Cúng khai trương đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hóa mang yếu tố tâm linh của các công ty, doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động kinh doanh, mua bán trong dịp tết đến xuân về. Lễ cúng này được xem là nơi gửi gắm mong muốn năm mới làm ăn phát đạt, thuận buồm xuôi gió của người chủ. Vậy làm thế nào để thực hiện nghi thức này một cách “bài bản”? Hãy để PITO gợi ý cho bạn các bước khai trương đầu năm chuẩn nhất sau đây!
Ý nghĩa khi cúng khai trương đầu năm
Người xưa có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nghĩa là việc tính toán đường đi nước bước trong công việc là của con người, nhưng thành hay bại còn do ông trời sắp đặt. Chính vì vậy mà nghi lễ thờ cúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi hoạt động của cuộc sống. Trong kinh doanh, sản xuất, cúng khai trương đầu năm là nghi thức quan trọng nhất để thông báo, trình diện với các vị thổ thần cư ngụ tại vùng đất đó, cầu cho con đường làm ăn hanh thông, phát đạt.
Với quan niệm “Đầu xuôi đuôi lọt” của người phương Đông, lễ cúng khai trương đầu năm mới sẽ là cột mốc quan trọng, ảnh hưởng đến công việc làm ăn suốt 12 tháng sắp tới.
Các bước cúng khai trương đầu năm
Bước 1: Chọn ngày và giờ
3 yếu tố được người xưa xem là chìa khóa dẫn đến thành công trong mọi việc là: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong đó, thời điểm luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Nhiều người tin rằng khai trương vào thời điểm thích hợp, đặc biệt là phù hợp với bản mệnh, sẽ mang đến tài lộc cho chủ kinh doanh, tránh những điều không may mắn trên con đường làm ăn.
Để chọn được giờ lành, tháng tốt mở cửa công ty, ngoài yếu tố ngày tháng năm sinh của chủ doanh nghiệp, còn phải dựa trên Tứ trụ, Kinh dịch, âm dương ngũ hành, Sao chiếu mệnh. Thông thường, mọi người phải nhờ đến sự giúp đỡ của các thầy bói toán hoặc những ai am hiểu về lĩnh vực phong thủy để chọn thời điểm thích hợp. Không có ngày tốt dành cho tất cả các đối tượng. Ví dụ, mùng 6 Tết có thể là ngày lành với người này nhưng lại là ngày xấu với người khác.
Như đã đề cập ở trên, tuổi mệnh của mỗi người là yếu tố cốt lõi để chọn ngày khai trương đầu năm. Tuy nhiên, trong tháng Giêng năm 2024, có một số ngày khai trương đẹp như:
- Mùng 6 Tết (15/02/2024 DL)
- Mùng 8 Tết (17/02/2024 DL)
- Mùng 9 Tết (18/02/2024 DL)
Bên cạnh việc lựa chọn ngày tốt, dân gian còn liệt kê ra những ngày đại kỵ, không tốt cho công việc làm ăn. Xưa đến nay, mọi người thường lưu truyền câu nói: “Chớ đi mùng 7, chớ về mùng 3”. Bởi lẽ đây là ngày “Tam nương sát”, gắn với ba người phụ nữ: Muội Hỉ, Đát Kỷ và Bao Tự. Họ được xem là “hồng nhan họa thủy”, mang lại điềm xui xẻo cho những người liên quan. Không chỉ riêng mùng 3 và mùng 7, ngày Tam Nương còn rơi vào những ngày 13, 18, 22, 27 âm lịch hằng tháng. Dân gian thường khuyên nên tránh làm việc đại sự, đặc biệt là khai trương trong thời điểm này vì mọi sự đều khởi đầu vất vả nhưng không thành công.
Bước 2: Chuẩn bị mâm cúng khai trương đầu năm
Một phần không thể thiếu trong lễ cúng khai trương là mâm cúng. Bởi đó là nơi chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp, người kinh doanh gửi gắm lời cầu nguyện và thể hiện tấm lòng thành dâng lên đất trời, thần linh. Mâm cúng không cần cầu kỳ nhưng vẫn phải đầy đủ các lễ vật và được chuẩn bị chỉn chu từ sớm. Tùy theo quy mô và khả năng tài chính của doanh nghiệp mà mâm cúng có thể có nhiều hay ít lễ vật nhưng nhất thiết phải có những món đồ cúng cơ bản sau đây:
- 1 đĩa gạo và muối
- 1 mâm ngũ quả (là 5 loại quả có ý nghĩa may mắn, trong đó phải có 1 trái dừa)
- 1 bó hoa tươi (có thể là hoa cúc, hoa cát tường, hoa đồng tiền)1 bó nhang quế
- 1 chai rượu nếp mới
- 1 chai nước suối
- 1 đĩa trầu cau
- 1 đĩa bánh kẹo
- 1 bộ tam sên (gồm: thịt heo luộc, tôm/cua luộc, trứng gà/trứng vịt luộc)
- 1 bộ lễ vàng mã (giấy cúng) khai trương
- 2 ly đèn cầy
- 6 chén chè (nên là chè đậu trắng, tránh dùng chè đậu đen)
- 6 đĩa xôi gấc
- 6 chén cháo trắng
- Gà luộc/heo quay/đầu heo quay
Dù lễ vật nhiều hay ít, bạn cũng nên cẩn thận, tỉ mỉ lựa chọn đồ cúng. Lưu ý, hoa phải tươi, trái cây không bị dập nát, đồ ăn vẫn còn mới không được ôi thiu, và vật dụng như chén, bát, đũa, muỗng đều đã được rửa sạch và để khô ráo.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bạn có thể sắp xếp chúng trên một chiếc bàn to theo hướng dẫn sau đây:
- Đầu bàn lễ, sắp xếp theo nguyên tắc: “Đông bình - Tây quả”, nghĩa là bên phải đặt bình hoa, bên trái bày mâm ngũ quả.
- Ở giữa đặt lư hương, hai bên là hai cây đèn cầy cùng bộ lễ vàng mã.
- Trà - rượu - nước xếp thành hàng và đặt ngay sau bát hương
- Xôi, chè cùng chén, đũa sẽ được xếp thành 2 hàng, đặt ở hai bên của bàn.
- Trung tâm bàn cúng là gà luộc, heo quay, mâm ngũ quả, bánh kẹo.
Bàn lễ nên được bày trí gọn gàng, cân xứng và đẹp mắt để thể hiện sự thành kính đối với các vị thần linh. Trước khi bắt tay vào việc chuẩn bị lễ vật, bạn có thể lựa chọn hướng tốt để đặt bàn mâm cúng phù hợp với bản mệnh của chủ doanh nghiệp. Cách đơn giản nhất là đặt bàn cúng hướng ra ngoài hoặc lựa chọn hướng cúng dựa trên cung mệnh như sau:
- Lấy tổng các con số có trong ngày sinh và chia cho 9
- Nếu số đó chia hết cho 9 thì lấy 9 làm số cung mệnh, trường hợp ngược lại, bạn lấy xác định cung mệnh dựa trên số dư như sau:
- (tới cái bảng á chị)
- Ví dụ:
Năm sinh của bạn là 1990, vậy tổng là 19. Lấy 19:9 sẽ dư 1. Nếu bạn là nam thì cung mệnh là Khảm và nữ thì cung mệnh là Cấn.
Năm sinh của bạn là 1980, vậy tổng là 18. Mà 18 chia hết cho 9 nên lấy số 9 để xác định cung mệnh. Nếu bạn là nam thì cung mệnh là Khôn và nữ thì cung mệnh là Tốn.
- Sau khi xác định cung mệnh, bạn dựa trên bảng sau để xác định hướng tốt để bày mâm cúng. (Lưu ý: màu đỏ là hướng xấu và màu xanh là hướng tốt)
Bước 3: Chọn người mở hàng
(nếu doanh nghiệp hoặc công ty của bạn không nằm trong lĩnh vực mua bán thì bỏ qua bước này)
Đầu năm là khởi điểm quan trọng nhất trong 12 tháng. Vào dịp Tết, kẻ sĩ có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai canh và người làm nghề buôn bán có ngày mở hàng. Với tâm lý “Đầu xuôi đuôi lọt”, bất kỳ người làm chủ nào cũng mong muốn cuộc mua bán đầu tiên trong năm sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi để mở đầu cho chuỗi làm ăn thuận buồm xuôi gió. Chính vì thế người ta thường chọn sẵn người mở hàng trong ngày đầu năm để đảm bảo mọi việc đều diễn ra theo ý mình.
Thông thường, người được “chọn mặt gửi vàng” phải là người hợp tuổi với chủ cửa hàng, công ty hay doanh nghiệp. Theo đó, tuổi của hai người phải nằm trong bộ Tam hợp hoặc Lục hợp.
Cách cúng khai trương đầu năm
Bước 1: Bày các vật cúng lên bàn thờ hoặc một chiếc bàn sạch và đặt ở vị trí trang trọng.
Bước 2: Đến giờ tốt, châm đèn cầy và 3 cây nhang, khấn 3 vái, cắm hương và bắt đầu đọc văn khấn. Lưu ý đọc to, rõ, nghiêm túc và tịnh tâm.
Bước 3: Sau khi hết tuần nhang (hết cây nhang), hoặc có nơi quan niệm là 2/3 nén nhang thì vái tạ thần linh 3 cái, rồi lấy đồ mã đi hóa vàng, cuối cùng rải gạo và muối ra đường
Bước 4 (nếu doanh nghiệp không trong lĩnh vực buôn bán thì bỏ qua bước này): Nếu có người mở hàng thì tiến hành bán hàng cho người đó
7 lưu ý để ngày khai trương đầu năm diễn ra thuận lợi
Cúng khai trương đầu năm là ngày lễ quan trọng và có quy mô lớn. Để mọi việc diễn ra suôn sẻ, tránh xảy ra sơ sót hay phạm phải điều kiêng kỵ, bạn hãy ghi nhớ thật kỹ những điều sau đây nhé!
1. Lập danh sách các đồ vật cần mua trước ngày khai trương
Như PITO đã đề cập ở các phần trên, các đồ vật cần chuẩn bị cho ngày lễ này khá nhiều nên bạn có thể ghi ra giấy những món đồ cần thiết. Chúng nên được chuẩn bị sớm trước khi bạn tận hưởng kỳ nghỉ Tết bởi lẽ đầu năm sẽ có một số cửa hàng chưa kịp mở lại, gây khó cho bạn khi sắm lễ vật.
2. Ăn mặc chỉnh tề, tác phong nghiêm túc khi làm lễ
Một điểm quan trọng trong quá trình làm lễ là trang phục. Cúng bái là hoạt động linh thiêng nên trang phục nên là những bộ quần áo sạch sẽ, kín đáo, không hở hang hay ôm sát vào cơ thể. Bên cạnh đó, tác phong của người cúng bái nên nghiêm túc, không nói chuyện riêng hay phân tâm. Điều đó thể hiện lòng thành của người cúng.
3. Nên viết (hoặc in) văn khấn ra giấy
Văn khấn nên được viết hoặc in ra giấy để thuận tiện trong quá trình khấn vái. Bạn nên tránh việc dùng điện thoại để xem văn khấn vì những tin nhắn, thông báo sẽ gây phân tâm, dễ dẫn đến việc đọc sai văn khấn. Sau khi khấn vái, tờ giấy văn khấn nên được đốt cùng bộ lễ vàng mã.
4. Không quét rác
Theo quan niệm của người xưa, quét dọn vào ngày đầu năm mới đồng nghĩa với việc quét đi những tài lộc của gia chủ, xua đuổi thần Tài, khiến công việc làm ăn khó khăn, bất trắc. Thế nên, trong ngày khai trương, mọi người thường vun rác vào một góc và đợi hết ngày mới đem đổ.
5. Không lật sấp hoặc lấy bàn tính ra nghịch
Trong quan niệm của người kinh doanh, bàn tính (máy tính cầm tay) được xem là vật tượng trưng cho tiền tài, lộc lá của công ty. Việc lấy bàn tính ra nghịch hoặc lật úp thể hiện sự bất kính đối với Thần Tài.
6. Kiêng làm vỡ đồ
Những từ “vỡ”, “bể”, “đổ” tượng trưng cho sự chia cắt, hư hỏng. Nhiều người tin rằng làm vỡ đồ trong những ngày quan trọng là điềm báo của những mối quan hệ xung quanh bị rạn nứt, công việc làm ăn thất bại, tan nát.
7. Khi làm lễ không nên quay lưng ra đường
Người xưa quan niệm rằng, lễ khai trương là cách người chủ công ty, doanh nghiệp mời Thần Tài từ bên ngoài bước vào trong cơ sở kinh doanh. Thế nên, việc quay lưng ra đường lúc làm lễ đồng nghĩa với việc quay lưng với tiền tài, lộc lá.
8. Không quên chuẩn bị bàn tiệc mời khách
Trong ngày quay trở lại làm việc đầu năm mới, bên cạnh lễ cúng khai trương, các công ty, doanh nghiệp có thể chuẩn bị bữa tiệc Tân niên ấm cúng cho các khách mời, đối tác và nhân viên, tạo không gian kết nối trong ngày đầu năm. Một bàn tiệc Buffet đa dạng với những món ăn hấp dẫn hay tiệc Finger Food chỉn chu, nhanh gọn nhưng vẫn tiết kiệm chi phí đều là sự lựa chọn đáng được cân nhắc trong ngày đặc biệt này.
PITO hy vọng rằng với những hướng dẫn chi tiết ở trên có thể giúp bạn tổ chức một lễ khai trương đầu năm một cách thuận lợi. Nếu việc chuẩn bị khiến bạn gặp khó khăn thì cũng không nên quá lo, vì PITO sẽ luôn đồng hành, giải quyết mọi khó khăn cho bạn!
Nội dung rất hay, đúng thứ mà mình cần tìm.