Tinh thần thể thao (sport spirit) không chỉ gói gọn trong những trận cầu đỉnh cao hay những đường đua gay cấn, mà len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống, trong đó bao gồm cả môi trường công sở.
Hòa nhịp cùng không khí thể thao đó, PITO mang đến cho bạn đọc 6 ý tưởng lồng ghép tinh thần thể thao để các hoạt động nội bộ “bắt trend” và hấp dẫn hơn. Những câu chuyện, những ví dụ về văn hoá “sport spirit” (tinh thần thể thao) tại các “ông lớn” như Netflix, Adidas… cũng sẽ truyền cảm hứng, giúp bạn có thêm góc nhìn mới để bổ sung vào văn hoá công ty.
Văn hoá “Sport spirit”
"We're a sport team, not family"
Đây là thông điệp được Reed Hastings - Co-Founder & Chủ tịch điều hành của Netflix lặp đi lặp lại và trở thành một phần quan trọng trong văn hoá của công ty này. Theo Hastings, khác với một gia đình, luôn hướng đến tình yêu thương vô điều kiện, đội thể thao chuyên nghiệp luôn có những nhiệm vụ và sứ mệnh cụ thể khi tập luyện và ra sân, hướng đến mục đích cuối cùng là giành chức vô địch. Các thành viên trong đội đều phải cùng nhau hoàn thành sứ mệnh và tự ý thức thúc đẩy bản thân trở thành một vận động viên, một người đồng đội xuất sắc nhất.
Bởi tất cả thành viên, dù ở vị trí nào đều có thể thay đổi theo thời gian, do họ tự nguyện chuyển sang một đội khác (tốt hơn) hoặc do ban quản lý quyết định trao đổi hoặc luân chuyển. Do đó, chính họ và người quản lý trực tiếp phải đảm bảo rằng, mọi vận động viên đều xuất sắc và tử tế nhất ở vị trí đang chơi, phối hợp nhịp nhàng với những vị trí khác và sẵn sàng hòa nhập, phát triển tốt hơn ở những đội chơi và những môi trường thi đấu khác.
"Employees just like athletes"
Với Adidas Group, công ty là “where we play and perform” (nơi chúng ta chơi và thể hiện) và nhân viên “just like athletes” (giống như vận động viên). Cả trong môi trường làm việc, cơ sở vật chất và văn hoá, Adidas thể hiện rõ tinh thần thể thao, vừa khuyến khích nhân viên vận động thể chất, vừa tạo điều kiện để nâng cao tinh thần. Đúng với tinh thần của một thương hiệu giày thể thao nổi tiếng.
Hầu hết văn phòng của Adidas tại 160 quốc gia đều có đủ:
- Cơ sở vật chất dành cho đa dạng các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, tennis, leo núi..
- Trung tâm thể hình với trang thiết bị hiện đại cùng huấn luyện viên (PT) chuyên nghiệp.
- Thường xuyên mở các lớp học về sức khỏe và thể thao như yoga, các bài tập giãn cơ, giữ thăng bằng hay cách chơi bóng rổ…
- Luôn có chương trình khuyến mãi dành cho nhân viên khi mua sản phẩm của công ty như trang phục, giày, dụng cụ thể thao… để khuyến khích tập luyện.
- …
Đáng chú ý, khi ví nhân viên như những vận động viên, Adidas cũng đề cao về quá trình phục hồi sau mỗi trận đấu - dự án hoặc một ngày làm việc - “recovery is an inherent part”. Từ đó tạo thêm phúc lợi để nhân viên “chữa lành” theo nhiều cấp độ, chẳng hạn có các không gian dành riêng cho việc thiền định, cầu nguyện (với nhân viên có tôn giáo) hoặc chính sách hybrid working - làm việc kết hợp - với 40% thời gian có thể làm việc ngoài văn phòng.
The pro sport club
Là công ty công nghệ chuyên về dịch vụ catering - đặt dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, PITO hướng đến văn hoá “the pro sport club”, trên tinh thần “professional sport club for work, family for life”.
Bên cạnh việc xem mỗi nhân viên như một vận động viên có khả năng “ra trận” độc lập, phát huy thế mạnh ở mọi hoàn cảnh và luôn tin tưởng, sẵn sàng chơi hết mình vì mục đích, lý tưởng chung của công ty, tinh thần thể thao tại PITO còn thể hiện bởi những giá trị khác như:
- Alliance: mối quan hệ công việc được thiết lập như một liên minh, sao cho đôi bên cùng có lợi, dựa trên những thỏa thuận, điều khoản rõ ràng từ những cá nhân độc lập.
- Tour of duty: trong ngữ cảnh này “tour of duty” được hiểu như một cam kết đạo đức của người sử dụng lao động và nhân viên đối với một nhiệm vụ cụ thể, kỳ vọng sẽ kéo dài trong khoảng thời gian hữu hạn. Trọng tâm của “tour of duty” là cam kết về đạo đức, chứ không phải cam kết về pháp lý.
CEO của PITO từng chia sẻ rằng, với tinh thần của một đội thể thao chuyên nghiệp, tất cả cộng sự tại công ty, khi ở văn phòng sẽ đồng lòng vì mục tiêu chung, nỗ lực hết mình tại vị trí đang làm và sẽ vững vàng khi rời đội, dù bất kỳ lý do gì; còn khi ra khỏi văn phòng, trong các mối quan hệ xã hội, tất cả có thể kết nối như một gia đình, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và quan tâm nhau như tình thân.
Với những ví dụ vừa nêu, “sport spirit” thể hiện rõ ngay trong văn hoá công ty, các hoạt động, sự kiện nội bộ cũng sẽ dựa vào đó để triển khai. Tuy nhiên, nếu công ty bạn đã và đang có những hệ giá trị và văn hoá riêng, thì vẫn có thể lồng ghép và kết nối tinh thần này vào các chương trình, ý tưởng sắp tới nhé!
6 ý tưởng các hoạt động theo chủ đề “Sport spirit”
Lợi ích của việc chơi thể thao đối với mỗi cá nhân dường như không còn xa lạ. Nhân viên văn phòng cần đi bộ, chạy bộ, tập yoga để thư giãn cổ vai gáy, giảm đau lưng; thường xuyên bơi lội, đá bóng, chơi bóng rổ, bóng chuyền hay bất cứ môn thể thao nào khác đều mang đến những lợi ích hiệu quả cho sức khỏe và tinh thần. Nhưng dưới góc độ doanh nghiệp, khi đưa thể thao vào văn hoá và các hoạt động nội bộ, doanh nghiệp có lợi gì?
Theo khảo sát của Ủy ban Olympic và Thể thao Quốc gia Pháp (CNOSF) về tác động của thể thao đối với hoạt động kinh doanh, nhân viên được tập thể dục và thể thao thường xuyên tại nơi làm việc có thể tăng thêm 3 năm tuổi thọ và tăng thêm 6-9% năng suất.
Trong khuôn khổ bài viết này, PITO sẽ hướng đến gợi ý những hoạt động, những ý tưởng mới hơn, phù hợp với đa số nhân viên thay vì các cách làm quen thuộc (mà PITO tin rằng công ty bạn đã hoặc đang triển khai), như:
- Tổ chức giải chạy/ngày hội thể thao
- Khuyến khích nhân viên tập thể thao và theo dõi qua các ứng dụng trực tuyến
- Tặng các thẻ thành viên, chương trình giảm giá tại phòng tập
- Lập các câu lạc bộ thể thao tại công ty: bóng đá, cầu lông hay yoga…
1. Tiệc cổ vũ đội bóng nước nhà
Trong những mùa bóng đá như World cup, Euro trước đây, một số công ty khách hàng của PITO đã tổ chức tiệc xem bóng đá để các nhân viên có thể xem trực tiếp tại văn phòng. Đây vừa là hoạt động “chiều lòng fan”, vừa là cơ hội tốt để nhân viên vui chơi và gắn kết hơn. Bởi khoảnh khắc reo hò, ăn mừng chiến thắng của các đội tuyển luôn là khoảnh khắc đẹp nhất. Khi bóng lăn vào khung thành đối phương, cảm xúc của người xem, dù là ai, dù ở đâu dường như luôn hoà làm một.
Trong mùa Euro, FIFA World Cup hoặc các sự kiện thể thao lớn, không riêng bóng đá, bộ phận phụ trách truyền thông nội bộ của công ty có thể “bắt trend” để làm hoạt động nội bộ.
- Nếu các trận đấu diễn ra trong khung giờ phù hợp với lịch trình công việc, thì vừa tạo không gian để nhân viên xem vừa mở tiệc cổ vũ, ăn mừng hoặc đơn giản là chuẩn bị đủ các món ăn nhẹ, ăn vặt để người xem nhâm nhi.
- Nếu các trận đấu diễn ra vào ban đêm hoặc đang trong giai đoạn cao điểm của dự án, bạn có thể thay thế bằng một bữa tiệc theo chủ đề thể thao, để nhân viên vừa ăn uống vừa hoà mình vào không khí trước hoặc sau trận đấu.
Ý tưởng này đặc biệt phù hợp với các công ty đa quốc gia, có trụ sở tại Việt Nam. Trong các mùa bóng đá, nếu có đội tuyển của quốc gia mà công ty có trụ sở chính đang thi đấu, nhân viên tại Việt Nam có thể “lấy cớ” để mở tiệc ăn mừng hoặc cổ vũ.
Để những bữa tiệc này thể hiện rõ tinh thần thể thao, bộ phận tổ chức sẽ đặt tiệc theo concept chẳng hạn có bánh cookies hình quả bóng, food-flag lá cờ, khăn trải bàn, vật dụng trang trí theo mô hình sân cỏ, khung thành… Hoặc chuẩn bị thêm các bộ sticker, hashtag in sẵn để nhân viên dùng khi chụp ảnh.
2. Sport day outfit
Hàng năm nước ta và thế giới có những ngày cố định để hưởng ứng tinh thần thể thao. Song, từ phía công ty, bạn có thể tự tạo ra ngày này, theo tuần, theo tháng hoặc phù hợp với kế hoạch sự kiện, truyền thông chung.
Trong “sport day” từ lãnh đạo đến nhân viên đều được tự do diện những outfit (trang phục) thể thao thoải mái, năng động và cá tính. Những đôi cao gót, đôi giày tây được thay thế bằng giày bata, giày thể thao êm chân. Hoặc công ty sẽ tặng tất cả nhân viên những bộ đồ thể thao kèm túi, mũ… hợp thời trang để bất cứ ngày nào, các bạn ấy cũng mặc đẹp đi làm nhưng vẫn thoải mái và có thể tập gym, chạy bộ sau giờ làm. Với cách làm này, hình ảnh, logo, màu sắc thương hiệu… đều có thể được truyền thông một cách tinh tế.
Một số lưu ý khi tổ chức hoạt động “sport day outfit”:
- Trong những lần đầu, cần ghi chú rõ với nhân viên về các loại trang phục thể thao có thể mặc, tránh những outfit tập gym, tập yoga ôm sát cơ thể (với nữ) hoặc áo tanktop, quần short (với nam). Nội dung này, bộ phận phụ trách nên có ảnh minh họa rõ ràng, để đảm bảo dù diện outfit thoải mái nhưng vẫn giữ sự chuyên nghiệp của chốn công sở.
- Lồng ghép những hoạt động khác trong “sport day outfit”, chẳng hạn cả công ty (hoặc theo nhóm sở thích) cùng tham gia các một môn thể thao, cùng đi bộ, chạy bộ, tập yoga… sau giờ làm; khuyến khích nhân viên check-in lan tỏa tinh thần thể thao; kết hợp tiệc Tea Break, happy hour trò chuyện, chia sẻ về chủ đề này…
3. Khuyến khích những khoảng nghỉ tích cực
Không chỉ có 1 giờ - 1 giờ 30 phút nghỉ trưa, nhân viên có thể giải lao 5 - 10 phút, bất cứ lúc nào trong ngày. Song thay vì tiếp tục ngồi máy tính lướt mạng xã hội, hãy khuyến khích các bạn vận động. Những hình thức vận động này chỉ đơn giản là rời khỏi bàn làm việc và đi vòng quanh văn phòng, giãn cơ tại chỗ hoặc thiền ngắn thư giãn.
Nếu đủ điều kiện về cơ sở vật chất, công ty chuẩn bị một khu vực riêng dành cho các khoảng nghỉ này. Đó sẽ là khu vực pantry, khu vui chơi có đủ các dụng cụ thể thao cơ bản như bi lắc, bóng bàn, trụ bóng rổ, đệm ngồi… hoặc khu vực cây xanh, hồ cá tạo thú tiêu khiển trong những lúc nhân viên không nhìn màn hình.
Những khoảng giải lao thật sự hữu ích cho tinh thần, tăng sự tập trung, giảm căng thẳng và tốt cho thể chất. Tuy nhiên, nếu mới triển khai trong công ty và không có kế hoạch cũng như cách thực hiện hiệu quả, đôi khi hoạt động này sẽ gây tác dụng ngược, tăng thêm sự xao nhãng và khiến nhân viên bị ảnh hưởng, mất tập trung.
Vì vậy, bạn cần lưu ý:
- Bố trí khu vực pantry, khu vực thể thao ở một không gian khác, tách biệt với khu vực làm việc, tránh ảnh hưởng đến tập thể.
- Truyền thông rõ về mục đích của hoạt động, hướng đến tinh thần thể thao, vận động và thư giãn cho nhân viên. Khuyến khích sự tự ý thức và làm chủ công việc.
- Giới thiệu các mô hình tập trung - giải lao để nhân viên áp dụng hiệu quả hơn, ví dụ phương pháp Pomodoro làm 25 phút, nghỉ 5 phút hoặc sử dụng các video “study with me” để tập trung và tạm dừng công việc khi video kết thúc…
- Mỗi nhân viên, mỗi bộ phận sẽ có những đặc thù công việc cũng như phong cách làm việc khác nhau. Do vậy, đây nên là hoạt động khuyến khích, việc của bộ phận Nhân sự là tạo không gian, cung cấp đủ công cụ và truyền thông thật tốt, việc nghỉ tích cực như thế nào, phụ thuộc phần nhiều vào mỗi cá nhân.
4. Thay đổi thói quen ngồi họp
Dường như tất cả cuộc họp hiện nay đều làm theo cách truyền thống, người tham gia cùng ngồi xung quanh bàn hội nghị trong sự giới hạn của không gian phòng họp. Thay vì vậy, chúng ta thử đổi không gian và hình thức triển khai. Walking meeting là hình thức họp khá thú vị, kết hợp hoạt động thể thao (đi bộ) vào những cuộc họp.
Dù là báo cáo định kỳ, họp cập nhật dự án hay cùng xây dựng ý tưởng cho dự án mới thì walking meeting cũng sẽ truyền năng lượng tích cực đến người tham gia, khơi gợi thêm nhiều sáng tạo vào cuộc hội thoại. Bởi chỉ cần đi bộ từ 6 - 15 phút, khả năng sáng tạo của một người sẽ tăng trung bình 60% - theo Stanford Report. Steve Jobs - người đồng sáng lập của Apple vốn nổi tiếng với những cuộc họp đi bộ. Mark Zuckerberg của Facebook cũng nhìn thấy những lợi ích tuyệt vời từ hoạt động này và cũng đang triển khai tại Meta.
Để tổ chức walking meeting hiệu quả và thành công ngay lần đầu, bạn cần chuẩn bị những yếu tố sau:
- Chuẩn bị nội dung họp rõ ràng, đầy đủ: Đảm bảo những người tham gia đều biết rõ mục đích cuộc họp, những nội dung chính cần bàn luận và mỗi người cần báo cáo, đề xuất vấn đề gì. Đặc biệt, với những cuộc họp quan trọng, có nhiều thông tin mật không nên triển khai walking meeting.
- Tối đa 5 - 7 người tham gia cuộc họp đi bộ: Để giữ được kết nối và giao tiếp hiệu quả, hoạt động này chỉ nên thực hiện với một nhóm nhỏ và lý tưởng cho các cuộc họp 1:1.
- Chọn địa điểm phù hợp: Walking meeting nên được tổ chức ngoài trời, trong khuôn viên công ty có nhiều cây xanh và đường đi thông thoáng; công viên yên tĩnh, ít người qua lại, khu vực sân thượng, sân vườn rộng rãi… tránh nơi đông người, nhiều xe cộ di chuyển.
- Thông báo trước để người tham gia chuẩn bị trang phục: Dù buổi họp đi bộ đường dài hay vòng quanh khuôn viên thì người tham gia cũng cần biết, để chủ động chuẩn bị quần áo, giày, mũ… phù hợp và thoải mái nhất.
…
5. Bổ sung bàn đứng trong văn phòng
Một nghiên cứu của Stand Up to Work năm 2018 chỉ ra rằng, sau một năm sử dụng bàn đứng, người tham gia khảo sát cho biết họ năng động, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng khi làm việc. Ước tính có khoảng 61% trong số đó nhận thấy bàn đứng không chỉ cải thiện tinh thần trong thời gian làm việc mà còn có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất. Một số nghiên cứu sức khoẻ khác cũng cho rằng khi đứng làm việc sẽ giúp đốt cháy nhiều calo hơn, cải thiện tư thế và giảm đau lưng, đặc biệt là tăng cường sự tỉnh táo và năng suất.
Vì vậy, đây cũng là cách hỗ trợ nhân viên tăng cường sức cường sức khỏe thể chất, gián tiếp mang tinh thần thể thao vào các hoạt động và văn hoá công ty. Bước đầu tiên, bạn có thể đề xuất mua 1 - 2 chiếc bàn đứng công thái học và khuyến khích nhân viên sử dụng. Không cần đứng xuyên suốt, chỉ cần bắt đầu với 15 phút mỗi ngày và đứng đúng tư thế, tăng dần theo khả năng thích ứng của cơ thể cũng như đặc điểm công việc.
Khi sử dụng bàn đứng, nhân viên cần:
- Điều chỉnh chiều cao của bàn phù hợp, tạo tư thế thoải mái nhất.
- Mang giày bệt, giày bata hoặc đặt chân trần trên thảm lông để giữ cho khớp gối và bàn chân thư giãn, tránh mang giày cao gót khi đứng làm việc.
- Trong lúc đứng, bạn có thể kết hợp những khoảng nghỉ tích cực như đã nêu bằng các động tác tại chỗ như nâng chân, xoay cổ chân hoặc một số động tác jump jack nhẹ nhàng.
6. Sử dụng truyền thông làm công cụ
Để mang tinh thần thể thao vào công ty, hướng đến môi trường và tất cả nhân viên đều khỏe mạnh, năng lượng, bên cạnh việc trực tiếp tổ chức hoạt động, thực hiện các cách thức thay đổi thói quen, bạn có thể sử dụng thêm “sức mạnh của truyền thông”.
Dưới đây là một số gợi ý để công ty, doanh nghiệp lan tỏa “sport spirit” đến tất cả nhân viên:
- Xem đây là một mục tiêu của truyền thông nội bộ và lập kế hoạch truyền thông với những tuyến bài bài bản, truyền thông đồng bộ trên các nền tảng.
- Thường xuyên chia sẻ các video, hình ảnh, câu chuyện liên quan đến sức khỏe, thể thao, luyện tập, dinh dưỡng… để truyền cảm hứng cho nhân viên.
- Tổ chức các cuộc thi, thử thách trên các nền tảng online, để tất cả nhân viên tham gia như giải chạy bộ.
- Trang trí văn phòng theo phong cách thể thao, dán các câu nói truyền cảm hứng về chủ đề này trong các vị trí trung tâm như cửa ra vào, khu vực ăn uống, vui chơi, bảng thông tin…
3 lưu ý khi mang tinh thần thể thao vào công ty
- Cần có đại sứ “up mood” nhân viên: Với các hoạt động tập luyện hoặc thay đổi thói quen làm việc, hướng đến vận động nhiều hơn, luôn cần có những “đại sứ” hăng hái thực hiện và ảnh hưởng đến đồng nghiệp. Đây có thể là những người đam mê thể thao, hoạt ngôn và được nhiều nhân viên yêu mến. Đặc biệt, lãnh đạo nên tham gia để nêu gương và tạo động lực cho cả công ty.
- Cơ sở vật chất đầy đủ: Nếu muốn tổ chức các hoạt động thể thao ngay tại công ty hay khuyến khích nhân viên đạp xe, đi bộ đi làm; hoặc cùng chạy bộ, tập yoga vào mỗi sáng, mỗi chiều thì công ty cần có những điều kiện tốt về cơ sở vật chất. Ví dụ nhà tắm sạch sẽ, hiện đại; khu vực tập luyện riêng tư, đủ trang thiết bị…
- Triển khai trên tinh thần tự nguyện: Thời gian gần đây, có một số đơn vị bắt buộc nhân viên chạy bộ gây nên nhiều phản ứng. Biết rằng luyện tập thể thao hay thay đổi các thói vận động là tốt cho sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những nhu cầu, sở thích và đặc điểm cơ thể khác nhau. Thay vì bắt buộc cả công ty cùng chơi một môn thể thao, tham gia một hoạt động, bạn chỉ nên khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân viên tự ý thức và chủ động tham gia.
“Take care of your employees and they will take care of your business”. Đầu tư cho sức khỏe và tinh thần của nhân viên là cách để đầu tư cho sự phát triển lâu dài của công ty, doanh nghiệp. Bắt đầu từ một bữa tiệc nhỏ, một thông điệp dễ hiểu ngay cửa ra vào… lâu dần sẽ có những ảnh hưởng lớn, để cả công ty đều năng lượng với “sport spirit”.