Không gian thư giãn tại văn phòng thumbnail

Có cần thiết không gian thư giãn tại văn phòng? 8 cách bố trí phù hợp

Hồng Như
phút
23/04/2025
Hồng Như
phút
23/04/2025

Văn phòng là nơi làm việc không phải để chơi và nghỉ ngơi? Văn phòng nhỏ, không đủ diện tích để “bày vẽ”? Bàn ghế và thiết bị làm việc đã đủ tiện nghi và thoải mái rồi?... PITO nghĩ rằng đâu đó, các công ty, doanh nghiệp vẫn còn những quan điểm này. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động trở thành nhu cầu thiết yếu, thì những không gian thư giãn tại văn phòng lại càng cần thiết hơn.

Theo báo cáo State of the Global Workplace của Gallup năm 2023, 44% nhân viên văn phòng trên toàn cầu cảm thấy căng thẳng trong suốt ngày làm việc. Đồng thời, một báo cáo khác của Great Place to Work cũng chỉ ra rằng, nhân viên sẽ thấy khỏe mạnh, tích cực hơn gấp 3 lần khi được làm việc trong môi trường vui vẻ, thoải mái, có nhiều không gian thư giãn. Không cần quá nhiều diện tích, cũng không cần tốn nhiều chi phí đầu tư, chỉ cần một góc nhỏ để đọc sách, uống cà phê hay chỉ là đơn giản là một khoảng thở đúng nghĩa, cũng đã đủ để tạo ra sự khác biệt trong trải nghiệm làm việc mỗi ngày.

Tại sao cần bố trí không gian thư giãn tại văn phòng?

Trong 8 tiếng làm việc (hoặc hơn) không phải lúc nào nhân viên cũng ở trạng thái tập trung cao độ. Căng thẳng, áp lực, tâm trạng bị chi phối, năng lượng giảm dần… tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc, tinh thần hợp tác và khả năng sáng tạo. Vì vậy một góc thư giãn tại văn phòng sẽ là không gian cần thiết, với nhiều lợi ích thiết thực:

  • Tái tạo năng lượng - cải thiện hiệu suất làm việc: Một vài phút nghỉ ngắn tại không gian yên tĩnh, có ánh sáng tự nhiên, cây xanh hoặc chỉ là một góc sofa thoải mái, có thể giúp nhân viên quay trở lại công việc với tinh thần tích cực hơn.
  • Giảm stress - đảm bảo sức khỏe tinh thần: Không gian thư giãn là nơi giúp nhân viên tạm thoát khỏi guồng quay công việc - dù chỉ trong chốc lát. Đây là cách đơn giản nhất để giảm căng thẳng, hạn chế tình trạng burn out (kiệt sức) của nhân viên văn phòng.
  • Tạo không gian kết nối - tăng gắn kết nội bộ: Một chiếc ghế lười, một khu vực pha cà phê hay một chiếc bàn bi lắc… đều có thể trở thành nơi kết nối tự nhiên giữa các nhân viên. Tại đây, những cuộc trò chuyện ngoài công việc bắt đầu và đôi khi lại là nơi khởi phát của những ý tưởng hay hoặc giải pháp mới.
  • Xây dựng môi trường làm việc tích cực - nâng cao thương hiệu tuyển dụng: Khi doanh nghiệp chú trọng đến yếu tố thư giãn và sức khỏe tinh thần, đó không chỉ là sự quan tâm đến nhân viên mà còn là nền tảng xây dựng một một môi trường làm việc tích cực, lành mạnh và gắn kết. Ngoài ra, các góc thư giãn này cũng sẽ là chất liệu tốt cho hoạt động truyền thông nội bộ và truyền thông tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao. 

8 cách bố trí không gian thư giãn tại văn phòng

1. Khu vực pantry chỉn chu

Pantry dường như là khu vực không thể thiếu đối với các văn phòng hiện nay. Không chỉ là nơi pha cà phê, hâm nóng thức ăn hay ăn trưa, pantry còn là không gian kết nối, tạo cơ hội để các nhân viên gắn kết hơn.

Khu vực pantry sáng sủa, chỉn chu

Ảnh: Freepik

Với các công ty, tập đoàn đa quốc gia có diện tích văn phòng lớn, pantry thường là một phòng hoặc khu vực riêng biệt, đầy đủ tiện nghi và là không gian thư giãn lý tưởng dành cho nhân viên. Song với các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ, diện tích văn phòng có giới hạn, không đủ điều kiện đầu tư các khu vực thư giãn, thì ít nhất cũng cần thiết kế một pantry chỉn chu và hữu ích nhất.

  • Ưu tiên bố trí pantry gần cửa sổ hoặc các vị trí có góc nhìn (view) thoáng đãng, nhiều ánh sáng tự nhiên.
  • Trang bị đủ các vật dụng cơ bản như tủ lạnh, lò vi sóng, máy lọc nước, máy pha cà phê, tủ đựng đồ ăn vặt… và đặc biệt là bàn ghế thoải mái để mọi người có thể ngồi ăn uống, thư giãn.
  • Trang trí thêm cây xanh, hoa tươi và sử dụng các loại tinh dầu, sáp thơm nhẹ nhàng để tạo cảm giác thoải mái, thư giãn.
  • Sắp xếp nhân sự theo dõi, quản lý pantry để thường xuyên bổ sung các loại bánh, nước, đồ ăn vặt và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu vực này.

2. Góc trò chơi xả stress

Không chỉ là không gian giải trí, góc trò chơi tại văn phòng còn đóng vai trò như một “liều thuốc” giúp giải tỏa căng thẳng, tái tạo năng lượng và tạo nên những khoảnh khắc gắn kết giữa các đồng nghiệp.

Tại một số văn phòng, khu vực này được bố trí chung với pantry - để nhân viên có thể vừa ăn uống, vừa giải trí nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện, công ty, doanh nghiệp nên bố trí góc trò chơi ở khu vực riêng biệt, cách xa không gian làm việc, tạo sự tách biệt rõ ràng giữa công việc và vui chơi, thư giãn.

Tùy vào đặc điểm nhân sự, văn hóa doanh nghiệp và diện tích sẵn có, bạn có thể trang bị một số trò chơi đơn giản nhưng vui vẻ và gắn kết như:

  • Lắp bàn bi lắc, bàn bóng bàn mini;
  • Chuẩn bị bộ cờ vua, cờ tướng, cờ caro và các board game nhóm như uno, ma sói, rút gỗ…;
  • Máy chơi game cầm tay;
  • Tranh tô màu, mô hình lắp ghép hoặc các trò chơi sáng tạo khác.

Ngoài ra, PITO khuyến khích bộ phận nhân sự, Admin thường xuyên theo dõi góc thư giãn này. Việc luân phiên thay đổi trò chơi theo mùa, theo sự kiện nội bộ hoặc tổ chức các mini game có quà cũng là cách hay để giữ không khí tại văn phòng luôn tươi mới, nội bộ luôn gắn kết và tạo được điểm nhấn riêng cho văn hóa công ty.

3. Cây xanh và ánh sáng, hoà vào thiên nhiên

Những năm gần đây, văn phòng xanh trở thành xu hướng thiết kế được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng, bởi nó không chỉ mang lại những lợi ích to lớn mà còn thể hiện cam kết của doanh nghiệp với môi trường và cộng đồng. Song để thiết kế cả văn phòng xanh đòi hỏi nhiều yếu tố và sự đầu tư.

Do đó, đưa “thiên nhiên” vào văn phòng không đồng nghĩa với việc cần có một khu vườn lớn hay đầu tư hệ thống phức tạp. Với nhiều công ty, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ, có diện tích hạn chế, bạn hoàn toàn có thể thiết kế một góc thư giãn nhỏ - nơi nhân viên có thể dừng lại vài phút, hít thở sâu, tận hưởng ánh sáng tự nhiên và sắc xanh dịu mát từ cây cối.

Văn phòng nhiều cây xanh

Ảnh: Freepik

  • Chọn vị trí gần cửa sổ, ban công, giếng trời hoặc khu vực có thể đón được nhiều ánh sáng tự nhiên. Nếu không đủ ánh sáng, bạn có thể hãy dùng đèn mô phỏng ánh sáng tự nhiên để thay thế.
  • Tạo một bức tường cây xanh với các loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc.
  • Trang trí khu vực này bằng các vật liệu thân thiện môi trường mang lại cảm giác gần gũi như đá cuội, thảm cỏ nhân tạo, tranh thiên nhiên hoặc các món đồ trang trí nhỏ như chuông gió, bình gốm, để tăng yếu tố “thiền” và thư thái cho không gian.
  • Bố trí loa nhỏ phát âm thanh nhẹ nhàng như tiếng chim hót, tiếng nước chảy kết hợp máy xông tinh dầu hoặc sáp thơm hương gỗ, lavender, trà xanh… tạo nên âm thanh và mùi hương gần gũi với thiên nhiên, giúp nhân viên thư giãn sâu hơn.

4. Góc đọc sách truyền cảm hứng

Nếu công ty bạn có văn hoá đọc, mọi người cũng yêu thích sách, thường xuyên đọc sách thì góc thư giãn với ý tưởng này sẽ là lựa chọn phù hợp. Đây không chỉ đơn thuần là nơi để đọc, mà còn là không gian khơi gợi cảm hứng, giúp nhân viên mở rộng tư duy và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực.

Góc đọc sách cho thể là một góc riêng biệt, duy nhất tại công ty bạn hoặc hoàn toàn có thể kết hợp với các không gian như khu vực gần gũi với thiên nhiên, khu vực nghỉ ngơi… với cách bố trí đơn giản như sau:

  • Kệ sách nhỏ, thiết kế tinh tế: Khu vực này sẽ không cần quá nhiều sách nhưng cần chọn lọc kỹ các đầu sách liên quan đến phát triển bản thân, kỹ năng mềm, sáng tạo, quản trị, tâm lý học tích cực… hoặc thậm chí là truyện tranh, tản văn nhẹ nhàng để nhân viên thư giãn. Các kệ sách với thiết kế tinh tế, đặc biệt cũng sẽ là điểm nhấn cho không gian.
  • Ghế ngồi thư giãn: Ưu tiên sử dụng các loại ghế bành, ghế lười, ghế đơn kèm đệm tựa lưng – kết hợp với bàn nhỏ để đặt sách hoặc tách trà. Song nếu không gian hẹp, bạn có thể dùng đệm ngồi bệt, thảm mềm hoặc ghế gấp tiện lợi.
  • Trang trí nhẹ nhàng, tối giản: treo tranh, poster hoặc các trích dẫn truyền cảm hứng, chuẩn bị đèn bàn với ánh sáng vàng ấm, vài chậu cây nhỏ… tạo nên không gian vừa ấm cúng, vừa gần gũi và thư giãn.

Ngoài ra, để không gian này thêm ý nghĩa hơn, bộ phận phụ trách hoạt động nội bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động xoay quanh sách như review sách; trao đổi, giới thiệu sách hay; trò chuyện sâu (deep talk) về một chủ đề liên quan đến một quyển sách nào đó… PITO tin rằng một góc đọc sách đơn giản nhưng được chăm chút đúng cách có thể trở thành “trạm sạc” tinh thần quý giá giữa ngày làm việc bận rộn và cũng là minh chứng cho sự đầu tư của doanh nghiệp vào trải nghiệm của nhân viên một cách tinh tế và bền vững.

5. Không gian làm việc linh hoạt

Không gian làm việc không nhất thiết phải là bàn ghế cố định, thẳng hàng hay theo sơ đồ truyền thống. Với xu hướng làm việc hiện đại và đặc biệt là sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi cách bố trí văn phòng theo hướng linh hoạt, cá nhân hóa hơn, nhằm tạo sự thoải mái và hỗ trợ tối đa cho nhân viên hoàn thành tốt công việc.

Bố trí buồng làm việc

Ảnh: Freepik

Dưới đây là một số gợi ý thiết kế không gian làm việc vừa “động” vừa “tĩnh”, tạo nên không gian để nhân viên vừa làm việc vừa thư giãn.

  • Bố trí đa dạng các loại chỗ ngồi: Không chỉ là bàn làm việc truyền thống, bạn có thể sắp xếp thêm các khu vực ngồi bệt, ghế sofa, ghế đơn kèm bàn thấp, ghế cao tại quầy bar hay bàn đứng và cho phép nhân viên lựa chọn chỗ ngồi theo nhu cầu và cảm hứng trong ngày.
  • Khu vực làm việc yên tĩnh: Đây sẽ là một góc làm việc dành cho những ai cần tập trung tuyệt đối, có thể là buồng làm việc cá nhân, ghế ngồi có vách ngăn, hoặc bàn làm việc cá nhân gần cửa sổ.

6. Karaoke box - thư giãn ngay tại văn phòng

Âm nhạc luôn là chất xúc tác mạnh mẽ giúp giải tỏa căng thẳng và mang mọi người đến gần nhau hơn. Trong môi trường công sở vốn nhiều áp lực, việc bố trí một karaoke box - phòng karaoke mini ngay tại văn phòng - có thể là một ý tưởng mới mẻ nhưng cực kỳ hiệu quả để nâng cao tinh thần và giúp nhân viên thư giãn.

Đặc biệt, hiện nay nhiều nhà cung cấp đã có sẵn các mẫu karaoke box lắp đặt sẵn, thiết kế tối giản, gọn nhẹ và đặc biệt cách âm hiệu quả, phù hợp cho không gian văn phòng. Chỉ cần một góc nhỏ trống trong văn phòng, bạn hoàn toàn có thể “biến hóa” nơi đó thành không gian giải trí vui vẻ với các box karaoke hiện đại, âm thanh cực tốt.

Ngoài ra, để tạo thêm không gian thư giãn cho nhân viên, một số công ty, doanh nghiệp có nơi làm việc tốt nhất còn đặt thêm nhiều góc khác như photobooth - không gian chụp ảnh lấy liền, máy gắp thú… Những không gian nhỏ nhưng đầy thú vị này chính là những điểm chạm cảm xúc, góp phần xây dựng một môi trường làm việc tràn đầy năng lượng và tích cực mỗi ngày.

7. Phòng gym, khu vực thiền tối giản

Đây không chỉ là góc thư giãn, mà còn là lời nhắn nhủ tinh tế từ doanh nghiệp đến nhân viên rằng: “Chúng tôi quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn”. Phòng gym hoặc khu vực tập thiền là những không gian lý tưởng, khuyến khích nhân viên vận động, hít thở sâu và tái tạo năng lượng, đặc biệt là trong những ngày làm việc căng thẳng hoặc áp lực kéo dài.

Với phòng gym tại văn phòng, bạn không cần phải đầu tư quá lớn. Chỉ cần một khu vực nhỏ, bố trí hợp lý với vài thiết bị cơ bản như máy chạy bộ, máy đạp xe, tạ tay, dây kháng lực… là đã đủ để nhân viên có thể vận động nhẹ nhàng vào giờ nghỉ trưa hoặc cuối ngày. Nếu không gian hạn chế hơn, bạn có thể thay bằng tủ đựng dụng cụ thể thao, dụng cụ chơi cầu lông, xe đạp thể thao và cho phép mọi người tự do sử dụng trong khuôn viên công ty.

Phòng gym cho nhân viên

Ảnh: Freepik

Nếu nhân viên công ty có nhu cầu tập thiền, yoga hoặc các động tác nhẹ nhàng, bạn có thể bố trí phòng/khu vực tập thiền hoặc tập yoga tối giản với ánh sáng dịu nhẹ, đệm ngồi, thảm yoga, mùi hương tinh dầu thư giãn và một chút nhạc thiền nhẹ nhàng. Đây là nơi tuyệt vời để nhân viên thư giãn tâm trí, giảm căng thẳng và nạp lại tinh thần.

So với các góc thư giãn vừa nêu, phòng gym hoặc góc tập yoga sẽ kén người sử dụng hơn. Do đó, trước khi bố trí tại văn phòng, PITO khuyến khích bạn có sự khảo sát, tham khảo nhu cầu của nhân viên để khu vực này phát huy hiệu quả tốt nhất.

8. Bố trí Nap Pods - khu vực nghỉ trưa

Một giấc ngủ ngắn vào giữa ngày có thể tạo ra khác biệt rõ rệt về mức độ tỉnh táo, khả năng tập trung và hiệu suất làm việc. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, một giấc ngủ trưa ngắn từ 15 - 30 phút sẽ giúp cải thiện trí nhớ, tâm trạng và giảm căng thẳng đáng kể. Chính vì vậy, việc bố trí khu vực nghỉ trưa - đặc biệt là các Nap Pods (buồng ngủ mini) tại văn phòng - đang dần trở thành một phần trong thiết kế văn phòng hiện đại. Tại văn phòng Google khắp thế giới, Nap Pods là một phần đặc trưng.

Khu vực ngủ trưa cho nhân viên

Ảnh: Freepik

Nếu văn phòng có diện tích rộng, bạn có thể đầu tư các mẫu Nap Pods thiết kế sẵn, với cấu trúc cách âm, nội thất thông minh, ánh sáng dịu nhẹ, có khả năng phát nhạc thư giãn hoặc tích hợp hẹn giờ báo thức. Những chiếc “buồng ngủ công sở” này vừa tiện nghi, vừa đảm bảo sự riêng tư cho nhân viên nghỉ ngơi trong thời gian ngắn.

Với các công ty có diện tích khiêm tốn, bạn có thể linh hoạt hơn bằng cách tạo ra góc nghỉ trưa đơn giản với ghế thư giãn có tựa lưng, ghế lười, nệm bệt… và khuyến khích nhân viên nghỉ trưa. 

Mẹo để không gian thư giãn phát huy hiệu quả

  • Khuyến khích việc thư giãn và chăm sóc sức khỏe tinh thần: Phần lớn nhân viên đều sẽ mang tâm lý “ngại nghỉ” hoặc lo ngại việc thư giãn trong giờ làm sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng để các không gian thư giãn phát huy hiệu quả là lãnh đạo và bộ phận phụ trách nội bộ cần lan tỏa thông điệp rằng: thư giãn là cần thiết và thư giãn đúng cách sẽ thúc đẩy năng suất làm việc. 
  • Thiết kế và tối ưu theo nhu cầu của nhân viên: Trước khi thực hiện không gian thư giãn nên khảo sát, lắng nghe ý kiến và y nhu cầu của nhân viên - đối tượng sử dụng chính. Nếu phần lớn là nhân viên trẻ, năng động thì ưu tiên các khu chơi game, ăn uống, song nếu nhân viên cần sự yên tĩnh thì phát triển góc đọc sách, thiền là cần thiết. 
  • Kết hợp với hoạt động nội bộ: Không gian thư giãn sẽ thêm phần ý nghĩa nếu thường xuyên được tích hợp các hoạt động gắn kết nội bộ. Bộ phận HR, Admin có thể linh hoạt tổ chức các hoạt động theo chủ đề, minigame, workshop nhỏ… tại các khu vực này.
  • Luôn đảm bảo vệ sinh và sự thoải mái: Một không gian thư giãn chỉ thực sự thư giãn nếu gọn gàng và luôn trong trạng thái sẵn sàng sử dụng. Vì vậy, bạn cần đảm bảo có người theo dõi để bổ sung đồ dùng, kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, mùi hương… và vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày. 

Không gian thư giãn tại văn phòng không còn là một “đặc quyền”, mà dần đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược xây dựng môi trường làm việc bền vững. Dù công ty bạn lớn hay nhỏ, văn phòng rộng hay hẹp, bạn chỉ cần đầu tư một cách tinh tế và chân thành, góc thư giãn sẽ là nơi tiếp năng lượng, khơi nguồn sáng tạo và gắn kết mọi người hiệu quả. PITO hy vọng rằng những gợi ý trên sẽ truyền cảm hứng để bạn bắt đầu hoặc làm mới những góc nhỏ tại văn phòng nhé!

Hồng Như

Chiếc bánh Tea break xinh xắn, bàn Buffet sang trọng luôn có sự thu hút lớn với Như. Trước là vì món ngon nhưng sau là vì những giá trị về văn hoá, ẩm thực thú vị. Chọn con đường viết lách chuyên nghiệp nghiêng về ẩm thực và Catering, Như tin các bài viết của mình tại PITO có thể truyền cảm hứng đến bạn, đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm các giải pháp, dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>