Mưa kéo dài, nhiệt độ giảm, độ ẩm cao, cùng sự phát triển mạnh của vi khuẩn, virus trong không khí khiến chúng ta dễ cảm lạnh, viêm họng, sốt xuất huyết… Ngoài ra còn dễ bị viêm da, nhiễm nấm vì bị ngập nước mùa mưa.
Ảnh: Shutterstock
Mùa mưa mang theo nhiều nỗi lo sức khỏe, đặc biệt đối với dân văn phòng làm việc trong môi trường sử dụng máy điều hòa, ít tiếp xúc với ánh nắng, ít vận động. Phòng bệnh mùa mưa không chỉ giúp dân văn phòng bảo vệ sức khỏe mà còn duy trì hiệu suất làm việc.
Ảnh: Shutterstock
Sau đây PITO gợi ý 15 cách giúp dân văn phòng phòng ngừa một số bệnh mùa mưa.
1. Giữ ấm cơ thể
Mùa mưa, việc giữ ấm cơ thể khi ra ngoài là rất quan trọng. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là khi đi ra ngoài vào buổi tối hoặc sáng sớm. Nên mặc áo khoác, khăn quàng, mang ô, áo mưa để tránh mắc mưa. Nếu bị dính mưa, về tới nhà, cần lau khô người, vệ sinh sạch sẽ tay chân, nghỉ ngơi để giữ thân nhiệt ổn định, chờ cơ thể ấm lại mới đi tắm. Dùng các thức uống ấm như trà, súp, cháo giúp tăng nhiệt độ cho cơ thể… Ngoài ra, việc giữ chân luôn khô ráo, không mang giày ướt cũng giúp hạn chế nguy cơ nhiễm lạnh.
Ảnh: Shutterstock
2. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi, sau khi tiếp xúc với nhiều người và sau khi tiếp xúc với người đang bị cảm sốt để vi khuẩn không thể xâm nhập vào cơ thể. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày giúp loại bỏ bụi bẩn, giảm nguy cơ kích ứng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên.
3. Vệ sinh môi trường làm việc, môi trường sống
Vệ sinh bàn làm việc, điện thoại và các vật dụng cá nhân khác bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn hàng ngày, hàng tuần. Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, giữ nhà cửa khô ráo, tránh ẩm ướt để ngăn vi khuẩn phát triển và tấn công hệ hô hấp.
Ảnh: Shutterstock
4. Điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm trong phòng làm việc
Văn phòng làm việc thường sử dụng điều hòa với nhiệt độ thấp, trong khi bên ngoài là không khí ẩm ướt, điều này dễ tạo cơ thể trở nên yếu đi và dễ nhiễm lạnh. Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hợp lý, khoảng 27-28 độ C để cơ thể dễ dàng nghi. Thêm vào đó, sử dụng máy hút ẩm hoặc mở cửa thông gió giúp giảm thiểu độ ẩm, tránh môi trường cho vi khuẩn virus phát triển.
5. Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp duy trì thân nhiệt ổn định, loại bỏ các độc tố trong cơ thể, đặc biệt là nước ấm giúp giữ ẩm cho cổ họng và giúp long đờm. Nhu cầu trung bình hàng ngày cơ thể cần khoảng 2 lít nước.
Ảnh: Shutterstock
6. Tăng sức đề kháng
Để hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn, một chế độ ăn uống cân bằng là vô cùng cần thiết. Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, kiwi và rau xanh. Đảm bảo trong khẩu phần ăn nên có các loại trái cây tươi và rau củ quả giàu vitamin A, E, C, và B, chất chống oxy hóa và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch, làm suy yếu tác động của các tác nhân gây bệnh.
7. Tập thể dục mỗi ngày
Rèn luyện thể chất là một trong những lựa chọn không thể bỏ qua trong việc bảo vệ cơ thể mùa mưa. Tập thể dục đều đặn khoảng 30-60 phút/ngày cũng giúp tăng sức đề kháng.
8. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ (7-9 tiếng/đêm) giúp tái tạo sức khỏe sau một ngày dài. Ngủ đủ giấc, đúng giờ và điều độ, giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh.
9. Hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá
Đồ uống có cồn, thuốc lá có thể gây kích thích niêm mạc đường hô hấp, dễ gây viêm hoặc gây trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm họng như ngứa rát họng, đau họng, ho. Chất cồn cũng làm cơ thể bị mất nước, là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị suy yếu.
10. Đeo khẩu trang khi ra ngoài
Khi ra ngoài hoặc ở nơi đông người, đeo khẩu trang giúp ngăn chặn virus lây qua đường hô hấp.
Ảnh: Shutterstock
11. Sử dụng thuốc đúng cách
Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol có thể được sử dụng. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.
12. Hạn chế trò chuyện với người bệnh
Hạn chế tiếp xúc, trò chuyện với người mắc bệnh cúm và các bệnh đường hô hấp để hạn chế lây lan.
13. Đi khám nếu có ho sốt kéo dài
Nếu có các triệu chứng sốt cao trên 39 độ C không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt; khó thở, ho kéo dài trên 7 ngày, mệt mỏi quá mức, không thể tự sinh hoạt bình thường cần đi khám.
14. Hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn
Khi đi qua những nơi ngập úng cần sử dụng ủng, găng tay cao su hay quần áo bảo hộ để tránh tiếp xúc với nước. Nếu không may bị tiếp xúc với nước thì cần rửa chân tay, nơi tiếp xúc bằng nước sạch, với xà phòng dịu nhẹ, lau khô, chú ý các nếp kẽ như kẽ ngón, nách, bẹn để tránh viêm da, nhiễm nấm.
15. Tiêm vaccine phòng bệnh
Tiêm phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là các loại vaccine phòng cúm và viêm phổi có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Phòng bệnh luôn là cách hiệu quả nhất để giữ sức khỏe. PITO hy vọng với những cách này dân văn phòng có thể phòng ngừa các bệnh mùa mưa, duy trì sức khỏe và hiệu quả công việc.