Với dân văn phòng, ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có tầm quan trọng không kém mùng 1 Tết, ảnh hưởng đến vận may trong công việc của cả năm. Hãy cùng PITO điểm qua những điều nên và không nên làm trong ngày đi làm đầu năm để có một khởi đầu trọn vẹn nhé!
Tết Giáp Thìn 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức là 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức là mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Những điều không nên làm
Đi làm trễ
Từ xa xưa, tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã in sâu trong suy nghĩ và nếp sống của người dân Việt Nam. Cũng từ lẽ đó mà nhiều nhân viên bị “chệch” nhịp sống văn phòng sau kỳ nghỉ Tết, dẫn đến việc đi trễ trong ngày đầu năm mới. Trạng thái hấp tấp, vội vàng có thể vận vào công việc của bạn trong suốt cả năm. Để tránh “đầu không xuôi, đuôi không lọt”, bạn có thể dành ra một ngày trước khi đi làm để nghỉ ngơi sau những cuộc vui “tới bến” và đừng quên cài báo thức nhé!
Món quà nên “né”
Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp là sợi dây liên kết giúp chúng ta phát triển trong công việc và cuộc sống. Một món quà Tết không chỉ có ý nghĩa như lời thăm hỏi, chúc Tết đầu năm mà đó còn là cách để thắt chặt mối quan hệ. Quà cáp không cần quá sang trọng nhưng cần mang ý nghĩa may mắn, bạn lưu ý tránh những món quà mang điềm rủi sau đây:
- Đồng hồ: Trong tiếng Trung, từ tặng đồng hồ (送鐘) có phát âm gần giống từ nghi thức tang lễ (送終). Đồng thời, đây cũng là vật tượng trưng cho thời gian đang trôi qua nhanh, mang điềm xấu báo hiệu cái chết cận kề.
- Giày dép: Từ “giày” có phát âm là “xie”, gần giống với từ “tai họa” nên đây được xem là món quà mang ý nghĩa không may trong ngày đầu năm mới.
- Bật lửa: Mọi người kiêng tặng bật lửa vào đầu năm vì điều đó đồng nghĩa với việc san sẻ lửa đỏ - biểu tượng của sự may mắn - cho người khác.
Không tranh cãi, bất hòa
Việc tranh cãi khiến không khí làm việc trở nên căng thẳng và điều đó nên hạn chế xảy ra dù ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là ngày đầu tiên của năm mới. Bởi lẽ, điều này rất có thể khiến mối quan hệ với đồng nghiệp của bạn luôn trong trạng thái “căng như dây đàn” suốt một năm, ảnh hưởng đến hiệu suất của công việc.
Chính vì thế, trong dịp quan trọng và đề cao tình cảm như ngày Tết, mọi người nên dĩ hòa vi quý, bàn về những vấn đề tích cực, tránh tranh cãi, to tiếng.
Không quét dọn
Theo tục lệ, người Việt kiêng quét dọn vào ngày đầu năm mới vì điều đó đồng nghĩa với hành động quét tiền tài, may mắn, phước lộc ra khỏi nhà. Xuất phát từ quan niệm đó, dù ở bất kỳ đâu, nhà riêng hay nơi làm việc đều tránh quét dọn trong ngày đầu năm. Thay vào đó, trước kỳ nghỉ lễ, bạn cố gắng dọn dẹp mọi thứ thật gọn gàng, những món đồ trưng bày có thể cất vào ngăn tủ hoặc mang về nhà, các thiết bị điện tử như máy tính, đèn bàn có thể lấy khăn che, ngăn bụi… để ngày đầu năm mới, bàn làm việc sẽ chỉn chu nhất có thể.
Tuy vậy, dù có kiêng kỵ hay không làm theo kiêng kỵ, mọi người nên cố gắng làm những điều bản thân cảm thấy thoải mái để gặp nhiều may mắn trong năm mới. Nếu lỡ phạm phải kiêng kị cũng không nên quá lo lắng. Thấy sàn nhà dơ thì chắc chắn vẫn cần phải quét dọn. Rồi mọi người có thể ra bãi cát lấy ít cát hoặt đất mang về rải ra vườn để bón vào cây với quan niệm đã lấy lộc để bồi đắp, bù vào nhà
Không nói điều xui xẻo
Sở dĩ mọi người chắt lọc những từ ngữ mang ý nghĩa may mắn như “an khang”, “thịnh vượng”, “vạn sự như ý” để gửi gắm đến nhau trong ngày đầu năm mới vì tin rằng điều đó sẽ nương theo lời chúc và theo họ suốt 12 tháng tiếp theo. Chính vì thế, người xưa kiêng nói điều không hay, mang điềm rủi như: “chết”, “tang tóc”, “tiêu”, “hỏng”. Trong ngày đi làm đầu năm mới, PITO nhắc “nhẹ” đừng quên “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” bạn nhé!
Sử dụng vật sắc nhọn
Trong văn phòng thường có sự xuất hiện của vật dụng sắc nhọn như dao rọc giấy, kéo,... Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, những đồ vật này sẽ cắt đứt các mối quan hệ, mang lại điềm xấu, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Để tránh những điều không hay xảy ra, mọi người thường hạn chế hành động cắt, xé trong ngày đầu năm để tránh động đến dao, kéo. Sâu xa hơn, ông bà ta kiêng kỵ điều này là vì để hạn chế tối đa những thương tổn trong ngày đầu năm khi sử dụng vật sắt nhọn.
Tránh làm vỡ đồ
Theo quan niệm dân gian, tiếng động phát ra khi làm rơi vỡ đồ sẽ đánh thức ma quỷ, phá vỡ vận khí, mang lại điềm xui rủi, xua đuổi may mắn và tiền tài. Đặc biệt, vỡ gương là điềm báo tai ương sắp đến. Chính vì thế, trong những ngày đầu năm mới, mọi người thường nhắc nhau cẩn thận, khéo léo trong mọi việc để tránh tâm lý, bất an đeo đẳng suốt cả năm.
Vậy chúng ta nên làm điều gì trong ngày đầu đi làm để may mắn suốt cả năm?
Những điều nên làm
Mặc đồ có màu sắc tươi tắn
Tấm áo mới ngày Tết không đơn thuần là việc mua sắm mà đó còn là nét văn hóa không thể thiếu trong ngày đầu năm. Phong tục này xuất hiện từ xa xưa, khi kinh tế còn nghèo nàn và sắm đồ mới là một việc xa xỉ. Tuy bây giờ, mọi người có thể mua sắm hàng tuần, hàng tháng, thậm chí là hàng ngày nhưng chuẩn bị quần áo mới để đón Tết vẫn mang một giá trị đặc biệt. Người xưa tin rằng đó là hành động bỏ cái cũ để đón những điều tốt đẹp trong năm mới, là biểu tượng của điềm lành, sự sung túc và thậm chí là giúp xua đuổi tà ma, vận rủi.
Quần áo trong dịp đặc biệt này nên có những màu sắc rực rỡ, tươi sáng để hút vận may, giúp người mặc có thêm sức sống như: đỏ, vàng, xanh, hồng,... Đặc biệt tránh gam màu trắng, đen vì đây được xem là màu của tang tóc và chết chóc. Nhưng tùy sở thích của mình nhé bạn. Nếu bạn là "fan" của tông màu đen trắng thì cứ mặc vô tư nhe. Đầu xuân làm điều mình thích thì còn gì bằng phải không?
“Warm-up” cho văn phòng
Thật khó để mọi người có thể quên cảm giác vui chơi, nghỉ ngơi của ngày Tết để bắt tay ngay vào công việc! Thấu hiểu tâm lý đó, bạn có thể tạo ra những hoạt động vui chơi nhỏ ngay tại văn phòng để các nhân viên dần bắt nhịp với cuộc sống thường nhật. Điều đó không chỉ tạo sự gắn kết giữa các nhân viên trong dịp đầu năm mà niềm vui, sự phấn khởi của mọi người sẽ tạo nên sự khởi đầu may mắn cho chuỗi ngày làm việc trong năm mới. Những hoạt động nhỏ như tặng bao lì xì hay cùng nhau thưởng thức một bữa tiệc Tân niên đều có thể mang lại tiếng cười cho văn phòng của bạn trong ngày làm việc đầu năm mới.
Ăn những món ăn may mắn
Những vật phẩm may mắn của năm mới ngoài bao lì xì, câu đối Tết còn phải kể đến các món ăn mang thông điệp may mắn. Trong ngày đi làm đầu năm mới, bạn có thể lên kế hoạch cho một bàn tiệc với các món ăn hấp dẫn và ý nghĩa tốt lành. Mọi người có thể cùng nhau thưởng thức và kể nhau nghe những điều thú vị về ngày Tết của chính mình.
Để PITO mách cho bạn những món ăn may mắn, thuần Việt nhé!
- Xôi gấc: Gấc vốn là một loại quả tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, màu đỏ của trái gấc còn là gam màu tượng trưng cho hạnh phúc, ấm no và sức sống. Vì thế, xôi gấc luôn là sự lựa chọn ưu tiên trong mâm cơm ngày Tết.
- Bánh chưng: Người xưa tin rằng sự hài hòa và bao bọc giữa các lớp trong bánh chưng là đại diện cho sự ấm no, đoàn viên. Đây cũng được xem là món ăn gợi nhắc con cái trong ngày Tết nhớ về công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
- Canh khổ qua: Đúng như tên gọi “khổ qua”, nghĩa là vận khổ trong năm cũ đã qua để đón những điều tốt lành trong năm mới.
- Mì: Sợi mì dài trong quan niệm dân gian là đại diện cho sợi dây sức khỏe của con người. Từ lẽ đó, mọi người tin rằng ăn mì sẽ mang lại sức khỏe, sức sống tràn đầy cho năm mới.
Sắp xếp không gian làm việc của bản thân
Bàn làm việc được xem là “ngôi nhà thu nhỏ” của dân văn phòng, bởi đó là nơi mỗi nhân viên gắn bó ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Thế nên, không gian đó cũng cần được “chăm sóc” để cải thiện chất lượng công việc và tinh thần lao động. Trong ngày đi làm đầu năm mới, bạn có thể dành ra 15 phút để sắp xếp mọi vật dụng trên bàn một cách gọn gàng và khoa học. Bên góc trái bàn làm việc là nơi thích hợp để đặt máy tính. Lọ đựng bút viết và đèn hay cây cảnh nên được đặt ở góc phải của bàn nếu bạn là người thuận tay phải. Việc sắp xếp đồ vật hợp lý giúp bạn dễ dàng kiểm soát và mang lại sự thuận tiện trong quá trình làm việc.
Tặng quà cho đồng nghiệp
Tết là dịp đặc biệt để mọi người trao gửi yêu thương, không chỉ cho gia đình, bạn bè mà còn là đồng nghiệp - những người đã giúp đỡ, đồng hành trên con đường sự nghiệp. Vì lẽ đó, một món quà Tết là cách để bày tỏ sự quý mến, trân trọng, giúp mối quan hệ thêm bền chặt, đồng thời, tạo môi trường làm việc vui vẻ, thoải mái trong một năm sắp tới. Bên cạnh những món quà thường thấy như bánh kẹo, rượu bia thì đặc sản địa phương hay thực phẩm chăm sóc sức khỏe cũng là sự lựa chọn đáng được cân nhắc trong dịp Tết năm nay.
Sắm chậu cây để bàn
Trong phong thủy, cây cối được xem là một trong những yếu tố “đại cát” thu hút tài lộc và thịnh vượng. Điều đó giải thích cho việc người Việt thường trưng cây, hoa vào ngày Tết. Bởi lẽ, từ xa xưa, nhiều người tin rằng Tết có thêm cây là nhà có thêm của. Bạn cũng có thể sắm một chậu cây để bàn mang đến văn phòng để hy vọng vào một năm mới tài lộc. Năng lượng dương của cây cối và ý nghĩa giàu có của nước sẽ mang đến năng lượng tích cực cho bạn.
Mua muối
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ta lại nghe ông bà nhắc về phong tục: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của người xưa, đây được xem là tinh túy của biển cả, có tác dụng chống uế, xua đuổi tà ma, điềm rủi. Đồng thời, muối còn được dùng để bảo quản các loại thực phẩm. Công dụng này khiến nhiều người liên tưởng đến việc giữ sự gắn bó giữa các mối quan hệ, để tình cảm thêm phần “đậm đà”, thắm thiết. Phong tục này có thể được thực hiện ngay tại văn phòng của bạn. Bạn có thể mua một ít muối vào trước ngày đi làm và đặt ở một góc của văn phòng.
Người xưa có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. PITO mong rằng với 14 điều gợi ý ở trên sẽ mang lại cho bạn một năm mới công việc thuận lợi, vạn sự như ý, mọi điều hanh thông.
Bài viết có nội dung hay và bổ ích, chạm đúng nỗi niềm của dân văn phòng tụi mình trong ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.