Việc ngồi nhiều, tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử thường khiến dân văn phòng căng thẳng và mệt mỏi. Trồng nhiều cây xanh xung quanh hoặc đặt một chậu cây nhỏ trên bàn làm việc là giải pháp hữu hiệu, không chỉ lọc không khí, giúp văn phòng thoáng đãng mà còn giảm nguy cơ phát sinh các bệnh về đường hô hấp.
Trong bài viết này, PITO “gợi ý” đến bạn 12 loại cây lọc không khí thích hợp cho không gian văn phòng, giúp bạn nâng cao sức khỏe lẫn tinh thần làm việc.
1. Cây Dương xỉ
Với đặc tính ưa ẩm ướt và cần ít ánh sáng, dương xỉ thích hợp trồng trong không gian văn phòng. Đây được coi là một trong những "máy lọc không khí" hiệu quả, hoạt động tốt trong việc loại bỏ formaldehyde (hợp chất hữu cơ, ở điều kiện bình thường đây là chất khí có mùi hăng mạnh), thủy ngân và asen (thạch tín) trong không khí.
Dương xỉ cảnh thường có 2 loại chính là dương xỉ Mỹ (Boston Fern) và dương xỉ Nữ hoàng Kimberley (Kimberley Queen Fern), hai giống cây này là loại cây lọc không khí dễ chăm sóc nhất thuộc họ Dương xỉ.
Dễ trồng dễ sống, vì vậy dương xỉ được xem là biểu trưng cho nghị lực sống mạnh mẽ, phi thường, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Về mặt phong thủy, dương xỉ tượng trưng cho sự kết nối giữa nguồn năng lượng may mắn, tích cực và không gian xung quanh. Loài cây này còn thu hút những điều tốt đẹp, mang đến cảm giác tươi mát cho khuôn viên sống. Củ dương xỉ khi nảy mầm sẽ tượng trưng cho sự phát triển mạnh mẽ của tri thức.
2. Cây lan ý
Theo nghiên cứu của NASA, lan ý được công nhận là một trong số 20 loại cây có khả năng thanh lọc không khí tốt nhất. Loài cây này thường mọc san sát vào nhau, sống thành từng bụi, hoa có màu trắng đục, cánh hoa vươn thẳng, tầm vài tháng mới tàn. Với khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, cây lan ý có thể sống trong nhiều môi trường khác nhau. Dựa vào kích thước của lá, lan ý thường được chia làm 3 loại chính, gồm: lan ý lá nhỏ, lan ý lá vừa và lan ý lá to.
Lan ý có công dụng làm giảm lượng khí xylene, formaldehyde từ động cơ xe và các loại sơn trong nhà. Đặc biệt, lan ý trồng trong văn phòng, giúp lọc khí amoniac từ khói thuốc lá, linh kiện điện tử cùng các hoạt chất có khả năng gây nên tình trạng ung thư phổi. Với ưu điểm dễ trồng cùng sức sống kiên cường, lan ý được xem là biểu tượng cho ý chí phấn đấu, phát triển không ngừng, giúp gia chủ vượt qua mọi thử thách, thăng tiến trong sự nghiệp.
3. Cây vạn niên thanh
Vạn niên thanh không đơn thuần là một loại cây cảnh mà chúng được ví như một cỗ máy lọc không khí an toàn, hiệu quả cao. Cây có khả năng hấp thụ khí độc trong môi trường, bức xạ từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại... Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng giống cây này còn có tác dụng chữa bệnh, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu hay thậm chí còn giúp kiểm soát sự lây lan và phát triển của các tế bào ung thư, chữa bệnh bạch cầu.
Bên cạnh nhiều công dụng hữu ích, loài cây này còn mang một ý nghĩa to lớn về mặt phong thủy, mang đến sự may mắn, thịnh vượng và tài lộc cho gia chủ. Cây vạn niên thanh được trồng trong văn phòng sẽ giúp không gian trở nên thoáng mát và trong lành, mang đến liều thuốc tinh thần giúp mọi người cảm thấy dễ chịu, tăng hiệu suất trong công việc.
4. Cây lưỡi hổ
Lưỡi hổ là loại cây cảnh thường được trồng trong vườn, trong nhà để làm đẹp không gian và lọc không khí. Cây lưỡi hổ có thân dạng dẹt, mọng nước, nhìn có vẻ sắc nhọn nguy hiểm nhưng đây là loại thân mềm, tương đối an toàn. Thân cây có hai màu xanh và vàng dọc từ gốc đến ngọn. Đặc điểm của cây lưỡi hổ là có thể phát triển trong điều kiện ánh sáng thấp, vì vậy rất phù hợp cho không gian văn phòng.
Lưỡi hổ có tác dụng lọc sạch không khí, loại bỏ các độc tố gây ung thư như formaldehyde, xylene và nitơ oxit. Theo quan niệm văn hóa phương Tây và phương Đông, cây lưỡi hổ có tác dụng trong việc trừ tà, chống lại bùa chú, đẩy lùi những điềm xấu, mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Do lá cây có hình con dao sắc nên lưỡi hổ còn được ví như sức mạnh của chúa sơn lâm, có khả năng xua đuổi tà khí, hạn chế xui xẻo đến với gia chủ.
5. Cây nha đam (lô hội)
Cây nha đam (lô hội) tên khoa học là Aloe vera, được biết đến với công dụng chữa bệnh và làm đẹp hiệu quả. Ít ai biết rằng, loài cây này còn có tác dụng thanh lọc không khí, loại bỏ formaldehyde và benzene, giúp không gian sống trở nên trong lành hơn.
Đặc biệt, cây nha đam còn có khả năng hiển thị lượng ô nhiễm trong không khí thông qua những đốm nâu trên thân cây, khi xuất hiện đốm nâu, cây sẽ kích hoạt cơ chế hoạt động và tự mình loại bỏ sạch sẽ các khí độc. Vì vậy việc trồng cây nha đam tại không gian làm việc sẽ giúp mọi người bảo vệ sức khỏe, nâng cao năng suất làm việc.
Theo phong thủy, cây nha đam thuộc mệnh Mộc tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, mang đến vượng khí cho gia chủ. Khi cây nha đam nở hoa có nghĩa là gia đình có chuyện vui, công việc phát triển đạt được những thành quả xứng đáng.
6. Cây tuyết tùng
Cây tuyết tùng hay còn gọi là cây bách Nhật Bản thường được trồng làm bonsai cỡ nhỏ trang trí trong nhà và nơi làm việc. Loài cây này gắn liền với sức khỏe của con người, có tác dụng thanh lọc không khí, giúp cân bằng cảm xúc, mang đến giấc ngủ ngon cùng tâm trạng thư thái. Ngoài ra, tinh dầu của cây tuyết tùng có công dụng xua đuổi côn trùng, làm thuốc bôi ngoài da giúp ngăn ngừa và chữa các bệnh về da như viêm, nấm, vảy nến...
Về mặt tâm linh, cây tuyết tùng có thể xua đuổi ma quỷ, ám khí xấu. Biểu tượng cây tuyết tùng thường xuất hiện trên những đồ vật gốm sứ, tượng trưng cho những điều may mắn, tài lộc, sức khỏe, giữ tiền giữ của cho người sở hữu nó. Ngoài ra, người xưa còn quan niệm rằng nếu trong giấc mơ có sự xuất hiện cây tuyết tùng thì bạn sẽ có những ý tưởng mới, dễ dàng thành công trong công việc hơn.
7. Cây trầu bà
Trầu bà là loại cây thân cỏ, xanh quanh năm và có tuổi thọ rất cao. Sỡ dĩ cây có tên này là vì chúng có hình dáng giống cây trầu với lá hình trái tim, hoa hình mo. Cây phát triển dạng thân leo nên thường được mọi người trồng trong giỏ treo với công dụng giúp ngôi nhà cũng như văn phòng trở nên tinh tế và thoáng đãng hơn. Với đặc tính dễ trồng, lớn nhanh, không cần dành quá nhiều công chăm sóc và có khá nhiều loại, loài cây này thường được dân văn phòng “ưu ái” lựa chọn.
Trong phong thủy, trầu bà là “cây tiền tài”, giúp mọi chuyện hanh thông, dễ dàng, thuận lợi. Hình ảnh trầu bà cũng được cho là có thể tránh vận xui và đem đến nhiều may mắn trong cuộc sống. Niềm tin này đã được nhiều người tin tưởng, do đó, trầu bà thường xuất hiện trong nhiều ngôi nhà, bàn làm việc và cả văn phòng công ty.
8. Cây thường xuân
Cũng là cây cảnh dây leo như trầu bà, thế nhưng thường xuân có tốc độ sinh trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cây không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, có thể trồng trong chậu để bàn hoặc thả ra cho leo tường phủ kín không gian. Chính điều này giúp thường xuân trở thành cây cảnh được ưa chuộng, mang đến sự xanh mát cho nhà ở và văn phòng.
Đồng thời, đây cũng là loài cây cảnh lọc không khí cực kỳ hiệu quả. Trong vòng 6 giờ, cây thường xuân gần như loại bỏ 58% phân tử nấm mốc và 60% các chất độc trong không khí. Tán lá rậm rạp của thường xuân hấp thụ rất tốt formaldehyde - một loại độc tố nếu hít phải ở nồng độ cao có thể gây ra các kích thích cho mắt, làm chảy nước mắt, đau đầu, nóng cổ họng, khó thở hay thậm chí là ung thư.
Theo quan niệm phong thủy, thường xuân có khả năng xua đuổi tà ma và những vận hạn đen đủi, từ đó mang đến sự bình an, thịnh vượng đến cho gia chủ. Cái tên thường xuân cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho tài lộc, sinh sôi nảy nở và may mắn.
9. Cây cọ cảnh
Khác với những cây cọ to lớn mà bạn từng biết, cọ cảnh có kích thước nhỏ gọn hơn với các tán lá rộng trông rất đẹp mắt. Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc NASA, cây cọ cảnh đứng top 3 trong bảng xếp hạng những loại cây lọc không khí trong nhà. Vì vậy được xem là lựa chọn tối ưu cho những văn phòng làm việc có ít cửa sổ.
Ngoài ra, cọ cảnh còn được biết đến nhiều với khả năng xua đuổi ruồi muỗi và côn trùng. Trồng cây gần vị trí cửa sổ, cửa ra vào không chỉ tránh được các loại côn trùng gây hại mà còn có tính thẩm mỹ cao.
Cây cọ trong phong thủy là loại cây mang điềm lành. Lá cây to, xanh mượt, tán xòe rộng hình tròn thể hiện cho sự tròn trịa và đủ đầy. Lá cọ ngửa ra ngoài giống như những bàn tay to hứng lộc. Cây có màu sắc tươi sáng, dáng thẳng đứng và cứng cỏi, có tác dụng trừ tà, xua đuổi khí xấu. Dáng cọ đẹp, hướng ra xung quanh giúp thu hút vượng khí, đem đến sự may mắn, hy vọng và điềm mừng. Ngoài ra, tán cọ rộng còn mang đến cảm giác khoáng đạt và thăng tiến.
10. Cây ngũ gia bì
Cây ngũ gia bì được gọi với nhiều cái tên như thích gia bì, xuyên gia bì. Đây là loại cây thường mọc hoang ở vùng đồi núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… Ngoài công dụng làm thuốc, làm đẹp, ngũ gia bì còn giúp thanh lọc không khí, cải thiện sức khỏe, làm giảm các chất benzene, toluene và formaldehyde gây ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, loại cây này còn có hoạt chất giúp xua đuổi muỗi và côn trùng hiệu quả, hạn chế các bức xạ từ máy tính cũng như các thiết bị điện tử. Vì vậy chúng rất thích hợp cho không gian văn phòng và bàn làm việc.
Cây ngũ gia bì trong phong thủy có ý nghĩa giúp gia chủ phát triển vững mạnh, ổn định tài vận, giữ được tiền tài. Trong ngũ hành tương sinh, cây ngũ gia bì là cây của người mệnh Mộc, tương sinh cho mệnh Mộc. Những người mệnh Mộc trồng một chậu cây ngũ gia bì sẽ có được nhiều tài khí và may mắn.
11. Cây dây nhện
Cây dây nhện là một loài thân cỏ, lá uốn chằng chịt, khi cây phát triển, từ cây mẹ mọc lên nhánh con, tỏa rộng như mạng nhện. Lá cây dây nhện có chứa chlorophyll - loại chất có tác dụng loại bỏ tia gây hại từ các thiết bị điện tử, thanh lọc không khí, giúp cho bầu không khí luôn trong lành, dịu mát.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của NASA, màu xanh của lá cây dây nhện được chứng minh là có thể giúp tăng thêm 20% trí nhớ và 10% hiệu quả công việc. Chính vì vậy, cây dây nhện rất được ưa dùng làm cây cảnh để bàn làm việc hay đơn giản là bày trong văn phòng.
Trong phong thủy, cây dây nhện mang đến nhiều may mắn, an lành cho gia chủ. Về mặt khoa học, dây nhện có tác dụng chữa bệnh trầm cảm, mang đến một luồng khí tốt giúp lưu thông vượng khí trong văn phòng, đem lại sự bình yên, may mắn cho người sở hữu.
12. Cây ngọc ngân
Cây ngọc ngân là một trong những cây cảnh tiêu biểu tượng trưng cho tình yêu. Cây có vẻ đẹp thanh tao, nhẹ nhàng cùng sức hút lạ kỳ nên thường được lòng rất nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng. Ngọc ngân có tác dụng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn rất thích hợp cho việc trang trí văn phòng hay bàn làm việc. Lá cây có khả năng hút các chất độc hại phát ra từ thiết bị điện tử, khói thuốc lá, giữ ẩm cho không gian phòng, nhất là với những không gian sử dụng máy điều hòa liên tục.
Theo phong thủy, ngọc ngân được mệnh danh là cây tài lộc mang đến tiền tài, may mắn và thịnh vượng cho chủ nhân. Người ta tin rằng có cây ngọc ngân trong nhà hay phòng làm việc sẽ thì may mắn sẽ mỉm cười cùng tài lộc hưng vượng. Để phát huy tác dụng phong thủy, bạn có thể đặt cây tại hướng Đông Nam, sẽ tích trữ nhiều năng lượng tích cực, vận khí cũng sẽ trở nên tốt hơn.
Đặc biệt, loài cây này còn có tên khác là Valentine, đại diện cho tình yêu đôi lứa, vì vậy các cặp đôi có thể lựa chọn ngọc ngân làm quà tặng trong lễ tình nhân, thể hiện tâm ý, tình cảm chân thành dành cho nhau.
13. Cây kim tiền
Cây kim tiền hay còn gọi là cây phát tài có nguồn gốc từ châu Phi, đặc biệt là các khu vực có khí hậu khô hạn và nắng nóng. Vì vậy, cây chịu hạn rất tốt. Cây kim tiền sở hữu những đặc điểm sinh tồn đặc biệt như hệ thống rễ củ rất phát triển, giúp chúng tích trữ nước và chất dinh dưỡng; lá cây dày và bóng có khả năng hạn chế sự thoát hơi nước, giúp cây giữ được độ ẩm lâu hơn.
Cây có chiều cao trung bình từ 20 đến 90 cm, thân mọng nước, phát triển thành dạng bụi, tuổi thọ khá cao. Phần thân ngắn, rễ ăn sâu xuống đất, phần gốc phình to. Kim tiền có tán cây vươn thẳng, xòe đều, đối xứng tạo sự cân đối bắt mắt. Lá kim tiền có độ dày nhất định, màu xanh bóng, mọng nước, dạng kép lông chim. Chúng rất dễ sống và không mất nhiều công chăm sóc. Ngay cả khi môi trường sinh trưởng ở mức bình thường thì cây vẫn tươi tốt. Nhiệt độ thích hợp để trồng cây là 22 đến 28 độ C.
Với vẻ ngoài cứng cáp và khả năng sinh tồn mạnh mẽ, cây kim tiền trở thành biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng và may mắn trong phong thủy. Lá cây mọc đối xứng tạo cảm giác cân bằng và hài hòa cho không gian. Thân cây mập mạp, tượng trưng cho sự giàu có và sung túc. Ngoài ra, cây kim tiền được lựa chọn còn bởi vì cây có khả năng lọc không khí rất hiệu quả. Vì vậy, hãy thử đặt cây kim tiền ở bàn làm việc, góc phòng hoặc sảnh lễ tân ở văn phòng nhé.
14. Cây sen đá
Sen đá có nhiều hình dạng và màu sắc đa dạng, tạo nên vẻ đẹp độc đáo nên từ lâu đã trở thành một trong những loại cây được ưa chuộng để trang trí không gian sống và làm việc. Sen đá là giống cây mọng nước, nhánh lá tươi, căng tròn. Sen đá có khả năng sống sót cả những nơi khô cằn và lá mọc thành hình như những bông hoa nên được gọi là hoa sen đá.
Loại cây này tượng trưng cho sự kiên cường, sức sống mãnh liệt và khả năng thích nghi cao. Chúng có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện thiếu nước và ánh sáng, giống như con người chúng ta luôn cần sự kiên trì để vượt qua những khó khăn trong công việc. Việc đặt một chậu sen đá trên bàn làm việc không chỉ giúp không gian trở nên sinh động mà còn mang đến những nguồn năng lượng tích cực.
Khi chọn sen đá để trang trí văn phòng, bạn nên chọn những chậu cây có kích thước phù hợp với không gian và sở thích của mình. Ngoài ra cần lưu ý lựa chọn những loại có màu sắc và hình dáng hài hòa với nội thất văn phòng để tăng yếu tố thẩm mỹ.
15. Cây dạ lan hương
Dạ lan hương hay còn gọi là cây tiên ông vì có bộ rễ trắng tinh rất độc đáo. Dạ lan hương là loại cây thân thảo, lá to và ngắn, chiều cao khoảng 15-20 cm, sở hữu vẻ đẹp thanh lịch và nhẹ nhàng. Cây được ví như sự tinh khiết, trong sáng, được yêu thích và trồng làm cảnh ở nhiều nơi. Người ta tin rằng dạ lan hương có khả năng mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Hương thơm dịu nhẹ của hoa giúp tinh thần thư thái, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Đồng thời cây có khả năng hấp thụ các chất độc hại trong không khí, giúp không gian làm việc trong lành hơn.
Dạ lan hương là loài cây khá dễ trồng và chăm sóc. Bạn chỉ cần chú ý đến một số điểm như: Cây ưa bóng mát, nên đặt ở nơi có ánh sáng dịu nhẹ; tưới nước vừa đủ, tránh để đất quá ẩm hoặc quá khô; bón phân định kỳ cho cây để cây phát triển tốt và có thể ra hoa.
16. Cây phát lộc
Phát lộc hay còn gọi là trúc phát tài, là một loài cây cảnh thủy sinh phổ biến có nguồn gốc từ các nước châu Á nhiệt đới. Cây có thân mọc thẳng, không có cành mà có nhiều đốt nhỏ từ 2-3 cm, màu xanh tươi mát và thường được uốn thành nhiều hình dáng khác nhau như xoắn ốc, tháp... Đặc biệt chỉ cần cắm trong nước hoặc dung dịch dinh dưỡng thì nó cũng có thể sinh trưởng tốt.
Sở dĩ cây phát lộc được ưa chuộng bởi vì ý nghĩa phong thủy, tương truyền nó mang lại nhiều may mắn, giúp cân bằng năng lượng âm dương, tạo không gian làm việc hài hòa và thư thái.
Riêng với môi trường công sở, loại cây này còn góp phần lọc không khí, tạo không gian xanh mát, gần gũi với thiên nhiên, cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng và nâng cao hiệu quả công việc. Cây đặt trên bàn làm việc mang ý nghĩa giúp công việc thuận lợi, công danh sự nghiệp rộng mở, gặp nhiều may mắn.
17. Cây kim ngân
Hình ảnh những thân cây kim ngân xoắn vào nhau, lá xanh mướt đã trở nên quen thuộc trong nhiều văn phòng. Nhờ dáng vẻ ấn tượng, loại cây được coi là đại diện cho sự đoàn kết và phát triển không ngừng. Đặc biệt, số lượng thân cây cũng mang ý nghĩa riêng: ba thân tượng trưng cho trời, đất, người, mang lại sự cân bằng; năm thân tượng trưng cho ngũ hành, thu hút tài lộc.
Khi đặt cây kim ngân trong văn phòng, không chỉ tạo nên một không gian xanh mát mà còn thu hút năng lượng tích cực, mang lại may mắn và tài lộc cho công ty. Bên cạnh đó, có thể giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung và tạo cảm giác thoải mái. Cây cũng rất dễ chăm sóc, nên có thể trồng trong nhà, sân vườn, phòng máy lạnh, vừa đem lại tài lộc, may mắn, vừa đuổi muỗi.
Để việc trang trí thêm hiệu quả, nên đặt kim ngân ở những vị trí trang trọng như sảnh, phòng họp hoặc bàn làm việc của lãnh đạo. Đồng thời kết hợp với các yếu tố phong thủy khác như tượng Phật, hồ cá… vừa đẹp mắt lại tăng thêm ý nghĩa của cây.
18. Cây cau tiểu trâm
Cau tiểu trâm là cây thân thảo hoá gỗ, thường mọc thành bụi, có hình dáng như một cây dừa thu nhỏ, chiều cao trung bình từ 20-30 cm. Tuy là cây ưa sáng, nhưng cau tiểu trâm cũng có thể sinh trưởng trong điều kiện bán râm. Tại Việt Nam, cau tiểu trâm còn được gọi với cái tên là dừa tụ thân. Thường có hai loại: cau tiểu trâm trồng đất và cau tiểu trâm thủy sinh (trồng nước).
Trong phong thủy, cau tiểu trâm gắn liền với sự may mắn, tài lộc và sinh sôi mạnh mẽ. Lá cau thanh mảnh, vươn cao tượng trưng cho ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn. Cây còn có khả năng hút khí độc, thanh lọc không khí, mang đến một bầu không khí trong lành và tươi mát.
Về mặt thẩm mỹ, cau tiểu trâm có nhiều kích thước và kiểu dáng khác nhau, phù hợp với nhiều không gian làm việc. Bạn có thể đặt một chậu cau tiểu trâm nhỏ xinh trên bàn làm việc để giảm căng thẳng, mệt mỏi, hoặc trồng một cây cau lớn trong góc phòng để tạo điểm nhấn ấn tượng.
Ngoài ra, cau tiểu trâm còn rất dễ chăm sóc, có thể sống được trong điều kiện ánh sáng yếu và ít nước. Vì vậy, đây là một lựa chọn lý tưởng cho dân văn phòng bận rộn hoặc không có nhiều kinh nghiệm trồng cây.
19. Cây cát tường
Cát tường không chỉ là một loài hoa trang trí đẹp mắt mà còn mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc về phong thủy. Tên gọi “cát tường” đã nói lên tất cả, tượng trưng cho sự may mắn, an lành và những điều tốt đẹp.
Chính vì vậy, nhiều người thường chọn cây cát tường để trang trí trong văn phòng làm việc hoặc các không gian công sở với mong muốn thu hút tài khí, đem lại sự hanh thông và thịnh vượng. Chưa kể, mỗi màu sắc của cát tường lại mang một ý nghĩa riêng: Cát tường đỏ biểu tượng cho may mắn và niềm vui; cát tường trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, trong sáng và những khởi đầu mới; cát tường tím đại diện cho sự sang trọng, quý phái và cuốn hút.
20. Cây lan hồ điệp
Trong nghệ thuật trang trí, lan hồ điệp được xem là một biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp. Với những đường nét tinh tế và màu sắc hài hòa, loài hoa này có khả năng làm nổi bật bất kỳ không gian nào. Một chậu lan hồ điệp đặt trong phòng khách, phòng làm việc hay thậm chí là bàn ăn đều mang đến một cảm giác ấm cúng, lịch sự và tinh tế.
Ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ, lan hồ điệp còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy tốt đẹp. Ở nhiều nền văn hóa, lan hồ điệp được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng, hạnh phúc và may mắn. Việc trưng bày lan hồ điệp được cho là sẽ mang lại nhiều điều tốt lành. Đặc biệt, mỗi màu sắc của lan hồ điệp lại mang một ý nghĩa riêng, ví dụ như lan hồ điệp màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, lan hồ điệp màu hồng tượng trưng cho tình yêu, còn lan hồ điệp màu vàng tượng trưng cho sự giàu có.
Với những ý nghĩa tốt đẹp và vẻ đẹp quyến rũ, lan hồ điệp xứng đáng là một trong những loài hoa được nhiều người yêu thích. Việc sử dụng loại cây này để trang trí nơi công sở không chỉ làm đẹp cho không gian mà còn mang đến nhiều điều may mắn và ý nghĩa cho công việc.
Trên đây là tổng hợp của PITO về các loài cây cảnh vừa giúp lọc không khí, vừa mang tính thẩm mỹ cao. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn lựa chọn được loại cây ưng ý để trang trí văn phòng nhằm đảm bảo chất lượng cho không gian làm việc, nâng cao sức khỏe tinh thần, tăng năng suất trong công việc.