Ý tưởng tổ chức Tân niên PITO

25 ý tưởng Tân niên mới lạ cho ngày đầu năm mới 2025

Hồng Như
phút
18/12/2024
Hồng Như
phút
18/12/2024

Tổ chức Tân niên đã và đang trở thành nét văn hóa ý nghĩa tại nhiều công ty, hướng đến cầu chúc cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, tạo hoạt động để tất cả nhân viên “khởi động” tinh thần sau kỳ nghỉ dài. Vậy làm cách nào để tránh đi vào “lối mòn” của bữa tiệc Tất niên năm trước? Hãy để PITO “mách nhỏ” cho bạn 25 ý tưởng Tân niên mới lạ, ấn tượng sau đây nhé!

1. Box bánh khai xuân

Ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ dài, nhân viên bất ngờ nhận được quà từ công ty. Không phải bao lì xì quen thuộc cũng chẳng phải phần bốc thăm có thưởng như mọi năm, thay vào đó là những hộp bánh ngọt ngào được bộ phận nhân sự bí mật đặt sẵn trên bàn làm việc. Đó có thể là những chiếc crossiant hay patechaud vàng ruộm cho buổi sáng dinh dưỡng; là những ly panna cotta, mousse lạnh đủ vị dành để tráng miệng buổi trưa; là một chai cà phê ủ lạnh (cold drew) thoang thoảng hương thơm, bừng vị tỉnh táo…

Hộp bánh chào mừng nhân viên - PITO

Với đa dạng các loại bánh Tea Break bạn có thể tự do “mix - match” để tạo nên box bánh khai xuân phù hợp nhất với sở thích cũng như đặc điểm của số đông nhân viên công ty. Tuy nhiên, để món quà này thật sự ý nghĩa trong ngày đầu năm, PITO khuyến khích bạn có sự chuẩn bị chỉn chu, đầu tư vào phần hộp đựng, có thể tự thiết kế để thêm thắt các yếu tổ branding cũng như không khí ngày xuân.

Lồng ghép vào mỗi hộp bánh một câu chúc Tết hoặc lời hay ý đẹp và đặt sẵn ở bàn nhân viên trước khi mọi người đến công ty để tạo hiệu ứng tốt nhất nhé!

2. Bữa sáng kiểu Âu - khởi đầu năm mới

Đây là ý tưởng được Kloud Việt Nam - công ty chuyên về các giải pháp Co-working Space - áp dụng để mời các nhân viên. Bữa ăn sáng đầu năm này sẽ là món quà giúp ngày đi làm sau tết của mọi người trở nên nhẹ nhàng hơn.

Nhân viên của bạn không cần phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng hay suy nghĩ “sáng nay ăn gì” mà vẫn có một bàn ăn thịnh soạn, đủ dinh dưỡng cho ngày mới. Mọi thông tin về bữa sáng kiểu Âu đặc biệt này sẽ được giữ kín cho đến khi “phút 90”. Trước ngày trở lại văn phòng, bộ phận nhân sự gửi một email hoặc tin nhắn đến cả công ty rằng ngày mai các bạn không cần chuẩn bị đồ ăn sáng, công ty sẽ có bất ngờ!

Tiệc ăn sáng kiểu Âu - PITO

Nếu bữa sáng kiểu Âu còn xa lạ với phần đông nhân viên, bạn có thể tham khảo bữa sáng đậm vị Hà Nội với gánh xôi khúc và ly cà phê sữa đá mà Lazada đã mang đến cho nhân viên. Hoặc bạn có thể chọn bất cứ món ăn sáng nào phù hợp với sở thích, nhu cầu của phần đông nhân viên công ty, nhé!

3. Bữa trưa sum vầy do Ban lãnh đạo phục vụ

Không chỉ bữa sáng bất ngờ, công ty có thể mang đến cho nhân viên bữa ăn trưa sum vầy hơn. Cũng là một email vào trước ngày trở lại văn phòng, bộ phận Nhân sự thông báo: Ngày mai các bạn không cần chuẩn bị cơm trưa, công ty sẽ chiêu đãi. PITO tin rằng đây sẽ là email “xông đất” tuyệt vời nhất trong hộp mail của nhân viên, tạo thêm tinh thần phấn khởi để mọi người cùng đi làm sau kỳ nghỉ Tết dài.

Với sự đồng hành của đa dạng các dịch vụ Catering, cung cấp bữa trưa tận nơi, tại văn phòng, bạn dễ dàng triển khai ý tưởng này. Đó có thể là mô hình Pop-up Canteen - món ăn được chuẩn bị sẵn, nhân viên được lấy thức ăn theo sở thích hoặc là các phần Meal Pack đóng sẵn gồm đầy đủ các món theo thực đơn, mỗi nhân viên một phần gọn gàng. 

Để bữa trưa ngày đầu năm thêm sum vầy và rộn ràng, Ban lãnh đạo công ty sẽ là người lấy thức cho nhân viên hoặc trao tận tay các bạn những phần ăn này. Đây chắc hẳn là khoảnh khắc đẹp nhất, khởi đầu một năm đầy khởi sắc tại công ty bạn đấy!

Pop-up Canteen ăn trưa

4. Tiệc Tân niên tiếp sức buổi trưa

Tiệc Tân niên trong ngày đi làm đầu tiên sẽ không quá cầu kỳ, nhiều hoạt động như tiệc Tất niên tổng kết một năm. Bạn chỉ cần chuẩn bị một bàn tiệc ấm áp với nhiều món ăn ngon, vừa là bữa ăn trưa mời nhân viên vừa tạo không gian để mọi người gần nhau hơn sau 2 tuần ít kết nối. Với tiệc này, bạn có thể chọn hình thức tiệc Buffet đa dạng món ăn, cách bày trí linh hoạt để nhân viên thoải mái di chuyển, thưởng thức bữa trưa. Tuy nhiên, sau nhiều ngày “ăn Tết” chắc hẳn bạn và nhân viên cũng đã ngán thịt mỡ dưa hành rồi nhỉ? 

Tiệc Buffet healthy - PITO

Vì vậy, với tiệc Tân niên vào buổi trưa bạn cân nhắc kỹ về thực đơn, có thể chọn các món Âu mới lạ, ưu tiên các nguyên liệu thực vật, các món salad healdthy hoặc tiệc Buffet chay cũng là gợi ý hay. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thực đơn Finger Food gồm các món Việt “tưởng quen mà lạ” của Zalo khi tổ chức gặp mặt đầu năm cho nhân viên.

MENU

Thực đơn tiệc Finger Food Zalo
Gỏi cuốn tiệc Zalo
  • Các món cuốn: tôm thịt, gà lá chanh, nem lụi, chả cá, heo nướng sả...
  • Chả giò tôm thịt
  • Gỏi ngó sen tôm thịt
  • Xiên gà rau củ
  • Tôm xiên nướng
  • Salad
  • Set bánh quê: bánh bò, bánh da lợn, bánh khoai mì, bánh bí, bánh bắp...
  • Chè sâm bổ lượng
  • Chè sương sa hạt lựu
  • Nước sâm
  • Dừa xiêm trọc

5. Xe nước ép, tiệc trái cây thanh lọc

Bạn và nhân viên đã quá ngấy những món ăn ngày Tết nhưng vẫn muốn có một ý tưởng Tân niên ấn tượng trong ngày đầu đi làm thì hãy thử mang xe nước ép hoặc đại tiệc trái cây vào văn phòng nhé. Có nhiều hình thức để triển khai ý tưởng này, Shopee, Gamuda Land, AIA… đã áp dụng.

Đại tiệc nước ép tại Shopee - PITO

Đơn giản bạn có thể đặt những phần nước ép đóng chai, bí mật đặt lên bàn nhân viên từ sáng sớm cùng với box bánh ngọt ngào hoặc vài lời chúc yêu thương. Thu hút hơn, bạn mang cả xe nước ép vào văn phòng, trực tiếp ép trái cây tươi, phục vụ từng nhân viên vào buổi xế hoặc sau giờ trưa.

Còn bàn tiệc trái cây xanh mướt sẽ là món quà thanh lọc cho nhân viên. Thay vì đặt bánh tráng trộn, trà sữa vào khoảng 3 giờ chiều, nhân viên sẽ ra pantry tha hồ chọn các loại trái cây yêu thích được công ty chuẩn bị sẵn. Bàn tiệc xanh mướt, mang năng lượng healthy, giúp cả công ty sẵn sàng cho hành trình chinh phục năm mới.

Bàn tiệc trái cây - PITO

6. Pizza, chè, kem tươi… rộn ràng bữa xế đầu xuân

Không chỉ bữa sáng, bữa trưa, với dân văn phòng bữa ăn xế trong khung từ 15 - 16 giờ cũng là hoạt động cần thiết. Trong ngày đầu đi làm, công ty sẽ chiêu đãi nhân viên một bữa xế thật hoành tráng nhé. Đó có thể là các phần pizza hấp dẫn, là những ly chè ngọt ngào hoặc những que kem tươi mát lạnh. Tất cả đều là nguồn năng lượng ấn tượng, giúp cả công ty rộn ràng, sôi nổi và kết nối hơn trong ngày đầu năm đi làm.

Thưởng thức kem tươi - PITO

Để hoạt động này thêm phần ý nghĩa, bạn chuẩn bị thêm các background, backdrop, hashtag “Welcome Back To Office” để nhân viên có thể chụp ảnh và đăng lên các trang mạng xã hội như một cách khơi dậy tinh thần làm việc, thể hiện sự bắt nhịp với guồng quay công sở sau thời gian dài vui chơi, nghỉ ngơi.

7. Những món ăn mới lạ

Bên cạnh những món ăn quen thuộc, những bàn tiệc thường thấy thì một số món ăn đặc biệt ở các nước cũng là gợi ý ẩm thực Tân niên dành cho bạn. Bạn có thể chuẩn bị một bàn tiệc với những món ăn không chỉ hấp dẫn mà còn mới lạ, mang ý nghĩa tốt đẹp theo văn hoá của các nước trên thế giới.

Tiệc Tân niên PITO

Để PITO gợi ý cho bạn một vài sự lựa chọn nhé:

  • Toshikoshi Soba - mì trường thọ (Nhật Bản): Đúng như tên gọi, đây là món ăn truyền thống của xứ sở kim chi với ước muốn trường thọ, no ấm suốt một năm.
  • Tteokguk - Súp bánh gạo (Hàn Quốc): Màu trắng của những chiếc bánh gạo tượng trưng cho sự thịnh vượng và hình dạng thon dài đại diện cho sức khỏe, mang ý nghĩa trường thọ.
  • Những món ăn từ cá (Trung Quốc): Trong tiếng Trung, phát âm của từ “cá” gần giống với “dư thừa”. Vì thế người Trung Quốc quan niệm rằng bất kỳ món ăn nào chế biến từ cá sẽ mang lại sự thịnh vượng cho cả năm.
  • Lạp (Lào): Đây là một món gỏi với nguyên liệu là các loại thịt như thịt heo, thịt gà, thịt bò, thịt vịt. “Lạp” đọc gần giống từ “lộc” trong tiếng Lào nên đây được xem là món ăn may mắn ngày Tết.
  • Gỏi cá Yusheng (Singapore): Món ăn này còn có tên gọi khác là “Gỏi cá thịnh vượng” là món khai vị mang ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn và thịnh vượng
Gỏi cá

8. Hái “lộc” đầu năm

Hái lộc đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam dựa trên tích xưa từ thời Vua Hùng. Người xưa quan niệm rằng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, nếu hái một cành lộc non từ nơi linh thiêng như đền, chùa để mang về nhà thì sẽ có một năm may mắn, tài lộc khắp nhà.

Xuất phát từ ý nghĩa may mắn đó, bạn có thể tự tạo một “cây lộc” thật khác biệt ngay chính văn phòng. Nếu “lộc” theo quan niệm của người xưa là mầm non của những cây có sức sống mạnh mẽ như cây si, cây đa,... thì trong hoạt động này “lộc” sẽ là những bao lì xì đỏ thắm. 

Hái lộc đầu xuân

Bạn biết đó, phát bao lì xì là hoạt động luôn được mong chờ nhất trong ngày đầu năm mới. Vậy tại sao ta không vận dụng sự sáng tạo để giảm nhẹ tính hình thức và tăng mức độ thú vị cho hoạt động thường niên này? Bạn chỉ cần chuẩn bị số lượng bao lì xì đủ cho tất cả mọi người và gắn chúng vào cây để các nhân viên thực hiện nghi thức “hái lộc” trong ngày đầu tiên quay trở lại văn phòng.

Để tăng thêm phần kịch tính, mới lạ, bạn có thể tạo ra một "cú twist" bằng cách treo một số bao lì xì không có tiền, thay vào đó sẽ là một mảnh giấy chỉ dẫn để tìm ra nơi cất giấu “lộc” thực sự. Lộc ở đây không chỉ là bao lì xì mà còn có thể là những chỉ dẫn về một món quà hữu hình những phần Gift-box nhỏ xinh, voucher mua sắm... Tuy nhiên, vui thôi đừng vui quá bạn nhé! Hãy đưa ra những chỉ dẫn thật đơn giản, bởi lẽ việc đánh đố nhân sự trong ngày đầu năm có thể khiến mọi người “xuống tinh thần” trong ngày đầu năm mới đấy!

9. Thông điệp của vũ trụ

Thay vì đón nhận thông điệp từ các quẻ xâm xin tại chùa như đặc trưng văn hoá của người Việt Nam, người Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Châu Âu khác thường có xu hướng tìm kiếm những chiếc bánh may mắn - Fortune Cookie để nhận thông điệp đầu năm.

Hơn cả một món ăn, khi bẻ đôi chiếc bánh những thông điệp may mắn, những lời cầu chúc xuất hiện. Và người ta tin rằng những câu nói này như một lời "tiên tri", là thông điệp từ đất trời gửi đến và chúng có thể trở thành hiện thực.

Bánh may mắn

Xuất phát từ ý nghĩa độc đáo này, bạn có thể sử dụng những chiếc bánh quy may mắn để gửi thông điệp đến nhân viên, tạo điểm nhấn giúp bàn tiệc Tân niên thêm phần thú vị. Bánh may mắn có thể là món tráng miệng sau bữa ăn chính, một phần trong bàn tiệc Tea Break hoặc là món quà nhỏ cho thực khách trong ngày đầu năm. Sáng tạo hơn, bạn tặng nhân viên các hộp quà nhỏ, gồm nhiều loại bánh Tea Break, mỗi hộp chứa một thông điệp yêu thương, lời chúc may mắn công ty gửi đến nhân viên.

10. Xin chữ đầu xuân

Tiệc Tân niên tại công ty thường tổ chức sau khi mọi người đã trải qua một kỳ nghỉ Tết dài. Đây cũng là lúc không khí vui chơi ngày Tết kết thúc để nhường chỗ cho nhịp sống và làm việc bận rộn ngày thường. Thay vì vội vàng bắt tay vào công việc trong ngày đầu đi làm, bạn có thể “níu kéo” một chút không khí Tết bằng việc dựng nên một gian hàng thư pháp ngay tại văn phòng để các nhân viên xin chữ đầu xuân. Mọi người có thể mang chữ về nhà hoặc trao đổi với các đồng nghiệp như cách thức đặc biệt để gửi gắm những lời chúc tốt đẹp.

Ông đồ cho chữ

Ảnh minh hoạ - Nguồn: T.H

Trong hoạt động này, việc tìm được một ông đồ phù hợp quyết định 99% sự thành công. Bởi lẽ, thư pháp là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự tu dưỡng về kiến thức văn chương và rèn luyện thường xuyên. Đặc biệt, đối với ông đồ được mời tới những sự kiện còn cần có sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm. Không chỉ có tốc độ cho chữ tương đối nhanh mà họ cần biết cách tương tác với người xin chữ thông qua việc giảng giải ý nghĩa nội dung.

Tuy nhiên, ông đồ thường ít xuất hiện sau Tết. Vì thế, bạn có thể hẹn trước với ông đồ ngay từ những ngày cuối năm để tránh tình trạng “tìm hoài không thấy” hoặc gặp phải “ông đồ rởm” nhé!

11. Giấy đỏ may mắn

Những thước phim kinh điển lấy bối cảnh ngày Tết Nguyên đán của điện ảnh Trung Quốc thường có sự xuất hiện của những tấm giấy đỏ được cắt tỉa tinh xảo, tạo nên các biểu tượng của sự may mắn như chữ Phúc, chữ Vạn hay linh vật của năm đó.

Tranh giấy của người Trung Quốc không chỉ là nghệ thuật dân gian mà còn là văn hóa chứa đựng tâm hồn của họ. Từ khi có sự ra đời của nghề làm giấy thì nghệ thuật cắt giấy cũng xuất hiện cùng lúc. Trong mỗi dịp tết đến xuân về, người Trung Quốc sẽ trao nhau bức tranh giấy thay cho lời chúc ý nghĩa.

Nghệ thuật cắt giấy đỏ

Ảnh minh hoạ - Nguồn: T.H

Dựa trên nét văn hóa truyền thống này, bạn có thể tạo ra một workshop nhỏ hướng dẫn nghệ thuật cắt giấy cho nhân viên trong dịp Tân niên. Không chỉ tạo không gian tiếp nhận một nét văn hóa mới mà đây còn là hoạt động để tạo sự gắn kết cho nhân viên trong ngày đầu năm mới.

Để buổi workshop diễn ra thành công tốt đẹp, bạn nên chuẩn bị kế hoạch tổ chức chi tiết, gồm có: địa điểm, thời gian, số lượng người tham gia, các dụng cụ cần thiết,... và đặc biệt là một chuyên gia về nghệ thuật cắt tỉa giấy để có thể hướng dẫn mọi người thực hiện thành công. Những tấm giấy đỏ được cắt tỉa tỉ mỉ được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của các nhân viên sẽ được dán xung quanh văn phòng để lưu giữ kỷ niệm đẹp này.

12. Đèn lồng treo cao

Hình ảnh của những chiếc đèn lồng đầy màu sắc đã tạo nên bức tranh nên thơ cho không gian của Phố cổ Hội An. Tuy nhiên, đèn lồng không chỉ là vật trang trí mà đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của người Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Theo quan niệm, đèn lồng màu đỏ được treo vào những dịp đặc biệt như ngày Tết mang ý nghĩa thu hút may mắn, tiền tài để cuộc sống thêm ấm áp và sung túc. Ánh sáng từ đèn lồng không chỉ giúp không gian thêm phần ấm cúng mà còn có tác dụng xua đuổi vận rủi trong năm cũ để một năm mới bình an.

Với ý nghĩa đặc biệt đó, chiếc lồng đèn không chỉ là vật may mắn của nhiều ngôi nhà mà còn được dùng làm vật trang trí cho không gian văn phòng. Thay vì mua những mặt hàng sẵn có ngoài cửa hàng, các nhân viên có thể cùng nhau học cách làm lồng đèn đơn giản, sau đó đích thân trang trí chúng bằng những câu nói truyền động lực hay mục tiêu làm việc mà bạn đặt ra cho năm mới.

Dù là một hoạt động nhỏ của nội bộ công ty nhưng bộ phận tổ chức cũng nên có sự chuẩn bị chu đáo. Trước hết, hãy chia các nhân viên vào từng nhóm nhỏ, sau đó cách lên danh sách các vật dụng cần thiết như: kéo, giấy, đan tre, keo,... đủ cho các nhóm. Bạn cũng đừng quên cử ra 4-5 người học trước cách làm lồng đèn từ những video trên Youtube để hướng dẫn cho các nhóm trong công ty nhé!

Tiệc Tân niên

13. “Ăn trộm” cầu may

Trên dải đất hình chữ S có 54 dân tộc với 54 nét văn hóa khác nhau. Cũng chính vì thế mà phong tục ngày Tết của mỗi dân tộc cũng mang dấu ấn riêng. Người Lô Lô sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng có phong tục khác lạ trong ngày đầu năm, mang tên “ăn trộm cầu may”, tiếng dân tộc là “khù mi”.

Vì họ quan niệm rằng nếu lấy cắp thành công thứ gì trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới sẽ mang đến một năm mới may mắn hơn. Xuất phát từ đó, trong ngày đầu năm mới, người người làm “kẻ trộm”, nhà nhà đi “ăn trộm”, họ sẽ đi dạo một vòng khắp làng và lấy cắp một thứ bất kỳ từ gia đình khác. Tuy nhiên, phong tục này chỉ mang tính hình thức, không đặt nặng vấn đề vật chất nên những vật dụng được đánh cắp thường là những thứ không có giá trị cao, có thể là củ tỏi, củ hành hay thanh củi.

Lucky draw

Dựa trên phong tục truyền thống này, bạn có thể tạo ra một hoạt động giải trí mang bản sắc dân tộc mới lạ cho nhân viên. Để tránh gây xích mích giữa các nhân viên trong ngày đầu năm mới, bạn nên nêu rõ cách thức và tinh thần của phong tục này, nhấn mạnh đây chỉ là hoạt động mang tính chất cầu may và không đặt nặng giá trị vật chất.

Mỗi nhân viên sẽ có quyền lựa chọn đâu là vật dụng sẽ bị đánh cắp. Họ sẽ chọn ra một vật dụng bất kỳ và đặt chúng lên bàn làm việc vào đầu ngày làm việc để “kẻ trộm” tiện bề hành động. Đến cuối ngày, mọi người sẽ tổng kết xem ai là “kẻ trộm” may mắn nhất và trao một phần quà nhỏ. Lưu ý “nhẹ”, theo phong tục thì số đồ vật bạn đánh cắp nên từ 12 món trở lên, ứng với 12 tháng trong năm.

14. Diễn giả truyền cảm hứng

Ý tưởng Tân niên này đang được nhiều công ty áp dụng trong ngày đầu đi làm sau Tết. Cụ thể, bạn sẽ tìm một diễn giả có ảnh hưởng trong xã hội, là người giỏi trong ngành/lĩnh vực của công ty hoặc là một người truyền cảm hứng về một vấn đề nào đó đến công ty trong ngày đầu năm và chia sẻ với nhân viên.

Một số chủ đề phù hợp trong buổi chia sẻ đầu năm, PITO mời bạn tham khảo:

  • Vượt qua thử thách - chinh phục cơ hội trong 365 ngày tới
  • Cách xây dựng và hoàn thành mục tiêu cho năm mới
  • Để có một năm không deadline, không stress
  • Suy thoái kinh tế, tiết kiệm thế nào?
  • Cân bằng giữa công việc và gia đình
  • Làm gì sau 18 giờ
  • ...

Tuỳ theo số lượng, đặc điểm cũng như nhân viên tham gia buổi chia sẻ, bạn sẽ mời những diễn giả và chuẩn bị chủ đề phù hợp. Cần trao đổi, thống nhất trước với diễn giả với mạch chương trình cũng như những điều sẽ chia sẻ. Làm một kịch bản sơ lược về buổi chia sẻ này là cần thiết, bạn nhé!

15. Biến văn phòng thành nhà hàng

Ý tưởng biến văn phòng thành nhà hàng không chỉ phù hợp với các bữa tiệc cuối năm mà cũng phù hợp với cả tiệc đầu năm. Hình thức này đặc biệt ở chỗ, nhân viên không cần phải trực tiếp đến nhà hàng sang trọng để thưởng thức không gian ẩm thực cao cấp.

Người tổ chức sẽ biến văn phòng quen thuộc hằng ngày thành một không gian phủ đầy ánh sáng lung linh của đèn vàng và hương thơm của đồ ăn. Bàn làm việc được dọn dẹp cẩn thận để đặt lên đó những ánh nến ấm áp, chén dĩa sang trọng.

Ý tưởng này có thể là một “bước chuyển giao”. Bởi thời điểm đầu xuân năm mới, nhiều người vẫn còn đang trong tâm trạng nghỉ lễ, chưa thực sự hoàn toàn trở lại không khí làm việc. Do đó, việc đầu tư cho một không gian có thể là bước đệm để họ cảm thấy thoải mái hơn với không gian làm việc, không bị “tụt năng lượng”.

Để phù hợp với không khí Tân niên, bạn có thể trang trí văn phòng theo chủ đề ngày Tết, với cành mai, đào, bánh chưng, câu đối, decal dán kính hình Tết, sử dụng mành tre để đựng đồ. Hoặc bạn cũng có thể dựng những tấm backdrop lớn, dựng standee để làm mới hoàn toàn một góc không gian căn phòng.

Mọi người hoà chung không khí vui vẻ

16. Tặng quà bí mật cho nhau (Thần Tài Bí Mật)

Nếu đã từng chơi trò chơi Secret Santa (Ông Già Noel Bí Mật), bạn hẳn sẽ biết hình thức tặng quà giấu mặt. Hãy dựa theo luật của trò chơi này để sáng tạo ra trò chơi Thần Tài Bí Mật ngày đầu xuân năm mới. Theo đó, mỗi nhân viên sẽ tự chuẩn bị một món quà nhỏ, gói lại cẩn thận để không ai thấy, có thể gửi kèm một lời chúc năm mới, một lá thư tay.

Đến ngày trao đổi quà, mọi người sẽ bí mật đặt món quà của mình vào túi quà chung. Sau đó, nhân viên có thể tự mình chọn món quà yêu thích theo thứ tự, hoặc người tổ chức sẽ phát quà ngẫu nhiên. Để tăng tính bất ngờ, nhân lúc mọi người ra ngoài ăn trưa, người tổ chức có thể bí mật đặt quà ở bàn làm việc.

Đến cuối ngày, hoặc một thời điểm phù hợp giữa ngày, mọi người sẽ cùng nhau mở quà và đoán xem ai là “Thần Tài” của mình. Những người đoán đúng tiếp tục nhận được những phần quà đặc biệt từ công ty.

17. Trò chơi vận động đầu năm

Nếu muốn khuấy động không khí đầu năm một chút. Bạn có thể kết hợp hình thức tặng quà với những trò chơi nho nhỏ như tam sao thất bản, đuổi hình bắt chữ, chiếc nón kỳ diệu.

Hoặc bạn có thể kết hợp các trò chơi nhẹ nhàng với các bữa tiệc đầu năm, ví dụ như chơi trò chơi “đoán mùi hương”. Các nhân viên sẽ được bịt mắt và phải ngửi một số mẫu mùi hương như trái cây, gia vị. Nếu đoán đúng mùi hương nào, người chơi sẽ được thưởng thức món ăn đó ngay lập tức, hoặc được lựa chọn món ăn khác.

Những người liên tục đoán sai sẽ phải đợi thưởng thức đồ ăn sau. Tất nhiên, vì mục đích của chương trình chỉ là giải trí vui vẻ, nên tất cả mọi người đều sẽ được thưởng thức đồ ăn. Chỉ có những người đoán đúng là được ăn trước, còn ai đoán sai sẽ phải đợi thêm một chút.

Ngoài những trò chơi nhẹ nhàng, nếu muốn thứ gì đó “nặng đô” hơn, người tổ chức có thể tham khảo trò chơi “ăn tiếp sức”. Người chơi được chia thành 2-3 đội, tùy vào số lượng nhân viên. Khi có hiệu lệnh, người chơi đầu mỗi đội sẽ ăn món đầu tiên, ăn xong thì người tiếp theo mới bắt đầu ăn. Lưu ý là các món ăn nên là món ăn truyền thống để phù hợp với không khí Tất niên, và nên được chia ra thành những phần nhỏ để dễ ăn.

Trò chơi Tất niên Ăn tiếp sức PITO

18. Viết điều ước đầu năm hoặc một lá thư gửi đến tương lai

Ngày đầu năm mới, hãy đặt một chiếc Túi ước nguyện hay Hộp ước nguyện tượng trưng ở giữa văn phòng. Chiếc hòm may mắn sẽ chứa những ước mơ và mong muốn của nhân viên trong năm mới.

Sau khi phổ biến về ý nghĩa của chiếc hộp, người tổ chức sẽ phát cho nhân viên những lá thư hay giấy note và khuyến khích họ viết ra những ước mơ cá nhân, mục tiêu sự nghiệp, bất kỳ mong muốn nào vào lá thư đó. Họ cũng có thể viết lời chúc đến một ai đó đặc biệt trong công ty nếu muốn. Mọi người có thể viết tên của mình vào cuối thư hoặc để ẩn danh.

Trong lúc mọi người thưởng thức bữa tiệc đầu năm, chiếc hộp ước nguyện sẽ được mở ra và người tổ chức sẽ đọc to những lời được viết trong thư. Để không khí nhẹ nhàng hơn, mọi người trong công ty có thể lần lượt truyền tay nhau và tận hưởng khoảnh khắc chia sẻ niềm vui.

Hộp ước nguyện có thể tạo ra không khí vui vẻ, ấm áp trong bữa tiệc đầu năm và góp phần kết nối giữa các cá nhân trong công ty. Đôi khi, chỉ cần một lời nhắn, hãy một ước mơ nhỏ cũng đủ để tiếp thêm động lực cho cả một năm dài phía trước. 

19. “Tết trồng cây” phiên bản tại văn phòng

“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”

Lời phát động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tết Canh Tý 1960 đã trở thành nét đẹp văn hóa mỗi dịp đầu xuân. Hiện các cơ quan, công đoàn, tổ chức nhà nước vẫn thực hiện hoạt động trồng cây khai xuân vào ngày đầu năm mới. Nếu công ty, doanh nghiệp bạn có đủ diện tích, có khu vườn… thì Tân niên này có thể triển khai trồng thêm cây cho khuôn viên, vừa góp thêm mảng xanh vừa duy trì truyền thống văn hóa ý nghĩa này.

Trồng cây ngày đầu xuân tại văn phòng

Ảnh: Freepik

Song nếu bạn đang làm việc tại các tòa nhà văn phòng, cao ốc, không có không gian để trồng cây truyền thống thì có thể thực hiện “tết trồng cây” theo các phiên bản sau:

  • Tặng mỗi nhân viên một chậu cây nhỏ để trang trí bàn làm việc như sen đá, xương rồng, trầu bà, cây kim tiền…
  • Tổ chức workshop dưới sự hướng dẫn của chuyên gia về cách chăm sóc cây trong văn phòng hoặc tại nhà, trồng cây theo phong thủy hoặc giao lưu, trao đổi về ý nghĩa của các loại cây.
  • Khuyến khích hoặc tạo hoạt động để các phòng ban phủ xanh văn phòng bằng cách trồng thêm cây hoặc bố trí các loại cây đang có để tạo nên không tươi mới nhân ngày đầu năm. 

Lưu ý vì là ngày đầu đi làm trong năm mới, bộ phận tổ chức nên ưu tiên chuẩn bị, tránh giao nhân viên chuẩn bị hoặc phải lao động, sắp xếp quá mức. Bên cạnh đó, công ty cũng có thể chuẩn bị thêm một bàn tiệc trà bánh khai xuân hoặc tiệc trưa sau hoạt động phủ xanh văn phòng… để tiếp thêm năng lượng và giúp nhân viên có thêm không gian kết nối sau kỳ nghỉ dài.

20. Lì xì sách

Tết Giáp Thìn 2024, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã chủ trì tổ chức chương trình lì xì bằng sách với 16.000 quyển sách đến bạn đọc, du khách trong ngày khai xuân đầu năm. “Mừng tuổi bằng sách, hãy là nét đẹp mới bổ sung vào kho giá trị truyền thống văn hóa của người Việt” - theo Báo Lao Động.

Vì vậy, các công ty, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng ý tưởng này cho dịp Tân niên sắp tới. Thay vì hái lộc hoặc nhận phong bì lì xì (tiền), ban tổ chức có thể thay thế bằng hình thức lì xì sách với các hình thức như:

Bốc thăm sách lì xì

  • Chuẩn bị các bao lì xì chứa tên hoặc mã số của các cuốn sách.
  • Mỗi nhân viên sẽ bốc thăm để nhận một cuốn sách bất ngờ.
  • Để tăng phần thú vị, có thể kèm theo một gợi ý hoặc câu trích dẫn hay từ sách để mọi người đoán trước khi mở bao lì xì.

Tặng sách cá nhân hóa

  • Trước khi nghỉ tết, bộ phận tổ chức khảo sát nhân viên về sở thích đọc sách, mục tiêu năm mới hoặc quyển sách yêu thích.
  • Lựa chọn sách phù hợp với từng người, kèm theo lời chúc hoặc thông điệp động viên từ ban lãnh đạo.
  • Tặng trực tiếp nhân viên trong buổi họp mặt đầu năm.

Gian hàng lì xì sách

  • Tạo một khu vực lì xì sách, trang trí như gian hàng Tết, trưng bày các cuốn sách ban tổ chức đã chuẩn bị, kèm phần gói quà hoặc thắt nơ như những món quà trang trọng.
  • Nhân viên sẽ đến tham quan và tự chọn cuốn sách mà mình yêu thích để mang về, đảm bảo đúng sở thích và nhu cầu đọc sách của mỗi cá nhân.
Lì xì sách cho cộng sự ngày đầu năm

Ảnh: NXB Kim Đồng

Đặc biệt, để hoạt động này thêm phần ý nghĩa và thiết thực, PITO khuyến khích các công ty duy trì và khơi gợi chủ đề về sách trong những buổi tiệc, sự kiện tiếp theo. Đồng thời, phát động song song các hoạt động như chia sẻ cảm nhận về quyển sách sau 1 tháng, góc trao đổi sách để tất cả nhân viên đều có cơ hội tiếp cận nhiều đầu sách mới.

21. Khai bút vẽ “vision board”

“Vision board” - bảng tầm nhìn, bảng ước mơ - là hình thức thể hiện mục tiêu, dự định và mong muốn trong tương lai. Bằng cách kết hợp giữa hình ảnh, hình vẽ, chữ viết tay thể hiện từ khóa hay những hình thức sáng tạo khác, “vision board” khẳng định mục tiêu và là nguồn cảm hứng để mỗi cá nhân có động lực và cảm hứng thực hiện.

Dưới góc độ công ty, doanh nghiệp, hoạt động khai bút vẽ “vision board” sẽ là cách khai xuân đầy cảm hứng, giúp nhân viên kết nối với chính mình và với đội nhóm, khuyến khích mọi người bước vào năm mới với tâm thế tích cực, cùng chung sức xây dựng môi trường làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn.

Có 2 cách để công ty, doanh nghiệp triển khai ý tưởng này:

  • Thực hiện “vision board” cho cá nhân hóa:
    - Công ty phát cho mỗi nhân viên một tấm bảng trắng nhỏ, giấy A3 hoặc sổ cá nhân để họ tự tay thiết kế bảng tầm nhìn cho riêng mình.
    Gợi ý các câu hỏi để nhân viên có ý tưởng triển khai:
    - Năm nay, bạn muốn đạt được điều gì trong công việc?
    - Bạn mơ ước điều gì cho cuộc sống cá nhân?
    - Bạn muốn làm gì để đóng góp cho đội nhóm hoặc công ty?
    - Hình tượng/người nào truyền cảm hứng và bạn muốn trở thành trong năm nay?
  • Tạo “vision board” tập thể:
    - Chuẩn bị một bảng lớn đặt tại khu vực chung của văn phòng.
    - Mỗi nhân viên được phát giấy sticker hoặc thẻ nhỏ để viết hoặc vẽ mục tiêu của mình, sau đó dán lên bảng chung. Bộ phận tổ chức cần có sự điều phối để bảng “vision board” được sắp xếp hợp lý, dễ nhìn và thể hiện được những mục tiêu, mong muốn cụ thể.
    - “Vision board” tập thể sẽ là biểu tượng tinh thần đoàn kết và sự đồng lòng hướng đến thành công của cả đội ngũ trong năm mới.
Khai bút vẽ “vision board” cùng đồng nghiệp

Ảnh: Freepik

Tương tự như lì xì sách, với bảng “vision board”, bộ phận tổ chức cần đặt cột mốc để nhìn lại. Chẳng hạn, sau 6 tháng hoặc 1 năm, tổ chức buổi tổng kết để nhân viên xem lại tiến độ thực hiện “vision board” của mình hoặc trong các buổi tổng kết quý sẽ cùng nhìn lại “vision board” mà tập thể đã vẽ ra. 

22. Phát động “21 days challenge”

Tiếp tục với các ý tưởng tân niên hướng đến tinh thần phát triển cá nhân, tạo động lực và cảm hứng trong năm mới. “21 days challenge” là gợi ý đáng để bạn tham khảo. Đặc biệt, đầu năm cũng là thời điểm lý tưởng để khởi động thử thách này, tạo cơ hội để nhân viên có 21 ngày hình thành thói quen tốt.

Với mỗi cá nhân, bạn có thể triển khai các thử thách tích cực như:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Đi bộ 5.000 bước/ngày.
  • Đọc 10 trang sách mỗi ngày.
  • Nói 1 câu tiếng Anh mỗi ngày.


  • Với từng team, từng bộ phận, các thử thách hướng đến hiệu suất tập thể như:
  • Tập trung họp hiệu quả, không sử dụng điện thoại trong 21 ngày.
  • Kết thúc cuộc họp đúng theo thời gian trong kế hoạch.
  • Không có email hoặc tin nhắn tồn đọng vào ngày hôm sau.
  • Bàn làm việc luôn sạch vào cuối ngày,
21 ngày hình thành thói quen tốt chốn công sở

Ảnh: Freepik

Với nội dung phát động, công ty sẽ triển khai ngay buổi tiệc tân niên, trong ngày đầu đi làm, duy trì theo dõi và tổng kết sau 21 ngày. Cá nhân hoặc team, bộ phận thực hiện tốt thử thách và có những chia sẻ thú vị, hình thành được thói quen tích cực sẽ nhận được những phần quà giá trị từ công ty.

23. Potluck ẩm thực vùng miền

Potluck là hình thức tiệc mà mỗi người tham gia tự mang đến một món ăn góp vào thực đơn chung, tạo thành một bữa tiệc đa dạng và phong phú. Điểm đặc trưng của potluck là sự tự nguyện và bất ngờ, bởi mọi người sẽ không biết trước menu sẽ gồm những món gì cho đến khi bữa tiệc bắt đầu.

Với ngày đầu năm mới, khi tất cả nhân viên đều từ quê trở lại thành phố thì một bữa tiệc potluck mang đậm văn hóa và ẩm thực vùng miền sẽ là cơ hội tuyệt vời để mọi người chia sẻ và giới thiệu về quê hương mình. Để bữa tiệc được chỉn chu và hiệu quả như mong đợi, ban tổ chức cần:

  • Thông báo trước với nhân viên về bữa tiệc và “giao nhiệm vụ” cho mỗi cá nhân, mỗi bộ phận hoặc nhóm nhân viên cùng quê chuẩn bị món ăn cho Potluck.
  • Tính toán và trao đổi trước với những nhân viên sẽ mang theo món ăn, về đặc điểm món ăn, về số lượng… đảm bảo đủ khẩu phần ăn cho tất cả nhân viên.
  • Chuẩn bị thêm món ăn, dụng cụ ăn, nước uống… để buổi tiệc tân niên đủ đầy và trọn vẹn niềm vui.
  • Có thể tổ chức phần bình chọn món ăn vùng miền ấn tượng nhất hoặc bài trí một góc “chợ Tết” nhỏ để các món ăn trở nên bắt mắt hơn, kèm bảng giới thiệu ngắn gọn về nguồn gốc của từng món. 
Potluck ẩm thực vùng miền đầy thú vị

Ảnh: Freepik

24. Ngày đầu năm không cuộc họp

Sau kỳ nghỉ Tết, ngày làm việc đầu năm mới là thời điểm mọi người thường đối mặt với cảm giác nặng nề khi trở lại guồng quay công việc. Để tạo không khí nhẹ nhàng, dễ chịu và khởi đầu năm mới đầy hứng khởi, việc triển khai ý tưởng “Ngày đầu năm không cuộc họp” là một lựa chọn thiết thực. Hãy để ngày đầu tiên của năm chỉ dành riêng cho việc chào hỏi, kết nối và tạo động lực thay vì các cuộc họp căng thẳng hay lịch trình bận rộn.

Trong ngày này, công ty có thể tổ chức một buổi gặp mặt nhẹ nhàng để lãnh đạo chúc mừng năm mới, cùng nhau chia sẻ câu chuyện ngày Tết và khuyến khích nhân viên dành thời gian sắp xếp lại bàn làm việc, xem qua các kế hoạch cá nhân và bộ phận trong năm mới. Những hoạt động khởi động như lì xì sách, tiệc khai xuân hay các trò chơi nhỏ cũng có thể được thêm vào để tạo không khí vui vẻ, thay cho những báo cáo hay thảo luận công việc thường nhật.

Ý tưởng này không chỉ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi bắt đầu năm mới, mà còn thể hiện thông điệp rằng công ty coi trọng sức khỏe tinh thần và sự cân bằng trong công việc. Đây cũng là cơ hội để xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực, gắn kết đội ngũ và giúp mọi người sẵn sàng quay lại công việc với tâm thế tốt nhất.

25. Bật mí kỳ nghỉ tiếp theo

Một ý tưởng có phần hài hước nhưng thực tế, đáp ứng đúng nhu cầu và cảm xúc của nhân viên. Đâu đó, sau kỳ nghỉ tết, mọi người có phần trông đợi đến những kỳ nghỉ tiếp theo. Vì vậy, để tạo niềm vui, sự hứng khởi trong ngày đầu năm mới, công ty sẽ bật mí các thông tin về kỳ nghỉ tiếp theo bằng cách:

  • Kết hợp chia sẻ trong buổi tiệc tân niên, buổi gặp mặt đầu năm.
  • Tạo video “úp mở” về những sự kiện vui chơi hoặc ngày nghỉ tiếp theo.
  • Gửi thông báo đến tin nhắn, hộp mail của nhân viên hoặc dán thông báo trực tiếp tại văn phòng với nội dung thú vị. Ví dụ: Vui lên nhé, chỉ còn xxx ngày nữa chúng ta lại được nghỉ Tết; Chuẩn bị tinh thần, xx ngày nữa sẽ được nghỉ Lễ…
  • Bố trí bảng đếm ngược hướng đến ngày nghỉ tiếp theo.

    Nếu được chuẩn bị chỉn chu kèm những cách bật mí thú vị, PITO tin rằng ý tưởng này sẽ khiến nhân viên thật vui trong ngày đầu năm mới. Khoảnh khắc công bố và đếm ngược cho ngày nghỉ tiếp theo chắc hẳn sẽ khuấy động không khí văn phòng.

PITO hy vọng với 25 ý tưởng mới lạ vừa “bật mí” sẽ giúp bạn thành công “tân hóa” hoạt động Tân niên ngay tại văn phòng. Dù chọn bất kỳ ý tưởng nào, PITO khuyên bạn hãy dành thời gian chuẩn bị  thật sớm, thật chỉn chu và ưu tiên yếu tố bất ngờ nha!

Hồng Như

Chiếc bánh Tea break xinh xắn, bàn Buffet sang trọng luôn có sự thu hút lớn với Như. Trước là vì món ngon nhưng sau là vì những giá trị về văn hoá, ẩm thực thú vị. Chọn con đường viết lách chuyên nghiệp nghiêng về ẩm thực và Catering, Như tin các bài viết của mình tại PITO có thể truyền cảm hứng đến bạn, đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm các giải pháp, dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp.

  • Mình cực kỳ thích ý tưởng pizza, chè, kem hay xe nước ép, tiệc trái cây vì đây đều là những món ăn ưa thích của hội chị em tụi mình. Bỗng một ngày tự nhiên xuất hiện giữa văn phòng là một xe kem hay xe nước ép thì còn gì bằng!

  • {"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


    Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

    Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

    >