Trào ngược dạ dày thực quản: Kẻ thù thầm lặng của dân văn phòng thumbnail

Trào ngược dạ dày thực quản: Kẻ thù thầm lặng của dân văn phòng

Thùy Linh
phút
25/03/2025
Thùy Linh
phút
25/03/2025

Trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở dân văn phòng. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, dân văn phòng đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ công việc, dẫn đến những thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Một trong những "kẻ thù thầm lặng" đang âm thầm tấn công sức khỏe của họ chính là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD).

Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh này ở dân văn phòng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc.

Khoảng 7 triệu người Việt bị trào ngược dạ dày, thực quản

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán điều trị bệnh trào ngược dạ dày, thực quản và các bệnh tiêu hóa khác, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nhận định GERD ngày càng trở thành bệnh thời đại.

Thống kê ước tính Việt Nam có khoảng 7 triệu người bị trào ngược dạ dày. Khoảng 60% trong số đó không điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, ung thư thực quản…

Bệnh trào ngược văn phòng ở dân văn phòng

Freepik

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Tiến, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, bệnh trào ngược dạ dày, thực quản rất phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ mắc bệnh ngày một cao ở các nước phát triển.

Tại các nước phương Tây, nơi lối sống hiện đại và chế độ ăn uống nhiều chất béo đã trở nên phổ biến, GERD được ghi nhận là một bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng từ 10% đến 20% dân số.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sự thay đổi trong lối sống ở các nước đang phát triển cũng đang góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc GERD. Ở Trung Quốc, tỷ lệ mắc GERD có triệu chứng đã tăng lên 3,8% vào năm 2016.

Theo các nghiên cứu tổng quan, tỷ lệ mắc GERD trên toàn thế giới ước tính khoảng 13,98%. Bệnh này đặc biệt phổ biến ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông, với tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 10% đến 33%. Trong khi đó, ở Đông Á, tỷ lệ này thấp hơn, từ 2,5% đến 7,8%. 

Căn bệnh của dân văn phòng

Theo thông tin trên website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ThS.BSCKI Đoàn Hoàng Long, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho hay trào ngược dạ dày thực quản là một chứng bệnh phổ biến, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính hay yếu tố di truyền, chính lối sống hàng ngày của chúng ta cũng đóng vai trò quan trọng. Việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh, các chất kích thích như cà phê, trà xanh, đồ uống có ga, hút thuốc lá hay lạm dụng rượu bia đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cà phê - thức uống quen thuộc của nhiều dân văn phòng - có thể làm tăng nguy cơ và làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở một số người. Caffeine trong cà phê, có thể kích thích sản xuất axit dạ dày và gây giãn cơ thắt dưới thực quản, dẫn đến tăng khả năng trào ngược.

Thêm vào đó, những thói quen như ít vận động, nằm ngay sau khi ăn, ăn uống không đúng giờ, ăn quá nhanh, vừa ăn vừa làm việc khác hay thường xuyên căng thẳng cũng góp phần thúc đẩy bệnh trào ngược dạ dày thực quản khởi phát hoặc trở nên trầm trọng hơn. Các thói quen này thường được bắt gặp không ít ở dân văn phòng.

Thói quen uống cafe của dân văn phòng

Từ khi bước chân vào thị trường lao động, Ngọc Ánh (26 tuổi, nhân viên marketing tại TP.HCM) bắt đầu ngày làm việc với 2 hai tách cà phê đậm đặc. Đây thứ “nhiên liệu” không thể thiếu giúp cô tỉnh táo đối mặt với khối lượng lớn công việc trước mắt.

Vì tính chất công việc rất bận rộn, bữa trưa của Ánh thường diễn ra chớp nhoáng ngay trước màn hình laptop với bánh mì hoặc đồ ăn mua ở lề đường ban sáng. Nhiều hôm, cô thậm chí còn không ăn trưa, dùng hẳn chừng ấy thời gian để ngủ trưa hoặc xử lý nốt công việc.

“Có hôm công việc quá bận, tôi còn quên mất mình phải ăn, cứ uống cà phê hoài. Phải đến khi bụng kêu ọt ọt, tôi mới vội chế mì tôm ăn cho qua bữa”, Ánh chia sẻ.
Sau hơn vài năm đi làm, Ánh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh dạ dày như ợ nóng, tức ngực và vướng nghẹn mỗi khi nuốt đồ ăn. Cô đinh ninh những biểu hiện này là do stress công việc gây ra, cho đến khi đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Theo thông tin trên website Bệnh viện Quốc tế Thu Cúc, triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường thấy nhất là ợ nóng, trớ và nuốt khó. Bên cạnh đó, một số triệu chứng không điển hình khác thường dễ gây nhầm lẫn là đau ngực, cảm giác cục nghẹn, ứa nước bọt trong họng, ho mạn tính, hen suyễn, khàn giọng, viêm xoang, viêm hầu họng, đắng miệng và đau họng, hôi miệng,…

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra một số biến chứng như viêm thực quản, co rút thực quản. Hiếm gặp hơn là các biến chứng viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi do hít do trào ngược xảy ra vào ban đêm.

Giải pháp cải thiện

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, để phòng ngừa và giảm thiểu các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD), việc thay đổi lối sống và thói quen ăn uống đóng vai trò then chốt. Dưới đây là những biện pháp chi tiết mà bạn có thể áp dụng:

1. Thay đổi tư thế và thói quen sau khi ăn

Sau mỗi bữa ăn, hãy cố gắng duy trì tư thế thẳng đứng, có thể đi lại nhẹ nhàng, trong khoảng 2-3 giờ. Điều này giúp trọng lực giữ axit dạ dày ở vị trí thấp hơn, hạn chế trào ngược.

Khi ngủ, nâng cao đầu giường khoảng 15-20cm bằng cách kê thêm gối hoặc sử dụng các vật dụng chuyên dụng. Tư thế này giúp giảm thiểu nguy cơ axit trào ngược vào thực quản trong đêm.

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành 5-6 bữa nhỏ, thay vì 3 bữa chính lớn. Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày và hạn chế lượng axit tiết ra quá nhiều. Trong quá trình ăn, cần nhai kỹ thức ăn để giảm tải cho quá trình tiêu hóa của dạ dày.

Bên cạnh đó, dân văn phòng nên rời mắt khỏi thiết bị điện tử và bàn làm việc để tận hưởng tối đa bữa ăn. Điều này gây mất tập trung với bữa ăn và có thể dẫn đến ăn quá nhiều hoặc không tận hưởng trọn vẹn thực phẩm. Ăn quá nhiều, quá nhanh có thể dẫn đến việc nạp quá lượng calo gây béo phì, khó chịu và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm và đồ uống có thể kích thích trào ngược, bao gồm thức ăn cay nóng, chiên xào, nhiều dầu mỡ; thực phẩm có tính axit cao như cam, chanh, cà chua; socola; đồ uống có ga, rượu bia, cà phê.

Đặc biệt, nếu không thể bỏ được cà phê, dân văn phòng có thể chọn các loại cà phê khử caffeine hoặc axit thấp để tránh gây kích thích dạ dày và thực quản để giảm nguy cơ trào ngược. Ngoài ra, bạn cũng nên giảm lượng cà phê tiêu thụ hàng ngày và uống loại thức uống này xa bữa ăn để dạ dày có thời gian tiêu hóa thức ăn trước.

  • Nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, ít kích thích như rau xanh, thịt nạc, cá, và thực phẩm giàu chất xơ.
  • Nếu không có thời gian hoặc điều kiện để chuẩn bị cơm trưa từ nhà, việc lựa chọn các món ăn sạch và giàu dinh dưỡng khi mua cơm trưa ngoài hàng cũng là một phương án không tệ.

Tránh ăn quá no và ăn quá muộn. Bữa tối nên được ăn ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ.

Cơm văn phòng cho nhân viên

3. Duy trì lối sống lành mạnh

  • Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân hoặc béo phì tạo áp lực lên vùng bụng, làm tăng nguy cơ trào ngược.
  • Bỏ hút thuốc lá. Thuốc lá làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới, tạo điều kiện cho axit trào ngược.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn. Tập thể dục giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, tránh các bài tập gây áp lực lên vùng bụng, đặc biệt là sau khi ăn no.
  • Kiểm soát căng thẳng để giảm tăng sản xuất axit dạ dày. Các phương pháp như thiền, yoga, hoặc các hoạt động thư giãn khác có thể giúp giảm căng thẳng.
  • Nếu các biện pháp thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát triệu chứng, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý phổ biến ở dân văn phòng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu chúng ta thay đổi lối sống và thói quen ăn uống. 

Hy vọng qua bài viết này của PITO, quý độc giả có thể lắng nghe cơ thể, chăm sóc sức khỏe bản thân và xây dựng một lối sống lành mạnh để "đánh bại" kẻ thù thầm lặng này.

Thùy Linh

Với kinh nghiệm phóng viên y tế, hơn ai hết, Linh hiểu rất rõ các mối nguy sức khỏe của dân văn phòng. Linh mong muốn lan tỏa nguồn cảm hứng về một lối sống khỏe mạnh, bắt đầu từ thức ăn, đồ uống tại nơi làm việc, để mỗi ngày đến văn phòng không chỉ là để "chạy deadline" mà còn là hành trình vun đắp cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>