Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra trong vài phút, vài giờ và bất kỳ ai, kể cả trẻ em hay người lớn tuổi đều có khả năng dị ứng. Do vậy, trong vai trò phụ trách tổ chức các bữa tiệc cho công ty, bên cạnh vấn đề về sinh an toàn thực phẩm, các bạn HR, Admin cũng cần lưu ý thêm về các yếu tố dị ứng trong thực đơn, ảnh hưởng đến thực khách. Tham khảo một số hướng dẫn tổ chức từ PITO để hạn chế tối đa vấn đề dị ứng trong các bữa tiệc tại công ty nhé!
Hiện dị ứng thực phẩm được chia làm 2 loại với những đặc điểm khác nhau:
- Dị ứng qua kháng thể IgE (Immunoglobulin E): sau khi cơ thể tiêu thụ một lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng, kháng thể IgE sẽ nhận diện và báo hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamine và các hóa chất khác, gây ra triệu chứng dị ứng.
- Dị ứng không qua kháng thể IgE: các triệu chứng của dị ứng do các phản ứng liên quan đến các thành phần khác của hệ thống miễn dịch gây ra không bao gồm kháng thể IgE. Người mắc dị ứng này sẽ không xuất hiện triệu chứng dị ứng ngay lập tức mà thường sẽ gặp triệu chứng khác liên quan đến hệ tiêu hóa như đầy bụng, nôn mửa và tiêu chảy.
Dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện sai một số protein trong thực phẩm là có hại. Các phân tử protein này khi đồng loạt kết hợp với globulin miễn dịch E trong cơ thể sẽ giải phóng ra các chất trung gian hoá học, đặc biệt là các histamine gây viêm.
Các dấu hiệu dị ứng thực phẩm phổ biến
Phản ứng của cơ thể khi ăn phải thực phẩm gây dị ứng thường khác nhau với mỗi người, mỗi đội tuổi và mức độ phản ứng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu dị ứng chung, phổ biến, bạn cần biết:
- Ngứa miệng, cảm giác nóng ran ở môi và miệng, sưng miệng, môi và mặt.
- Phát ban trên da.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Khó thở, thở khò khè.
- Tiêu chảy.
Trong những trường hợp nghiệm trọng, dị ứng thực phẩm có thể gây ra sốc phản vệ. Các triệu chứng như phát ban, ngứa, sưng cổ họng hoặc lưỡi, khó thở và tụt huyết áp xuất hiện với tốc độ nhanh chóng. Một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
8 loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất
- Sữa: Trẻ em hoặc người trưởng thành khi bị dị ứng sữa qua IgE có xu hướng phản ứng trong vòng 5 - 30 phút sau khi uống, một số hiếm trường hợp có thể gây ra sốc phản vệ. Dị ứng sữa dưới dạng không qua IgE thường có triệu chứng liên quan đến đường ruột như nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy cũng như viêm thành ruột. Nếu được chẩn đoán là dị ứng với sữa, chế độ ăn uống cần phải loại bỏ sữa và tất cả sản phẩm từ sữa kể cả sữa chua, phô mai, bơ...
- Trứng: Dị ứng trứng sẽ gây ra các vấn đề như đau bụng do rối loạn tiêu hóa, phát ban hoặc nổi mề đay, các vấn đề về hô hấp như khó thở. Một điểm cần lưu ý đó là protein trong lòng đỏ và lòng trắng trứng không hoàn toàn giống nhau. Do đó, cơ thể có thể bị dị ứng với lòng đỏ mà không gặp vấn đề khi tiêu thụ lòng trắng trứng và ngược lại. Cũng như các loại dị ứng khác, trứng cần được loại bỏ khỏi chế độ ăn uống để tránh gây hại đến cơ thể.
- Các loài giáp xác (tôm, tôm hùm, tôm thương phẩm, cua, mực, sò điệp…): Nếu cơ thể dị ứng với các loài giáp xác, các triệu chứng dị ứng sẽ xuất hiện nhanh chóng sau khi ăn, dù chỉ một lượng rất nhỏ. Có một số trường hợp đặc biệt nhạy cảm, việc ngửi mùi của nhóm thực phẩm này trong quá trình chế biến cũng có khả năng gây ra các dấu hiệu dị ứng.
- Cá: Dị ứng cá là trường hợp dị ứng phổ biến ở người trưởng thành. Giống như dị ứng các loài giáp xác, dị ứng cá thường xuất hiện ngay khi ăn với nhiều triệu chứng ngoài da và đường tiêu hoá. Trường hợp dị ứng nặng, sẽ gây phản ứng toàn thân, bao gồm cả sốc phản vệ. Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá da trơn và cá tuyết là những loại cá được xem là dễ gây dị ứng nhất.
- Đậu nành: Những người bị dị ứng với đậu nành nhiều khả năng đã dị ứng hoặc nhạy cảm với các loại thực phẩm gây dị ứng khác như lạc, các loại hạt, trứng, sữa... Dị ứng đậu nành thường gây ngứa và sưng miệng, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy…Vì đậu nành là thành phần phổ biến trong nhiều loại thức ăn nên cần đọc kĩ nhãn sản phẩm, bởi những người dị ứng cần loại bỏ đậu nành khỏi chế độ ăn.
- Lúa mì: Dị ứng với lúa mì có thể bị nhầm lẫn với bệnh đường ruột celiac, đều là những phản ứng bất lợi do cơ thể không dung nạp gluten gây ra các triệu chứng đường ruột nặng nề. Tuy nhiên, dị ứng lứa mì sẽ không gây tổn thương ruột như celiac, mà chỉ gây ra những phản ứng cục bộ lên da, họng và ruột; sốc phản vệ thường rất hiếm. Do vậy, những người bị dị ứng với lúa mì chỉ cần tránh lúa mì (thức ăn, hóa mỹ phẩm chứa lúa mì) nhưng vẫn có thể sử dụng các loại ngũ cốc khác.
- Hạt cây (hạt điều, hạnh nhân, hạt mắc ca, hạt dẻ cười, hạt thông, óc chó, quả hạch Brazil…): Đối với trường hợp dị ứng với các loại hạt của cây, người bị dị ứng cần phải đặc biệt cẩn trọng trong việc ăn uống, do khả năng xảy ra sốc phản vệ là rất cao và không có xu hướng khỏi theo thời gian. Ngoài ra, việc cơ thể bị dị ứng với một hoặc hai loại hạt trong danh sách sẽ dễ làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng với các loại hạt cây khác. Do đó, người bị dị ứng với hạt nên loại bỏ tất cả các loại hạt cây khỏi chế độ ăn uống để tránh xảy ra rủi ro.
- Đậu phộng (lạc): Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra dị ứng thực phẩm ở mức nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Đậu phộng có thể gây dị ứng mạnh ngay trong lần sử dụng đầu tiên, với những triệu chứng lâm sàng như ngứa miệng, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ. Người bị dị ứng đậu phộng thường có xu hướng dị ứng các loại hạt vỏ cứng, hạt cây khác. Vì vậy, để tránh trường hợp xảy ra dị ứng, bạn cần đến gặp bác sĩ để tiến hành kiểm tra đầy đủ và loại bỏ hoàn toàn đậu phộng khỏi chế độ dinh dưỡng.
Cách kiểm soát vấn đề dị ứng khi tổ chức tiệc
Với những triệu chứng nguy hiểm và nhiều loại thực phẩm dễ gây dị ứng, khi tổ chức tiệc cho công ty hoặc khách hàng, với đa dạng nhóm thực khách, bộ phận tổ chức, HR, Admin cần đặc biệt lưu ý và chuẩn bị thật kỹ về vấn đề này, để giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Cụ thể:
1. Tìm hiểu kỹ về tình trạng dị ứng của thực khách
Đây là bước quan trọng để bộ phận tổ chức nắm được chế độ dinh dưỡng cũng như các vấn đề dị ứng của thực khách nếu có, để lựa chọn thực đơn tiệc hợp lý. Bạn có thể tìm hiểu vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau, như:
- Tạo form với những câu hỏi cụ thể và khảo sát thực khách:
- Tổng hợp khả năng dị ứng từ hồ sơ sức khỏe: Tại một số công ty, nhân viên được khám sức khoẻ định kỳ, các thông tin y tế cơ bản, bao gồm các vấn đề về dị ứng, sẽ được lưu trữ tại kho dữ liệu chung của công ty. Nếu công ty bạn cũng có hệ thống này, bạn có thể chủ động cập nhật thông tin từ hồ sơ, tổng hợp về các trường hợp dị ứng để xây dựng thực đơn tiệc hợp lý.
- Khuyến khích nhân viên báo cáo về thực phẩm dị ứng: Nếu công ty thường xuyên tổ chức các buổi tiệc và hoạt động ăn uống trong các dịp đặc biệt hay Happy Hour hàng tuần, bạn có thể thông báo và khuyến khích (hoặc yêu cầu) tất cả nhân viên chủ động báo cáo các vấn đề dị ứng thực phẩm đến bộ phận Nhân sự, để tổng hợp và có cách giải quyết phù hợp.
2. Bố trí tent card và ghi rõ thành phần món ăn
Khi tổ chức tiệc tại văn phòng, đặc biệt là các loại hình tiệc tự chọn như Tea Break, Buffet, Finger Food, tiệc Nhanh… các món được bày sẵn trong khu vực tiệc, thực khách chủ động lựa chọn và thưởng thức. Sẽ có những món ăn quen thuộc, dễ nhận biết về tên món cũng như nguyên liệu những cũng có những món được biến tấu lạ mắt, lạ miệng. Do vậy những bảng tên giới thiệu thực đơn, các thành phần dị ứng và bảng giới thiệu từng món ăn, cần thiết bố trí, để thực khách để dễ dàng lựa chọn món ăn yêu thích và tránh tối đa các thực phẩm gây dị ứng.
- Bảng nhắc nhở khả năng dị ứng: Bảng này bạn có thể thiết kế theo dạng infographic, giới thiệu về 8 thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc tập trung vào các thực phẩm xuất hiện trong menu, có khả năng gây dị ứng. Bảng cần được thiết kế phù hợp với không gian bàn tiệc, đặt ngay đầu quầy line lấy thức ăn, để tất cả thực khách đều thấy và ý thức về khả năng dị ứng của bản thân cũng như món ăn trên bàn tiệc.
- Tent card giới thiệu thành phần món ăn: Bên cạnh bảng thông tin chung và thực đơn và nhắc nhở khả năng dị ứng. Với những bữa tiệc nhiều món, tại mỗi ăn, bên cạnh bảng tên giới thiệu tên món, bạn nên ghi thêm các thành phần cơ bản của món ăn, đặc biệt chú trọng vào 8 loại thực phẩm dễ dị ứng, để thực khách chủ động trong quá trình lựa chọn. Lưu ý Tent card nên được trình bày trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, tránh cồng kềnh, rườm rà và nhiều chữ.
3. Chuẩn bị đa dạng món ăn, thức uống
Bên cạnh việc đưa ra các khuyến cáo về dị ứng thực phẩm trên các bảng thông tin, tent card, khi xây dựng thực đơn tiệc, bạn nên đa dạng hóa các món ăn, thức uống giúp thực khách có thêm nhiều sự lựa chọn.
- Thực đơn có sự cân bằng giữa các loại thực phẩm: Các món ăn nên có thành phần đa dạng từ thịt heo, thịt bò, thịt gà, hải sản. Tránh trường hợp, tất cả các món trong thực đơn đều có nguyên liệu chính là một loại thực phẩm nào đó.
- Có ít nhất 2 loại nước uống khác nhau: Dù là tiệc ngọt hay tiệc mặn, số lượng thực khách nhiều hay ít thì bạn cũng nên chuẩn bị ít nhất 2 loại nước uống, thuộc 2 nhóm khác nhau. Chẳng hạn: Cafe - nước ép, nước lọc - nước ép, nước ép - cocktail…
- Tách riêng các món có khả năng gây dị ứng: Với các món ăn có thành phần chính thuộc nhóm 8 loại thực phẩm dễ gây dị ứng, khi bày lên bàn tiệc bạn sắp xếp chúng cùng nhau và ở một khu vực riêng, tránh tình trạng pha trộn, khiến các chất gây dị ứng ảnh hưởng đến thực khách bị dị ứng.
4. Hạn chế những thực phẩm lạ, không phù hợp với số đông
Ngoài 8 loại thực phẩm dễ gây dị ứng đã liệt kê, trên thực tế vẫn còn rất nhiều thực phẩm gây dị ứng khác. Do vậy, trong những bữa tiệc của công ty, phục vụ số đông nhân viên và thực khách, khi xây dựng thực đơn người tổ chức cần lưu ý ưu tiên các loại thực phẩm và món ăn có thành phần phổ biến, phù hợp với đại đa số, tránh các món quá đặc biệt.
Dưới đây là một số thực phẩm/món ăn có khả năng gây dị ứng hoặc không phù hợp với phần đông mọi người, bạn cần hạn chế khi lựa chọn:
- Các loại mắm (mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc)
- Các món tái như thịt bò tái, tôm tái, hàu tái
- Một số hương liệu/gia vị mạnh như đinh hương, hồi, tiêu, nghệ…
- Các loại củ/khoai như khoai môn, khoai tây...
5. Khảo sát sau tiệc để rút kinh nghiệm
Để cải thiện chất lượng tổ chức tiệc nói chung và thu thập thêm thông tin về dị ứng cho những lần tổ chức sau, sau tiệc, bộ phận tổ chức tiếp tục thực hiện bảng khảo sát và lắng nghe ý kiến của nhân viên. Bảng khảo sát sau này, bạn có thể sử dụng các câu hỏi:
Trên đây là 5 bước cơ bản, gợi ý HR, Admin nói riêng, bộ phận tổ chức tiệc, sự kiện cho công ty nói chung trong việc kiểm soát và tránh các trường hợp dị ứng khi trong các bữa tiệc. Việc để tâm đến yếu tố dị ứng thực phẩm thể hiện sự chu đáo, tinh tế của bộ phận tổ chức, khiến thực khách cảm thấy họ được tôn trọng và lắng nghe. Điều này không chỉ tạo nên một buổi tiệc vui vẻ mà còn khiến mối quan hệ của công ty với nhân viên, chủ tiệc với thực khách ngày thêm khăng khít và gắn kết hơn.