30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 28:
Làm Sao Để Ra Quyết Định Đúng?

Ngay từ đầu cuốn sách Ray đã viết: mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với thực tế và phải ra quyết định. Chất lượng của quyết định đúng sẽ quyết định chất lượng của sống.


Theo Ray, rủi ro lớn nhất (ra quyết định sai) là do cảm xúc dẫn dắt thay vì lý trí.

Hẳn các bạn còn nhớ, phần trên của não (lý trí) và phần dưới (cảm xúc) lúc nào cũng tranh phần (tiếng nói). Phần cảm xúc thì lúc nào cũng nhanh như điện và nhanh hơn phần lý trí. Tích tắt là nó “nói thay” cho bạn.

Ben Campbell, sinh viên MIT trong “đội tuyển casino” (Phim 21) có trí nhớ siêu phàm để đếm bài khi chơi xì dách (blackjack). Trong một tích tắc, anh đã để cảm xúc (cay cú vì thua) dẫn dắt, thế là cháy túi.

Trước đó Ben đã được “huấn luyện viên” (Giáo sư Micky Rosa) dặn đi dặn lại rằng: “Em đến Las Vegas là để đếm bài chứ không phải là để đánh bài. Em không được để cảm xúc dẫn dắt mình!”


Ray cũng đã nói, quá trình ra quyết định, về cơ bản bao gồm 2 bước chính: thu thập thông tin và ra quyết định.

Cảm xúc (và điểm mù) nó sẽ ảnh hưởng đến việc thu thập thông tin. Nghĩa là việc thu thập thông tin giúp ra quyết định không còn khách quan nữa mà đã bị lăng kính cảm xúc làm méo mó. Nghĩa là, bạn sẽ thu thập thông tin theo chủ quan (định kiến) của bạn – mà bạn có thể thấy qua “Thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông tri họ hàng!”

Cảm xúc nó đã “quyết” trước khi bạn thu thập và ra quyết định. Nghĩa là trong đầu bạn đã hình thành nên quyết định rồi. Thu thập thông tin (chủ quan) sẽ củng cố cho quyết định của bạn sắp ra. 


Để có thể thu thập thông tin khách quan và đầy đủ, thay Ray, bạn cần phải học cách tổng hợp thông tin và xem xét linh hoạt (thông tin). 


Nhiều người gặp trở ngại khi ra quyết định vì họ thu thập “bội thực” thông tin cả những thông tin không liên quan, không quan trọng. Và vì quá nhiều thông tin như vậy nên việc ra quyết định sẽ chậm và rối, dẫn đến sai.

Theo Ray, để thu thập thông tin đầy đủ, bạn cần có cái nhìn tổng thể trước để đánh giá chính xác những rủi ro thật sự mà không sa lầy vào chi tiết.

"Tập trung vào 20% thông tin quan trọng vì chúng sẽ quyết định 80% kết quả!"

Lưu ý đầu tiên: Hãy tìm và hỏi những người hiểu biết.

Một trong những cách để hiểu đúng (vấn đề) là hỏi đúng người. Đúng người phải được hiểu là, họ là người hiểu biết và họ khách quan. 


Nhiều trường hợp thông tin “nghe hơi nồi chõ” được bạn xem xét nên ra quyết định sai là điều hiển nhiên. Đây là thông tin từ nguồn không đáng tin cậy dẫn đến thông tin xem xét không đúng.

Hoặc người cung cấp cho bạn thông tin lại là người có định kiến chủ quan (hoặc định kiến có chủ đích). Họ sẽ “lái” bạn theo quyết định (họ muốn) bằng cách cho bạn những thông tin chủ quan.

Ray cũng lưu ý: Đừng tin những gì bạn nghe! Nhiều thông tin trong nhiều trường hợp nó không phải facts mà chỉ là quan điểm. Mà khi là quan điểm thì ít nhiều rất chủ quan. Cái bạn cần là facts. Nên đừng nhầm lẫn giữa quan điểm và facts.


Lưu ý thứ hai: Đứng xa ra để thấy rõ vấn đề!

Trong nhiều trường hợp bạn nên lùi lại để có thể cái nhìn đầy đủ vấn đề liên quan.


Lưu ý thứ ba: Đừng có mới nới cũ! 

Có những quyết định giữa cái mới và cái cũ (tốt), quan điểm riêng của Ray là không nên chọn “mới”. Ray cho biết thêm, khi phải chọn xem phim mới hay sách mới (đình đám) so với phim/sách kinh điển (hay) – thì ông chọn cái cũ. Cái này thuộc chiến lược (cá nhân).


Tôi cũng có cùng quan điểm với Ray. Lâu lâu mới có dịp đi ăn ngoài, thay vì chọn một nhà hàng mới (được PR “bất cần thân thể”) thì tôi lại chọn quán “gia truyền” (ngon từ trước giờ). Vì tôi không muốn rủi ro mất một buổi tối đi ăn ngoài. 

"Hãy học cách ra quyết định đúng lúc."

Khi tổng hợp, thông tin “xấp xỉ” (tương đối) lại quan trọng hơn là chính xác. Các quyết định bạn ra đâu được cân đong đo đếm một cách chính xác. Do đó xấp xỉ tương đối là đủ.


Tương tự bạn chỉ cần tập trung vào 20% thông tin (facts) quan trọng vì chúng sẽ quyết định 80% kết quả (chất lượng của quyết định). Nói cách khác bạn sẽ phải tổng hợp nhanh những thông tin mang tính quyết định, bỏ đi những râu ria không cần thiết (mà chỉ chiếm 20% kết quả). 


Cùng với ý 80/20, Ray cũng khuyên bạn nên “Đừng quá hoàn hảo!” Nghĩa là đừng quá cầu toàn ra quyết định hoàn hảo (mà chẳng đem lại giá trị bao nhiêu) mà lại phải tốn thêm nhiều nguồn lực.


Nhiều người người cầu toàn thường phải trả giá cho mong muốn hoàn hảo. Họ mất nhiều thời gian hơn để ra quyết định. Đồng thời mất nhiều nguồn lực hơn mà chỉ có hơn (thêm) được một chút, không đáng kể.

Có những người “giả bộ” cầu toàn nhưng thực chất là họ không muốn ra quyết định “vì chưa đủ thông tin” hay “Đợi thêm thời gian nữa!”


Sau khi thu thập thông tin, kế tiếp là bạn phải ra quyết định. 

Công cụ để ra quyết định, theo Ray, chủ yếu là logic, lý trí và lẽ thường (common sense). Như vậy thì mới là do phần trên của não quyết định. Và như vậy nó sẽ nhất quán (chứ không phải “sáng nắng chiều mưa”).


Theo Ray, khi ra quyết định, bạn phải tính toán giá trị mong đợi. Nghĩa là bạn sẽ tính xem nếu ra quyết định đúng thì bạn sẽ được bao nhiêu so với quyết định sai. Quyết định thành công là quyết định đem đến giá trị mong đợi dương.

Ray cho một thí dụ đơn giản. Giả sử nếu đúng thì bạn sẽ được 100 đô và xác xuất đúng là 60%. Nếu sai bạn cũng bị thiệt hại 100 đô (xác suất sai là 40%). Như vậy giá trị tưởng thưởng (đúng) sẽ là 60 (100 đô x 60%) trừ đi giá trị thiệt hại (Sai) là 40 (100 đô x 40%), sẽ ra giá trị mong đợi là 20 đô.


“Ngựa về ngược” là thí dụ có thể dễ hiểu hơn. Cơ hội cho con ngựa (A chẳng hạn) về nhất rất là thấp (vì thành tích từ trước đến giờ rất kém) nhưng nếu về nhất thì giá trị (thưởng) rất cao. Nếu bạn cược vào con ngựa A “liều ăn nhiều” là vậy!


Ray cũng chia sẻ thêm: biết khi nào không “theo” cũng quan trọng như biết khi nào “thơm” để mà ra quyết định. Bạn phải học cách từ chối (không theo) cơ hội nếu thấy tưởng thưởng không đáng (và lại làm bạn mất tập trung).


Hầu hết những quyết định trong cuộc sống và kinh doanh sẽ làm cho bạn đắn đo suy nghĩ (theo kiểu được cái này thì mất cái kia). Nghĩa là một chọn lựa đều có ưu điểm (pros) và khuyết điểm (cons). Hoàn toàn sẽ khó có những quyết định chỉ có ưu điểm thôi.


Bạn chọn mua cái áo A khuyến mãi 70% nhưng lại không có màu bạn thích. Còn cái áo B thì chỉ có 30% thôi nhưng lại có màu bạn kết. Vì khi người ta khuyến mãi 70% nghĩa là mẫu mã, màu sắc còn rất ít nên họ muốn tống khứ cho nhanh. 

 

Insert Image

Ray cho biết thêm, có những quyết định bạn phải làm liền. Có những chuyện bạn có thể cần thêm (thông tin) để quyết. Bạn cần phải phân ra 2 loại (quyết định): loại làm liền và loại làm sau (thêm thông tin). 


Đối với những quyết định phải cần thêm thông tin thì bạn phải tính, chi phí (thiệt hại) nếu phải chờ thêm so với tưởng thưởng có được nếu quyết định ngay. Chứ không phải là cứ để đó không quyết. Mọi thứ khi ra quyết định đều phải “cân đong đo đếm” (thiệt hơn) giữa tưởng thưởng và chi phí thiệt hại. 


Thực tế có những người sợ ra quyết định (sợ sai) nên cứ chần chừ, lần nữa (lấy lý do “cần thêm thông tin” hay “từ từ đã” (quyết sớm làm gì). 

Theo Ray, để quyết định nhanh và hiệu quả, bạn cần loại bỏ những chi tiết không quan trọng ở bước 1 (thu thập thông tin). Có như vậy, những vấn đề cần quyết định nó mới rõ ràng (không lằng nhằng, rối rắm). “Thiên tài thì họ biến chuyện phức tạp thành đơn giản. Còn kẻ khờ thì làm mọi thứ trở nên rối rắm!”


Có những chuyện rất đơn giản để ra quyết định. Nhưng có nhiều người thuộc loại “phức tạp hóa” (vấn đề) luôn trộn (thu thập) những cái chi tiết râu ria rối rắm (không quan trọng, không ăn nhập) để xem xét (ra quyết định). Cuối cùng là không dám ra quyết định (vì rối quá) hoặc ra quyết định sai.


Thêm một lời khuyên nữa, theo Ray, đó là áp dụng những nguyên tắc riêng của bạn.

Những nguyên tắc này vốn đã được bạn chiêm nghiệm nên bạn có thể đem ra xài để có thể cải thiện được chất lượng quyết định (nhanh và đúng).


Bạn phải học cách ra quyết định đúng lúc. Bạn cũng đừng sợ khi ra quyết định sai. Mỗi khi ra quyết định sai bạn cần phải rút ra bài học để cải thiện quyết định (cho lần tới).

Công ty của Ray đã xây dựng một văn hóa chấp nhận (quyết định) sai. Nhân viên tự chịu trách nhiệm cho quyết định không đúng. Từ đó họ học hỏi để tiến bộ.


Rất nhiều doanh nghiệp mọi chuyện lớn nhỏ gì cũng do sếp quyết. Một phần vì sếp sợ nhân viên quyết sai. Và thế là sếp ôm hết. Nhân viên đứng xếp hàng mỗi người 5 phút để vào gặp sếp quyết. Mỗi lần sếp đi công tác (hay bệnh) là “thôi rồi lượm ơi”, mọi việc đình trệ.


Thậm chí có giám đốc (chủ doanh nghiệp) rất là tự hào rằng mình quyết hết mọi chuyện. Chút là có người alô hỏi ý kiến. Khó mà họ có thể ra quyết định có chất lượng được.

Sẵn cập nhật cho các bạn, dự án ép cá betta của tôi. Bầy cá cũng hơn 100 con, đến ngày thứ 7 rồi. Hy vọng sẽ qua được con trăng này!

Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>