĩ của não kia"

Tôi có người đồng nghiệp cũ có tư duy não trái (trình tự). Khi yêu cầu bạn học kỹ năng mới, thì bạn đề nghị, cho bạn học 2 môn căn bản trước khi học kỹ năng này. Trong khi đó tôi lại tư duy não phải (giải quyết vấn đề), tôi muốn làm sao học kỹ năng mới này nhanh nhất có thể (mà không phải học “lòng vòng” mất thời gian).


Hoàn toàn không có chuyện thuận não phải thì tốt hơn thuận não trái hay ngược lại. Vấn đề tùy công việc nào mà đòi hỏi thuận ở đâu. Bạn cần phải xác định mình thuận não nào để tìm kiếm những công việc mà nó phù hợp nhất. 


Nhà thơ trẻ Mỹ gốc Việt Ocean Vương là một thí dụ (thuận não phải) từng nhận được giải thưởng danh giá “thiên tài” MacArthur Fellowship. Anh chật vật ở trường trung học với kết quả rất thấp (điểm trung bình 1.7 trên 4). Anh vào đại học chuyên ngành Marketing, rồi nhanh chóng bỏ vì nó “không dành cho tôi”. May mắn anh vào đăng ký khoa Văn chương Anh và ham thích kỳ lạ như cá gặp nước! 

Nhiều người Việt chúng ta thường nhầm lẫn cho rằng, làm lãnh đạo, làm quản lý là giỏi (hơn là làm chuyên môn). Bác sĩ giỏi thì mới đề bạt lên trưởng khoa hoặc giám đốc bệnh viện. Hoặc giáo viên xuất sắc thì mới được ứng cử cho chức hiệu trưởng. Thực ra không phải như vậy.


Khi làm quản lý hay lãnh đạo một trong tố chất quan trọng đó là thông minh cảm xúc (emotional intelligence) mà những người thuận não phải thường ưu thế. Những người này họ có khả năng nhận thức (biết), điều tiết, bộc lộ cảm xúc và xử lý tốt các mối quan hệ (của các thành viên trong nhóm, tổ chức). Họ là những người “khéo”, chịu lắng nghe và thấu cảm. 


Đó là lý do những người lãnh đạo tập đoàn, đất nước – không nhất thiết họ phải là giỏi và biết hết về công ty (họ dẫn dắt).

Những người thuận não trái sẽ nhanh chóng thu nhận (học hỏi) để có sự hiểu biết này. Và khi luyện tập (hoặc may mắn “trời cho”) họ lại có suy nghĩ của người não phải, nghĩa là tư duy giải quyết vấn đề và chỉ số thông minh cảm xúc cao nên họ dễ dàng kết nối với những người giỏi nhất, làm cho mọi người đóng góp tốt nhất để đạt được mục tiêu cuối cùng. 

Tự nhiên nhớ đến tổng thống Mỹ Bill Clinton trong lần công ty Max Communications chúng tôi tổ chức buổi nói chuyện ngoài trời tại cảng container quốc tế VICT ở quận 7 tháng 11/2000.

Insert Image

Khi kết thúc buổi lễ, tôi cùng với 2 người (một của hãng tàu APL và một của bên VICT) cùng được được bắt tay chụp hình. Bill Clinton có một sức hút bẩm sinh (thuộc năng khiếu) chỉ hỏi vài câu nhưng làm bạn có cảm giác tổng thống biết bạn rõ (và từ rất lâu) rồi.


Cái này không phải là tôi cảm được mà cũng mấy người trong Team (Nhà Trắng) tổ chức chia sẻ. Cái này rõ ràng là đến từ thông minh cảm xúc vốn có của những chính trị gia. Nếu không có EQ (cao) làm sao bạn có thể tập hợp được nhiều người bỏ phiếu cho bạn.


Tôi cũng cần nói lại không phải bạn thuận não trái hay phải – cũng chỉ tương đối. Và cũng có những người họ thuận cả hai tay. Hoặc họ luyện tập để có thể kết nối với phần não họ không thuận.


Quay lại tổng thống Bill Clinton. Ông là luật sư. Công việc liên quan đến ngôn ngữ (chữ viết), logic, sự kiện (fact) thì những người thuận não trái sẽ ưu thế hơn khi học (mạnh về ngôn ngữ chữ viết). Nhưng ông vẫn mạnh về cảm xúc (vốn rất cần cho những người làm chính trị, vận động).


Bạn nên hiểu rõ về mình để có thể chọn những loại công việc phù hợp. Hoặc bạn cũng có thể quan sát để hiểu con, giúp cháu định hướng vào những nhóm nghề nghiệp tương lai.


Cô Bo Nguyễn (co-founder của Dreamship) vốn là đồng nghiệp cũ của tôi đã từng bộc bạch: lúc đi học (ở ĐH Ngân Hàng) chán nản, không cảm thấy hứng thú, thường trốn học. Đến lúc làm ở Max Communications (Media Relations Manager) thì cô cảm thấy thích thú, ham học hỏi, tiến bộ từng ngày.

Cô là người thuận não phải, ưu thế về suy nghĩ giải quyết vấn đề, mạnh về cảm xúc nên sẽ phù hợp cho công việc kết nối (quan hệ) đối với báo chí hay chăm sóc khách hàng. Chứ còn học (và làm) với những con số (ngân hàng) thì sẽ là “thảm họa”!


Bạn vẫn có thể luyện để có thể có “song kiếm hợp bích”. Nghĩa là cải thiện thêm cách nghĩ của não kia (mà bạn không mạnh). Được như vậy bạn sẽ dễ thành công hơn.

Insert Image

Bạn có thể tăng khả năng sáng tạo theo một vài gợi ý sau.


Đọc và theo dõi những ý tưởng sáng tạo của người khác.

Thông qua đó bạn có thể gieo mầm ý tưởng và tăng khả năng tưởng tượng. Tôi thường giải trí bằng những clip ngắn (trên Facebook) về DIY (làm vườn, nuôi cá), tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng, nông nghiệp, kiến trúc, nấu ăn... 


Học vẽ hay học chơi một nhạc cụ mới. Vừa giải trí, thư giãn và cũng giúp bạn bay bổng. 

Thay đổi môi trường. Sáng tạo là suy nghĩ mới, không rập khuôn.

Để thúc đẩy sáng tạo bạn có thể phá bỏ lề thói thường nhật hay một môi trường an toàn thân quen (comfort zone) bằng cách đến nơi “lạ” bạn chưa từng đến, học một môn gì đó mới chưa từng biết. 


Steve Jobs dành 7 tháng hành hương ở Ấn Độ để được khai sáng và tìm sự thông tuệ. Sự thông tuệ thực chất là trực quan (não phải) mà ông muốn tìm và luyện tập thêm.

Trực giác (theo Steve nó quan trọng hơn cả trí tuệ) sau này giúp Apple đưa ra những xu hướng, sản phẩm hoàn toàn chưa hề có trước đây. 

Steve cũng học (vẽ) thư pháp, một môn học quá lạ lẫm đối với người Mỹ lúc bấy giờ. Bill Gates cũng thừa nhận Steve Jobs sở hữu một trực giác bẩm sinh và gu thẩm mỹ tuyệt vời.


Đối với công ty để tuyển chọn được đúng ứng viên, họ thường sử dụng các bài test tâm lý như Team Dimension Profile (Quỹ Bridgewater Associates của Ray sử dụng) để xem ứng viên thích hợp cho những vai trò nào: tạo ra ý tưởng, thúc đẩy truyền bá ý tưởng, thách thức ý tưởng, thực hiện ý tưởng...


Sẵn cập nhật cho các bạn về dự án ép cá Betta của tôi. Cho ép được 3 cặp. Hai cặp coi như xong (cá trống ăn hết trứng). Còn một cặp thì cá con vừa nở. Nên tôi cũng vừa bắt đầu ấp artemia (để làm thức ăn cho cá con). Hy vọng khi kết thúc Nhật ký 30 ngày này thì dự án này cũng thành công!

Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>