Bánh cúng khai trương là một trong những lễ vật cần có trong mâm cúng khai trương. Tuỳ theo quy mô Lễ, quan niệm văn hoá và mô hình kinh doanh, buôn bán, gia chủ sẽ có những chuẩn bị và kết hợp các loại bánh khác nhau. Dưới đây, PITO gợi ý cho bạn Top 10 loại bánh cúng khai trương phổ biến, mang nhiều ý nghĩa về may mắn và tài lộc.
1. Bánh tài lộc
Bánh tài lộc hay còn gọi là bánh túi tiền, bánh "chính túi" (tiếng Hoa là "kim đại", tức túi đựng vàng). Nhìn từ bên ngoài, chiếc bánh có hình dáng như một túi tiền, túi vàng với phần thân bánh to tròn, vàng rượm; phần chóp được thợ làm bánh khéo léo nặn thành bốn cánh đều nhau và quét sơn màu đỏ, tựa như cánh hoa đang bung nở rực rỡ.
Nhân bên trong cũng là sự gắn kết đặc biệt giữa nhiều nguyên liệu như đậu phộng rang, hạt sen, cốm, mạch nha... tất cả được vo tròn, kết chặt. Theo quan niệm của người Hoa, loại bánh cúng khai trương này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, biểu tượng cho tiền tài và phước lộc. Bày trí trên mâm cúng khai trương, bánh tài lộc có thể "rước" tiền, "rước" vàng về cho gia chủ, khiến công việc làm ăn, buôn bán thuận lợi, hanh thông.
2. Bánh dứa thỏi vàng
Loại bánh cúng khai trương này không chỉ có vẻ ngoài thu hút mà còn ẩn dụ nhiều ý nghĩa từ những nguyên liệu làm ra. Trong mâm ngũ quả, quả dứa (hay quả thơm, quả khóm) với phần chóp bung toả, xoè đều, hướng lên phía trên thể hiện cho sự phát triển mạnh mẽ trong công việc làm ăn. Đặc biệt, nhiều người quan niệm, dứa là loại trái cây tượng trưng cho may mắn và sung túc.
Kết hợp nguyên liệu này cùng cách tạo hình đặc biệt khiến bánh dứa thỏi vàng lại càng ý nghĩa hơn. Vỏ ngoài vàng ánh, hình thỏi vàng bắt mắt, nhân bên trong làm từ dứa cũng vàng tươi, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được nhiều cảm giác khác nhau, từ béo bùi, thơm bơ của vỏ bánh đến chua chua, ngọt ngọt, lạ miệng của nhân dứa. Cúng bánh dứa thỏi vàng trong ngày khai trương như một cách cầu tài, mong công việc ngày càng thịnh vượng hơn.
3. Bánh bao Đào Tiên
Chọn bánh cúng khai trương người ta ưu tiên hơn về ý nghĩa và hình thức bên ngoài. Do vậy, cũng là bánh bao với ngần ấy nguyên liệu và cách chế biến nhưng có thêm một chút biến tấu, loại bánh bình thường bỗng trở nên đặc biệt. Bánh bao Đào Tiên với hình quả đào căng tròn, màu sắc thu hút là một ví dụ như thế.
Trong các mâm cúng, hình ảnh quả đào đại diện cho cát khí mạnh mẽ, là biểu tượng của sự giàu có, phú quý, sung túc. Thế nên, lựa chọn món bánh này trong ngày khai trương, người ta hy vọng công việc làm ăn trôi chảy, phát đạt trường tồn. Cũng như bánh bao thông thường, loại bánh Đào tiên cũng có nhiều loại nhân khác nhau, nhân thịt hoặc nhân ngọt, có thể dùng ăn chay, phù hợp với mọi nhu cầu của khách hàng.
4. Bánh tổ
Bánh tổ cúng khai trương là loại bánh có nguồn gốc từ văn hoá của người Hoa, được sử dụng phổ biến trên mâm cúng ngày Tết. Bởi theo tiếng Hoa, bánh tổ được đọc là "nián gao", tạm hiểu là mong ước những điều cao hơn, phát triển hơn.
Bánh được làm chủ yếu từ bột nếp và đường trắng hoặc đường vàng, đổ khuôn tròn rồi hấp chín. Khi chọn bánh cúng khai trương, người ta ưu tiên chọn loại bánh làm từ đường vàng, để màu bánh thêm phần hấp dẫn. Trên mỗi chiếc bánh khi đã hấp chín, được đóng dấu mộc với những chữ Hán: Phúc - Lộc - Thọ, không chỉ bắt mắt mà còn tăng thêm phần ý nghĩa.
Theo quan niệm truyền thống, loại bánh cúng khai trương này như một lễ vật thành kính, gia chủ dâng lên tổ tiên và các vị thần linh cai quản cửa hàng, công ty. Đồng thời, hy vọng một ngày khai trương hồng phát, công việc ngày càng thịnh vượng và phát triển cao hơn.
5. Bánh Thuẫn
Bánh thuẫn là một dạng của bánh bông lan nhưng được làm theo công thức của người Hoa, cốt bánh mềm mịn, tơi xốp, khi nướng (hoặc hấp) chín bột bánh tự nở to ra tựa như một bông hoa rực rỡ. Hình ảnh này khiến người ta liên tưởng đến sự sinh sôi, nảy nở và không ngừng phát triển. Đặc biệt, những thợ làm bánh thuẫn lâu năm còn cho rằng việc bánh nở hoa mang ý nghĩa về sự phát tài, phát lộc.
Do vậy, loại bánh này đang trở thành một trong nhiều lễ vật cúng khai trương được ưa chuộng. Một dĩa bánh thuẫn khoảng 5 chiếc bánh vàng ươm, nảy nở đã đủ để mâm cúng thêm phần đầy đặn, sung túc và mang đến cho gia chủ nhiều điềm lành sau ngày khai trương.
6. Bánh đậu xanh rồng vàng
Trong một lần kinh lý qua Trấn Hải Dương (tỉnh Hải Dương ngày nay), vua Bảo Đại được nhân dân dâng lên món bánh mềm, béo làm từ đỗ xanh. Vua ăn thấy ngon và rất thích nên khi về cung đã ban sắc lệnh khen loại bánh này. Đặc biệt, trên sắc lệnh có in hình rồng vàng - biểu tượng của quyền lực và thịnh vượng. Kể từ đó, bánh đậu xanh rồng vàng ngày càng phổ biến.
Trong mâm cúng khai trương, người ta thường chọn bánh đậu xanh với những khối vuông vừa vặn, vàng rực, vừa tượng trưng cho đất, che chở, phù trợ gia chủ; vừa biểu tượng cho rồng với sự dũng mạnh, khí thế oai nghiêm, mang đến nhiều thịnh vượng, viên mãn trong công việc kinh doanh, buôn bán.
7. Bánh trôi ngũ sắc
Cũng với ngần ấy nguyên liệu: bột nếp dẻo thơm, đỗ xanh béo bùi, đường trắng ngọt lịm và vừng rang thơm lừng, bánh trôi ngũ sắc “biến hoá” thêm về hình thức, không chỉ “vừa trắng lại vừa tròn” mà còn rực rỡ sắc màu. Với các loại bánh cúng khai trương, người ta thường sử dụng nguyên liệu tự nhiên như lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, quả gấc… để tạo màu cho bánh trôi.
Bày lên mâm cúng, dĩa bánh trôi với đủ màu sắc tượng trưng cho sự đong đầy và tươi mới, hình bánh được vo tròn thể hiện sự tròn đầy, viên mãn trong cuộc sống lẫn hoạt động kinh doanh. Bạn có thể bày nhiều chiếc bánh lên một dĩa hoặc chia nhỏ 7 - 9 dĩa, mỗi dĩa 1 - 3 bánh theo đúng nguyên tắc bày lễ cúng khai trương nhé!
8. Bánh bò bông xốp người Hoa
Khác với các loại bánh bò rễ tre, bánh bò thốt nốt, bánh bò bi… tại các tỉnh miền Tây, bánh bò bông xốp của người Hoa khi hấp chín cốt bánh sẽ nở đều 4 gốc, tạo thành hình bông hoa (tương tự hình dáng của bánh thuẫn). Với sự kết hợp của nhiều nguyên liệu tự nhiên, thợ làm bánh có thể tạo nên nhiều chiếc bánh bò với những màu sắc sinh động.
Loại bánh cúng khai trương này, được “ưu ái” đặt lên mâm lễ vật với mong muốn việc kinh doanh, buôn bán cũng như chiếc bánh, đúng công thức, đúng điều kiện sẽ “nở hoa” và gặt hái được thành công.
9. Bánh bông lan
Trong các mâm cúng, người ta thường sử dụng bánh bông lan như một lễ vật dâng đến đến các vị thần linh, vị thần cai quản vùng đất cửa hàng, công ty đang hoạt động. Tuỳ theo văn hoá và quan niệm của từng vùng miền hoặc từng cá nhân, gia chủ sẽ chọn những loại bánh bông lan khác nhau.
- Bánh bông lan ổ cúng khai trương có ý nghĩa về một khối thống nhất, gắn kết bền chặt. Ổ bánh hình tròn đại diện cho sự che chở của trời và niềm tin về sự tròn đầy, suôn sẻ trong việc kinh doanh.
- Bánh bông lan trứng muối là sự kết hợp hài hoà giữa vị ngọt, béo của bột đường với vị mặn, bùi của trứng muối. Những nguyên liệu tưởng chừng tách biệt nhưng lại hoà quyện đầy hấp dẫn. Cúng bánh bông lan trứng muối, gia chủ hy vọng, hoạt động của cửa hàng, công ty được lòng khách hàng, đối tác, nhân sự hoà hợp, ổn định.
10. Bánh kem khai trương
Bên cạnh các loại bánh cúng khai trương truyền thống, bánh kem đang dần xuất hiện trong mâm lễ vật. Nhờ sự sáng tạo không ngừng của người thợ, những chiếc bánh tưởng chừng chỉ để chúc mừng, trao tặng nay có thể có mặt trang trọng trên mâm cúng. Bánh kem cúng khai trương có nhiều hình dạng phong phú và mẫu mã sinh động, gửi gắm lời chúc khai trương hồng phát đến gia chủ.
- Bánh kem hũ vàng có vẻ ngoài mô phỏng lại hình ảnh hũ vàng, hũ tiền với màu vàng chủ đạo. Loại bánh này không chỉ để bày lên mâm cúng mà còn có thể trang trí hoặc làm quà khai trương. Bởi hũ vàng, hũ tiền biểu tượng cho tài lộc và sự thịnh vượng. Sử dụng bánh này để cúng khai trương, gia chủ muốn công việc thuận lợi, khai trương hồng phát.
- Bánh kem khai trương thần tài thường được làm tỉ mỉ, có hình ảnh ông Thần tài hoặc làm theo mô hình chú mèo may mắn Maneki Neko. Bánh được “ưu ái” bày lên mâm cúng, thể hiện cho may mắn, tài lộc và niềm tin về sự thành công, phát đạt trong kinh doanh.
Bánh Tea Break khai trương vừa tinh tế vừa tiện lợi
Để ngày khai trương trọn vẹn, bạn không chỉ chuẩn bị các loại bánh cúng khai trương bày lên mâm lễ vật mà cũng nên tổ chức tiệc khai trương tiếp đãi khách mời. Bữa tiệc có thể hoành tráng với hình thức tiệc mặn như tiệc Buffet, tiệc Nhanh, tiệc Finger Food hoặc đơn giản, tinh tế với tiệc Tea Break cùng các món bánh ngọt, trái cây và nước uống.
Theo kinh nghiệm làm việc cùng các khách hàng doanh nghiệp, PITO nhận thấy các sự kiện khai trương đều được tổ chức vào buổi sáng sớm do vậy tiệc Tea Break hoặc các loại bánh Tea Break bạn chuẩn bị cũng cần phù hợp với thời gian này. Chẳng hạn, thực đơn cần có các loại bánh mặn, nhiều năng lượng để thực khách có thể thay thế bữa sáng như bánh Pate chaud, Mini hamburger, bánh mì xúc xích, bánh mì gà chà bông…
Đặc biệt, sự có mặt của các món bánh Tea Break trong sự kiện khai trương có thể là “sợi dây” kết nối mọi người, là món ăn tiện lợi, tinh tế để thực khách vừa thưởng thức vừa trò chuyện, kết nối nhiều hơn.
Trên đây, PITO đã giới thiệu các loại bánh cúng khai trương và cả bánh Tea Break khai trương để bạn có thêm lựa chọn cho sự kiện đặc biệt của cửa hàng, văn phòng hoặc công ty. Nếu bạn biết những loại bánh cúng khai trương khác, mang đặc điểm văn hoá, phong tục hoặc đặc trưng vùng miền, đừng ngần ngại để lại bình luận để PITO và các bạn đọc cùng tham khảo nhé!