30 NGÀY NHẬT KÝ NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
Ngày 29:
Tiêu Chuẩn Nào Để Làm Sếp?

Bữa trước tôi có đưa ra một số thí dụ (thực tế) về 2 người phụ nữ giữ những trọng trách cao (lãnh đạo) trong một số tập đoàn quảng cáo quốc tế. Họ không phải là những người học vấn cao, học ở nước ngoài về, thậm chí có người còn làm “trái nghề”.


Hôm nay tôi bổ sung thêm 1 người (cũng là nữ) bạn Trần Xuân Du, giám đốc điều hành ILA. Bạn này (tôi nghe nói) chỉ tốt nghiệp Cao Đẳng SP thôi nhưng tôi có ấn tượng rất tốt về khả năng lãnh đạo. Thực tế bạn là một thuyền trưởng tài ba, giúp ILA trở thành tổ chức giáo dục số 1 Việt Nam. 


Cả ba phụ nữ này đều có chung một phẩm chất (cần thiết để làm lãnh đạo) – đó là thông minh cảm xúc (Emotional intelligence).

Và hôm nay tôi muốn “phá nguyên tắc”, viết thêm về phẩm chất này (mà Ray không đề cập nhiều).


Thông minh cảm xúc không phải chỉ cần thiết để làm lãnh đạo (hay làm chủ) mà còn rất cần cho những ai muốn thành công trong sự nghiệp và cuộc sống riêng.

Khác với thông minh là bẩm sinh (tự có), thông minh cảm xúc bạn có thể tập luyện mà có.

Tôi thấy có một bài viết liên quan trên CNBC của TS Daniel Goleman, tác giả cuốn sách “Phẩm chất nào làm nên lãnh đạo: Tại sao thông minh cảm xúc lại quan trọng!” Tôi dùng bài này để làm tư liệu cho nhật ký ngày hôm nay.

Theo Daniel, thông minh cảm xúc không phải chỉ đơn giản là hoạt bát hay dẻo miệng.


Thông minh cảm xúc tạm chia làm 4 khả năng, có thể xem là, từ thấp đến cao: Tự nhận thức (Self-awareness), Tự tiết chế (Self-management), Nhận thức xã hội (Social awareness) và Quản lý mối quan hệ (Relationship management).

Nghĩa là, người có thông minh cảm xúc (cao), đầu tiên là họ có khả năng "tự nhận thức" (biết) là cảm xúc của họ (lúc này) là như thế nào và tại sao như vậy. Đồng thời những cảm xúc này ảnh hưởng tích cực (hay tiêu cực) việc họ đang làm.

Khi biết được cảm xúc như vậy (Tự nhận thức), họ sẽ biết "tự tiết chế" để không cho những cảm xúc (tiêu cực) không ảnh hưởng đến team và nhân viên.


Level thứ 3, "nhận thức xã hội" là khả năng giúp họ “đọc vị” được cảm xúc của người khác (thông qua những hành vi phi ngôn ngữ: ánh mắt, cử chỉ...).


Cuối cùng là "quản lý quan hệ". Người có kỹ năng (phẩm chất này) giúp họ động viên nhân viên làm việc (đóng góp), truyền cảm hứng và kết nối (hài hòa) các thành viên trong tổ chức. 

Chúng ta sẽ đi từng cái để hiểu rõ thêm và làm thế nào để luyện được.

"Dù bạn ở vị trí, lĩnh vực nào thì thông minh cảm xúc là yếu tố không thể thiếu!"

Đầu tiên là cấp độ 1: kỹ năng Tự nhận thức cảm xúc – bắt đầu vào khả năng bạn hiểu được điểm mạnh và điểm yếu bản thân. 

Nghĩa là bạn biết khi nào cần sự hỗ trợ của người khác. Nói cách khác bạn biết rõ giá trị (của bản thân) và nhận thức rõ mục đích để bạn có thể quyết đoán khi lên kế hoạch thực hiện. 

Cốt lõi để phát triển được kỹ năng này là bạn phải biết được điểm yếu (bản thân) và mạnh dạn cải thiện điểm yếu này. Nếu bạn giấu dốt bạn sẽ không biết để cải thiện. Nói cách khác bạn sẽ không tiến bộ. Bạn sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại lỗi lầm, sai phạm.

Có những điểm yếu không nhất thiết bạn phải nỗ lực để cải thiện. Trong một số trường hợp điểm yếu đó mang tính “bẩm sinh” (liên quan đến não) nên sẽ khó có thể giải quyết tận gốc. Tuy nhiên bạn có thể tìm sự trợ giúp để bù đắp cho điểm yếu này.


Kỹ năng nào cũng vậy – học (để biết) thì dễ nhưng muốn xây dựng thành công thì phải thực hành. 

Bạn cần phải “cảnh giác” (Tự nhận biết) trong những lúc bạn cảm thấy bực tức, cáu gắt, chán nản... (gọi chung là cảm xúc tiêu cực). Lúc đó bạn cần phải tìm ra nguyên nhân (sâu xa) gây ra cảm xúc đó. Thử tìm xem những dấu hiệu gì đi kèm đã làm bạn có cảm xúc như vậy. Để lần tới khi thấy dấu hiệu đó thì bạn sẽ tìm cách kiềm chế.


Cấp độ 2: Khả năng thứ hai là “Tự tiết chế” 

Những cảm xúc này (tiêu cực) ảnh hưởng đến bạn và những người khác trong Team. Khi gặp những tình huống xấu (thất bại), nhân viên sẽ nhìn vào bạn (lãnh đạo) để phản ứng. Nếu bạn bình tĩnh, họ cũng sẽ bình tĩnh. Nếu bạn hoảng loạn, họ sẽ mất phương hướng. 

Những kỹ năng liên quan đến Tự tiết chế bao gồm: khả năng tự tiết chế cảm xúc, khả năng thích nghi, tư duy cầu tiến và cách nhìn tích cực.


Hẳn các bạn còn nhớ “nguyên tắc đau” của Ray. Khi gặp khó khăn, thách thức nếu không vượt qua bạn sẽ bị đau. Một số người để làm “dịu” cơn đau sẽ phản ứng lại (tiêu cực) như đổ thừa, la mắng, quát tháo. Và lần tới khi xảy ra bạn sẽ không biết cách đối phó (vì lần trước bạn đã không suy nghĩ cách xử lý). Người khác thì suy nghĩ làm thế nào để lần tới không xảy ra và nếu xảy ra thì họ sẽ làm gì.


Để tiết chế cảm xúc (nóng giận, hoảng loạn) bạn nên tìm cách “thoát” bằng cách hít một hơi thật sâu, rồi kiểm tra lại là đã “qua” được cảm xúc đó chưa (thường thì rất là nhanh). Lúc này bình tĩnh bạn mới có thể trao đổi (với Team), phân tích để tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp và đặt ra câu hỏi làm thế nào để lần tới chuyện không xảy ra nữa. Đây là một phần của “quy trình” tiến bộ của Ray.


Viết đến đây tôi nhớ đến một kỷ niệm lúc còn làm ở Max Communications. Đó là tổ chức buổi giới thiệu xe Toyota Altis (đầu tiên ở Việt Nam) tại Văn phòng Thành Ủy TPHCM. Hai công ty cùng phối hợp thực hiện là Max (tổ chức sự kiện) và Kingsmen (lo về set-up). Sự cố là đang lúc làm lễ thì cái LCD, gác lên lan can bị rớt (làm một khách bị trầy sơ). Buổi giới thiệu phải kết thúc sớm hơn. Ngay sau buổi lễ có cuộc họp giữa đại diện Toyota, Dentsu, Kingsmen và Max.


Ấn tượng nhất của tôi lúc đó là TGĐ Toyota rất là bình tĩnh, kiềm chế được cảm xúc (không dễ gì làm được). Cuộc họp chủ yếu là tìm hiểu nguyên nhân (tại sao nó xảy ra, trách nhiệm của ai), làm gì để không xảy ra cho lần tới (ở Hà Nội), giảm thiểu thiệt hại (PR vì có báo chí tham dự...). Sự bình tĩnh hiếm có (của người Nhật) rất khác với một số khách hàng Hàn Quốc (vốn rất nóng tính) mà tôi thường gặp. 

Insert Image

Cấp độ 3: Nhận thức xã hội.

Đây là khả năng đọc vị được cảm xúc của người khác. Những người lãnh đạo tài ba có thể “gần gũi” với mọi nhóm người. Họ có khả năng lắng nghe và truyền đạt thông tin hiệu quả. 

Nhận thức xã hội gồm những phẩm chất phụ như khả năng thấu cảm (Empathy), nhận thức tổ chức (Organizational awareness).


Khả năng thấu cảm làm cho nhiều người thích tiếp xúc, gần gũi với bạn. Họ cảm thấy bạn sẵn sàng lắng nghe (vấn đề của họ, cảm xúc của họ). Và quan trọng hơn bạn luôn đặt vào mình vào người kia (để hiểu) để giúp họ có giải pháp thích hợp.

Nhận thức tổ chức muốn đề cập đến khả năng “đọc vị” (hay khả năng “đánh hơi”) được mọi chuyện đang xảy ra trong công ty. Khả năng này giúp bạn tiên đoán trước cách phản ứng của nhân viên (hay đối tác) trước một vấn đề nào đó.

Để phát triển kỹ năng này, đòi hỏi bạn phải là người lắng nghe. Không nên “cướp diễn đàn” trong khi người khác đang nói. Một phần bạn sẽ không hiểu hết (điều họ muốn nói). Phần quan trọng hơn là họ không cảm thấy bạn là người chịu lắng nghe họ. Hãy đặt câu hỏi (để hiểu rõ) và mời họ đặt câu hỏi như vậy.


Bạn cũng cần gỡ bỏ những định kiến, dễ làm cho bạn bị xa lánh.Khi đánh giá, nhận xét bạn hãy luôn đặt mình vào người khác để thấu cảm. Nó dễ dàng giúp bạn đọc được cảm xúc của người kia và giúp cho họ những giải pháp mong muốn.

Insert Image

“Cảnh giới” cuối cùng là Quản lý quan hệ.

Đây là phẩm chất giúp bạn trở thành lãnh đạo tài ba. Với khả năng này, mọi lời nói, hành động của bạn đều giúp động viên (lên tinh thần) cho nhân viên, truyền cảm hứng và làm cho mọi người kết nối (hài hòa) để cùng nỗ lực để đạt được mục tiêu chung. 

Những kỹ năng cần có bao gồm: khả năng ảnh hưởng (thuyết phục), coaching, giải quyết bất đồng, làm việc theo nhóm.


Để có được khả năng Quản lý quan hệ bạn cần phải là người suy nghĩ tích cực (tư duy cầu tiến). Luôn nhìn thấy những mặt tích cực của người khác (hơn làm chăm chăm vào những cái chưa tốt của họ). 

Người ta (nhân viên) không đơn giản được cảm hứng từ những lời nói hoa mỹ của bạn. Họ cảm hứng vì những cái bạn đang làm – dám thách thức những cái cũ kỹ/ truyền thống, chấp nhận rủi ro đeo đuổi những cái mới, tinh thần không gì không thể, dám nhận lấy trách nhiệm (thất bại) về mình, sẵn sàng để hào quang tỏa sáng vào người khác...


Tôi thấy anh Phạm Phú Ngọc Trai (TGĐ IBC/Pepsi), sếp cũ của tôi, là người có chỉ số thông minh cảm xúc cao. Anh Trai thậm chí còn đạt được ở mức độ 4 (Quản lý quan hệ). Anh có tố chất (khả năng) làm cho mọi người (đủ mọi người, ngành nghề) cảm thấy gần gũi. Và anh có khả năng kết nối và tạo nguồn cảm hứng cho những người anh làm việc.


Thông minh cảm xúc không phải chỉ cần thiết cho lãnh đạo. Dù bạn ở vị trí nào, lĩnh vực nào thì thông minh cảm xúc luôn cần cho bạn. 

Cơ bản nhất là bạn phải có được 2 khả năng: Tự nhận thức và Tự tiết chế cảm xúc. Cái này nó không chỉ là công việc mà còn là cuộc sống đời thường. Nó ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống riêng, gia đình, họ hàng, người thân...

Còn nếu muốn trở thành lãnh đạo, bạn còn phải cần thêm Nhận thức xã hội và Quản lý quan hệ. Bạn có thể luyện tập nhưng tôi nghĩ ít nhiều nó có liên quan đến tố chất.

Tạm biệt!

Nguyễn Mạnh Tường
Founder of Max Communications & CoFounder of ICP/Xmen

Đăng ký để không bỏ lỡ một ngày nhật ký nào

>