Ngày Lập trình viên quốc tế (International Programmers' Day hoặc Day of the Programmer) là dịp đặc biệt để tôn vinh những cá nhân đã và đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ, góp phần tạo nên thế giới số hiện nay. Trong bài viết này, PITO sẽ giới thiệu rõ hơn về ngày này cũng như gợi ý những ý tưởng thiết thực để các công ty, doanh nghiệp hưởng ứng.
Tại sao có ngày Lập trình viên quốc tế?
Ngày Lập trình viên Quốc tế được tổ chức vào ngày 256 của năm, bởi 256, tương đương 2 luỹ thừa 8 , là con số có ý nghĩa đặc biệt trong lập trình cũng như các lĩnh vực liên quan đến máy tính và hệ thống số nhị phân. Mặt khác, 256 được biểu diễn bằng 1 byte (hay 8 bit) và là lũy thừa cao nhất của 2 nhỏ hơn 365 - số ngày trong một năm.Hàng năm, ngày Lập trình viên Quốc tế rơi vào ngày 13/9 hoặc ngày 12/9, với năm nhuận. Theo Wikipedia và các website về ngày đặc biệt như National Day Calendar, ngày này bắt nguồn từ Nga và hiện là ngày lễ chính thức của nước này.
Từ năm 2002, Valentin Balt và Michael Cherviakov - nhân viên của công ty phần mềm Parallel Technologies đã đề xuất một ngày dành riêng cho nghề lập trình. Họ nỗ lực thu thập chữ ký của những người trong ngành, trên khắp đất nước để gửi bản kiến nghị gửi tới chính phủ Nga.
Ngày 24/7/2009, Bộ Truyền thông và Phương tiện truyền thông đại chúng Nga đã ban hành dự thảo sắc lệnh hành pháp về ngày lễ nghề nghiệp mới - Ngày của Lập trình viên. Ngày 11/9/2009, Tổng thống Nga - Dmitry Medvedev - đã ký sắc lệnh hợp thức hoá ngày này ở Nga.
Cũng nhằm tôn vinh các lập trình viên, Trung Quốc đề xuất một ngày khác của riêng nước này. Chinese Programmer's Day là ngày 24/10 hàng năm, vì 1024 cũng là con số đặc biệt trong lập trình, bằng 210 , một tiền tố nhị phân.Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều thông tin về các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hưởng ứng ngày này. Song nếu đã thấy bài viết của PITO, nếu đã biết về ngày Lập trình viên Quốc tế, bạn có thể tham khảo những gợi ý tiếp theo để là đơn vị tiên phong tổ chức và tôn vinh lập trình viên tại nước ta nhé!
1. Tổ chức Hackathon nội bộ
Hackathon là thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực lập trình, công nghệ, là sự kết hợp giữa hai từ: hack - tìm kiếm giải pháp đột phá, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ lập trình; và marathon - cuộc chạy đua đường dài, đòi hỏi sự tập trung cao độ, nỗ lực để về đích trong một khoảng thời gian nhất định.
Hackathon là sự kiện sôi nổi và đầy thử thách, phổ biến ở các công ty công nghệ, các trường đại học nhằm tìm kiếm những tài năng lập trình cũng như những dự án, sản phẩm công nghệ đỉnh cao. Để hưởng ứng ngày Lập trình viên Quốc tế, công ty bạn có thể tổ chức sự kiện Hackathon nội bộ.
Tất cả nhân sự là lập trình viên sẽ cùng lập đội để tham gia cuộc thi. Format quen thuộc của các sự kiện Hackathon thường gồm 3 vòng, trong khoảng từ 24 - 48 giờ:
- Vòng 1 - Lên ý tưởng: Sau khi nhận đề bài từ Ban tổ chức, các đội thi sẽ có khoảng thời gian nhất định để đề xuất và xây dựng ý tưởng. Nếu số lượng đội thi đông, các ý tưởng sẽ được gửi về Ban tổ chức để chọn lọc và đánh giá tính khả thi, hiệu quả. Các đội thi có ý tưởng xuất sắc sẽ tham gia tiếp vòng 2.
- Vòng 2 - Phát triển dự án: Đây sẽ là khoảng thời gian để các đội biến ý tưởng thành hiện thực. Các đội thi sẽ cùng tập trung tại một địa điểm và tập trung cao độ trong khoảng 24 - 48 giờ theo quy định để hoàn thành sản phẩm/dự án.
- Vòng 3 - Thuyết trình và đánh giá: Kết thúc thời gian code - tức kết thúc vòng 2, các đội sẽ thuyết trình hoặc demo sản phẩm hoàn thiện trước Ban tổ chức, Ban giám khảo (BGK) cũng như tất cả người tham gia cổ vũ. Hội đồng BGK sẽ đánh giá và trao giải cho các đội thi có sản phẩm đạt tiêu chí
Cuộc thi Hackathon không chỉ là cơ hội để các lập trình viên củng cố kỹ năng, thể hiện sự sáng tạo mà còn là dịp để tăng cường tinh thần làm việc nhóm, khai mở những ý tưởng tiềm năng, có thể được ứng dụng vào thực tế, phát triển các sản phẩm của công ty.
Hackathon được chuẩn bị chỉn chu, giá trị phần thưởng cao cùng hội đồng ban giám khảo uy tín, chuyên môn cao sẽ càng thu hút sự quan tâm, tham gia của nhân sự.
2. Tech Talks/ Workshops
Lĩnh vực công nghệ nói chung; công việc, chuyên môn của các lập trình viên nói riêng không ngừng đổi mới, do đó việc cập nhật thông tin là vô cùng cần thiết. Nếu công ty bạn, chưa thường xuyên có những sự kiện học thuật, hỗ trợ nhân sự bổ sung kiến thức, thì ngày 13/9 này sẽ là “cái cớ” hoàn hảo cho các buổi Tech Talks/Workshops.
Mục đích chính của những buổi này là tạo ra một không gian học hỏi và thảo luận sôi nổi, nơi các lập trình viên có thể nắm bắt những kỹ thuật lập trình tiên tiến và hiểu sâu hơn những thay đổi nhanh chóng trong ngành. Khách mời sẽ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, là ban lãnh đạo với nhiều chuyên môn hoặc đội ngũ kỹ thuật từ các công ty khách hàng, đối tác cùng giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Để những buổi Tech Talks/Workshops này thú vị, thiết thực và đáp ứng đúng nhu cầu của các lập trình viên trong công ty, bạn cần:
- Trao đổi hoặc khảo sát về chủ đề và khách mời: Là một HR, Admin hoặc chuyên viên phụ trách hoạt động nội bộ bạn sẽ khó đưa ra các chủ đề hoặc tìm đúng khách mời, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, lập trình. Cách hiệu quả nhất là nói chuyện trực tiếp với leader (lãnh đạo, quản lý) của các bộ phận để nắm bắt mong muốn và đề xuất của họ. Một bảng khảo sát gửi đến toàn thể nhân sự cũng là bước cần thiết để đưa ra những quyết định phù hợp nhất.
- Linh hoạt, đa dạng trong hình thức tổ chức: Tuỳ theo văn hoá công ty, số lượng người tham gia, hình thức làm việc của các lập trình viên (trực tiếp tại văn phòng, online, hybrid hay thường xuyên làm việc tại văn phòng của khách hàng…) bạn xây dựng kế hoạch và hình thức tổ chức Tech Talks/Workshop phù hợp. Có thể tổ chức trực tiếp tại văn phòng, tổ chức online hoặc kết hợp với một buổi picnic ngoài trời, buổi tiệc hoặc sự kiện nội bộ.
- Đánh giá hiệu quả và duy trì: Như đã nói, công nghệ thông tin là lĩnh vực không ngừng cập nhật và thay đổi, vì vậy, không chỉ trong ngày Lập trình viên quốc tế mà hàng tuần, hàng tháng, hàng quý các hoạt động Tech Talks/Workshops mang tính học thuật cần được tổ chức. Những buổi này có thể thuộc kế hoạch L&D (Learning & Development) và đào tạo nội bộ của các công ty công nghệ.
3. Ngày làm việc “No Meetings”
Trong một bài nghiên cứu tại Harvard Business Review, nhóm tác giả đã khảo sát 182 nhà quản lý cấp cao trong nhiều lĩnh vực và chỉ ra rằng:
- 65% người được khảo sát cho biết các cuộc họp khiến họ không thể hoàn thành công việc mỗi ngày đúng giờ.
- 71% trong số đó cho rằng các cuộc họp họ đã tham gia hầu hết không hiệu quả, không năng suất và chưa giải quyết vấn đề triệt để.
- 64% trong số 182 nhà quản lý nhận định các cuộc họp đã làm giảm khả năng suy nghĩ sâu và làm việc tập trung của họ.
Sau đại dịch Covid-19 với nhiều thay đổi trong thói quen làm việc, một số nhân sự/nhóm nhân sự tại các công ty ở châu u khởi xướng các cuộc “cách mạng” như No Meeting Wednesday, Meeting Free Friday, Meeting Free Day… để hạn chế các cuộc họp không cần thiết và tạo môi trường làm việc tập trung hơn.
Với các lập trình viên việc tập trung cao độ, trong thời gian dài để hoàn thành một bản demo, sửa một lỗi hoặc code thêm một tính năng mới là vô cùng cần thiết. Việc hạn chế các cuộc họp không những giúp họ không bị gián đoạn mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng thời gian và không gian cá nhân, tạo cơ hội để họ đạt hiệu suất làm việc tối đa.
Nhân ngày Lập trình viên Quốc tế công ty bạn sẽ chọn và tuyên bố luôn ngày 13/9 (hoặc 12/9) hàng năm là ngày “No Meetings” hoặc ngày “Online Working” để lập trình viên tự do lựa chọn không gian, thời gian làm việc.
4. Chuỗi hoạt động “Thank a Developer/ Programer/ Coder”
Như bất cứ dịp kỷ niệm ngày đặc biệt nào, Day of the Programmer - Ngày Lập trình viên Quốc tế cũng cần được tổ chức bài bản và ấn tượng, tạo nên dấu ấn đáng nhớ cho các lập trình viên tại công ty.
Ý tưởng này sẽ bao gồm nhiều hoạt động, kéo dài trong tuần đầu tháng 9 hàng năm hoặc xuyên suốt ngày 13 hoặc 12/9, tập trung vào mục tiêu duy nhất: Cảm ơn các lập trình viên của công ty. Một số hoạt động bạn có thể tham khảo như:
- Gửi thư cảm ơn cá nhân hóa: Trong dịp này, thay vì hướng đến chuyển đổi số, online hoá, bạn hãy làm ngược lại, sử dụng thư viết tay, thiệp handmade để gửi đến các lập trình viên. Các bạn developer, coder đã quá quen với những dòng lệnh, sản phẩm số hoá, vì vậy, việc tặng thư viết tay cùng những dòng chia sẻ, ghi nhận tình cảm sẽ là món quà “lay động lòng người”.
- Góc cảm ơn/vinh danh lập trình viên: Bộ phận tổ chức sẽ dành riêng một góc trong văn phòng hoặc các kênh truyền thông nội bộ để giới thiệu, vinh danh những lập trình viên xuất sắc, tiêu biểu của công ty. Những câu chuyện thành công, những cột mốc quan trọng mà họ đã đạt hoặc chỉ đơn giản là những khoảnh khắc đời thường được sẽ được chia sẻ để khích lệ và gửi lời cảm ơn, ghi nhận họ.
- Chương trình cảm ơn/tri ân lập trình viên: Phần này sẽ tương tự như một Gala Dinner, tuỳ quy mô, ngân sách cũng như số lượng người tham dự bạn sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức phù hợp. Chương trình sẽ gồm các tiết mục âm nhạc; khen thưởng; giao lưu, kết nối cũng như tiệc - ăn uống.
- Workshop nghệ thuật, thư giãn: Tô tượng, vẽ tranh, làm đồ thủ công, trang trí bánh hoặc không gian âm nhạc… sẽ là những ý tưởng tuyệt vời để các lập trình viên không chỉ thư giãn, trải nghiệm một hoạt động mới mà còn khuyến khích sự sáng tạo và giao lưu giữa các nhân sự, từ đó tạo ra một không khí làm việc tích cực và gắn kết hơn.
- Board game hoặc VR gaming: Hoạt động này đâu đó sẽ đúng với sở trường, sở thích của các lập trình viên. Trong khuôn khổ các hoạt động “Cảm ơn” bạn có thể chuẩn bị các bàn board game hoặc không gian chơi game thực tế ảo (VR) với các trò chơi phổ biến. Thêm một vài giải thưởng cho cá nhân hoặc nhóm chơi xuất sắc sẽ kích thích tinh thần và thu hút nhiều nhân sự tham gia hơn.
5. Tiệc tri ân Lập trình viên
Tiệc tri ân dường như phù hợp với mọi sự kiện, mọi dịp đặc biệt. Đây sẽ là một phần không thể thiếu của chuỗi sự kiện bên trên hoặc là ý tưởng, hoạt động độc lập, tổ chức dành riêng cho các lập trình viên. Tuy nhiên, vì đối tượng và đặc điểm của người tham gia, buổi tiệc tri ân này sẽ có phần đặc biệt trong hình thức và cả thực đơn. Dưới đây là một số gợi ý về tiệc tri ân Lập trình viên ấn tượng và phù hợp:
- Tiệc Buffet: Đây là hình thức tiệc không giới hạn số lượng món ăn và định lượng trên mỗi món, thích hợp với phần lớn thực khách là nam giới với khẩu phần ăn lớn, thích trải nghiệm đa dạng món ăn. Khi chọn tiệc Buffet bạn có thể kết hợp cả thực đơn gồm các món kiểu u, món Việt, món Hàn, món Nhật… để bàn tiệc thêm đa dạng và hấp dẫn.
- Tiệc BBQ ngoài trời: Bạn có thể tổ chức tiệc tại sân thượng của tòa nhà văn phòng hoặc không gian ngoài trời phù hợp. Tại đây, các lập trình viên và tất cả nhân viên sẽ cùng hòa mình vào không gian rộng rãi, thoáng đãng, vừa nướng thịt, vừa rôm rả trò chuyện, kết nối. Những hoạt động văn nghệ, trò chơi hoặc thử thách trí tuệ cũng có thể lồng ghép để buổi tiệc sôi động và đáng nhớ hơn.
- Xe bia, tiệc bia không giới hạn: Từ nhu cầu thực tế của khách hàng, PITO nhận thấy với các dịp dành cho nữ giới, các công ty doanh nghiệp thường chọn xe kem, xe chè, xe trà sữa… nhưng với các dịp có phần đông thực khách là nam giới thì xe bia luôn là lựa chọn ưu tiên. Từ bia tươi đến bia craft, từ xe bia phục vụ tại chỗ đến tháp bia… tất cả đều được các nam thực khách hài lòng. Bên cạnh bia, các món ăn kèm như Finger Food hoặc các món ăn vặt với thực đơn chỉn chu cũng được chuẩn bị để tạo nên trải nghiệm tốt nhất trong các dịp đặc biệt.
- Tiệc Cocktail cực chill: Nếu không chọn bia, công ty bạn có thể chọn tiệc cocktail với các thức uống mới lạ, trong không gian văn phòng được bày trí tinh tế và cực chill. Các bartender sẽ trực tiếp shake (lắc) và pha cocktail theo nhu cầu, mang đến những thức uống sáng tạo, độc đáo phù hợp với sở thích của từng nhân sự. Các món ăn nhẹ cũng được chuẩn bị để nhân viên vừa thưởng thức tiệc vừa giao lưu, kết nối và thư giãn.
*Lưu ý: Bộ phận tổ chức cần có những kế hoạch và chuẩn bị chỉn chu khi triển khai hình thức tiệc bia hoặc cocktail, đảm bảo nhân viên không lái xe sau khi dùng thức uống có cồn.
6. Hoạt động “Dev Memes”
Ý tưởng này hướng đến sự vui vẻ và giải trí thay vì học thuật và mang tính chuyên môn như cuộc thi Hackathon đã nêu. Dev Memes sẽ tạo nên những cảm xúc mới cũng như những kỷ niệm đặc biệt đối với các lập trình viên - những người vốn được nhắc đến là khô khan, ít sự hài hước.
Một số hoạt động bạn có thể triển khai xoay quanh ý tưởng “Dev Memes” như:
- Khởi động hoặc thông báo về hoạt động Dev Memes: Bằng các kỹ năng chuyên môn vốn có, các lập trình viên trong công ty sẽ cùng tham gia tạo Memes - hình ảnh, video giải trí về các thành viên trong công ty, về nghề lập trình hoặc sáng tạo các nhân vật, biểu tượng, thông điệp mới.
- “Dev Memes” Corner: Những meme này sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và chọn lọc để trưng bày tại một góc trong công ty hoặc phổ biến, giới thiệu trên các nền tảng giao tiếp nội bộ, để tất cả nhân viên cùng biết và sử dụng (nếu muốn). Các meme ấn tượng, thú vị, được sử dụng nhiều hoặc được nhiều người yêu thích, bình chọn sẽ được trao các giải thưởng phù hợp.
- Truyền thông, sử dụng lâu dài: Không chỉ trong nội bộ, top meme ấn tượng có thể được giới thiệu rộng rãi trên các kênh truyền thông của công ty và sử dụng lâu dài trong các ấn phẩm như hashtag sự kiện, trang trí khu vực văn phòng, bàn làm việc…
- …
Tùy theo sở trường và chuyên môn của phần lớn lập trình viên cũng như lĩnh vực hoạt động, sản phẩm của công ty, bạn có thể linh hoạt, thay thế meme bằng sticker, icon, bộ nhân vật đặc biệt… Tuy nhiên, tất cả sản phẩm cần được kiểm duyệt trước khi phổ biến rộng rãi, đảm bảo tinh thần vui là chính, không cổ xuý những hình ảnh nhạy cảm, công kích cá nhân hay gây nên những hiểu lầm không đáng có.
7. Khoảnh khắc đặc biệt
Ý tưởng này xuất phát từ quan sát các lập trình viên, đặc biệt là nam lập trình viên, dường như các bạn không có thói quen chụp ảnh, quay video, đôi khi ngại việc xuất hiện trước đám đông. Vì vậy, nhân ngày Lập trình viên quốc tế, công ty hãy dành món quà bất ngờ cho các bạn.
Bộ phận tổ chức sẽ bí mật quay, chụp lại những khoảnh khắc đời thường hoặc lúc các lập trình viên tập trung làm việc, kết hợp tìm kiếm những hình ảnh, video đáng thương trong quá khứ… để tổng hợp làm một video đặc biệt. Video này sẽ được chiếu trong buổi tiệc tri ân, trong chương trình cảm ơn hoặc bất ngờ xuất hiện trên màn hình máy tính của tất cả các thành viên, chiếu trong thang máy, tivi phòng họp…
Sẽ có những ngại ngùng lúc đầu nhưng chắc rằng sẽ có nhiều vỡ oà và hạnh phúc vì họ được thấy chính mình với nhiều khoảnh khắc, nhiều thời điểm khác nhau. Bên cạnh video tổng hợp tất cả nhân sự, bạn có thể chuẩn bị riêng những bức ảnh, đóng khung chỉn chu để gửi đến từng thành viên như một món quà đặc biệt trong ngày dành riêng cho lập trình viên.
8. Coffee & Coding
Có 2 ý tưởng bạn và công ty có thể triển khai xoay quanh từ khoá “Coffee & Coding”. Thứ nhất, nhân ngày Lập trình viên Quốc tế 13/9, bạn sẽ biến không gian văn phòng thành quán cà phê, nơi tất cả nhân sự có thể vừa làm việc, vừa thư giãn với âm nhạc, thức uống và bánh ngọt, cụ thể:
- Để các lập trình viên tự do lựa chọn vị trí làm việc.
- Chuẩn bị quầy bar với nhiều loại thức uống, có thể bố trí nhân viên pha chế và phục vụ tận bàn.
- Chuẩn bị bàn tiệc Tea Break hoặc cung cấp bữa sáng, bữa trưa miễn phí để nhân viên tập trung làm việc mà không phải bận tâm về “chiếc bụng đói”.
- Trang trí không gian, chuẩn bị thêm âm nhạc để văn phòng thêm ấn tượng.
Thứ hai, mượn “cớ” “International Programmers' Day” để giới thiệu, ra mắt không gian Coffee & Coding, đây sẽ là khu vực hoàn hảo kết hợp giữa không gian làm việc và thư giãn, dành riêng cho các lập trình viên của công ty. Tại đây sẽ có:
- Không gian mở với các ghế sofa thoải mái, bàn làm việc có đủ ánh sáng và các yếu tố trang trí để tạo cảm giác dễ chịu và kích thích sự sáng tạo.
- Cà phê và bánh ngọt đa dạng: Đây sẽ như không gian pantry thu nhỏ, gồm đầy đủ các loại thức uống, bánh ngọt, trái cây… hoặc máy pha cà phê, lò vi sóng để nhân viên thoải mái nạp năng lượng sau những giờ coding căng thẳng.
- Công cụ, thiết bị hỗ trợ quá trình làm việc: Không chỉ dành riêng cho cá nhân, không gian này sẽ thích hợp với các buổi brainstorm (động não) ý tưởng, họp nhóm hoặc giao lưu giữa các thành viên.
9. Ra ngoài và vận động
Với đặc thù công việc, các lập trình viên đôi khi không chỉ làm việc 8 tiếng một ngày mà còn nhiều hơn thế, những khoảng nghỉ theo nguyên tắc Pomodoro (làm 25 phút, nghỉ 5 phút) hay nhiều phương pháp khác, thường ít được những nhân sự này áp dụng. Vì vậy, ý tưởng thiết thực để hưởng ứng ngày Lập trình viên Quốc tế là khuyến khích, tạo điều kiện để các bạn ra ngoài và vận động nhiều hơn.
Một số hoạt động có thể thực hiện xoay quanh ý tưởng này như:
- Tổ chức picnic, BBQ hoặc ăn uống ngoài trời, tại các địa điểm gần công ty.
- Tổ chức các hoạt động thể thao như đi bộ, chạy bộ, leo núi, đạp xe hoặc ngày hội thể thao của công ty.
- Thay đổi thói quen ngồi họp bằng “Walking meeting” - hình thức họp khá thú vị, kết hợp hoạt động thể thao (đi bộ) vào những cuộc họp, trao đổi thông tin.
- Cho phép nhân viên về sớm 1 giờ hoặc khuyến khích nhân viên rời khỏi văn phòng sớm trong ngày đặc biệt này để tự do làm những việc mong muốn.
- …
Việc ra ngoài và vận động nhiều hơn, không chỉ cần thiết cho những lập trình viên mà với tất cả nhân viên văn phòng, không chỉ cần triển khai trong ngày Lập trình viên Quốc tế mà cần duy trì và phổ biến thường xuyên. Điều này không chỉ giúp dân công sở cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng mệt mỏi mà còn góp phần tạo nên môi trường làm việc tích cực và mang lại hiệu suất lâu dài.
10. Tặng các món quà công nghệ
Đây dường như là ý tưởng đơn giản, dễ thực hiện trong mọi dịp, dành cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, với ngày Lập trình viên Quốc tế, với các nhân sự là Coder, Developer, Programer… thì việc chọn quà tặng cũng mang tính đặc thù hơn. Các món quà công nghệ là lựa chọn phù hợp với nhóm đối tượng này. Bạn có thể lựa chọn các món quà như:
- Tai nghe chống ồn
- Bộ chuột và bàn phím cơ
- Bộ sạc không dây
- Bộ sạc dự phòng, cáp đa năng
- Máy chơi game
- Thẻ giảm giá, voucher mua hàng tại các cửa hàng chuyên về đồ công nghệ
Khóa học liên quan đến chuyên môn hoặc vé tham quan các triển lãm, sự kiện về công nghệ - …
Song song với việc chọn quà thì tặng quà cũng là điều cần lưu ý. Bộ phận tổ chức có thể chuẩn bị thêm những chiếc thiệp cảm ơn, thiệp tri ân viết tay để tăng thêm tính cá nhân hoá cho món quà; bí mật chuẩn bị và đặt quà sẵn trên bàn việc, tạo bất ngờ cho nhân viên; kết hợp tặng quà trong buổi tiệc cảm ơn…
Nhìn chung, ngày Lập trình viên Quốc tế không chỉ là dịp để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp quan trọng của các lập trình viên mà còn là cơ hội để các công ty công nghệ thể hiện sự quan tâm và tri ân đối với đội ngũ này. PITO mong rằng những thông tin và ý tưởng vừa cung cấp giúp bạn tổ chức và hưởng ứng dịp này dễ dàng hơn. Nếu chưa từng biết, chưa tổ chức sự kiện trong ngày 13/9 thì hãy thử thực hiện ngay trong năm nay để chúc mừng những Lập trình viên của công ty nhé!