Không chỉ gói gọn trong hoạt động thuần về cảm xúc hay tập luyện nhẹ nhàng như thiền, yoga… các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang dã như trekking đang trở thành lựa chọn để “chữa lành” của những người trẻ thích du lịch, đam mê vận động.
Nếu công ty bạn, phần đông là những bạn trẻ năng động hoặc bạn mong muốn tạo ra một ý tưởng mới lạ, ý nghĩa hơn cho hoạt động nội, bạn có thể tham khảo về trekking theo những gợi ý dưới đây của PITO nhé!
Trekking là gì?
Trekking là hình thức du lịch trải nghiệm, trong đó người tham gia sẽ đi bộ đường dài, khoảng 50 km - 2.000 km qua những cung đường rừng, núi với địa hình phức tạp, hoang sơ. Đây là cách để mọi người trực tiếp khám phá vẻ đẹp nguyên sơ nhất của thiên nhiên và rèn luyện sức khoẻ, từ đó nâng cao kỹ năng trong cuộc sống và công việc.
Điểm đặc biệt của trekking là việc đi bộ dài ngày ở môi trường có phần khắc nghiệt. Điều này đòi hỏi người tham gia phải vận động với cường độ cao và sẵn sàng đối diện với nhiều thử thách về sức bền. Tuy nhiên, nếu thích nghi tốt và chinh phục được những cung đường, trekking sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời và những cảm xúc khó quên cho người tham gia.
Ý nghĩa khi công ty tổ chức trekking
Dưới góc độ công ty, hoạt động trekking mang đến nhiều lợi ích cho nhân viên cả trong công việc và cuộc sống:
- Cải thiện sức khỏe thể chất lẫn sức khoẻ tinh thần: Việc luyện tập trước và trong khi tham gia trekking giúp nhân viên tăng sức bền, tăng khả năng đề kháng và khoẻ mạnh hơn. Khi tiếp xúc với thiên nhiên và hoà mình vào không gian rộng lớn, giúp các bạn giảm căng thẳng, áp lực và hạnh phúc hơn. Đặc biệt, cảm giác chinh phục thành công một cung đường với nhiều cố gắng và nỗ lực, luôn rất tuyệt vời.
- Rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và quản lý áp lực: Những chuyến trekking luôn mở ra những tình huống khó lường trước, về điều kiện thời tiết và khó khăn trên đường đi. Nếu được trang bị trước những kỹ năng cần thiết, khó khăn này có thể là “đòn bẩy” để người tham gia rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp cùng cộng sự giải quyết vấn đề và quản lý áp lực một cách tốt hơn.
- Tạo sự kết nối, chia sẻ và gắn kết: Vì phải đi bộ nhiều giờ, nhiều ngày ở nơi hoang dã, trekking đòi hỏi mọi người có sự quan tâm lẫn nhau và sẵn sàng phối hợp để cùng giải quyết các phát sinh trên đường. Điều này góp phần tạo ra một không gian để nhân viên tương tác, học hỏi, thấu hiểu lẫn nhau, cũng như tăng thêm sự đoàn kết trong công ty.
- Xây dựng văn hoá, giữ chân nhân viên: Các chuyến trekking cũng là một phúc lợi dành cho nhân viên, thể hiện sự quan tâm của công ty đến sức khoẻ thể chất, tinh thần và sự phát triển cá nhân của mỗi người. Mỗi chuyến trekking thành công là một lần công ty tạo thêm những dấu ấn khó quên trong lòng nhân viên và tăng thêm sự gắn kết trong văn hoá. Đồng thời, đây cũng là cách tạo nên môi trường làm việc lành mạnh, tích cực, gián tiếp thu hút và giữ chân nhân tài.
Các cân nhắc khi tổ chức trekking
Tuy nhiên, dù trekking mang lại nhiều lợi ích nhưng hoạt động này vẫn khiến các công ty nói chung, bộ phận Nhân sự hoặc người trực tiếp tổ chức nói riêng, e dè và có nhiều cân nhắc khi lựa chọn. Bởi:
- Trekking đòi hỏi sự chuẩn bị phức tạp, kỹ lưỡng: Mỗi bước từ lập kế hoạch, chọn địa điểm đến tổ chức hoạt động và trở về đều tốn nhiều thời gian và công sức của người thực hiện.
- Rủi ro về an toàn: Việc đảm bảo an toàn cho tất cả những người tham gia trong điều kiện núi rừng hiểm trở, di chuyển dài ngày và những phát sinh bất ngờ luôn là thách thức, khiến các đơn vị e dè khi chọn trekking.
- Khả năng tham gia và thích nghi của nhân viên: Không phải ai cũng thích hoặc phù hợp với hoạt động trekking. Có người sức khỏe kém, không thích vận động ngoài trời hoặc không chịu nổi môi trường khắc nghiệt. Điều này có thể tạo ra sự không hài lòng trong nhân viên ngay từ khi bạn bắt đầu nhắc về trekking.
- Yêu cầu thời gian và nguồn lực: Trekking thường kéo dài một thời gian dài và yêu cầu nguồn lực đáng kể, bao gồm nhân lực thực hiện và tiền bạc. Công ty cần xem xét về thời gian tổ chức trekking và cân nhắc về khoản chi phí có thể chi cho hoạt động này.
5 Bước tổ chức trekking cơ bản
Bước 1: Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho nhân viên
Trekking là một hình thức vận động với cường độ cao và kéo dài trong nhiều ngày. Vì vậy, trước khi thực hiện trekking, công ty nên tổ chức một buổi khám sức khỏe, để đảm bảo tất cả nhân viên tham gia đều đủ tiêu chuẩn để thực hiện hoạt động này, không ai có những vấn đề về sức khỏe như tim mạch, hô hấp, tiểu đường, huyết áp…
Đồng thời, bộ phận Nhân sự cần tổ chức những buổi hướng dẫn về các kỹ năng cần thiết khi trekking cũng như cách rèn luyện thể lực và các bài tập nâng cao sức bền. Những buổi này nên được sự hướng dẫn từ chuyên gia hoặc những người có kinh nghiệm về trekking.
Bước 2: Lên kế hoạch trekking
Một kế hoạch chi tiết và chuẩn chỉn có thể hạn chế tối đa các rủi ro khi tham gia trekking. Vì vậy, bộ phận tổ chức cần xây dựng kế hoạch tổ chức trekking nghiêm túc và đầy đủ. Một số yếu tố nên có trong kế hoạch trekking như:
- Thời gian và địa điểm: Để có một chuyến trekking phù hợp với khả năng, sở thích và mục tiêu chung của công ty, bạn cần tìm hiểu kỹ về địa điểm tổ chức như địa hình, khí hậu, độ khó, độ dài và các về yếu tố an ninh, an toàn. Trong lần tổ chức trekking đầu tiên, PITO khuyến khích bạn chọn những cung đường ngắn, dễ di chuyển để trải nghiệm và rút kinh nghiệm trước nhé!
Về thời gian, một chuyến trekking kéo dài ít nhất 3 ngày do vậy bạn cần lựa chọn khung thời gian phù hợp để không ảnh hưởng đến các hoạt động tại công ty. - Số lượng người tham gia: Tuỳ theo mục đích tổ chức, người tham gia có thể là một phòng, ban hoặc cả công ty (với công ty quy mô nhỏ). Tuy nhiên, để dễ sắp xếp, quản lý và đảm bảo an toàn, mỗi chuyến trekking của công ty nên có tối thiểu 4 người và tối đa 50 - 70 người.
- Phương tiện di chuyển: Để đến được địa điểm trekking, bộ phận tổ chức cần lên kế hoạch di chuyển từ thành phố. Trong chuyến đi lẫn về, bạn nên chọn các phương tiện di chuyển tiện lợi, an toàn để giúp nhân viên nghỉ ngơi, dưỡng sức như ô tô, máy bay thay vì xe gắn máy đến địa điểm trekking.
- Những vật cụ cần thiết: Vì hoạt động dài ngày ở môi trường hoang dã, mọi người sẽ cần mang theo những vật dụng cá nhân như quần áo, giày, lều, túi ngủ hoặc đồ ăn để đáp ứng được các nhu cầu cơ bản. Đồng thời, các vật cụ sinh tồn cũng cần được chuẩn bị như dao gấp gọn, dây thừng, bật lửa, đèn pin và các loại thuốc cần thiết để dự phòng trường hợp xấu nhất.
- Chi phí: Khoảng này phụ thuộc vào việc công ty tự tổ chức hay kết hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ trekking. Chi phí giữa hai lựa chọn có sự chênh lệch đáng kể. Bạn cần tham khảo và tính toán chi tiết dựa trên ngân sách đang có để đưa ra quyết định hợp lý nhé!
Bước 3: Thông tin kế hoạch đến nhân viên
Sau khi đã xây dựng kế hoạch trekking hoàn thiện, bộ phận tổ chức thông báo đến nhân viên thông qua các kênh giao tiếp nội bộ như email, tin nhắn, bảng tin… Nội dung thông báo cần nêu rõ các thông tin về mục đích tổ chức, địa điểm, thời gian, hoạt động và các yêu cầu đặc biệt (nếu có) của chuyến đi.
Bước này nên được thực hiện trước chuyến trekking ít nhất 1 tháng để nhân viên tiện sắp xếp và chuẩn bị. Đồng thời, bạn nên chia nhân viên thành các nhóm nhỏ để tiện quản lý và để mọi người dễ dàng chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình di chuyển.
Bước 4: Triển khai chuyến trekking
Sau khi đã xây dựng kế hoạch, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thể lực, chuyến trekking của công ty đã có thể bắt đầu. Bộ phận tổ chức nên chọn một khung thời gian và địa điểm cụ thể để tập trung nhân viên và cùng di chuyển đến nơi tổ chức trekking. Tránh trường hợp mọi người tự di chuyển, vừa bất tiện vừa mất thời gian chờ đợi.
Trong quá trình trekking, bộ phận tổ chức liên tục quan sát, theo dõi và nhắc nhở nhân viên bảo đảm các nguyên tắc an toàn chung như không đi một mình trong suốt chuyến đi, không vượt trước người dẫn đường hoặc đi sau người chốt đoàn, không uống quá nhiều nước hay ăn quá no, bảo vệ môi trường và tôn trọng thiên nhiên...
Khi trekking, các thành viên trong đoàn cần tôn trọng và hợp tác với nhau để giữ tinh thần tích cực và năng động. Đồng thời, bạn nên khuyến khích mọi người cùng tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ và ý nghĩa khi trải nghiệm thiên nhiên bằng chính đôi chân của mình.
Bước 5: Nhận phản hồi và đánh giá kết quả
Sau khi kết thúc chuyến đi, bộ phận tổ chức cần thu thập phản hồi và đánh giá hiệu quả của việc tổ chức trekking với các hoạt động như:
- Thu thập ý kiến phản hồi từ các nhân viên tham gia qua các phiếu khảo sát, tổ chức cuộc họp, trò chuyện trực tiếp… Người tổ chức cần nắm được những điểm làm tốt hoặc chưa tốt của chuyến đi để rút kinh nghiệm cho các hoạt động trekking hoặc team-building khác của công ty.
- Bên cạnh phản hồi từ nhân viên, bạn cũng cần tự tổng hợp kinh nghiệm và rút ra bài học từ chuyến trekking. Người tổ chức có thể xem xét lại các hoạt động đã diễn ra, so sánh thực tế với kế hoạch ban đầu, phân tích nguyên nhân của các vấn đề xảy ra rồi rút ra kết luận và khuyến nghị cho lần sau.
5 điều cần lưu ý khi tổ chức trekking
- Lập ra các nguyên tắc an toàn cho cả đoàn: Để bảo vệ đoàn trekking khỏi những rủi ro, điều đầu tiên bộ phận tổ chức cần làm là thiết lập một bộ nguyên tắc an toàn cho cả đoàn. Ban tổ chức có thể dựa vào các rủi ro thường gặp về thời tiết, sức khỏe, tai nạn… để đưa ra các nguyên tắc an toàn phù hợp. Chẳng hạn, lưu ý nhân viên không bao giờ đi một mình để luôn nhận được sự hỗ trợ từ đoàn khi gặp khó khăn hay chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục, thức ăn, thiết bị y tế…
- Chuẩn bị số điện thoại khẩn cấp: Khi đi trekking, có thể có những rủi ro vượt ngoài kiểm soát mà bộ phận tổ chức cũng như các thành viên trong đoàn đều không thể xử lý. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị những số điện thoại khẩn cấp về y tế, công an, cứu hộ cứu nạn gần địa điểm trekking, để gọi ngay khi gặp tình huống ngoài khả năng. Ngoài ra, ban tổ chức nên chuẩn bị thông tin liên lạc của một người bạn là dân địa phương gọi hỗ trợ trong những tình huống khác.
Mặt khác, với việc giao tiếp trong đoàn có số lượng người tham gia đông và những khu vực sóng yếu, điện thoại có thể không dùng được nên ban tổ chức có thể chuẩn bị bộ đàm để cùng liên lạc. - Chuẩn bị sẵn thuốc, vật dụng y tế cần thiết: Khi vận động trong thời gian dài, các nhân viên có thể bị mệt mỏi, say nắng, ngộ độc thực phẩm, chấn thương… Vì vậy, người tổ chức cần kiểm tra sức khỏe của nhân viên từ trước và mang theo thuốc, các dụng cụ y tế như thuốc giảm đau, thuốc tiêu hóa, băng gạc cầm máu…
- Tìm hiểu kỹ về phong tục tập quán của người dân địa phương: Tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau cũng là một trong những điều thú vị của trekking. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, đoàn trekking của công ty có thể gặp rắc rối do vi phạm các phong tục tập quán của dân tộc bản địa. Vì vậy, bạn cần phải tìm hiểu kỹ về phong tục tập quán của người dân và thông tin cụ thể đến nhân viên về những điều cần tránh khi trekking. Đồng thời, việc tìm hiểu kỹ về văn hóa bản địa cũng sẽ giúp đoàn trekking dễ tiếp cận và giao lưu với người dân hơn.
- Xem trước dự báo thời tiết: Mưa lũ đột xuất, bão, nắng nóng… có thể là những yếu tố gây khó khăn cho chuyến trekking của công ty. Vì vậy, ban tổ chức cần theo dõi dự báo thời tiết trong khi lên kế hoạch và trước khi khởi hành để lập chương trình phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể dặn các nhân viên mang theo dụng cụ phù hợp như áo mưa, ô, mũ, kem chống nắng… nếu biết trước các vấn đề về thời tiết sẽ xảy ra.
Tóm lại, khi hoạt động dài ngày ở nơi hoang dã, những rủi ro và vấn đề về sức khỏe, thời tiết là không thể tránh khỏi. Ban tổ chức cần giữ một tinh thần bình tĩnh khi xử lý vấn đề với tinh thần đảm bảo an toàn cho nhân viên là trên hết.
5 địa điểm trekking lý tưởng công ty
Việt Nam là một đất nước có nhiều cảnh đẹp và địa điểm trekking hấp dẫn. Dưới đây là 5 địa điểm trekking nổi tiếng bạn có thể tham khảo và lựa chọn cho chuyến trekking sắp tới của công ty nhé!
- Fansipan: Nhắc đến những ngọn núi để đi trekking, không thể không nhắc đến Fansipan - “nóc nhà của Đông Dương”. Dù có độ cao 3.143 m, Fansipan vẫn không phải là cung đường quá khó đối với những người đang thử sức cùng trekking. Nhờ được khai thác cho du lịch từ sớm, Fansipan có đầy đủ các dịch vụ để hỗ trợ các “trekker” tập sự. Đồng thời, đỉnh núi còn có cáp treo để giúp người tham gia xuống núi một cách dễ dàng và an toàn khi có nhu cầu.
- Đỉnh Pha Luông: Đỉnh Pha Luông có độ cao 1. 865 m và được mệnh danh là “cổng trời của Mộc Châu”. Pha Luông nằm tiếp giáp với biên giới Việt Lào và ở gần nhiều địa điểm tham quan thú vị khác như đồi chè Mộc Châu, rừng mận Nà Ka, đèo Đá Trắng… Với thảm thực vật phong phú, nhiều hoa đào, chuyến trekking ở Pha Luông sẽ giúp nhân viên vừa trải nghiệm cảnh đẹp vừa rèn luyện sức khỏe.
- Lảo Thẩn: ngọn núi này được mệnh danh là “thiên đường của những đám mây” với độ cao gần 3.000 m. Ở Lảo Thẩn, các “trekker” sẽ được ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín, rừng thông xanh mát, bản làng và những ngôi chùa linh thiêng. Địa hình của Lảo Thẩn tương đối đơn giản và chủ yếu là đồi cỏ thấp, ít phải leo trèo. Vì vậy, đây là một điểm trekking lý tưởng dành cho người mới bắt đầu.
- Tà Năng - Phan Dũng: Với độ cao 1.100 m, đỉnh Tà Năng - Phan Dũng không phải là một thử thách gian nan đối với nhân viên của công ty. Trekking ở Tà Năng - Phan Dũng, mọi người sẽ dịp chiêm ngưỡng những đồi cỏ xanh mướt, những cánh đồng hoa rực rỡ và những dòng suối trong lành. Ngoài ra, nhờ có người dân địa phương sinh sống, các “trekker” cũng sẽ có dịp giao lưu gặp gỡ và tìm hiểu về một nền văn hóa, phong tục khác.
- Hàm Lợn: Núi Hàm Lợn, được mệnh danh là “nóc nhà của thủ đô”, có độ cao 462 m và thuộc địa phận của Thủ đô Hà Nội. Với độ dài 10 km, chuyến trekking của công ty sẽ không tốn quá nhiều thời gian và sức lực của nhân viên. Dù vậy, đây cũng là dịp để mọi người tận hưởng nhiên khi khi Hàm Lợn nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp hoang dã, hùng vĩ và ít người biết đến. Tại đây, đoàn trekking còn có thể chèo thuyền kayak trên hồ và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương.
Trên đây là những thông tin PITO đã tìm hiểu, tổng hợp để gửi đến các bạn Nhân sự, Admin, People Opreation... Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn tự tin hơn và sẵn sàng bắt tay lên kế hoạch tổ chức trekking cho công ty nhé!