Những đồ dùng cá nhân ở văn phòng phải vệ sinh hàng ngày Thumbnail

Những vật dụng cá nhân ở văn phòng phải vệ sinh hàng ngày, bạn đã biết chưa?

Uyên Trinh
phút
18/07/2024
Uyên Trinh
phút
18/07/2024

Những vật dụng cá nhân ở văn phòng, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn, virus - nguy cơ gây bệnh cho dân công sở.

Chúng ta làm việc tại văn phòng mỗi ngày 7-8 tiếng, đôi khi nhiều hơn thời gian ở nhà. Nếu có thói quen dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thì nên tạo thói quen dọn dẹp, vệ sinh chỗ ngồi, môi trường làm việc riêng ở văn phòng mỗi ngày. Vì nó không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của riêng bạn mà còn tạo một môi trường làm việc gọn gàng, ngăn nắp, tăng cảm hứng và năng suất làm việc.

Một nơi làm việc sạch sẽ đồng nghĩa với việc giảm số ngày nhân viên bị ốm và tăng hiệu suất công việc.

Bài viết này, PITO sẽ liệt kê 10 vật dụng cá nhân ở văn phòng cần được vệ sinh hàng ngày.

Văn phòng không sạch như chúng ta nghĩ

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã tiến hành khảo sát trong 13 tháng và phát hiện thấy 4.800 bề mặt các đồ vật trong các tòa nhà văn phòng thực sự bẩn. Vòi nước, lò vi sóng, bàn phím máy tính và cánh tủ lạnh là những chỗ bẩn nhất.

Văn phòng không thực sự sạch như chúng ta nghĩ

Ảnh: Shutterstock

Hiện nay, không gian văn phòng ngày càng mở và sử dụng chung bàn làm việc ngày càng nhiều. Qui ước cơ bản khi ngồi chung bàn làm việc là phải làm sạch chỗ ngồi và thiết bị văn phòng mình dùng sau khi kết thúc công việc. Tuy nhiên chưa đến ½ số người tuân thủ qui ước này. Cũng theo nghiên cứu này, người làm việc trong không gian mở nghỉ ốm bất chợt nhiều hơn 62% người làm trong không gian riêng hoặc văn phòng có chia ngăn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy mầm bệnh tập trung ở rất nhiều nơi trên bàn làm việc, từ bề mặt, ngăn kéo đến các vật dụng trên bàn như máy tính, bàn phím, điện thoại, bút và nhiều vật dụng khác. Các mầm bệnh này không chỉ là vi khuẩn mà còn có cả virus, nấm và một số vi sinh vật khác, theo trang tin The Conversation (Úc).

Tại sao cần một môi trường làm việc sạch sẽ?

Theo The Conversation và được dịch đăng trên Dân Trí, một nghiên cứu được công bố trên trang ScienceDirect - trang web được nhiều nhà khoa học Mỹ chia sẻ, nhận được phản hồi của 43.021 người làm việc ở 351 tòa nhà văn phòng, đã phát hiện ra rằng mức độ sạch sẽ tỉ lệ thuận với độ hài lòng của người lao động. Các văn phòng sạch sẽ gọn gàng đều có đội ngũ nhân viên tin cậy và tổ chức hoạt động và học tập tốt. Những khu bàn làm việc thường xuyên dùng chung nếu không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến nhân viên hợp tác kém với đồng nghiệp và giảm độ tin cậy, gắn kết với công ty.

Môi trường làm việc sạch sẽ giúp nhân viên khỏe mạnh hơn

Ảnh: Shutterstock

Một nghiên cứu khác về tác động của chất lượng vệ sinh môi trường làm việc cũng cho thấy một văn phòng sạch sẽ có thể giảm 12,5% số ngày nhân viên nghỉ ốm và nâng cao hiệu suất làm việc.

Những đồ dụng cá nhân ở văn phòng cần vệ sinh hàng ngày

1. Bình nước

Ở văn phòng, mỗi cá nhân thường trang bị cho mình một bình nước riêng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa giảm tải việc dọn dẹp cho nhân viên vệ sinh. Tuy nhiên, những chiếc bình này có thể trở thành môi trường phát triển lý tưởng cho vi khuẩn và mốc nếu không rửa thường xuyên.

Thông tin được dịch từ ABC News đăng trên VNExpress, theo tiến sĩ Wanda Phipatanakul, nhà miễn dịch học, nhà nghiên cứu chất gây dị ứng tại Bệnh viện Nhi Boston, nấm mốc phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Nước đọng trong bình nhiều ngày sẽ tạo ra nơi sinh sản, nhân lên cho bào tử nấm mốc từ không khí. Một số người nhạy cảm với việc tiếp xúc nấm mốc có thể bị hen suyễn và dị ứng, cảm thấy đau đầu, mệt mỏi hoặc ngạt mũi. Người hay hít nấm mốc vài tuần đều có thể bị buồn nôn và đau bụng.

Vệ sinh bình đựng nước thường xuyên

Ảnh: Shutterstock

Các chuyên gia khuyến nghị rửa bình nước hàng ngày hoặc ít nhất một tuần một lần. Bạn dùng tay hoặc bàn chải để làm sạch phần cổ hẹp và cả bên trong ống hút, nơi dễ đọng bẩn. Nếu bạn có máy rửa chén có thể làm sạch bình ở mức nước nóng nhất.

Để làm sạch sâu hơn, bạn ngâm bình nước 30 phút trong hỗn hợp nước và giấm trắng, tỷ lệ bằng nhau, giúp diệt bào tử nấm mốc. Trộn giấm với baking soda cũng có thể tạo ra bọt khí giúp đánh bật một số nấm mốc.

Giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Sydney - Dee Carter không khuyến khích sử dụng bình nhựa. Ông nhận định, các chất tiết ra từ nhựa không chịu nhiệt khi gặp nước nóng hoặc hạt vi nhựa từ các loại bình kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ông gợi ý, nên chọn bình kim loại hoặc thủy tinh, tốt nhất là thép không gỉ vì nó dễ rửa, không dễ mọc nấm mốc. Tránh mua bình có nhiều đường rãnh, chi tiết bên trong vì thường khó rửa. Đây là vị trí nấm mốc và vi khuẩn cư trú.

2. Ly, cốc uống nước 

Ở văn phòng, bạn sử dụng ly uống nước, uống cafe riêng. Nếu không có thói quen rửa hàng ngày thì sẽ có nguy cơ bị bệnh dạ dày, đường ruột, nôn mửa, theo Best Life. 

Theo tiến sĩ Dung Trinh, người sáng lập Healthy Brain Clinic, cốc uống nước lâu không rửa dễ sản sinh Norovirus, một loại virus dễ lây lan, gây nôn mửa và tiêu chảy, có thể tồn tại trong một tuần hoặc lâu hơn.

Các chuyên gia khuyến nghị rửa cốc, ly nước trong ngày, sau vài lần uống, không uống nước còn đọng lại ngày hôm trước.

3. Bàn làm việc

Theo Huffpost, chuyên gia nghiên cứu vi sinh vật của ĐH Alberta (Canada) - Jason Tetro, tác giả cuốn sách "The Germ Code" (Mã mầm bệnh), bàn làm việc là nơi tiếp xúc với các vi khuẩn trong không khí, dẫn đến lây nhiễm. Nếu không được làm sạch thường xuyên, những vi khuẩn đó sẽ tích tụ thêm.

Báo Thanh Niên có trích dẫn về nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) phát hiện lượng vi khuẩn và các vi sinh vật khác trên bàn làm việc không được vệ sinh thường xuyên có thể nhiều gấp 400 lần so với bệ toilet ở các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nhiều nhân viên văn phòng sẽ đối diện nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm. 

Lau chùi bàn làm việc để hạn chế vi khuẩn tích tụ

Ảnh: Shutterstock

Nghiên cứu cũng cho thấy hơn 2/3 nhân viên văn phòng có nguy cơ mắc bệnh do bàn làm việc bẩn với các triệu chứng: đau đầu, nghẹt mũi, dị ứng, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm họng và một số vấn đề sức khỏe khác.

Vì vậy, cách tốt nhất là bạn phải lau sạch bàn làm việc hàng ngày bằng bình xịt khử trùng hoặc khăn lau khử trùng. Hạn chế ăn uống tại bàn làm việc vì thói quen này có thể khiến vi khuẩn dễ tích tụ và lây lan.

4. Bàn phím, chuột máy tính

Theo tiến sĩ, bác sĩ Ron Brown (ĐH Massachusetts, Mỹ), có thể tìm thấy hơn 3.000 sinh vật trên mỗi inch vuông của bàn phím. Nhiều người phải ngồi trước máy tính 8 giờ một ngày, gần 2.000 giờ mỗi năm.

Chuột máy tính chứa lượng vi khuẩn khá lớn bởi chúng ta liên tục chạm vào và sử dụng, tuy nhiên chúng lại ít khi được làm sạch đúng cách. Vi khuẩn từ tay, thức ăn hay vi khuẩn trong không gian phòng làm việc dễ dàng xâm nhập và bám lên các phím, bề mặt chuột.

Cần thường xuyên lau dọn bàn phím và chuột máy tính

Ảnh: Freepik

Nếu ăn ở bàn làm việc mà không rửa tay, vi khuẩn sẽ truyền trực tiếp vào miệng. Vì vậy, khi vệ sinh bàn làm việc, bạn nên làm sạch cả bàn phím và chuột máy tính. Để làm sạch, bạn dùng chổi vệ sinh bàn phím để quét đi các vết bụi bẩn bám trên bàn phím. Cho một ít cồn sát khuẩn vào khăn mềm để lau sạch bề mặt bàn phím và chuột máy tính.

5. Ghế văn phòng

Chiếc ghế của bạn tại văn phòng sẽ bị bẩn vì vụn bánh mì, vụn thức ăn bạn ăn tại bàn làm việc rơi xuống. Không có gì ngạc nhiên khi ghế văn phòng có thể bị mòn và bẩn rất nhanh.

Không những thế, chiếc ghế văn phòng của bạn còn có da và tóc. Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, trung bình một người rụng khoảng 300 sợi tóc mỗi ngày, cùng với khoảng 300.000 tế bào da. Phần lớn chất hữu cơ đó sẽ bám vào đồ nội thất hoặc thảm.

Đặt tay bẩn lên tay vịn của ghế và tựa đầu vào lưng ghế cũng có thể dễ dàng truyền bụi bẩn và vi khuẩn vào đó. Vì vậy, ghế văn phòng trở nên khá khó chịu nếu ngồi lâu ngày không vệ sinh. Lau sạch ghế văn phòng hàng ngày bằng khăn lau diệt khuẩn, hút bụi phần vật liệu, xử lý vết bẩn ngay lập tức…

6. Điện thoại cá nhân

Điện thoại được đặt ở bàn làm việc mà chiếc bàn không được vệ sinh hàng ngày. Bạn kiểm tra và chạm tay vào màn hình bất cứ khi nào, trong khi tay bạn không phải lúc nào cũng sạch. Bạn mang điện thoại vào nhà vệ sinh, lướt điện thoại khi đang đi vệ sinh. Bạn ăn trưa với một tay cầm trái cây tráng miệng, tay kia cầm điện thoại. Bạn đã biết về số lượng vi khuẩn ở chiếc điện thoại của bạn chưa?

Điện thoại cá nhân cũng nên lau chùi đều đặn

Ảnh: Shutterstock

Các nghiên cứu y tế công cộng cho thấy điện thoại chứa vi khuẩn nhiều hơn nhà vệ sinh gấp 10 lần.

Theo PR Newswire, một cuộc khảo sát năm 2021 từ công ty vệ sinh Vioguard cho thấy 73% người dân đã sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh; trong đó, 93% người có độ tuổi từ 18-29. Theo The Healthy, điện thoại gần như là một nam châm thu hút vi trùng, sử dụng nó trong nhà vệ sinh khiến điện thoại tiếp xúc nhiều hơn với vi khuẩn và mầm bệnh từ nước chứa đầy vi trùng phun ra trong quá trình xả.

The Healthy trích dẫn một nghiên cứu từ London, 16% điện thoại di động được kiểm tra, phát hiện bị nhiễm E. coli, loại vi khuẩn có thể gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy ra máu.

Một chiếc điện thoại bẩn có thể mang theo nhiều mầm bệnh cho cơ thể. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng không nên mang điện thoại vào nhà vệ sinh và hàng ngày, vệ sinh điện thoại bằng cách pha dung dịch gồm 60% nước và 40% cồn hoặc sử dụng khăn lau có cồn, lau mặt trước sau của điện thoại giúp ngăn ngừa bệnh.

7. Tai nghe 

Miếng đệm tai nghe tích tụ mồ hôi, bụi bẩn và vi khuẩn theo thời gian. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, tai nghe sẽ bị hôi, mốc, bẩn và khiến vi khuẩn đi thẳng vào trong tai khi bạn sử dụng hàng ngày. Vệ sinh tai nghe không chỉ kéo dài tuổi thọ của nút tai mà còn ngăn ngừa nhiễm trùng tai và các bệnh về tai.

Đầu tiên, tai nghe cần được cất trong hộp đựng, không vứt vào túi hoặc nhét chúng vào túi quần - giúp giảm thiểu tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bẩn. Vào cuối ngày, sau khi sử dụng, hãy dành 2 phút để sử dụng một miếng vải mềm thấm nước ấm để lau sạch nút tai. Đồng thời, khi lấy ra sử dụng vào sáng hôm sau, bạn cũng nên lau sạch bằng khăn mềm trước khi đeo vào tai.

Để làm sạch sâu hơn, hãy làm ẩm một miếng vải mềm bằng hydrogen peroxide (pha loãng với nước) và nhẹ nhàng lau sạch tai nghe. Bạn nên làm điều này hàng ngày, hoặc nếu thỉnh thoảng mới sử dụng tai nghe có thể làm điều này ít nhất một lần một tuần

8. Laptop cá nhân

Máy tính xách tay, laptop cá nhân cần được vệ sinh hàng ngày vì đây là nơi tiếp xúc thường xuyên với tay nên rất dễ bám vi khuẩn, virus. Vệ sinh hàng ngày giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus, đặc biệt quan trọng trong môi trường làm việc tập thể.

Lau chùi laptop

Ảnh: Shutterstock

Vệ sinh máy tính cá nhân cũng giúp ngăn sự tích tụ của bụi bẩn, mồ hôi từ tay - có thể gây ra các vấn đề về da như mụn, kích ứng hoặc các bệnh về đường hô hấp nếu tiếp xúc lâu dài.

Bụi bẩn có thể tích tụ trong các khe hở và quạt tản nhiệt của máy tính xách tay, làm giảm hiệu suất và tuổi thọ của máy. Vệ sinh thường xuyên cũng giúp máy tính hoạt động mượt mà và ổn định hơn vừa nâng cao tuổi thọ máy vừa nâng cao hiệu quả công việc.

9. Thùng rác mini cá nhân

Nhiều người sử dụng thùng rác mini cá nhân tại bàn làm việc để thuận tiện việc bỏ rác tại chỗ, không phải di chuyển quá nhiều lần đến thùng rác lớn/chung của văn phòng nếu bỏ rác liên tục. Điều này đôi lúc làm mất sự tập trung của bản thân hoặc của đồng nghiệp xung quanh.

Dọn thùng rác cá nhân đều đặn

Thùng rác cá nhân chứa rác của riêng bạn mỗi ngày cần được xử lý và thu dọn sau mỗi buổi trưa hoặc kết thúc một ngày làm việc. Không nên để rác tồn đọng quá lâu, không nên để rác qua ngày hôm sau trên bàn làm việc vì sẽ phát sinh vi khuẩn, gây hại sức khỏe của bạn và những đồng nghiệp xung quanh.

10. Bút, dụng cụ văn phòng

Bút và các dụng cụ văn phòng thường được sử dụng chung hoặc tiếp xúc nhiều lần trong ngày, dễ dàng trở thành nơi tích tụ và lây lan vi khuẩn và virus. Khi sử dụng bút và các dụng cụ văn phòng bẩn, bạn vô tình chạm vào mặt, miệng hoặc mắt, tạo cơ hội cho vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể. Việc vệ sinh hàng ngày giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và đồng nghiệp, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. 

Bút và dụng cụ văn phòng

Ảnh: Freepik

Bài viết này, trong phạm vi về vật dụng cá nhân, PITO liệt kê 10 vật dụng cần được vệ sinh hàng ngày. Để bảo vệ sức khỏe cá nhân nói riêng và tập thể nói chung, mỗi cá nhân nên tạo thói quen dọn dẹp, vệ sinh vật dụng, không gian làm việc cá nhân của mình mỗi ngày.

Ngoài ra, còn có các thiết bị, vật dụng chung ở văn phòng cũng cần được vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho dân văn phòng như nút thang máy, tay nắm cửa, lò vi sóng, tủ lạnh chung, nhà vệ sinh… 

PITO tin rằng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về sức khỏe, để bản thân luôn có một tinh thần thoải mái và cơ thể khỏe mạnh khi làm việc tại văn phòng.

Uyên Trinh

Tình thân và sự gắn kết con người nơi công sở là chủ đề luôn thu hút Uyên Trinh. Hơn kinh nghiệm 10 năm trên hành trình viết (viết báo, blog, PR, chấp bút sách...) và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp, Uyên Trinh hy vọng những bài viết của mình sẽ mang đến cho độc giả góc nhìn mới với nhiều thông tin bổ ích.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>