Trò chơi online qua Zoom

Top 20 trò chơi đội nhóm thú vị, dành cho các buổi gặp trực tuyến

Thảo Trần
phút
18/07/2024
Thảo Trần
phút
18/07/2024

Trò chơi trực tuyến (online team building game) đang là xu hướng được nhiều nhân viên văn phòng yêu thích vì tính kết nối với bất kỳ ai và bất kỳ nơi đâu. Đặc điểm của hình thức này là chỉ cần có mạng internet đã có thể tổ chức và cùng nhau hòa mình vào các trò chơi vui vẻ, đặc biệt phù hợp với các buổi gặp gỡ, họp mặt trực tuyến.

Ý nghĩa của những trò chơi đội nhóm trực tuyến

Trò chơi đội nhóm trực tuyến mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho các doanh nghiệp và tổ chức, đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển cùng bối cảnh làm việc từ xa ngày càng phổ biến.

1. Tăng cường gắn kết tinh thần đồng đội

Trò chơi trực tuyến giúp kết nối các thành viên trong nhóm mà không giới hạn người chơi là ai, ở bất kể vị trí nào. Các trò chơi thường đòi hỏi sự phối hợp và giao tiếp hiệu quả giữa các thành viên, điều này thúc đẩy tinh thần đồng đội và sự tương tác lẫn nhau. Cùng nhau tham gia các trò chơi vui vẻ, cùng nhau giúp tạo ra bầu không khí tích cực và giảm bớt căng thẳng, hẳn “mọi rào cản” giữa tất cả thành viên sẽ dành được xóa bỏ. Nghiên cứu The Effects of Online Team Building Games on Social Connection and Well-being Among Remote Workers của Đại học Quốc gia Singapore cho thấy việc tham gia các trò chơi tập thể trực tuyến giúp tăng cường sự tương tác và giao tiếp giữa các thành viên. Đồng thời, hoạt động này có thể giúp giảm bớt cảm giác cô lập và tăng cường kết nối xã hội, đặc biệt là đối với những người làm việc từ xa hoặc ít có cơ hội giao tiếp trực tiếp.

2. Nâng cao kỹ năng mềm

Giao tiếp hiệu quả là nền tảng cho sự hợp tác thành công. Tham gia các trò chơi, nhân viên được khuyến khích giao tiếp cởi mở, lắng nghe ý kiến của nhau và chia sẻ quan điểm một cách rõ ràng. Qua đó, họ học cách truyền đạt thông tin hiệu quả, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Các tình huống trong trò chơi thường mô phỏng những vấn đề thực tế mà nhóm có thể gặp phải trong công việc. Khi cùng nhau giải quyết vấn đề, các thành viên rèn luyện khả năng phân tích tình huống, tư duy logic, đưa ra quyết định hợp lý và phối hợp nhịp nhàng để đạt được mục tiêu chung.Đồng thời, các thành viên được khuyến khích tư duy sáng tạo, tìm kiếm giải pháp mới mẻ và thích nghi với những thay đổi trong môi trường làm việc. Qua đó, mọi người rèn luyện khả năng linh hoạt, dám nghĩ dám làm và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển chung của tập thể.

3. Thúc đẩy tinh thần làm việc năng suất

Tham gia các trò chơi giúp giải tỏa căng thẳng, tạo cảm giác hứng khởi và tăng cường động lực làm việc. Khi được vui chơi, giao lưu và kết nối với đồng nghiệp, nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái, giảm bớt áp lực công việc và sẵn sàng cống hiến hết mình. Những kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp được rèn luyện qua trò chơi giúp các thành viên phối hợp nhịp nhàng giải quyết công việc một cách hiệu quả. Những hoạt động đội nhóm còn tạo dựng môi trường làm việc vui vẻ và khuyến khích sự sáng tạo. Khi được tham gia các hoạt động giải trí cùng nhau, nhân viên sẽ cảm thấy gắn kết hơn, từ đó góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực.

Thúc đẩy tinh thần làm việc

Ảnh minh họa: Freepik

Ưu nhược điểm của trò chơi trực tuyến

Ưu điểm

  • Tiết kiệm chi phí và thời gian: So với các hoạt động truyền thống cầu kỳ, trò chơi đội nhóm trực tuyến tiết kiệm chi phí và thời gian một cách đáng kể. Các thành viên có thể tham gia chơi game ngay tại văn phòng, chỉ cần có thiết bị kết nối internet.
  • Dễ dàng tổ chức và tham gia: Việc tổ chức và tham gia trò chơi đội nhóm trực tuyến cũng vô cùng đơn giản. Các doanh nghiệp chỉ cần lựa chọn nền tảng chơi game phù hợp, chuẩn bị hướng dẫn chơi và có thể bắt đầu ngay lập tức.
  • Đa dạng và phong phú: Có vô số trò chơi đội nhóm trực tuyến khác nhau với nhiều thể loại, chủ đề và mức độ khó dễ khác nhau. Doanh nghiệp có thể lựa chọn trò chơi phù hợp với mục tiêu hoạt động, sở thích hay độ tuổi của các thành viên.

Nhược điểm

  • Thiếu tương tác trực tiếp: Việc thiếu tương tác trực tiếp có thể khiến các thành viên khó hiểu ý nhau, dẫn đến hiểu lầm. Nếu người chơi cảm thấy không được kết nối với nhau và không có cơ hội tương tác, họ có thể dễ dàng mất hứng thú và bỏ cuộc giữa chừng.
  • Yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ: Phải đảm bảo có một đường truyền internet ổn định để không làm gián đoạn cuộc vui. Một số trò chơi cũng đòi hỏi người chơi có thiết bị điện tử và có khả năng sử dụng các nền tảng chơi game, điều này đôi lúc lại gây khó khăn cho một số người. 

Gợi ý những trò chơi đội nhóm trực tuyến hấp dẫn

Các trò chơi được tổ chức khi mọi người có thể cùng nhau vào Zoom hoặc Google Meet hoặc cùng truy cập vào một trang website - nơi cung cấp trò chơi.

1. Two Truths and a Lie

Two Truths and a Lie (hai sự thật và một lời nói dối) là một trò chơi đơn giản nhưng thú vị. Trò chơi này giúp nhân viên tìm hiểu thêm về bạn bè và đồng nghiệp qua các thông tin, đồng thời rèn luyện khả năng suy luận và phán đoán. Đây cũng là trò chơi sáng tạo, củng cố mối quan hệ đồng nghiệp cũng như nâng cao tinh thần và hiệu quả đồng đội.Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị dụng cụ gì đặc biệt, chỉ cần một nhóm người chơi, có thể ở các phòng ban, chi nhánh khác nhau, cùng vào Zoom hoặc Google Meet. Xác định thứ tự chơi, có thể theo vòng tròn hoặc ai muốn chơi trước đều được.

Cách chơi:

  • Mỗi người chơi lần lượt chia sẻ ba thông tin về bản thân, bao gồm: Hai sự thật (có thể là sở thích, kỷ niệm, kinh nghiệm, v.v.) và một lời nói dối (nên là thông tin gần gũi với sự thật để gây bất ngờ và khó đoán).
  • Sau khi chia sẻ, những người chơi khác có quyền đặt câu hỏi để làm rõ hoặc thu thập thêm thông tin và cùng nhau dự đoán cái nào là sai.
  • Người chơi chia sẻ thông tin sẽ tiết lộ đáp án đúng và giải thích lý do vì sao họ chọn nói dối thông tin đó. Tiếp tục chơi cho đến khi hết người chơi hay thời gian. 
Two Truths and a Lie

Ảnh minh họa: Bright Sprouts

2. Pictionary

Pictionary là một trò chơi đoán chữ theo hình ảnh khá thú vị, được phát minh bởi Robert Angel vào năm 1985. Trò chơi giúp phát triển khả năng vẽ, suy luận và giao tiếp. Đây cũng là dịp xem thử đồng nghiệp hiểu mình bao nhiêu?

Chuẩn bị: Chia thành hai đội. Truy cập vào Pictionary Generator để tùy chỉnh chủ đề hay mức độ khó dễ khác nhau của các từ ngữ ngẫu nhiên.

Cách chơi:

  • Các người chơi lần lượt chọn từ và có nhiệm vụ mô tả lại từ đó bằng tính năng bảng trắng của Microsoft Teams.
  • Những người còn lại sẽ có 60 giây để đoán được đáp án chính xác. Nếu đoán đúng sẽ nhận được điểm hay quà tặng, trong trường hợp ngược lại, phần thưởng sẽ thuộc về người chơi.

Lưu ý: Người vẽ không được phép vẽ hay ra hiệu cho biết từ khóa hoặc cụm từ.

3. Đoán tên bài hát

Đây là một trò chơi giải trí phổ biến và dễ dàng thu hút nhiều người bởi âm nhạc. Những ca khúc “trending” hứa hẹn tất cả sẽ hào hứng và hò hát, nhún nhảy theo.

Chuẩn bị: Chọn một người làm người dẫn chương trình. Chuẩn bị danh sách các bài hát (có thể là các bài hát phổ biến hoặc các bài hát theo chủ đề cụ thể). Những người chơi cùng nhau vào Zoom hoặc Google Meet. Chỉ với từ khóa “trò chơi đoán tên bài hát” trên Youtube, bạn sẽ có danh sách bài hát sẵn và đa dạng mà không cần dày công chuẩn bị.

Cách chơi:

  • Người dẫn chương trình sẽ phát một đoạn nhạc ngắn cho người chơi nghe.
  • Người chơi phải cố gắng đoán tên bài hát và ca sĩ trong thời gian quy định (thường là 10-15 giây).
  • Người chơi đoán đúng đầu tiên sẽ được ghi điểm. Chơi theo lượt cho đến khi hết danh sách đoạn nhạc.

4. Hát nối chữ

Một trò chơi nữa liên quan đến âm nhạc. Hát nối chữ sẽ rèn luyện cho nhân viên tư duy nhanh nhạy, đồng thời tạo nên bầu không khí vui vẻ và sôi nổi, mang đến tiếng cười, sự hào hứng và gắn kết cho người chơi. Trò chơi này có thể được tổ chức giữa các cuộc gặp mặt trực tuyến, để tăng sự tương tác và thư giãn cho mọi người.

Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị dụng cụ gì đặc biệt, chỉ cần một nhóm người chơi. Xác định thứ tự chơi, có thể theo vòng tròn hoặc ai muốn chơi trước đều được. Tất cả người chơi cùng vào Zoom hoặc Google Meet.

Cách chơi:

  • Người chơi đầu tiên sẽ hát một câu hoặc đoạn ngắn của một bài hát bất kỳ.
  • Người chơi tiếp theo phải hát một bài hát khác bắt đầu bằng chữ cuối cùng của câu hoặc đoạn hát mà người chơi trước đã hát. Ví dụ: người chơi trước hát “Người hãy quên em đi…”, người chơi tiếp theo phải hát “Đi về đâu, về đâu cũng là thế mà”...
  • Người chơi không được phép hát lại bài hát đã được hát trước. Nếu không thể nghĩ ra bài hát trong thời gian quy định (thường là 5 giây) sẽ bị loại.

5. Among Us

Among Us là một trò chơi điện tử dành cho nhiều người chơi trực tuyến khá thu hút thời gian gần đây. Trong trò chơi, phi hành đoàn gồm 4 đến 10 người chơi được cử đến một trạm vũ trụ để hoàn thành các nhiệm vụ.

Chuẩn bị: Tải game về thiết bị, chọn bản đồ và số lượng thành viên và chế độ chơi tùy thích.

Cách chơi:

  • Phi hành đoàn sẽ được mặc quần áo màu xanh lá cây, kẻ giả mạo sẽ được mặc quần áo màu đỏ và tất cả người chơi đều không biết ai là ai.
  • Họp khẩn cấp: Bất kỳ ai trong phi hành đoàn có thể triệu tập họp khẩn cấp bất cứ lúc nào. Trong cuộc họp, phi hành đoàn có thể thảo luận về ai họ nghĩ là kẻ giả mạo và bỏ phiếu để loại bỏ một người chơi. Người chơi bị loại bỏ sẽ được tiết lộ là phi hành đoàn hay kẻ giả mạo.
  • Kết thúc trò chơi: Phi hành đoàn chiến thắng nếu họ hoàn thành tất cả các nhiệm vụ hoặc loại bỏ tất cả kẻ giả mạo. Kẻ giả mạo chiến thắng nếu họ loại bỏ được đủ phi hành đoàn để đạt đến số lượng bằng nhau hoặc nếu phi hành đoàn không thể hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian quy định.
Among Us

Ảnh minh họa: WWWhat's new

6. Never Have I Ever

Never Have I Ever (tên tiếng Việt: Tôi Chưa Bao Giờ) còn được gọi là Ten Fingers hoặc I Have Never là một trò chơi đơn giản và thú vị dành cho nhóm bạn, giúp mọi người hiểu nhau hơn và tạo bầu không khí vui vẻ.

Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị dụng cụ gì đặc biệt, chỉ cần một nhóm người chơi, cùng vào Zoom hoặc Google Meet.

Cách chơi:

  • Mỗi người chơi sẽ thay phiên nhau nói một điều mà họ chưa bao giờ làm
  • Nếu bạn đã từng làm điều đó, bạn phải gập một ngón tay xuống
  • Người chơi đầu tiên gập hết 10 ngón tay sẽ thua.

7. Trò chơi sáng tạo theo ký tự viết tắt

Sáng tạo theo ký tự viết tắt là một trò chơi đơn giản, thú vị và đầy thử thách để rèn luyện trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của nhân viên.

Chuẩn bị: Tìm một nhóm bạn bè từ 2 người trở lên, cùng vào Zoom hoặc Google Meet.

Cách chơi:

  • Mỗi người chơi sẽ được chọn một ký tự viết tắt (ví dụ: ABC, DEF, GHI, v.v.)
  • Người chơi đầu tiên sẽ nói một từ bắt đầu bằng ký tự viết tắt đã chọn và định nghĩa từ đó theo cách sáng tạo nhất có thể
  • Các người chơi khác sẽ lần lượt làm theo cho đến khi hết lượt.
  • Không được phép lặp lại từ đã được sử dụng. Người chơi nào không thể nghĩ ra từ trong vòng 10 giây sẽ bị loại.

8. Uno Online

Uno là một trò chơi bài đơn giản và thú vị dành cho mọi lứa tuổi. Ngày nay, bạn có thể chơi Uno online cùng đồng nghiệp mọi lúc mọi nơi thông qua các ứng dụng và trang web miễn phí.

Chuẩn bị: Thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính. Đảm bảo internet và tạo tài khoản theo một số trang web yêu cầu.

Cách chơi:

  • Luật chơi Uno online giống như luật chơi Uno truyền thống. Mỗi người chơi sẽ được phát 7 lá bài khi bắt đầu trò chơi.
  • Người chơi đầu tiên đánh một lá bài xuống và nói loại bài (màu sắc, số hoặc hành động). Người chơi tiếp theo phải đánh một lá bài có cùng màu, số hoặc hành động với lá bài đã được đánh xuống. Nếu không có lá bài phù hợp, người chơi có thể bốc một lá bài từ chồng bài rút.
  • Lá bài đặc biệt: Bỏ lượt của người chơi tiếp theo, người chơi tiếp theo phải bốc 2 lá bài, thay đổi thứ tự chơi…
  • Người chơi đầu tiên đánh hết bài sẽ là người chiến thắng.

Một số ứng dụng và trang web chơi Uno online phổ biến:

Uno Online: https://unoonline.co/

Crazy Eights: https://cardgames.io/crazyeights/

Miniclip Games Uno: https://www.miniclip.com/

Y8 Uno: https://www.y8.com/games/uno

Uno

Ảnh minh họa: Epic Games

9. Spin the Wheel

Với một chút chuẩn bị, Spin the Wheel có thể là một cách hoàn hảo để phá vỡ không khí ban đầu, dễ dàng làm quen trong doanh nghiệp.

Chuẩn bị: Bạn chỉ cần liệt kê một loạt các hoạt động hoặc câu hỏi cho nhóm. Sử dụng công cụ AhaSlides để tạo bánh xe quay.

Cách chơi: Từng người chơi quay bánh xe, sau đó trả lời từng chủ đề mà bánh xe dừng lại. Bạn có thể thêm các câu hỏi hài hước vào hardcore tùy thuộc vào mức độ thân thiết của đồng nghiệp.

10. Kahoot!

Đây là một nền tảng trực tuyến cho phép bạn tạo và chơi các trò chơi đố vui tương tác. Trò chơi này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm: Kiểm tra kiến thức, học hỏi những điều mới, tạo niềm vui cho mọi người…

Chuẩn bị: Tạo tài khoản tại https://kahoot.it/, sau đó nhấp vào nút “Create” và chọn loại trò chơi bạn muốn tạo. Có nhiều loại trò chơi khác nhau mà Quiz là loại trò chơi phổ biến nhất, trong đó người chơi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm.

Cách chơi:

  • Chia sẻ mã trò chơi hoặc liên kết với người chơi khác
  • Người chơi có thể truy cập trò chơi bằng trình duyệt web hoặc ứng dụng Kahoot! trên thiết bị di động của họ.
  • Người chơi sẽ nhập tên hoặc biệt danh của họ và chọn câu trả lời cho các câu hỏi.
  • Sau mỗi câu hỏi, người chơi sẽ thấy điểm số và xếp hạng của họ. Sau khi trò chơi kết thúc, bạn có thể xem báo cáo kết quả chi tiết.

11. Hiểu ý đồng đội

Trò chơi Zoom này xoay quanh việc mô tả và đoán từ khoá, phổ biến trong các buổi team building hoặc sự kiện, hoạt động tập thể. Đúng như tên gọi “Hiểu ý đồng đội”, các thành viên cần có sự tập trung cao độ và hiểu rõ từng cử chỉ, động tác, biểu cảm của đồng đội để hoàn thành tốt nhất lượt chơi.

Số lượng người chơi: khoảng 4 cặp chơi (8 người)

Cách chơi

  • Bước 1: Chọn ra một người quản trò, đó có thể là Leader, trưởng nhóm trong buổi họp hoặc MC của sự kiện. Người quản trò có nhiệm vụ điều phối trò chơi, kết nối người chơi và khuấy động không khí phòng Zoom.
  • Bước 2: Quản trò phổ biến cách chơi, luật chơi và chọn ra các cặp chơi (mỗi Cặp 2 người). Các thành viên có thể tự ghép cặp, xung phong tham gia hoặc theo kết quả random của quản trò.
  • Bước 3: Khi thống nhất xong số lượng người chơi, trò chơi bắt đầu. Mỗi cặp chơi sẽ có 3 - 5 phút (tuỳ theo thời gian của trò chơi) vừa diễn tả, vừa đoán từ khoá. Quản trò sẽ sử dụng tính năng Trò chuyện riêng của Zoom (Private Chat) để nhắn tin riêng cho thành viên diễn tả về nội dung từ khoá. Lưu ý, để tránh mất thời gian, quản trò nên nhắn tất cả từ khoá của lượt chơi đó cho người mô tả. Trong quá trình chơi, nếu người còn lại đoán không đúng, họ có quyền bỏ qua từ khoá khó và tiếp tục với từ khoá mới.
  • Bước 4: Lần lượt, trò chơi tiếp tục với các cặp chơi tiếp theo. Cùng một khoảng thời gian quy định, đội nào đoán đúng nhiều từ khoá hơn sẽ là đội chiến thắng.

Lưu ý:

  • Vì là trò chơi online, tương tác qua màn hình máy tính nên bạn ưu tiên lựa chọn các từ khoá đơn giản, dễ diễn tả bằng động tác tay, ánh mắt, cơ mặt... Ví dụ: bông hoa, nụ cười, làm việc… hoặc các từ liên quan đến chủ đề buổi họp, workshop đang tổ chức, tránh từ khoá quá thách đố.
  • Khi người chơi đang chơi, các thành viên khác trong zoom có thể bật camera để cùng tương tác và quan sát. Tuy nhiên, với micro, mọi người hạn chế bật, tránh gây nhiễu phòng Zoom. Chỉ người đoán từ khoá mới bật để trả lời.

12. Từ chữ thành tranh

Đây là một trò chơi khơi gợi khả năng sáng tạo, giúp mọi người thư giãn và thoải mái hơn sau những giờ làm việc, họp hành chăm chỉ. Trò chơi không yêu cầu những bức tranh đúng bố cục, hình vẽ sắc nét, người chơi cứ thoải mái “múa bút” miễn đồng đội hiểu ý bạn đang vẽ gì là được!

Số lượng người chơi: Tối thiểu 6 người

Cách chơi

  • Bước 1: Quản trò chọn ra 2 đội chơi mỗi đội tối thiểu 3 người tham gia. Trong đó, một thành viên có nhiệm vụ nhận từ khoá từ quản trò và vẽ tranh, 2 người còn lại đoán ý nghĩa bức tranh, sao cho đúng với nội dung từ khoá ban đầu.
  • Bước 2: Trò chơi bắt đầu, các đội lần lượt tham gia. Mỗi đội có 5 phút, vừa nhận từ khoá, vừa vẽ tranh và đoán. Quản trò sẽ nhắn các từ khoá cho thành viên nhận nhiệm vụ vẽ thông qua phần Chat riêng tư của Zoom, đảm bảo chỉ 1 người nhận được tin nhắn. Người vẽ tranh chia sẻ màn hình Zoom để đồng đội và các thành viên khác trong zoom có thể quan sát. Tất cả tắt micro, chỉ quản trò và các thành viên đoán từ khoá mở micro để trao đổi.
  • Bước 3: Tuỳ theo tổng thời gian của trò chơi, người quản trò và Ban tổ chức sắp xếp số lượt chơi phù hợp. Kết thúc các lượt, đội nào đoán đúng nhiều tư khoá nhất là đội chiến thắng.

Lưu ý:

  • Ban tổ chức phổ biến trước với các thành viên tham gia Zoom, khuyến khích các bạn chuẩn bị máy tính hoặc Ipad để có thể tham gia trò chơi tốt nhất.
  • Đặt bối cảnh là phòng zoom, mọi người đang tương tác online, quản trò cần phát huy tốt nhất vai trò hoạt náo, gợi không khí để mọi người tập trung và hoà cùng trò chơi.

13. Đoán tên thương hiệu

Trò chơi qua Zoom này đòi hỏi sự nhanh nhạy và vốn kiến thức về các thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, với những tín đồ của “săn sale” thường xuyên mua sắm, PITO tin các bạn sẽ có nhiều lợi thế khi tham gia trò chơi này đấy!

Số lượng người chơi: 6 - 10 người

Cách chơi

  • Bước 1: Quản trò sẽ chia các thành viên trong Zoom thành nhiều đội chơi. Mỗi đội ít nhất 3 thành viên.
  • Bước 2: Trò chơi bắt đầu, các đội lần lượt tham gia. Quản trò là người đưa ra từ khoá với các sản phẩm chung chung như kem đánh răng, điện thoại, dầu gội đầu, trà sữa… Mỗi đội chơi sẽ có 2 - 3 phút nêu ra tất cả thương hiệu liên quan đến sản phẩm/nhóm ngành hàng đó. Ví dụ: Từ khoá của quản trò là trà sữa. Các thành viên của đội chơi liên tục nêu ra các thương hiệu như Koi Thé, Gongcha, Tocotoco, Phúc Long…
  • Bước 3: Lần lượt các đội chơi tham gia đoán tên thương hiệu. Cùng khoảng thời gian quy định, đội nào đoán được nhiều thương hiệu nhất sẽ là đội chiến thắng.

Lưu ý:

  • Ban tổ chức trò chơi cần sắp xếp một thư ký ghi nhận nhanh những đáp án của đội chơi để tính điểm. Bởi trong thời gian ngắn, các thành viên của đội sẽ nói liên tục, quản trò không thể đếm hết.
  • Chỉ các thành viên của đội chơi được bật micro. Các thành viên khác trong Zoom có thể bật camera để quan sát và tăng kết nối nhưng hạn chế bật micro, gây ồn.

14. Ai là triệu phú

Trò chơi online Ai là triệu phú

Mượn phiên bản gameshow truyền hình nổi tiếng “Ai là triệu phú”, bạn thử biến phòng Zoom của buổi họp, buổi gặp mặt thành sân chơi kiến thức, để các thành viên được ngồi vào “ghế nóng”. Trò chơi qua Zoom này có thể giúp mọi người hệ thống lại kiến thức đã có hoặc biết thêm những thông tin mới, kiến thức mới trong nhiều lĩnh vực.

Số lượng người chơi: Không giới hạn

Cách chơi

  • Bước 1: Cần có một MC để dẫn dắt chương trình. Đây có thể là MC của sự kiện hoặc Leader buổi họp, đã biết về trò chơi và có sự chuản bị. MC sẽ chia sẻ màn hình Zoom với các thành viên khác và bắt đầu đi tìm “Triệu phú”.
  • Bước 2: MC vừa đọc vừa chiếu các câu hỏi lên màn hình Zoom. Các thành viên có 15 giây suy nghĩ câu trả lời. Kết thúc 15 giây, ai có đáp án sẽ nhấn biểu tượng “giơ tay” của Zoom để giành quyền trả lời.
  • Bước 3: Người trả lời đúng thì có quyền chọn chủ đề và ưu tiên trả lời câu hỏi tiếp theo đến khi trả lời sai thì sẽ mất quyền ưu tiên.
  • Bước 4: Ban thư ký sẽ thống kê kết quả, trong suốt thời gian diễn ra trò chơi “Ai là triệu phú” ai có số câu trả lời đúng nhiều nhất sẽ là người chiến thắng và nhận được phần thưởng từ Ban tổ chức.

Lưu ý: 

  • Do trò chơi liên quan câu hỏi về kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực, nên đòi hỏi người tổ chức cần có sự chuẩn bị tốt về câu hỏi và đáp án. Đảm bảo đủ câu hỏi để duy trì trò chơi trong thời gian mong muốn và đáp án chính xác.
  • Để trò chơi diễn ra suôn sẻ người chơi phải có thiết bị kết nối mạng tốt để không bị gián đoạn, mất lượt chơi.

15. Thêm caption cho ảnh

Mỗi khi muốn đăng ảnh lên các mạng xã hội, bạn có “vò đầu bứt tóc” suy nghĩ caption? Rồi cũng có những bức ảnh “No caption” vì bạn không biết viết gì! Đúng thật, caption là một thử thách nhỉ? Thế nên, PITO gợi ý bạn trò chơi qua Zoom “Thêm caption cho ảnh”, có phần “hack não” nhưng đảm bảo vui nhé!

Số lượng người chơi: Không giới hạn

Cách chơi

  • Bước 1: Ban tổ chức hoặc quản trò tạo một biểu mẫu (Google Form) trong đó có nhiều bức ảnh với những nội dung, bối cảnh khác nhau.
  • Bước 2: Quản trò gửi link biểu mẫu cho người chơi và giới hạn thời gian hoàn thành. Thời gian này tuỳ thuộc vào tổng thời gian cho phép cho của trò chơi hoặc sự kiện, buổi họp bạn nhé. Theo PITO ước lượng, trung bình 1 phút cho 1 bức ảnh là hợp lý. Khoảng thời gian này vừa đủ để mọi người quan sát và sáng tạo caption thật thú vị.
  • Bước 3: Kết thúc thời gian, quản trò kiểm tra kết quả điền form và chia sẻ màn hình để trình chiếu từng bức ảnh với những dòng caption người chơi đã viết. Trò chơi này thú vị bởi sự sáng tạo không giới hạn của mọi người. Chính những caption ngộ nghĩnh, vui nhộn sẽ giúp không khí phòng Zoom thêm sôi động và vui vẻ hơn.
  • Bước 4: Với mỗi hình ảnh, quản trò tổ chức bình chọn caption thú vị, được yêu thích nhất. Chủ nhân của những caption ấy là người chiến thắng trò chơi.

Lưu ý: Có thể biến tấu trò chơi thành: viết lời thoại cho tranh vẽ nhiều nhân vật đang nói chuyện hoặc ảnh diễn viên cắt ra từ phim,

16. Truy tìm đồ vật

Nếu thường xuyên là người tổ chức hoặc tham gia các buổi team building, có thể bạn không còn xa lạ với trò chơi “Truy tìm đồ vật” này nữa. Tuy nhiên, ở một phiên bản khác, nếu chơi online qua Zoom thì có sự khác biệt về cách chơi, cách tổ chức như thế nào? Dưới đây, PITO “re-make” trò chơi này theo phiên bản online, tạo nên cảm giác mới lạ hơn, giúp các thành viên có thể vận động, dù làm việc, họp hành ngay tại nhà.

game-ai-nhanh-tay-hon

Số lượng người chơi: Không giới hạn

Cách chơi:

  • Bước 1: MC sự kiện hoặc Leader của nhóm sẽ vào vai quản trò và chuẩn bị trước một danh sách gồm những món đồ vật quen thuộc, thường có trong nhà.
  • Bước 2: Để trò chơi thêm phần kịch tính, phát huy tối đa tinh thần vận động, quản trò yêu cầu tìm từng món đồ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi trò chơi bắt đầu, quản trò nêu tên món đồ và bấm giờ. Trong vòng 30 giây (hoặc 1 phút), thành viên nào tìm được món đồ đó và đưa ra trước màn hình đầu tiên, sẽ chiến thắng.
  • Bước 3: Lần lượt, quản trò nêu ra các món đồ và bấm giờ. Tuỳ theo tổng thời gian dành cho trò chơi, quản trò linh động số lượng món đồ, ứng với các lượt chơi. Kết thúc trò chơi, thành viên nào có số lần về nhất nhiều nhất sẽ chiến thắng chung cuộc.

Lưu ý:

  • Với trò chơi này, tất cả thành viên đều phải mở camera để quản trò và thư ký trò chơi tiện quan sát, tính điểm.
  • Nếu số lượng thành viên trong phòng Zoom quá đông, quản trò hoặc Ban tổ chức, khó kiểm soát thì có thể chia đội và chơi theo đội.

17. Tôi thà… hơn là…

Với “Tôi thà… hơn là…” người tham gia sẽ được đưa vào những tình huống trớ trêu, khó xử qua những câu hỏi thú vị của trò chơi. Tổ chức trò chơi này, bạn dễ dàng khuấy động phòng Zoom bởi những câu nói vui nhộn và những tràng cười của người nghe.

Số lượng người chơi: Từ 5 - 10 người.

Cách chơi:

  • Bước 1: Ban tổ chức hoặc quản trò chuẩn bị sẵn các câu hỏi với những tình huống đối ngược nhau, có thể nghiêm túc hoặc hài hước.
  • Bước 2: Khi trò chơi bắt đầu, quản trò đọc hoặc trình chiếu lần lượt từng câu hỏi lên màn hình Zoom và chọn ngẫu nhiên người trả lời bằng cách random tên (sử dụng các website hoặc ứng dụng Random có sẵn).
  • Bước 3: Khi được gọi tên, người chơi phải trả lời câu hỏi theo cú pháp: Tôi thà (làm việc A) hơn là (làm việc B). Và giải thích vì sao chọn đáp án đó. Trò chơi này không phân thắng thua, mục đích chính là thử độ nhanh nhạy, phản ứng cho mọi người khi đối diện với một số tình huống bất ngờ.

Câu hỏi ví dụ “Tôi thà… hơn là…”:

game-ta-tha-hon-la

Lưu ý:

  • Các câu hỏi mang tính vui vẻ, thư giãn hoặc gợi nên một thông tin, kiến thức hữu ích, tránh đi quá sâu vào chuyện cá nhân hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức.
  • Cần giới hạn thời gian cho mỗi lượt trả lời để tăng thêm sự kịch tính cho trò chơi.

18. Trông icon, bắt hình dong

Trong lúc giao tiếp online, để thể hiện biểu cảm, thái độ, mọi người thường sử dụng bộ icon có sẵn trên các ứng dụng chat. Những biểu tượng tưởng chừng “vô tri” kai phần nào phản ánh được tính cách, sở thích của người gửi đấy. Tổ chức trò chơi này trong buổi họp Zoom, bạn có thể kéo gần khoảng cách giữa mọi người, giúp các thành viên hiểu hơn về thói quen, sở thích của nhau.

game-trong-mat-bat-icon

Số lượng người chơi: Không giới hạn

Cách chơi:

  • Bước 1: Tất cả thành viên sẽ gửi 3 icon thường sử dụng cho Ban tổ chức hoặc quản trò bằng cách nhắn tin riêng (sử dụng tính năng Private Chat trên Zoom).
  • Bước 2: Sau khi thu thập đủ thông tin, quản trò bắt đầu trò chơi. Quản trò chia sẻ màn hình Zoom và lần lượt chiếu bộ 3 icon lên. Với mỗi lần trình chiếu, quản trò quy định thời gian, ai đoán được chủ nhân của icon đó sẽ xung phong trả lời bằng cách ấn nút “Giơ tay” của Zoom.
  • Bước 3: Trò chơi sẽ không phân định thắng thua, nhưng để thêm kịch tính bạn có thể chuẩn bị giải thưởng “Miss thân thiện” hoặc “Miss hoà bình” để trao cho thành viên có nhiều lượt trả lời đúng nhất.

Lưu ý:

  • Bên cạnh câu trả lời về tên chủ nhân bộ icon, khuyến khích người chơi giải thích tại sao lại đoán như vậy để tăng sự thấu hiểu giữa mọi người.
  • Ban tổ chức khuyến khích các thành viên mở camera để dễ dàng quan sát biểu cảm của nhau.

19. Thật hay thách

Dù không thể gần nhau, dù khó kiểm chứng được độ thật giả của các câu trả lời hay thực hiện thử thách, nhưng trò chơi này vẫn là ý tưởng hay với các buổi gặp mặt online. Những câu trả lời các thành viên đưa ra có thể khiến mọi người vỡ oà vì bất ngờ. Những thử thách hài hước, ngộ nghĩnh họ làm biết đâu là lý do tạo nên những tràng cười khoái chí, rộn rã cả phòng Zoom.

Số lượng người chơi: Không giới hạn

Cách chơi:

  • Bước 1: Cử ra một quản trò giữ nhiệm vụ kết nối các thành viên và điều khiển trò chơi. Quản trò chuẩn bị một ứng dụng hoặc website random và chia sẻ trên màn hình Zoom để mọi người cùng theo dõi.
  • Bước 2: Trò chơi bắt đầu, quản trò random 2 lượt để tìm ra một người đặt câu hỏi và một người trả lời. Người hỏi có quyền hỏi bất cứ điều gì đang tò mò về đối phương, người trả lời có 2 lựa chọn: hoặc là trả lời thật câu hỏi hoặc là né tránh bằng cách chọn thử thách.
  • Bước 3: Trò chơi lần lượt duy trì qua những cặp random khác nhau. Tuỳ theo thời gian cho phép, quản trò điều phối và thực hiện trò chơi với các thành viên trong phòng Zoom. “Thật hay thách” không cần phân định thắng - thua, mục đích là tạo không gian để mọi người chia sẻ và kết nối cùng nhau.

Lưu ý:

  • Ban tổ chức hoặc quản trò phải thật sự tỉnh táo quan sát và lắng nghe câu hỏi, điều phối người chơi tránh việc hỏi những câu không phù hợp hoặc thực hiện thử thách nguy hiểm.
  • Khuyến khích các thành viên cùng mở camera để tăng tính kết nối.

20. Nối từ

Trò chơi online Nối từ

Nguồn ảnh: Fanpage Elight

Nếu là “Idol Tiktok”, có lẽ bạn không còn xa với trò chơi này, các Tiktoker thường xuyên bắt trend và thực hiện thử thách nối từ theo nhiều phiên bản khác nhau. Với phiên bản trò chơi qua Zoom, PITO gợi ý bạn chi tiết cách chơi nhé!

Số lượng người chơi: Không giới hạn

Cách chơi:

  • Bước 1: Với bối cảnh chơi qua Zoom, mục đích kết nối tất cả thành viên, PITO khuyến khích bạn tổ chức Nối từ theo một vòng lớn, để mọi người đều có thể tham gia. Sau khi xác định và thống nhất số lượng, quản trò quy định về lượt chơi (có thể dựa vào tên thành viên theo bảng chữ cái) và đưa ra từ khoá đầu tiên.
  • Bước 2: Lần lượt các thành viên nêu tiếp từ khoá. Ví dụ, quản trò đưa ra từ khoá: “bầu trời”, người tiếp theo sẽ nối “trời xanh”, người tiếp theo nữa nối “xanh biếc”… Tiếp tục như vậy cho đến khi chỉ còn người cuối cùng chiến thắng. Các thành viên không có đáp án sẽ bị loại, người ở vị trí liền kề được ưu tiên đưa ra từ khoá mới.

Lưu ý:

  • Để khích lệ và tăng thêm tinh thần tham gia của mọi người, ban tổ chức chuẩn bị một phần quà nhỏ dành cho người chiến thắng cuối cùng.
  • Nếu trường hợp internet không ổn định, người chơi có thể nhắn vào khung chat khi tới lượt. Ban tổ chức quy định rõ thời gian cho mỗi câu trả lời và bấm giờ để tránh việc trì hoãn, mất thời gian chung của mọi người.

Trò chơi đội nhóm trực tuyến là một công cụ hữu ích, từ việc tăng cường kết nối và gắn kết tinh thần đồng đội đến nâng cao kỹ năng mềm, thúc đẩy tinh thần làm việc và năng suất, đặc biệt vô cùng phù hợp với xu hướng làm việc từ xa. Do đó, việc đầu tư vào các hoạt động này là một quyết định sáng suốt để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thảo Trần

Thảo chuyên viết về lĩnh vực ẩm thực, với kinh nghiệm và đam mê sâu sắc trong lĩnh vực này. Cô đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các giải pháp ăn uống phù hợp cho doanh nghiệp, và cố gắng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình thông qua việc viết blog.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>