Những điều thú vị về não bộ con người Thumbnail

Những điều thú vị về não bộ con người? Não có bị kiệt sức không? Làm sao để não khỏe?

Uyên Trinh
phút
01/08/2024
Uyên Trinh
phút
01/08/2024

Não bộ con người là một trong những cơ quan phức tạp và kỳ diệu nhất của cơ thể. Bạn biết gì về não bộ của mình?

Não bộ dù chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng tiêu thụ tới 20% lượng oxy và năng lượng mà chúng ta hấp thụ. Đây là cơ quan phức tạp nhưng cũng vô cùng kỳ diệu trong cơ thể người, điều hành từ khả năng xử lý thông tin đến mọi hoạt động của cơ thể.

Bài viết này, PITO tìm kiếm, tổng hợp những thông tin thú vị về não bộ con người và cách để não khỏe mỗi ngày.

20 sự thật thú vị về não bộ con người

1. Não bộ có thể phát triển suốt đời

Một trong những phát hiện quan trọng nhất về não bộ là tính dẻo dai thần kinh (neuroplasticity). Điều này có nghĩa là não bộ không ngừng thay đổi và phát triển suốt cuộc đời. Mỗi khi chúng ta học một kỹ năng mới hoặc tạo ra một thói quen mới, các kết nối trong não bộ sẽ được thay đổi hoặc củng cố.

Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể thay đổi vùng não thông qua quá trình luyện tập, học một điều mới, tạo thói quen mới. Trí thông minh không phải là một yếu tố cố định mà có thể được cải thiện thông qua tập luyện và học tập. Các hoạt động như đọc sách, giải đố, thậm chí là chơi nhạc cụ có thể giúp tăng cường các kết nối nơron, cải thiện trí nhớ và khả năng tư duy.

Não bộ có thể phát triển suốt đời

Ảnh: Shutterstock

2. Não không bao giờ ngừng hoạt động

Não bộ con người là một cơ quan phi thường, không bao giờ ngừng hoạt động, ngay cả khi chúng ta đang ngủ. Điều này thể hiện qua khả năng liên tục xử lý thông tin, điều khiển các chức năng cơ thể và duy trì các hoạt động sống cơ bản.
Khi chúng ta ngủ, não vẫn "bận rộn" hoạt động và sử dụng nhiều năng lượng. Lúc này não xử lý và sắp xếp những trải nghiệm trong ngày, hình thành ký ức dài hạn.

Các giai đoạn hoạt động của não khi ngủ

  • Giấc Ngủ Sâu (Non-REM): trong giai đoạn này, não chủ yếu tập trung vào việc phục hồi và sửa chữa các tế bào cơ thể, củng cố trí nhớ và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Giấc Ngủ REM (giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt - Rapid Eye Movement): Đây là giai đoạn não hoạt động mạnh nhất trong suốt quá trình ngủ. Giấc mơ thường xảy ra trong giai đoạn này, khi não bộ xử lý thông tin và cảm xúc từ suốt cả ngày.
Các giai đoạn hoạt động của não khi ngủ

Ảnh: Shutterstock

3. Não chủ yếu là nước

Bộ não con người có khoảng 75% là nước. Các mô não rất mềm, màu hồng, điều này có được nhờ máu và nước. Vì vậy, người thiếu nước, mất nước dễ gặp các vấn đề về tập trung, trí nhớ, đau đầu, khó ngủ, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng. Mất nước nhẹ cũng có thể tác động đến sức khỏe não bộ và chức năng nhận thức. Do vậy, bất cứ khi nào bạn cảm thấy khát nước thì hãy uống nước ngay nhé.

4. Não không có cảm giác đau

Não là cơ quan phát hiện cơn đau nhưng bản thân chúng không có cơ quan thụ cảm đau. Các tế bào thần kinh trong não không có các thụ thể cảm giác đau (nociceptors). Chính vì vậy, bác sĩ có thể phẫu thuật não trong khi bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo.

Tuy nhiên, có các cơ quan cảm nhận cơn đau nằm trên da đầu và lớp phủ xung quanh hộp sọ. Chúng ta có thể cảm thấy đau đầu, vì các cơn đau này thường xuất phát từ các vùng xung quanh não chứ không phải từ chính não.

5. Vẫn có thể sống nếu mất một não

Não được chia thành hai bán cầu cân xứng và chúng không hoạt động cùng nhau. Não bên trái thiên về những suy nghĩ logic và lý trí, ngôn ngữ, lời nói; trong khi não bên phải thiên về sáng tạo, trực giác, cảm xúc, không gian, thị giác. Chúng cũng hoạt động trái ngược nhau. Ví dụ, khi bạn bị vấp ở ngón chân cái bên trái, “sự đau đớn” sẽ được xử lý ở não bên phải. Nhưng một điều kỳ lạ là ngay cả khi bạn bị mất một nửa não, bạn vẫn có thể sống sót. Vì não có khả năng tái cấu trúc và thích nghi (neuroplasticity), cho phép các chức năng bị mất được bù đắp bởi các phần còn lại của não.
Một hiểu lầm thường gặp như người sáng tạo là người não phải, người logic là người não trái. Mặc dù có sự phân biệt chức năng giữa hai bán cầu, hầu hết mọi người sử dụng cả hai bán cầu não một cách cân bằng. Sự sáng tạo và suy luận logic đều cần sự phối hợp của cả hai bán cầu. Không có bán cầu nào hoàn toàn chiếm ưu thế hơn bán cầu kia.

Vẫn có thể sống nếu mất một não

Ảnh: Shutterstock

6. Tổng mao mạch ở não dài tới 100.000 dặm

Các mao mạch ở não nếu kết nối lại với nhau sẽ có chiều dài làm sửng sốt mọi người: 100.000 dặm, tức 160.000km. Để cấu thành nên não, cũng cần có hàng trăm tỷ nơron thần kinh, tất cả nằm trong một hỗn hợp có kích thước bằng một quả dưa hấu. Như vậy số lượng nơron thần kinh này tương đương với toàn bộ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy các neuron này qua kính hiển vi.

Các neuron thần kinh trong não cũng không phải đều giống nhau. Do vậy, thông tin truyền tải giữa chúng có tốc độ khác nhau. Có loại dây thần kinh chỉ truyền thông tin với tốc độ 0,5m/giây nhưng có loại truyền với tốc độ 120m/giây. Đó là điều tại sao có lúc bạn có thể nhớ lại sự việc ngay tức thì nhưng có lúc thì phải mất một lúc lâu.

7. Não bộ tự sản sinh ra điện 

Các nơron (tế bào thần kinh) giao tiếp với nhau thông qua các tín hiệu điện. Những sóng điện này có thể được đo bằng các thiết bị như EEG (electroencephalogram), cho thấy não bộ luôn hoạt động ngay cả khi chúng ta đang ngủ.

Khi chúng ta suy nghĩ, cảm nhận hoặc di chuyển, các tế bào thần kinh trong não bắn ra các điện tích di chuyển dọc theo các sợi trục dài của chúng, với tốc độ 250 dặm mỗi giờ.

Não bộ tự sản sinh ra điện

Ảnh: Shutterstock

Theo phó giáo sư kỹ thuật sinh học Kwabena Boahen, Trường Đại học Stanford, Mỹ, bộ não con người cần ít nhất 10 megawatt (MW) điện để hoạt động bình thường. Năng lượng này có thể thắp sáng một bóng đèn nhỏ.

8. Não phát triển toàn diện khi 25 tuổi

Theo Trung tâm Y tế Đại học Rochester, Mỹ, bộ não của chúng ta phải mất tới 25 năm mới hoàn tất quá trình phát triển. Do đó, não của người lớn và thanh thiếu niên hoạt động khác nhau.

Người lớn suy nghĩ bằng vỏ não trước trán, phần lý trí của não giúp phản ứng với các tình huống bằng khả năng phán đoán và nhận thức. Còn lứa tuổi thanh thiếu niên xử lý thông tin bằng hạch hạnh nhân, phần não thiên về cảm xúc.

9. Não hoạt động nhiều hơn vào ban đêm

Đó là lý do tại sao các nhà khoa học nghĩ rằng chúng ta thường mơ thấy những thứ có liên quan đến sự việc trong ngày. Một nghiên cứu gần đây cho biết, giấc mơ có thể giúp chúng ta làm dịu chấn thương ở não. Những người có chỉ số IQ (thông minh) cao thường mơ nhiều hơn.

10. Não cần giấc ngủ để tái tạo

Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sức khỏe não bộ. Khi chúng ta ngủ, não bộ sẽ xử lý và lưu trữ thông tin, loại bỏ các chất độc hại tích tụ trong suốt ngày. Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến trí nhớ mà còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như suy giảm nhận thức và các bệnh thần kinh.

Ngủ vào ban đêm được coi là thời điểm lý tưởng nhất cho não, thuận lợi để kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não, hỗ trợ trí nhớ và học tập. Trong một nghiên cứu khoa học gần đây, não củng cố tất cả những gì ta đã học cả ngày trong khi ngủ vào ban đêm. Còn ban ngày, nếu có được sự chợp mắt, nó sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng và tập trung trong công việc tốt hơn.

11. Bộ nhớ và khả năng lưu trữ thông tin lớn 

Não bộ con người có khả năng lưu trữ thông tin khổng lồ. Mỗi nơron có thể tạo ra hàng ngàn kết nối với các nơron khác, tạo nên một mạng lưới phức tạp và rộng lớn. Theo các nhà khoa học, khả năng lưu trữ thông tin của não bộ có thể lên đến 2.5 petabyte (đơn vị thông tin hay lưu trữ máy tính), tương đương với 2.5 triệu gigabyte.

12. Bộ não có thực sự “màu xám”

Não bộ thường được gọi là "chất xám", nhưng thực tế, nó không chỉ có màu xám. Chất xám chiếm phần lớn ở vùng vỏ não, nơi xử lý thông tin và tư duy, nhưng não bộ còn chứa nhiều chất trắng, chịu trách nhiệm truyền tải thông tin giữa các vùng khác nhau của não.

13. Não tạo cảm giác hạnh phúc và gắn kết trong tình yêu

Não bộ chịu trách nhiệm cho các cảm xúc phức tạp, bao gồm cả tình yêu. Khi yêu, não bộ sản sinh ra một lượng lớn các hóa chất như dopamine, oxytocin, và serotonin, tạo ra cảm giác hạnh phúc và gắn kết. Đây là lý do tại sao tình yêu có thể khiến chúng ta cảm thấy phấn khích và hưng phấn hơn.

Não tạo cảm giác hạnh phúc và gắn kết trong tình yêu

Ảnh: Shutterstock

14. Hiệu ứng Placebo và sức mạnh của niềm tin

Hiệu ứng Placebo cho thấy niềm tin có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe và cảm giác của chúng ta. Nếu một người tin rằng họ đang nhận được một liệu pháp hiệu quả, não bộ có thể kích hoạt các cơ chế tự chữa lành, thậm chí nếu liệu pháp đó chỉ là giả dược.

15. Não to hay nhỏ không quyết định sự thông minh 

Điển hình là não của nhà bác học Einstein chỉ nặng có 1,230kg, trong khi não của một người bình thường nặng tới 1,4kg. Bộ não người trưởng thành trung bình nặng khoảng 1,5 kg và dài khoảng 15cm

Não của nhà bác học Einstein có kích thước hết sức bình thường, ngoại trừ các vùng não chịu trách nhiệm nhận thức toán học và không gian. Trong khu vực này, bộ não của ông là rộng hơn so với trung bình 35%

16. Tổn thương não không phải lúc nào cũng vĩnh viễn

Bộ não rất mong manh và dễ bị tổn thương bởi các hoạt động gây chấn thương, khi bị đột quỵ hay bệnh tật. Sự ảnh hưởng này có thể dẫn đến một loạt hậu quả, từ sự tác động nhẹ trong khả năng nhận thức đến suy giảm hoàn toàn.

Khả năng phục hồi của não sau tổn thương phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của chấn thương, không phải lúc nào cũng vĩnh viễn. Tuy nhiên, một cơn đột quỵ nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, lâu dài hoặc vĩnh viễn.

17. Rượu có thể ảnh hưởng đến não 

Khi uống rượu trong một thời gian dài, rượu sẽ không làm ảnh hưởng đến tế bào não, mà ảnh hưởng trực tiếp sự phát triển của các tế bào mới, thậm chí là biến mất. Việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, học hỏi và ghi nhớ thường ngày. Đồng thời, sử dụng rượu cũng sẽ có sự ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động bình thường của não bộ con người.

Cụ thể, nếu thường xuyên uống say hay lạm dụng quá nhiều, thì sẽ dẫn đến khả năng suy giảm và rối loạn chức năng của não bộ, gây suy giảm trí nhớ, rối loạn tư duy…

18. Não chứa nhiều chất béo

Khoảng 60% bộ não được tạo thành từ chất béo. Đây là lý do tại sao chế độ ăn giàu chất béo lành mạnh như omega-3, omega-6 rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ và cơ thể. Theo các nhà khoa học, chất béo hỗ trợ ổn định thành tế bào trong não và vận chuyển, hấp thụ cũng như lưu trữ các vitamin. Nó cũng có tác dụng giảm viêm và giúp hệ thống miễn dịch điều chỉnh, hoạt động bình thường.

19. Não sử dụng 20% máu lưu thông

Não bộ là một cơ quan tiêu thụ năng lượng rất lớn, mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể, nhưng nó sử dụng đến 20% lượng máu lưu thông trong cơ thể. Sự lưu thông máu đến não rất quan trọng để duy trì chức năng não bộ, cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết, cũng như loại bỏ các chất thải. Nếu não mất máu 8-10 giây, bạn sẽ mất ý thức.

20. Não không có dây thần kinh

Bộ não là cơ quan duy nhất trong cơ thể con người không có dây thần kinh chi phối mặc dù nó hoạt động như các trung tâm chỉ huy của thần kinh trung ương, trung tâm điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Thay vào đó, não chủ yếu được cấu thành từ các tế bào thần kinh (nơron) và các tế bào hỗ trợ (như tế bào thần kinh đệm).

Não có bị “kiệt sức” không?

Não bộ, giống như các cơ quan khác trong cơ thể, có thể bị kiệt sức nếu phải làm việc quá mức hoặc không được chăm sóc đúng cách. Dấu hiệu não kiệt sức: mệt mỏi, khó tập trung, giảm hiệu suất, cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ.

Nguyên nhân khiến não kiệt sức như căng thẳng liên tục, thiếu ngủ, ngủ không sâu, chế độ ăn uống không lành mạnh, không vận động, sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều.

Não có bị lão hóa không? 

Não bộ bị lão hóa là không thể tránh khỏi. Não có thể già đi với tốc độ khác nhau theo thời gian, tùy thuộc vào sức khỏe, lối sống và tính cách.
Não lão hóa thường có các biểu hiện như khó nhớ những từ thường dùng, mệt mỏi vào ban ngày, thay đổi tính cách, mất trí nhớ ngắn hạn, mất khứu giác, suy giảm thính lực.

Khi 45-49 tuổi, cả nam và nữ mất 3,6% não và năng lực của não bộ, khả năng ghi nhớ, lập luận, nhận thức đều bắt đầu suy yếu. Tuổi 65-69, não bộ mất khoảng 7,4% tế bào não ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, biểu hiện cảm xúc vẫn được lưu giữ dưới sự kiểm soát nhờ vào hạch nhân trong bộ não. 80 tuổi, não mất đi một phần trọng lượng nhỏ khoảng vài gram, nhưng chủ yếu là nước.

Hiện tượng co rút não bắt đầu xuất hiện khiến khả năng nhận thức trở nên tồi tệ, khả năng nói, định hướng không gian kém. Cấu trúc nằm trong thùy thái dương của não teo lại, đó chính là lý do người cao tuổi thường đãng trí, mất tập trung.

Làm sao để não khỏe, chậm lão hóa? 

Một số cách sau đây sẽ giúp não bạn khỏe hơn mỗi ngày:

Thiền chánh niệm (Mindfulness meditation)

Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng, thiền chánh niệm giúp gia tăng mật độ chất xám ở vùng hải mã - vùng não quan trọng đối với trí nhớ, các vùng trán khác của não cũng như sự gia tăng độ dày thùy não ở các thùy trước.
Cụ thể, tăng chất xám và hải mã bên trái hỗ trợ học tập, nhận thức và ghi nhớ. Còn sự gia tăng ở đường trước và độ dày vỏ não có lợi cho chức năng nhận thức, sự chú ý và nhận thức về bản thân.

Thiền chánh niệm giúp não khỏe hơn

Ảnh: Shutterstock

Trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu bạn tập trung chú ý vào hơi thở, não bộ sẽ tự tái cấu trúc để giúp cho việc tập trung trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ, nếu bạn thực hành sự chấp nhận bình tĩnh trong khi thiền, bạn sẽ phát triển một bộ não có khả năng phục hồi tốt hơn trước căng thẳng.

Kristoffer Rhoads, một nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Harbourview cho rằng, nhìn vào kết quả từ 6 đến 12 tháng sau khi thiền từ 20 đến 30 phút mỗi ngày, ta có thể thấy những thay đổi trong não bộ về cả cấu trúc và chức năng.

Thử một thứ gì đó mới

Thử học một ngôn ngữ mới, nấu một món ăn mới hay học một kỹ năng mới giúp tạo nên những liên kết thần kinh mới mẻ và tăng tính linh hoạt của não bộ.

Học thứ gì đó mới rất tốt cho não

Ảnh: Shutterstock

Khoa y tế Baycrest ở Toronto, Canada cho biết việc chơi một loại nhạc cụ giúp người cao tuổi tránh được sự suy giảm nhận thức vì làm thay đổi sóng não. Khiêu vũ cũng cho thấy rất hiệu quả trong việc chống lão hoá.

Tập thể dục hằng ngày

Không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, các bài tập thể dục, đặc biệt là các bài tập cardio, cũng có ảnh hưởng tích cực đến chức năng não. Cụ thể, các bài tập cardio có thể giúp tăng thể tích của hồi hải mã – nơi lưu giữ ký ức và định hình nhận thức của con người.

Theo Ali, nhiều nghiên cứu đã phát hiện việc tích cực rèn luyện thể chất vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời đều mang lại lợi ích cho nhận thức và hoạt động của não, làm giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ.

Tập thể dục hàng ngày giúp não khỏe mạnh

Ảnh: Shutterstock

Cũng giống như trái tim, não bộ phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của hệ mạch, do đó vận động đóng vai trò quan trọng cho việc duy trì lượng máu lưu thông đến não. Các chuyên gia khuyên nên dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục một cách điều độ.

Quản lý stress 

Khi con người stress, não bộ sẽ sản xuất nhiều tế bào myelin – một chất giàu lipid bao quanh sợi trục của tế bào thần kinh, tạo thành một lớp cách điện. Và khi myelin được sản xuất ra nhiều trong thời gian dài sẽ làm thay đổi cấu trúc não, giết chết các tế bào não. (Theo nghiên cứu từ Đại học California Gian Berkeley).

Stress kéo dài cũng khiến não sẽ teo lại dẫn tới suy giảm trí nhớ, khó tập trung hơn trong học tập, công việc, khả năng ghi nhớ và tư duy kém hơn, hoặc nguy cơ mắc các bệnh rối loạn trạng thái, rối loạn thần kinh,…

Quản lý stress cho não khỏe mạnh hơn

Ảnh: Shutterstock

Cách tích cực nhất để giải quyết stress và duy trì bộ não khỏe mạnh như ngủ đủ giấc, tập thể dục, kết hợp liệu pháp thư giãn trong cuộc sống hàng ngày, hoặc đến bác sĩ khi cần thiết.

Quản lý giấc ngủ

Những người thông minh là những người dành 1/3 cuộc sống cho việc ngủ. Nghe có vẻ lãng phí, nhưng thật ra, theo các chuyên gia, giấc ngủ rất quan trọng cho sức khỏe và đặc biệt vô cùng có lợi cho não. Thực tế, khi con người ở trạng thái nghỉ ngơi vô thức sẽ có xu hướng tạo ra những liên kết vô hình, thúc đẩy sự sáng tạo và ý tưởng mới.
Một nghiên cứu từ Đại học Carlifornia tại Berkeley năm 2007 cho thấy rằng giấc ngủ giúp có thể giúp con người tăng cường khả năng kết nối các ý tưởng, hình thành nên những sáng tạo mới mẻ sau khi thức dậy. Nhưng nếu không ngủ đủ giấc, khả năng kết nối của não bị hạn chế, dẫn đến trí nhớ kém và khả năng sáng tạo cũng bị kìm hãm

Bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hoạt động não

Theo Suha Ali, đứng đầu cơ quan quản lý quốc gia Australia về giảm thiểu nguy cơ mất trí do Alzheimer, cần tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng nhưng vẫn phải chú trọng thức ăn giúp tăng cường sức khỏe cho não bộ. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và omega 3 đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ.

Tăng cường thực phẩm bổ dưỡng cho não

Ảnh: Shutterstock

Cũng cần tránh chất béo chuyển hóa, loại chất béo thường chứa trong đồ ăn được chế biến sẵn hay đồ hộp và giảm tiêu thụ các chất béo bão hòa.

Càng tìm hiểu, càng thấy não bộ con người là một kỳ quan của thiên nhiên, với khả năng và tiềm năng vô hạn. Việc hiểu rõ hơn về não bộ không chỉ giúp chúng ta khám phá những điều thú vị mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc chăm sóc và phát triển khả năng của não. PITO hy vọng bài viết mang đến nhiều thông tin thú vị và giúp bạn chăm sóc để não khỏe mỗi ngày.

Uyên Trinh

Tình thân và sự gắn kết con người nơi công sở là chủ đề luôn thu hút Uyên Trinh. Hơn kinh nghiệm 10 năm trên hành trình viết (viết báo, blog, PR, chấp bút sách...) và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp, Uyên Trinh hy vọng những bài viết của mình sẽ mang đến cho độc giả góc nhìn mới với nhiều thông tin bổ ích.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>