Trong và sau đại dịch Covid-19, người ta bắt đầu nhắc nhiều hơn về sức khoẻ tinh thần, về cách chăm sóc và nuôi dưỡng những cảm xúc bên trong. Một số công ty, doanh nghiệp dần đưa những hoạt động chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên trở thành phúc lợi, với mục đích tạo ra sự cân bằng, vui vẻ và hướng đến xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, dễ dàng thu hút và giữ chân nhân tài.
Trong bài viết này, PITO sẽ gợi ý 10 hoạt động kèm hướng dẫn chi tiết, giúp công ty chăm sóc và cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên.
1. Hoạt động “Vẽ chữa lành”
“Vẽ chữa lành” là phương pháp sử dụng nghệ thuật để giải tỏa căng thẳng, buồn chán, tự ti hay những cảm xúc tiêu cực khác. Hoạt động này có thể giúp người tham gia thể hiện bản thân, tìm kiếm ý nghĩa, tăng cường sự tự tin, sáng tạo, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mang “Vẽ chữa lành” vào công ty, HR, Admin hoặc bộ phận tổ chức chỉ cần trang bị cho nhân viên một bộ dụng cụ vẽ đơn giản và một không gian yên tĩnh, thoải mái. Từ đó, nhân viên có thể vẽ theo cảm xúc mà không cần bất cứ kỹ năng hay yêu cầu về hội hoạ nào.
Bạn có thể tổ chức hoạt động vẽ chữa lành cho nhân viên với 4 bước đơn giản:
- Bước 1 - Xác định thời gian và địa điểm của hoạt động:
Bạn có thể tổ chức “Vẽ chữa lành” như một hoạt động với khung thời gian cụ thể tại văn phòng, quán cafe, công viên hoặc khu du lịch gần nhất. Hoặc có thể chuẩn bị sẵn không gian vẽ chữa lành tại khu vực thư giãn của công ty, nơi đó luôn có sẵn dụng cụ, để bất cứ khi nào nhân viên muốn, đều có thể vẽ để xoa dịu cảm xúc. - Bước 2 - Chuẩn bị công cụ, dụng cụ cần thiết:
Phục vụ hoạt động vẽ chữa lành, bạn chỉ cần chuẩn bị một số dụng cụ cơ bản gồm bút chì, bút màu, màu nước, giấy, vải, keo... Ngoài ra, ban tổ chức cũng cần chuẩn bị một số mẫu vẽ để nhân viên có thể tham khảo hoặc sáng tạo theo sở thích. - Bước 3 - Hướng dẫn thực hiện hoạt động:
Dù “Vẽ chữa lành” không đòi hỏi bất cứ yêu cầu hay thể lệ tham gia nào, nhưng trước khi bắt đầu, bộ phận tổ chức cũng nên hướng dẫn nhân viên về cách sử dụng các dụng cụ để vẽ. Đặc biệt, nhân viên cần được giới thiệu về mục tiêu và lợi ích của hoạt động này để thực hiện một cách hiệu quả. Trong quá trình vẽ, ban tổ chức có thể khuyến khích nhân viên thể hiện bản thân và sáng tạo như vẽ giấc mơ, vẽ ký ức, vẽ về điều mà họ biết ơn hay đơn giản là vẽ một đồ vật yêu thích. - Bước 4 - Chia sẻ và phản hồi:
Sau khi kết thúc hoạt động, HR nên tạo cơ hội để nhân viên giới thiệu về tác phẩm. Bạn có thể tổ chức một buổi trưng bày các bức vẽ của nhân viên, hoặc khuyến khích họ trao đổi, chia sẻ cùng nhau. Tất cả đều trên tinh thần, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và không phán xét. Điều này giúp nhân viên cảm nhận sự trân trọng, dễ dàng gắn kết hơn với công ty và đồng nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhân viên không thoải mái giới thiệu về bức tranh, bạn cũng nên tôn trọng điều này.
2. Tổ chức khóa học thiền
Thiền mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ tinh thần như giảm căng thẳng, cải thiện khả năng tập trung, giảm lo lắng, trầm cảm… Do đó, việc tổ chức lớp học về thiền có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên trong công ty, đặc biệt là khi họ phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức trong công việc.
Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phù hợp với từng đối tượng nhân viên. Ban tổ chức nên lưu ý một số vấn đề sau để những lớp học diễn ra hiệu quả nhé:
- Chọn phương pháp thiền phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của nhân viên: Có nhiều loại thiền khác nhau, như thiền từ tâm, thiền quét cơ thể, thiền chánh niệm, thiền nhận thức hơi thở, thiền kundalini, thiền zen, thiền siêu việt… Mỗi loại thiền có những đặc điểm và lợi ích riêng, do đó, người tổ chức cần tìm hiểu kỹ trước khi áp dụng cho nhân viên.
- Chọn người hướng dẫn có kinh nghiệm và uy tín: Người hướng dẫn thiền sẽ có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của học viên về thiền. Ban tổ chức cần đảm bảo người hướng dẫn có kiến thức sâu rộng về thiền, kỹ năng giao tiếp và truyền đạt tốt, thái độ thân thiện và tôn trọng nhân viên.
- Chọn không gian và thời gian phù hợp: Không gian để thiền cần phải yên tĩnh, thoáng mát và có ánh sáng tự nhiên. Nếu có thể, HR nên chọn một không gian gần với thiên nhiên, như công viên hoặc khu vườn. Thời gian để thiền cũng cần phải linh hoạt và không ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của nhân viên.
- Khuyến khích sự tham gia: Việc tổ chức lớp học về thiền không nên bắt buộc mà nên dựa trên sự tự nguyện của nhân viên. Ngoài ra, bạn cần phải thu thập ý kiến và phản hồi của nhân viên sau mỗi buổi học để đánh giá hiệu quả và cải tiến nội dung và phương pháp.
3. Học yoga trực tuyến
Bên cạnh thiền, yoga cũng là hoạt động chăm sóc và cải thiện sức khoẻ tinh thần cho nhân viên một cách tích cực. Yoga là môn thể dục kết hợp giữa các động tác vận động cơ thể, hít thở và thiền định. Việc tập yoga đòi hỏi nhiều yếu tố từ không gian, thời gian, cảm xúc đến trang phục. Vì vậy, khi tổ chức lớp yoga hoặc là công ty bố trí phòng tập chuyên dụng, tạo cảm giác thoải mái nhất cho nhân viên, hoặc tổ chức các lớp học trực tuyến, để nhân viên tham gia tại nhà.
Với lớp yoga trực tuyến, HR, Admin, People Opearation có thể làm theo các bước sau:
- Bước 1 - Chọn một nền tảng trực tuyến:
Để tổ chức buổi học yoga online, bạn cần phát video và âm thanh vì vậy việc đầu tiên là chọn một nền tảng phù hợp. Zoom, Skype, Google Meet… là những nền tảng phổ biến hiện này. Bạn cần đảm bảo rằng nền tảng này có chất lượng ổn định, dễ sử dụng và bảo mật. - Bước 2 - Chọn người hướng dẫn có kinh nghiệm và uy tín:
Bạn có thể thuê một giáo viên yoga chuyên nghiệp hoặc mời một nhân viên trong công ty có kỹ năng yoga để hướng dẫn các buổi học. Người hướng dẫn cần phải có kiến thức sâu rộng về yoga, có kỹ năng giao tiếp và truyền đạt tốt để hỗ trợ nhân viên khi cần. - Bước 3 - Chọn thời gian và thời lượng học phù hợp:
Bộ phận tổ chức nên làm khảo sát, lấy ý kiến từ nhân viên, đảm bảo chọn một khung giờ thuận tiện nhất. Thời lượng của mỗi buổi học nên từ 30 đến 60 phút, tùy thuộc vào mức độ khó và nhu cầu của nhân viên. - Bước 4 - Chọn phương pháp yoga phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của nhân viên:
Có nhiều loại yoga khác nhau như Hatha yoga, Vinyasa yoga, Bikram yoga, Ashtanga yoga… Mỗi loại yoga có những đặc điểm và lợi ích riêng, do đó, bạn cần phải thảo luận kỹ với người hướng dẫn trước khi áp dụng cho nhân viên. - Bước 5 - Chuẩn bị dụng cụ và không gian cần thiết cho việc học:
Bạn cần thông báo cho nhân viên chuẩn bị các dụng cụ cơ bản cho việc tập luyện như thảm yoga, quần áo thoải mái, nước uống… và một không gian yên tĩnh, thoáng mát. Hoặc để khuyến khích mọi người tham gia, công ty nên dành một khoản chi phí chuẩn bị dụng cụ tập yoga, tặng nhân viên. - Bước 6 - Phản hồi và đánh giá:
Sau mỗi buổi học hoặc mỗi tuần, bộ phận tổ chức nên trao đổi cùng giáo viên hướng dẫn về tiến độ, thái độ tập luyện của nhân viên. Đồng thời, tiếp tục khảo sát ý kiến, thu thập cảm nhận của nhân viên để đánh giá hiệu quả hoạt động hoặc cải tiến hơn.
4. Thực hiện bản tin về sức khoẻ tinh thần
Bên cạnh thực hành thì hiểu về sức khỏe tinh thần cũng là cách giúp nhân viên cải thiện tình trạng của bản thân. Vì vậy, công ty thực hiện bản tin về sức khỏe có thể giúp nhân viên nâng cao nhận thức, học được những kỹ năng và phương pháp để ứng phó với các vấn đề tâm lý. Đồng thời, bản tin này còn giúp nhân viên có cơ hội bày tỏ, tự đánh giá và cải thiện chính mình.
Để thực hiện bản tin về sức khỏe tinh thần cho nhân viên, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1 - Xác định mục đích, đối tượng và nội dung của bản tin:
Bạn nên xác định rõ bản tin về sức khỏe tinh thần sẽ truyền đạt những thông tin gì. Trước khi xây dựng bản tin, bạn có thể tổ chức một cuộc khảo sát nhỏ để tìm hiểu nhu cầu của nhân viên để xây dựng nội dung cho phù hợp. Ví dụ, bạn có thể làm chuyên mục cung cấp kiến thức về sức khỏe tinh thần, các hoạt động hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần, các kỹ năng ứng phó với căng thẳng, mục truyện cười giúp nhân viên giải trí hoặc một hòm thư để nhân viên tâm sự về công việc, cuộc sống… - Bước 2 - Thu thập và xử lý thông tin:
Ban biên tập của bản tin sức khỏe tinh thần nên tìm kiếm và thu thập thông tin từ những nguồn đáng tin cậy về sức khỏe tinh thần như chuyên gia tâm lý, các tổ chức y tế hoặc nghiên cứu khoa học… Sau khi thu thập, các thông tin cũng cần được trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng. - Bước 3 - Thiết kế và biên tập bản tin:
Bản tin cần được thiết kế một cách hấp dẫn và thân thiện, sử dụng các hình ảnh, biểu đồ, bảng số liệu, màu sắc, font chữ… để làm nổi bật những thông tin quan trọng. Bạn cũng nên biên tập lại bản tin để kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, dấu câu… và đảm bảo bản tin có tính nhất quán và logic. - Bước 4 - Phát hành và khuyến khích phản hồi:
HR nên chọn kênh phát hành phù hợp để đưa bản tin đến với nhân viên, có thể là email, website, mạng xã hội, bảng tin công ty… Bạn cũng nên khuyến khích nhân viên đọc và phản hồi về bản tin, có thể là bằng cách gửi câu hỏi, ý kiến, góp ý… để ban biên tập có thể điều chỉnh và cải thiện bản tin trong tương lai.
Đặc biệt, khi thực hiện bản tin này, bộ phận Nhân sự có thể phối hợp cùng bộ phận Marketing, Design, Content để cùng tạo nên những sản phẩm chuẩn chỉnh nhất nhé!
5. Tổ chức workshop về cảm xúc và tinh thần
Bên cạnh truyền thông các kiến thức về sức khỏe tinh thần qua bản tin, HR cũng có thể “chăm sóc” nhân viên bằng cách tổ chức những workshop về quản lý cảm xúc và quan tâm đến sức khoẻ tinh thần. Các buổi workshop tổ chức định kỳ theo tháng, theo quý với những chủ đề, hữu ích, đáp ứng đúng nhu cầu của nhân viên.
Với nội dung này, khách mời của workshop hoặc ban lãnh đạo của công ty có những am hiểu nhất định về cả kiến thức và kỹ năng; hoặc nên tìm những diễn giả uy tín, có chuyên môn để mang đến những thông tin tốt nhất cho nhân viên.
5 bước tổ chức workshop quản lý cảm xúc và chăm sóc sức khoẻ tinh thần, HR cần thực hiện:
- Bước 1 - Xác định nội dung và phương pháp của workshop:
Ban tổ chức cần xác định rõ những nội dung và phương pháp phù hợp với đối tượng và mục tiêu của workshop. Nội dung thuần về lý thuyết hay hướng dẫn một kỹ năng nào? Buổi này chỉ là sự chia sẻ đơn thuần của diễn giả hay kết hợp thực hành các nội dung liên quan?... - Bước 2 - Tìm kiếm diễn giả phù hợp:
Tùy vào nội dung, phương pháp truyền tải và kinh phí tổ chức workshop, ban tổ chức có thể lựa chọn diễn giả phù hợp. Đó là ban lãnh đạo công ty, những nhân viên có sự am hiểu và kiến thức về tâm lý, cảm xúc hay những diễn giả nổi tiếng, đang được nhiều người quan tâm? - Bước 3 - Chuẩn bị tài liệu và dụng cụ:
Thông thường, một buổi workshop sẽ cần các tài liệu và dụng cụ liên quan như slide thuyết trình, sách, bài tập, âm nhạc, bút, giấy… Để biết được những tài liệu cần chuẩn bị, ban tổ chức cần làm việc trước với diễn giả và chuẩn bị từ sớm. - Bước 4 - Thực hiện và điều phối workshop:
Bạn nên tổ chức các phương pháp truyền đạt và tương tác khác nhau, như giảng dạy, thảo luận, trò chơi, thực hành… Ban tổ chức nên khuyến khích nhân viên tự do bày tỏ ý kiến và cảm xúc, hoặc đưa ra một số gợi ý hoặc ví dụ để hướng dẫn họ. - Bước 5 - Đánh giá và phản hồi:
Sau khi kết thúc workshop, ban tổ chức nên cho nhân viên có cơ hội để đánh giá và phản hồi về workshop. HR có thể tổ chức một buổi khảo sát hoặc phỏng vấn nhanh để thu thập ý kiến của nhân viên về nội dung, phương pháp, kết quả và ý nghĩa của workshop. Điều này giúp bạn có thể điều chỉnh và cải thiện workshop trong tương lai.
Để buổi workshop thêm trọn vẹn, bạn đừng quên mời diễn giả và nhân viên một bữa tiệc Tea Break nhẹ nhàng để tái tạo năng lượng nhé!
6. Tặng quà bất ngờ cho nhân viên
Khi được nhận một món quà bất ngờ, nhân viên trong công ty sẽ cảm thấy mình được trân trọng và tự tin hơn. Đồng thời, nhân viên cũng cảm thấy bản thân đang được khuyến khích và khen thưởng về những thành tích và nỗ lực trong thời gian qua. Vì vậy, PITO tin rằng việc tặng quà bất ngờ sẽ hỗ trợ nhiều trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên.
Có rất nhiều thứ có thể dùng làm quà tặng bất ngờ cho nhân viên như bình giữ nhiệt, móc chìa khóa, hoa tươi, túi thơm, sổ tay… Bạn có thể tham khảo những gợi ý như sau:
- Bình giữ nhiệt khắc tên, in logo: Đây là món quà độc đáo và thiết thực giúp nhân viên uống nước đủ lượng và đúng nhiệt độ yêu thích. Bạn có thể khắc tên hoặc logo của công ty lên bình giữ nhiệt để thể hiện sự đồng hành của công ty cùng nhân viên.
- Sổ tay cao cấp: Một quyển sổ tay sẽ giúp nhân viên ghi chép, lên kế hoạch và sắp xếp công việc hiệu quả. Tùy vào tình hình kinh tế, bạn có thể chọn các loại sổ tay bìa da, bìa vải, bìa cứng… với màu sắc và kích thước khác nhau để tặng cho nhân viên.
- Hộp đựng cơm trưa: Là một món quà thân thiện và thực thực cho nhân viên văn phòng, hộp đựng cơm giúp nhân viên có một bữa trưa ngon miệng và tiết kiệm chi phí. Tùy vào điều kiện cho phép, bạn có thể chọn các loại hộp đựng bằng nhựa, inox, gốm… để tặng cho nhân viên.
Nếu bạn muốn tặng một món quà thiết thực và ăn được ngay thì có thể cân nhắc việc tặng bánh kẹo hoặc thức ăn cho nhân viên. Thử tưởng tượng, còn gì ngọt ngào hơn một hộp gift-box gồm các loại bánh Tea Break kèm một tấm thiệp có ghi lời chúc được đặt sẵn tại bàn nhân viên vào sáng sớm. Thực tế hơn, bạn có thể tặng một phần Meal Pack vào buổi trưa hoặc xế để nhân viên có thể thưởng thức ngay và không cần đặt cơm.
7. Xem phim cùng nhau mỗi cuối tuần
Việc tổ chức cho nhân viên xem phim cùng nhau mỗi cuối tuần sẽ giúp nhân viên tăng cường giao tiếp, kết nối trong nội bộ team và công ty. Khi xem phim, nhân viên không chỉ thư giãn, thoải mái mà còn có thể chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, ý kiến và trải nghiệm cùng nhau, từ đó tạo thêm sự gần gũi, thân thiện và tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, HR cần lưu ý chọn những bộ phim phù hợp với không gian văn phòng và sở thích của nhân viên. Có nhiều loại phim khác nhau như hành động, hài, kinh dị, tâm lý, tình cảm, khoa học viễn tưởng… Mỗi loại phim có những ưu điểm và nhược điểm riêng, do đó, HR cần phải tìm hiểu kỹ trước khi chiếu phim cho cả văn phòng cùng xem. Ngoài ra, cần phải tránh những loại phim có nội dung khiêu dâm, bạo lực hoặc gây tranh cãi.
Bạn có thể tham khảo 10 bộ phim dưới đây để chiếu cho nhân viên cùng xem nhé!
- Nhân duyên tiền đình - Honey Sweet
- Shin Cậu bé bút chì: Đại chiến siêu năng lực sushi bay
- Xứ sở các nguyên tố - Elemental
- Đảo hải tặc - One Piece
- Thám Tử Quàng Khăn Đỏ – Once Upon a Crime
- Người Nhện: Du Hành Vũ Trụ Nhện - Spider-Man: Across the Spider-Verse
- Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh
- Godzilla Đại Chiến Kong - Godzilla vs. Kong
- Hầu Vương - The Monkey King
- Ước nguyện thần long - Wish Dragon
8. Tổ chức sinh nhật cho nhân viên
Tổ chức sinh nhật cho nhân viên đã được nhiều công ty, doanh nghiệp áp dụng. Hoạt động này vừa thể hiện sự quan tâm của công ty tới đời sống tinh thần của nhân viên vừa tạo cơ hội để chủ nhân bữa tiệc và tất cả đồng nghiệp đều có dịp thư giãn, tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ.
Khi tổ chức tiệc, ban tổ chức nên lồng ghép những ý tưởng mới lạ, ấn tượng và một số trò chơi sinh nhật để khuấy động không khí của buổi tiệc.
Kế hoạch chi tiết để tổ chức sinh nhật cho nhân viên:
- Bước 1: Xác định “chủ nhân” của buổi tiệc, số lượng người tham gia. Ban tổ chức cần xác định số lượng nhân viên có sinh nhật trong tháng/quý; với những công ty quy mô nhỏ, tiệc sẽ gồm tất cả nhân viên, nhưng với những tập đoàn hoặc công ty quy mô lớn, số lượng người tham gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
- Bước 2: Lên ý tưởng và chủ đề cho tiệc sinh nhật. Tổ chức sinh nhật là một hoạt động có ý nghĩa. Tuy nhiên, để buổi tiệc sinh nhật vừa có ý nghĩa vừa thú vị, độc đáo thì ban tổ chức cần gắn buổi tiệc với một chủ đề nhất định. Ví dụ, bạn có thể chọn những sự kiện đặc biệt trong tháng/quý và trang trí, thực hiện các hoạt động theo chủ đề như Halloween, Giáng sinh, Tết, Lễ tình nhân… Đơn giản hơn, buổi tiệc cũng có thể mang những chủ đề hot trend như mùa thu Hà Nội, concert Born Pink hay một chủ đề nào đó đang được nhiều nhân viên quan tâm.
- Bước 3: Xác định thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức buổi tiệc. Bạn cần xác định thời gian tổ chức tiệc sao cho phù hợp với lịch làm việc của nhân viên và không ảnh hưởng đến công việc. Địa điểm tổ chức ngay tại văn phòng hay đến nhà hàng, quán ăn nào? Hình thức tiệc là Buffet, set menu hay Finger Food cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
- Bước 4: Trang trí tiệc sinh nhật. Bạn nên trang trí buổi tiệc theo chủ đề đã chọn. Nếu tổ chức tại văn phòng thì bộ phận Nhân sự tự trang trí hay thuê các đơn vị chuyên về trang trí tiệc sinh nhật. Nếu tổ chức tại nhà hàng, quán ăn, gói tiệc đã bao gồm phần trang trí chưa? Đồng thời, bánh kem và nến cũng là những thứ không thể thiếu trong một bữa tiệc sinh nhật.
- Bước 5: Lên kế hoạch cho các tiết mục văn nghệ, trò chơi trong chương trình. Ban tổ chức cần có một kịch bản chi tiết về các nội dung của bữa tiệc như giới thiệu, lời chúc mừng, cắt bánh kem, tặng quà, văn nghệ và chơi trò chơi. Bạn nên chọn các tiết mục văn nghệ và trò chơi phù hợp với chủ đề đã chọn trước đó.
- Bước 6: Chuẩn bị quà tặng. Quà sinh nhật là điều không thể thiếu khi tổ chức tiệc sinh nhật. Thay mặt công ty, ban tổ chức có thể chuẩn bị các phần quà như tiền mặt, phiếu quà tặng, sách… để tặng cho những “nhân vật chính” của bữa tiệc.
- Bước 7: Dự trù ngân sách và thanh toán. Để tổ chức tiệc trơn tru và ít rủi ro, HR cần phải có bảng dự trù ngân sách chi tiết cho từng khoản chi phí của bữa tiệc gồm đồ ăn, nước uống, trang trí, quà tặng, trò chơi và các chi phí khác. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể so sánh giá cả và chất lượng của các nhà cung cấp khác nhau và chọn đơn vị phù hợp nhất.
9. Tổ chức các chuyến du lịch
Một nghiên cứu của Nền tảng kết nối y tế Docosan cho thấy du lịch là một trong những hoạt động có thể cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của con người. Nghiên cứu này khuyến cáo nên đi du lịch thường xuyên để giải tỏa áp lực, cân bằng cảm xúc và nâng cao chất lượng cảm xúc.
Đối với các nhân viên trong công ty, hành trình đi đến một nơi cách xa nhà và công ty sẽ giúp họ tạm gác những mệt mỏi, muộn phiền trong cuộc sống. Việc khám phá những điều mới mẻ, hòa mình cùng thiên nhiên hay tận hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ giúp nhân viên được tái tạo năng lượng và tiếp thêm động lực làm việc.
Để tổ chức một chuyến du lịch cùng công ty, bạn có thể thực hiện theo các nội dung sau:
- Lên kế hoạch cho chuyến du lịch: Để tổ chức một chuyến du lịch, bạn cần xác định thời gian, địa điểm và danh sách người tham gia để đề xuất kinh phí phù hợp với công ty. Sau khi đã xác định những yếu tố cơ bản, HR có thể lấy ý kiến của nhân viên về các hoạt động và địa điểm sẽ tham quan trong chuyến du lịch.
- Thông báo rõ với nhân viên: Sau khi đã hoàn thành kế hoạch, HR cần thông báo cho nhân viên các thông tin về thời gian, địa điểm, điểm tham quan và các hoạt động trong chuyến du lịch qua các kênh thông tin để họ nắm được kế hoạch.
- Liên hệ với các bên liên quan: Để chuyến du lịch được trôi chảy, bạn cần liên hệ trước với các bên liên quan như khách sạn, phương tiện di chuyển, quán ăn… để hẹn lịch từ sớm. Việc này tránh trường hợp để nhân viên phải chờ đợi quá lâu hoặc không tìm được khách sạn, quán ăn ưng ý.
- Tổ chức các trò chơi team-building: Để tăng cường sự đoàn kết và tạo cơ hội để nhân viên thư giãn, HR có thể tổ chức một số trò chơi phù hợp với địa điểm du lịch. Ví dụ, nếu đi biển, bạn có thể tổ chức một giải bóng chuyền bãi biển hay chơi trò bịt mắt đập dưa hấu thú vị.
- Tổ chức tiệc tối gắn kết: Việc ăn uống vào buổi tối khi đi du lịch sẽ giúp các nhân viên có dịp trò chuyện cởi mở và tâm sự về các vấn đề công việc, cuộc sống. Đây cũng là dịp để mọi người gắn kết với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý mọi người không sử dụng đồ uống có cồn quá nhiều để ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Tổng kết sau chuyến đi: Sau chuyến đi, HR cần tự tổng kết lại những điều đã làm được để giúp nhân viên cải thiện sức khỏe tinh thần, tự xem lại các ưu và khuyết điểm trong chuyến du lịch để rút kinh nghiệm cho lần tiếp theo.
10. Đi dã ngoại ngay trong thành phố
Bên cạnh du lịch, một buổi dã ngoại cùng công ty cũng là một lựa chọn hợp lý để cải thiện sức khỏe tinh thần của nhân viên. Một buổi dã ngoại được tổ chức phù hợp sẽ giúp nhân viên thư giãn sau những ngày làm việc, tận hưởng không khí trong lành, giao lưu và gắn kết cùng đồng nghiệp.
Mặt khác, so với du lịch, một buổi đi chơi ở ngoại ô cùng công ty cũng tiết kiệm thời gian và chi phí. Quy trình tổ chức dã ngoại cũng tương tự như tổ chức một chuyến du lịch nhưng với thời gian ngắn hơn và quy mô nhỏ hơn. Cụ thể, để tổ chức một chuyến dã ngoại, bạn cần lên kế hoạch chi tiết, thông báo với nhân viên, liên hệ với các bên liên quan và thực hiện các kế hoạch đã đề ra.
Nếu công ty ở TP.HCM, bạn có thể cân nhắc 4 địa điểm phù hợp để tổ chức dã ngoại cho công ty, bao gồm:
- Khu du lịch Bửu Long: Đây là khu du lịch sinh thái kết hợp với tâm linh, giải trí. Đến đây, nhân viên trong công ty sẽ có dịp chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên với núi đá, hồ nước trong xanh hoặc tham quan các ngôi chùa nổi tiếng.
- Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên: Là một khu rừng nhiệt đới ẩm, Vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên có một hệ động thực vật phong phú và giữ nguyên nét hoang dã của thiên nhiên. Dã ngoại ở Nam Cát Tiên, nhân viên có thể hòa mình vào không khí mát mẻ của rừng, khám phá và quan sát cuộc sống của các loài động vật hoang dã.
- Đảo Cần Giờ: Cần Giờ vốn là một huyện biển nổi tiếng ở TP.HCM với nhiều địa điểm du lịch sinh thái. Tại Cần Giờ, nhân viên có thể thư giãn, tắm biển hoặc tham quan đảo Khỉ, đảo Thạnh An sau những ngày làm việc mệt mỏi.
- Khu du lịch Vườn Xoài: với nhiều hoạt động như chèo thuyền, câu cá, zipline, tàu lượn siêu tốc… Vườn Xoài nổi tiếng là khu du lịch có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, thể thao để khách tham quan đến giải trí và thư giãn. Đến đây, nhân viên trong công ty có thể tham gia vào những trò chơi tập thể và tăng cường sự gắn kết với nhau.
Với các ý tưởng chăm sóc và cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên và chi tiết thực hiện, PITO hy vọng các bạn HR, Admin có thêm thông tin để chuẩn bị và tổ chức cho đơn vị mình những hoạt động thật thư giãn và vui vẻ. Cần thêm thông tin hoặc có bất cứ ý tưởng, hoạt động nào thú vị và phù hợp, nhờ bạn để Bình luận để PITO và độc giả cùng tham khảo nhé!