Các bệnh thường gặp của dân văn phòng

Các bệnh thường gặp và cách phòng ngừa cho dân văn phòng

Uyên Trinh
phút
23/05/2024
Uyên Trinh
phút
23/05/2024

Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu vào mùa mưa với những cơn mưa sáng sớm và chiều muộn. Sau chuỗi ngày nắng nóng, những cơn mưa giải nhiệt khiến không khí mát mẻ, đỡ nóng bức và dễ chịu hơn.

Bệnh nhức đầu của dân văn phòng

Ảnh: Freepik

Tuy nhiên, thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa, chênh lệch nhiệt độ khiến cơ thể chưa kịp thích nghi. Đồng thời, không khí ẩm ướt cũng là thời điểm cho virus, vi khuẩn phát triển, dễ tấn công cơ thể gây bệnh.

Sau đây là những bệnh thường gặp của dân văn phòng vào mùa mưa:

1. Cảm cúm

Cảm cúm là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm A,B gây ra, có thể lây truyền qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây cảm cúm vào mùa mưa là do thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, độ ẩm không khí thấp đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp khiến cho virus cúm tấn công. Triệu chứng bệnh: sốt đột ngột, ho khan, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và chảy nước mũi. 

Cảm cúm là bệnh rất phổ biến và dễ mắc phải trong mùa này, đặc biệt bệnh rất dễ lây lan diện rộng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, có khoảng 9-45 triệu trường hợp mắc cúm với gần 61.000 trường hợp tử vong đến từ các biến chứng viêm phổi do cúm.

Nắng nóng trước đây kéo dài khiến cơ thể suy kiệt, mệt mỏi, phải tỏa nhiệt liên tục. Khi gặp mưa, các mạch máu chưa kịp co dễ dẫn đến mất nhiệt, nhiễm lạnh, thể lực suy giảm nhanh. 

Hệ thống miễn dịch làm việc hiệu quả hơn khi ở nhiệt độ ấm hơn. Do đó khi chúng ta ở môi trường có nhiệt độ lạnh thì khả năng miễn dịch của cơ thể yếu hơn, virus cúm cũng như các virus khác dễ dàng tấn công. 

Điều này cũng giải thích lý do vì sao, dân văn phòng đi làm về mắc một cơn mưa, vài hôm sau sẽ cảm cúm

Nếu lỡ mắc một trận mưa giờ tan tầm, đây là những điều bạn cần làm để phòng ngừa cảm cúm: 

  • Làm khô người nhanh chóng: thay quần áo khô ráo, làm khô người bằng khăn ở phần đầu tóc, mặt và nửa thân trên trước - vì khu vực này bị lạnh sẽ dễ mắc bệnh hơn. 

  • Không tắm ngay: Tuyệt đối không được đi tắm ngay sau khi đi mưa về. Lúc này, cơ thể đang bị lạnh và rất yếu nên nếu bạn đi tắm thì khả năng cao sẽ dễ cảm cúm.

  • Làm ấm cơ thể với ly nước nóng, ly trà nóng, tách trà gừng hoặc ngâm chân trong nước ấm. 

  • Không ăn hoặc uống đồ lạnh ngay khi đi mưa về. 

Ngoài ra, để phòng ngừa cảm cúm mùa mưa, dân văn phòng nên uống nhiều nước; bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể; tập thể dục khoảng 30 phút/ngày; sinh hoạt ngủ nghỉ điều độ... 

Đặc biệt, những ngày này, bạn đừng quên mang theo một chiếc áo đi mưa để có thể “đối phó” với cơn mưa bất cứ khi nào.

2. Viêm mũi họng, viêm xoang tái phát

Thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp; đồng thời khiến vi khuẩn, virus phát triển, dễ xâm nhập vùng mũi họng nếu không có phương pháp bảo vệ, phòng ngừa phù hợp. Đây là thời điểm bạn dễ bị viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang tái phát.

Mưa nhiều có thể ảnh hưởng đến các cơn đau, nhức ở xoang và làm cho các triệu chứng viêm xoang tồi tệ hơn bình thường; tình trạng viêm xoang trở nặng hơn. Những thay đổi về áp suất không khí và phấn hoa sau mưa cũng có thể ảnh hưởng đến chứng đau do viêm xoang.

Bệnh viêm mũi họng của dân văn phòng

Ảnh: Freepik

Viêm họng, viêm mũi dị ứng hay viêm xoang tái phát khiến dân văn phòng mệt mỏi, không duy trì hiệu suất làm việc, không thể tập trung công việc, hiệu quả giảm sút. 

Chính vì vậy, để phòng ngừa viêm họng, viêm mũi dị ứng hay viêm xoang tái phát, dân văn phòng cần súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày, vệ sinh mũi họng thường xuyên; giữ ấm cơ thể, đặc biệt khu vực mũi họng; không tiếp xúc với người có biểu hiện cúm, viêm đường hô hấp, người đang hút thuốc lá. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ quá lạnh như kem, đá; tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất béo, chất đạm và rau, củ, quả; bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích như khói thuốc, bụi, hóa chất và các chất kích thích khác.

3. Bệnh ngoài da

Đây là một trong những bệnh thường gặp vào mùa mưa, nhất là khi đường phố thường xuyên bị ngập. Vì da phải tiếp xúc với nguồn nước có chứa một số hóa chất, khí độc, vi sinh… nên dễ mắc các bệnh như: nấm da, viêm nang lông, viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng da, ghẻ.

Nguồn nước ô nhiễm gây bệnh ngoài da

Bị ngập nước khiến da tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: Shutterstock

Biểu hiện của nấm da là mụn nước tróc vảy, lan rộng dần, ngứa ít hoặc không ngứa. Biểu hiện viêm da tiếp xúc là tình trạng da viêm đỏ, có thể xuất hiện các mụn nước, ngứa nhiều. 

Vì vậy, để phòng tránh bệnh, dân văn phòng khi đi làm về, nếu trời mưa, nên tránh các tuyến đường ngập hoặc đợi tạnh mưa, hết ngập. Hoặc trong trường hợp phải đi ngoài trời mưa, tiếp xúc với nước bị ngập, cần chuẩn bị quần áo mưa để bảo vệ cơ thể. Khi về nhà, cần vệ sinh sạch sẽ ngay, lau khô da để hạn chế da bị kích ứng khi tiếp xúc với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

4. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, khi giao mùa, đặc biệt vào mùa mưa, là thời điểm dịch bệnh nguy hiểm này gia tăng. Đây là bệnh truyền nhiễm, có thể gây ra dịch bởi virus Dengue. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết: nóng sốt, người mệt lả, đau đầu, đau sau mắt, đau cơ (thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị (vùng trên và dưới xương ức), ban xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc gây ra vết bầm tím. 

Để phòng bệnh này mùa mưa, mọi người cần giữ vệ sinh sạch sẽ và thoáng đãng trong nơi ở, môi trường sống và sinh hoạt. Bình đựng hoa ở văn phòng hoặc ở nhà cần được thay nước thường xuyên. Không vứt rác bừa bãi; dùng rèm, màn che chống muỗi; thoa thuốc chống muỗi…

5. Bệnh tiêu hóa

Nguyên nhân bệnh tiêu hóa mùa mưa là do thời tiết ẩm ướt, vi khuẩn có điều kiện phát triển, xâm nhập vào cơ thể gây mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột. Triệu chứng của bệnh: tiêu chảy, nôn ói, sốt. 

Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh xa nguồn bệnh. Thực phẩm sau khi để trong tủ lạnh cần đun sôi, hâm nóng trở lại khi ăn. Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh kết hợp tập thể dục hằng ngày, đời sống tinh thần thoải mái.

6. Đau nhức xương khớp:

Bệnh về khớp khiến những cơn đau nhức, khô cứng khớp nhạy cảm hơn với thời tiết, đặc biệt là thời tiết giao mùa, những ngày mưa. Độ tuổi thường mắc các bệnh về khớp thường ở tuổi trung niên. Tuy nhiên những năm gần đây, bệnh xương khớp có xu hướng trẻ hóa, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao như: béo phì, làm việc văn phòng. Thực tế, vẫn có một số bạn trẻ 25-35 tuổi, làm văn phòng, khi thời tiết thay đổi cảm thấy đau nhức xương khớp, khó khăn trong các hoạt động. 

Bệnh đau nhức xương khớp

Ảnh: Freepik

Lời khuyên cho dân văn phòng nếu đau nhức xương khớp khi trời mưa, nên giữ ấm cơ thể, tăng nhiệt độ điều hòa ở phòng làm việc, cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục, vận động cơ thể với những bài tập phù hợp cho người đau khớp.

Tips bảo vệ sức khỏe cho dân văn phòng, phòng ngừa bệnh

  • Tăng cường sức đề kháng: Ăn đa dạng các loại thực phẩm và tăng cường các loại thức ăn giúp nâng cao hệ miễn dịch như: thực phẩm giàu protein (chất đạm), giàu vitamin, khoáng chất, omega 3 có trong cá… Ăn nhiều rau củ quả và các loại hạt, hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn. Uống đủ 2 lít nước/ngày. Ngoài ra có thể thêm các loại nước ép bổ sung vitamin C như nước cam, nước ổi…
  • Rèn luyện thể dục, thể thao: Tập thể dục tầm 30-45 phút/ngày (yoga, chạy bộ, nhảy dây, tập gym…) giúp tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Khi cơ thể bị virus xâm nhập, một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ tấn công nhanh hơn và tiêu diệt các loại virus gây hại.
  • Vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ: Vệ sinh, sát khuẩn vùng họng, răng miệng bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ và hạn chế sự sinh sôi, phát triển của các vi khuẩn có hại. Luôn rửa tay trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm… Nên che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Ngoài ra, cũng cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng.
  • Hạn chế trò chuyện với người bệnh: hạn chế tiếp xúc, trò chuyện với người mắc bệnh cúm và các bệnh đường hô hấp để hạn chế lây lan. 
  • Giữ ấm cơ thể: Giữ ấm cơ thể giúp thân nhiệt luôn được ổn định, để không bị nhiễm lạnh hoặc dễ bị vi khuẩn, virus gây bệnh tấn công.
  • Lối sống khoa học, lành mạnh: Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, điều độ, không nên thức quá khuya; cần ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng. 
  • Hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá: Chất cồn làm cơ thể bị mất nước và là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, không lạm dụng chất kích thích (cafe, thuốc lá).

PITO hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho dân văn phòng biết được các bệnh nào dễ mắc vào mùa mưa để có cách phòng tránh phù hợp. Chúc tất cả chúng ta luôn có nhiều sức khỏe.

Uyên Trinh

Tình thân và sự gắn kết con người nơi công sở là chủ đề luôn thu hút Uyên Trinh. Hơn kinh nghiệm 10 năm trên hành trình viết (viết báo, blog, PR, chấp bút sách...) và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp, Uyên Trinh hy vọng những bài viết của mình sẽ mang đến cho độc giả góc nhìn mới với nhiều thông tin bổ ích.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>