Tại Việt Nam, nhân sự nữ được nghỉ tối đa 30 phút/ngày, 3 ngày mỗi tháng và vẫn được hưởng lương theo hợp đồng lao động, công ty bạn có áp dụng?
Kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, công việc?
Số nữ giới trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường lao động ngày một tăng. Tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ trên khắp thế giới là 48,7%, theo Our World In Data năm 2023. Trong khi đó, theo báo cáo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2021–2030) được công bố năm 2024, con số này ở Việt Nam là 50,9%.
Theo Peppy Health, khoảng 40% phụ nữ có kinh nguyệt cho biết cơn đau bụng kinh của họ nghiêm trọng đến mức phải nghỉ làm hoặc nghỉ học. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trung bình, phụ nữ cảm thấy mình kém năng suất khoảng 33% vào những ngày hành kinh, gây ảnh hưởng tới trung bình 8,9 ngày làm việc mỗi năm.
Báo cáo về Kinh nguyệt và hỗ trợ tại nơi làm việc của CIPD cho thấy cứ 10 phụ nữ thì có 7 người (69%) cho biết kỳ kinh nguyệt tác động tiêu cực đến công việc. Khảo sát hơn 2.000 phụ nữ trong độ tuổi 18-60, hơn một nửa (53%) phụ nữ có triệu chứng kinh nguyệt cho biết họ không thể đi làm vào một thời điểm nào đó vì kỳ kinh nguyệt. Những triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt - bao gồm đau bụng, cảm thấy cáu kỉnh, mệt mỏi và tâm trạng chán nản khiến nhân viên nữ mệt mỏi hơn (79%) và kém tập trung hơn (63%). 3 trong 5 người được khảo sát (61%) cho biết họ làm việc khi cảm thấy không khỏe, trong khi 2 trong số 5 người (38%) cảm thấy kém tự tin hơn khi làm việc vì kỳ kinh nguyệt.
Giáo sư Dịch tễ học và Y học công cộng Siobán Harlow, Đại học Michigan, cho biết 15-25% số người có kinh nguyệt trải qua các cơn đau bụng kinh từ trung bình đến nặng. Trong đó, 10-15% người không thể kiểm soát cơn đau hiệu quả bằng thuốc giảm đau thông thường. Ngoài ra, một số người mắc các bệnh như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung, trong khi những người khác bị chảy máu kinh nguyệt quá nhiều, khiến việc đi làm trở nên khó khăn.
Còn Jessica L. Barnack-Tavlaris, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học New Jersey, khẳng định kinh nguyệt dù không phải là một rối loạn, nhưng những vấn đề liên quan nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và công việc.
Nguồn: Pexels
Lịch sử của “Nghỉ kinh nguyệt”
Nghỉ kinh nguyệt được đưa ra lần đầu vào thế kỷ 20. Năm 1922, Xô Viết đã thực hiện chính sách nghỉ kinh nguyệt. Tuy nhiên, chính sách này chỉ kéo dài 5 năm vì nó dẫn đến sự phân biệt đối xử với lao động nữ.
Vào năm 1947, Nhật Bản đã đưa ra chế độ nghỉ kinh nguyệt cho công nhân nhà máy nữ. Sau khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến II, đất nước này đã đưa chế độ nghỉ kinh nguyệt vào luật lao động như một quyền cho tất cả phụ nữ đang đi làm. Cho đến nay, phụ nữ Nhật Bản bị đau bụng kinh không cần đến nơi làm việc trong chu kỳ của họ.
Indonesia cũng thực hiện chính sách này vào năm 1948, cho phép những công nhân nữ bị đau bụng kinh không phải làm việc trong 2 ngày đầu tiên của chu kỳ. Các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, cũng cho công nhân nữ một ngày nghỉ mỗi tháng trong chu kỳ kinh nguyệt.
Năm 2017, Zambia đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên cung cấp một ngày nghỉ kinh nguyệt mỗi tháng cho tất cả lao động nữ mà không cần chứng nhận y tế.
Gần đây nhất, vào tháng 2 năm 2023, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cho phép lao động nữ nghỉ 3 ngày mỗi tháng trong kỳ kinh nguyệt, kèm theo giấy xác nhận của bác sĩ.
Tại Việt Nam, theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2020, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt sẽ được nghỉ tối đa 30 phút/ngày, mỗi tháng 3 ngày, gọi là Nghỉ hành kinh và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nếu một nhân viên nữ quyết định không nghỉ phép và được người sử dụng lao động đồng ý, nhân viên này sẽ được đền bù bằng tiền lương bổ sung cho thời gian tương đương. Quy định này đảm bảo rằng phụ nữ có thời gian để nghỉ ngơi và duy trì năng suất trong khi nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong thời gian hành kinh.
Khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.
Trong bối cảnh ngày một nhiều phụ nữ tham gia vào thị trường lao động hiện nay, ngày nghỉ kinh nguyệt là một quyền lợi cần được phổ biến hơn trong các doanh nghiệp. Việc hỗ trợ nghỉ kinh nguyệt có thể giúp thể hiện sự quan tâm, đồng cảm của người sử dụng lao động đối với sức khỏe lao động nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường làm việc, quan trọng hơn là tuân thủ quy định pháp luật.
Trả lời Wasington Post, các chuyên gia sản phụ khoa đều cho rằng chính sách nghỉ phép vào ngày kinh nguyệt là “một bước tiến bộ giúp xóa bỏ kỳ thị về kinh nguyệt và tạo điều kiện cho những người gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong những ngày này được nghỉ ngơi”.
Thực tế “Nghỉ kinh nguyệt” tại các quốc gia?
Tại một số quốc gia đã cho phép nghỉ kinh nguyệt, người lao động lại không chấp nhận chính sách này, theo ABC News.
Ở Nhật Bản, chính sách này hiếm khi được áp dụng. Một nghiên cứu của Nikkei Group vào tháng 3 năm 2022 cho thấy chưa đến 10% phụ nữ nghỉ kinh nguyệt. Hơn 50% cảm thấy "thiếu hiểu biết về kinh nguyệt tại nơi làm việc".
Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra rằng một số phụ nữ cảm thấy không thoải mái khi yêu cầu sếp nam cho nghỉ phép vì lý do kinh nguyệt và không muốn chấp nhận vì không có nhiều người làm vậy. Những vấn đề tương tự cũng được báo cáo ở Indonesia.
Ngoài ra, một bài nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Y tế và Sức khỏe Pakistan năm 2020 cho thấy nhiều công ty không cho phép nghỉ kinh nguyệt vì cho rằng lý do này dễ qua mặt.
Báo cáo của Viện Nhân sự và Phát triển Chartered là một hiệp hội dành cho các chuyên gia quản lý nguồn nhân lực (CIPD) cũng cho thấy hai phần ba (67 %) nhân viên cho biết tổ chức của họ không cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho những người có kinh nguyệt như chính sách, hướng dẫn hoặc đào tạo cho người sử dụng lao động và quản lý. Một phần năm (21%) người trả lời khác không biết liệu có hỗ trợ hay không.
(49%) phụ nữ nghỉ làm vì kỳ kinh nguyệt cho biết họ sẽ không bao giờ nói với người quản lý của mình về lý do thực sự khiến họ vắng mặt.
Lý do phổ biến nhất mà người trả lời đưa ra là họ cảm thấy vấn đề sẽ bị coi nhẹ (45%), trong khi 43% cho biết họ cảm thấy "xấu hổ".
Tại Việt Nam, theo khảo sát khoảng 20 bạn trẻ từ 20-35 tuổi cho biết, họ chưa từng được áp dụng “Nghỉ kinh nguyệt” tại bất cứ doanh nghiệp nào. “Dù đã làm ở khoảng 4 công ty nhưng tôi chưa từng được nghỉ khoảng 30 phút trong ngày kinh nguyệt. Có những đợt, vào những ngày đó, việc nhiều gấp hai gấp ba ngày thường nhưng tôi cũng phải cố, dù rất đau bụng, khó chịu”, Mai Lan, một trưởng nhóm truyền thông tại một doanh nghiệp tại TP HCM chia sẻ. Theo một số nhân sự nữ này, những ngày kinh nguyệt, nếu không thể làm việc nổi, họ sẽ xin nghỉ và tính nghỉ phép năm.
Theo một khảo sát của tác giả bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, với một nhóm nhỏ người lao động nam và nữ làm việc tại các phòng ban khác nhau thuộc một số công ty tại Việt Nam. Chỉ có một người lao động được khảo sát khẳng định công ty của họ có thông báo các hướng dẫn về Nghỉ hành kinh, trong khi những người lao động còn lại thì chưa nghe công ty phổ biến gì về chính sách này.
Doanh nghiệp nên làm gì?
Vì những lý do khó quản lý, dễ qua mặt, giáo sư Jessica L. Barnack-Tavlaris cho rằng, chính sách nghỉ phép vì kinh nguyệt cần đi kèm với chương trình giáo dục trong doanh nghiệp. Nếu không, nó có thể vô tình củng cố quan niệm sai lầm rằng những người có kinh nguyệt không đủ năng lực hoặc không ổn định về mặt cảm xúc để làm việc hiệu quả.
Nếu một nhà quản lý muốn áp dụng chính sách nghỉ phép vì kinh nguyệt, bước đầu tiên nên làm là tham khảo ý kiến nhân viên để hiểu nhu cầu thực tế, theo lời khuyên của Sarah Saska, đồng sáng lập kiêm CEO của Feminuity. Công ty của bà cung cấp trợ cấp hàng năm để hỗ trợ chi phí liên quan đến kinh nguyệt như cốc nguyệt san, băng vệ sinh, liệu pháp điều trị hormone hoặc sản phẩm xử lý cơn bốc hỏa.
Bên cạnh việc thiết lập chính sách nghỉ phép, Saska nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung phân biệt đối xử về kinh nguyệt vào chính sách chống phân biệt đối xử của công ty. Quyền riêng tư cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Một số công ty tính ngày nghỉ kinh nguyệt như ngày nghỉ ốm để giúp nhân viên thoải mái hơn khi sử dụng quyền lợi này, đặc biệt là với những người đàn ông chuyển giới vẫn có kinh nguyệt.
heo bà Sarah Verbiest, phó giáo sư tại Đại học North Carolina kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, ngoài nghỉ phép, vẫn có nhiều cách khác để hỗ trợ nhân viên,công ty có thể cung cấp không gian nghỉ ngơi tại văn phòng hoặc các sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt miễn phí. Ngoài ra, công ty cũng có thể xây dựng tốt chế độ nghỉ ốm bao gồm nghỉ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần nhớ là trong lịch sử, kinh nguyệt từng bị lợi dụng để biện minh cho sự thấp kém của phụ nữ và loại trừ họ khỏi các cơ hội nghề nghiệp. Do đó, nếu không được thiết kế cẩn thận, chính sách nghỉ phép vì kinh nguyệt có thể vô tình tạo ra một dạng kỳ thị mới, làm ảnh hưởng đến mục tiêu công bằng tại nơi làm việc.
Pexels
Theo đề xuất của một luật sư đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, một số cách sau có thể phù hợp văn hóa Việt Nam, dễ áp dụng:
- Điều chỉnh thuật ngữ “Nghỉ hành kinh” thành một thuật ngữ mới trong chính sách nội bộ nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện quyền của họ một cách dễ dàng, thoải mái và tự tin. Ví dụ, “Nghỉ hành kinh” sẽ được gọi là “Nghỉ hạnh phúc cho nữ” (Happy breaks for women) hoặc “Nghỉ đặc biệt cho nữ” (Special leave for women).
- Ghi nhận Nghỉ hành kinh vào hệ thống và các mẫu đơn.
- Lao động nữ vào làm việc trễ hoặc đi về sớm 1,5 tiếng một lần trong một tháng như là “Nghỉ đặc biệt cho nữ”, thay vì nghỉ 30 phút mỗi ngày và kéo dài tổng cộng ba ngày làm việc. Giải pháp này mang đến nhiều thuận lợi và hiệu quả cho các bên trong quá trình thực hiện, quản lý và lưu trữ.
- Người sử dụng lao động có thể kết hợp áp dụng cho lao động nữ làm việc tại nhà máy, trả thêm tiền lương cho lao động nữ theo công việc mà họ đã làm trong thời gian Nghỉ hành kinh nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và đồng ý làm việc để đáp ứng kế hoạch sản xuất của người sử dụng lao động.
Thông qua bài viết, PITO cung cấp thêm thông tin về nghỉ kinh nguyệt cho người lao động và doanh nghiệp. Dù đã được ban hành từ lâu tại Việt Nam, chính sách này vẫn chưa được quá nhiều người biết đến và áp dụng. Nghỉ kinh nguyệt nên được phổ biến để tạo động lực cho nhân sự nữ, nâng cao hiệu suất làm việc và góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, công bằng.