Emotional Salary là gì? thumbnail

Emotional Salary là gì? Đi làm vì lương hay vì niềm vui? [+Tải Infographic]

Uyên Trinh
phút
14/08/2024
Uyên Trinh
phút
14/08/2024

Emotional Salary - bạn đã nghe khái niệm này? Tại sao Emotional Salary lại quan trọng đến thế? Nhân sự đi làm chỉ vì lương, có còn đúng?

Trong thế giới công việc hiện đại, khái niệm “Emotional salary” (mức lương cảm xúc) ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng. Đây là một khía cạnh phi tài chính trong công việc nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến sự hài lòng, động lực và sự gắn kết của nhân viên.

Emotional Salary là gì?

Emotional Salary (mức lương cảm xúc) là những lợi ích phi tài chính mà bạn nhận được từ công việc, mang lại cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc, không liên quan đến tiền lương hay các phúc lợi tài chính khác. Đó có thể là cảm giác được quan tâm; được trân trọng; được công nhận; được là chính mình; được học hỏi; được phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp; được làm việc trong môi trường an toàn, lành mạnh, tích cực, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt; thời gian làm việc linh hoạt; cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Giáo sư Mike Rosenberg tại IESE Business School (Tây Ban Nha) chỉ ra rằng, emotional salary (mức lương cảm xúc) là một khái niệm phức tạp. Nó không chỉ là những gì chúng ta nhận được hoặc cảm thấy trong một công ty, mà còn là cách chúng ta nhận thức về công ty và liệu chúng ta có tin rằng "trở thành một phần của tổ chức đó có phù hợp với mục đích sống của chúng ta hay không".

Emotional Salary

Ảnh: Shutterstock

Tại sao Emotional Salary ra đời?

Lương thưởng là yếu tố quan trọng đối với một nhân sự, nhưng không là tất cả. Đã qua rồi thời nhân sự chỉ vì lương, bất chấp niềm vui, sự hạnh phúc, cảm giác thuộc về… Trước đây, tiền lương và các phúc lợi vật chất khác như bảo hiểm y tế, nghỉ phép có lương hay các khoản thưởng tài chính là những yếu tố chính mà nhân viên quan tâm. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội cùng sự thay đổi trong quan niệm về hạnh phúc và sự hài lòng trong công việc, các yếu tố phi vật chất ngày càng trở nên quan trọng. Lương không còn là yếu tố hàng đầu.

Khái niệm “Emotional Salary” ra đời nhằm phản ánh nhu cầu ngày càng cao của con người trong công việc. Thay vì chỉ quan tâm đến lương cơ bản và các phúc lợi vật chất, nhiều người lao động ngày nay còn tìm kiếm những giá trị tinh thần như sự công nhận, cơ hội phát triển cá nhân, môi trường làm việc tích cực, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Khái niệm này ra đời để thấy được sự thay đổi trong cách đánh giá giá trị công việc của người lao động, không chỉ qua lăng kính tài chính mà còn thông qua những giá trị tinh thần và cảm xúc mà công việc mang lại.

Theo báo cáo 2024 Engagement and Retention của Achievers Workforce Institute (AWI), Emotional Salary (mức lương cảm xúc) ngày càng quan trọng và 72% nhân sự sẵn sàng chọn công việc họ cảm thấy được công nhận, được đánh giá cao, được hỗ trợ… hơn là một công việc lương cao nhưng thiếu sự gắn kết.

Hơn 33% nhân sự được trả lương thấp hơn mặt bằng chung của thị trường cho biết, họ sẽ không tìm việc làm mới, nếu họ được công nhận ít nhất hàng tháng tại nơi làm việc.

Yếu tố nào tạo nên Emotional Salary?

Theo trang web emotional-salary.com, có 10 yếu tố tạo nên Emotional Salary.

Quyền tự chủ: cảm thấy được tôn trọng và tin tưởng, được trao quyền trong công việc, có thời gian để quản lý các dự án, nhiệm vụ được giao, không bị cầm tay chỉ việc, quản lý quá sát sao.

Sáng tạo: Cơ hội khám phá, phát triển và sáng tạo trong công việc theo cách riêng.

Sự thành thạo: Cơ hội hiểu biết sâu rộng hơn, trở nên xuất sắc hơn từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng, trải nghiệm cuộc sống…

Phát triển chuyên môn: Cơ hội để thể hiện năng lực, được phát triển chuyên môn thông qua công việc, qua thử thách, qua các khóa học…

Cảm giác thuộc về: Có cảm giác mình thuộc về nơi này, gắn kết với đồng nghiệp, với nhóm, tổ chức.

Truyền cảm hứng: Được đồng điệu, được truyền cảm hứng trong môi trường làm việc không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về lối sống, suy nghĩ, tư duy…

Phát triển bản thân: Cơ hội để nâng cấp bản thân, học hỏi từ đồng nghiệp, từ công việc… để trở thành phiên bản tốt hơn. Một người đi làm không chỉ vì lương mà còn bởi sự phát triển bên trong họ.

Cảm giác có mục đích: Tin rằng công việc của mình không chỉ phục vụ mục đích trước mắt mà còn có mục đích lớn hơn.

Định hướng (tầm nhìn nghề nghiệp): Cơ hội phát triển nghề nghiệp, phát triển chuyên môn tại công ty phù hợp với định hướng bản thân…

tầm nhìn nghề nghiệp

Ảnh: Shutterstock

Tận hưởng: Cơ hội trải nghiệm niềm vui, hạnh phúc và tận hưởng trong từng khoảnh khắc công việc…

Một số ví dụ về Emotional Salary

Thời gian, địa điểm làm việc linh hoạt: Nhân viên được làm việc linh hoạt thời gian, được làm việc ở bất cứ nơi đâu miễn đạt kết quả, KPIs hàng tháng, hàng quý. Nhân viên được tự do quản lý lịch trình làm việc, tự lựa chọn địa điểm làm việc, có thể cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc. Đồng thời điều này cũng giúp tăng năng suất vì nhân sự làm việc trong những giờ hiệu quả nhất với họ.

Linkedin đã thực hiện một khảo sát năm 2022 trên toàn cầu và kết quả cho thấy rằng 87% nhân viên muốn duy trì một số hình thức làm việc từ xa hoặc thời gian làm việc linh hoạt sau đại dịch Covid-19. Trước đó, năm 2021, Gallup (công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia của Mỹ) cũng đã công bố một báo cáo cho thấy rằng 54% người lao động ở Mỹ sẽ rời bỏ công việc hiện tại của họ để có cơ hội làm việc từ xa hoặc có thời gian làm việc linh hoạt.

44% Gen Z sẵn sàng bỏ việc nếu hình thức làm việc từ xa không có trong các thỏa thuận, 75% người trả lời khảo sát thuộc Gen Z cho biết họ có xu hướng cam kết với công việc đề cao tính linh hoạt trong hình thức làm việc hơn, theo Deloitte.

44% Gen Z sẵn sàng bỏ việc nếu hình thức làm việc từ xa không có trong các thỏa thuận

Ảnh: Deloitte

Workcation cũng là một lựa chọn của nhiều doanh nghiệp hiện nay để nâng cao tinh thần, hiệu quả làm việc, đáp ứng mong muốn linh hoạt thời gian, địa điểm làm việc của nhiều nhân sự hiện nay. 

Công nhận và khen thưởng: Việc ghi nhận và khen thưởng những đóng góp của nhân viên không chỉ ở những sự kiện của công ty mà có thể là những lời khen ngay khi hoàn thành tốt một công việc, đạt được một kết quả vượt mong đợi, một lời khen công khai, một lời khen qua email được gửi cho nhiều nhân sự trong công ty…

Đôi khi một lời quan tâm, hỏi thăm sức khỏe của nhân viên vì phải thường xuyên làm thêm ngoài giờ hay nhắc nhở nhân viên nên dành thời gian cho gia đình, con cái vì thường xuyên ở lại công ty làm đến tối muộn hay cho phép nhân viên được “nghỉ ngơi” vì gia đình đang chuyện buồn/đang gặp vấn đề trong chuyện tình cảm, hôn nhân.

Ghi nhận và khen thưởng những đóng góp của nhân viên

Chính từ những điều này, nhân sự cảm thấy được công nhận, được quan tâm, được thuộc về, được cảm thấy có giá trị, được trân trọng, muốn gắn bó hơn với công ty. Những điều này không quá to lớn nhưng trực tiếp mang đến những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng của nhân sự với người quản lý, lãnh đạo, với công ty. Như câu nói của nhà văn Maya Angelou: “Người ta sẽ quên những gì bạn nói, sẽ quên những việc bạn làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm giác bạn mang đến cho họ”.
Gallup thực hiện một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng nhân viên nhận được sự công nhận và khen ngợi ít nhất một lần mỗi tuần có mức độ hạnh phúc và hiệu suất công việc cao hơn đáng kể so với những người không được công nhận.

Cơ hội phát triển chuyên môn: Việc cung cấp các cơ hội phát triển kỹ năng, chương trình đào tạo, cố vấn và thăng tiến sự nghiệp thể hiện sự cam kết đối với sự phát triển và thành công của nhân viên. 74% nhân viên trẻ thuộc thế hệ Millennials coi cơ hội phát triển chuyên môn là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn công việc. Họ sẵn sàng rời bỏ công ty nếu không có cơ hội phát triển và học hỏi, theo PwC.

Theo báo cáo của Work Institute, thiếu cơ hội phát triển chuyên môn là lý do hàng đầu khiến nhân viên rời bỏ công ty. Khảo sát cho thấy 22% nhân viên rời bỏ công việc của họ vì không có cơ hội phát triển, vượt qua cả các yếu tố về lương thưởng và điều kiện làm việc.

Được chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần: Được quan tâm, chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần như khuyến khích không làm việc ngoài giờ, không làm phiền nhân viên cuối tuần, tặng thẻ tập gym, lớp học yoga, tổ chức các giải chạy bộ, các hoạt động thể thao, gói kiểm tra sức khỏe định kỳ… Những công ty có chính sách chăm sóc sức khỏe tốt thường có môi trường làm việc ít căng thẳng, giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và an tâm hơn trong công việc, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Nhân viên muốn được chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần

Ảnh: Shutterstock

Theo khảo sát của MetLife, 60% nhân viên cho biết các phúc lợi chăm sóc sức khỏe là yếu tố quan trọng trong quyết định chọn và duy trì công việc tại một công ty. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các phúc lợi sức khỏe có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng và lòng trung thành của nhân viên đối với tổ chức. Nghiên cứu của Fidelity Investments và Business Group on Health (2022) cho thấy 80% nhân viên coi việc chăm sóc sức khỏe là yếu tố quan trọng trong quyết định chọn nơi làm việc.

Môi trường làm việc hòa nhập: Thúc đẩy một nơi làm việc tôn trọng sự đa dạng và hòa nhập, nơi tất cả nhân viên đều cảm thấy được chấp nhận và coi trọng, tạo ra cảm giác gắn bó. 67% ứng viên tìm việc đánh giá cao môi trường làm việc hòa nhập và cho rằng nó là một yếu tố quan trọng trong quyết định chọn công ty. Nhân sự có xu hướng trung thành hơn với những công ty đề cao sự hòa nhập và đa dạng, theo Glassdoor (2019).

Môi trường làm việc hòa nhập

Ảnh: Shutterstock

Một nghiên cứu của Harvard Business Review (2020) cho thấy rằng các tổ chức có môi trường làm việc hòa nhập thường có nhân viên mức độ hài lòng cao hơn, đồng thời khả năng sáng tạo và đổi mới cũng được tăng cường.

Tại sao Emotional Salary quan trọng?

Emotional salary đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân nhân viên, giảm tỷ lệ nghỉ việc và thúc đẩy tinh thần làm việc. Khi nhân viên cảm thấy hài lòng với môi trường làm việc, họ cống hiến nhiều hơn, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp cũng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực và hiệu quả hơn.

Glassdoor thực hiện một khảo sát năm 2020, cho thấy rằng 79% nhân viên cho rằng các yếu tố thuộc emotional salary, như văn hóa công ty và cơ hội phát triển, là quan trọng hơn cả mức lương. Họ cho biết sẽ chọn làm việc tại một công ty có văn hóa tích cực và cảm giác được tôn trọng, ngay cả khi mức lương thấp hơn.

Emotional salary quan trọng vì những lý do sau:

Đối với nhân viên:

1. Tăng cường động lực và hiệu suất làm việc: Khi nhân viên cảm thấy hài lòng về mặt cảm xúc, họ thường có động lực cao hơn, muốn cống hiến nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn. 

2. Cảm giác thuộc về và gắn kết: Emotional salary giúp nhân viên cảm thấy họ là một phần quan trọng của tổ chức, tạo ra cảm giác thuộc về và gắn kết.

Nghiên cứu của Harvard Business Review (HBR) (2018) chỉ ra rằng những công ty chú trọng đến emotional salary có tỷ lệ gắn kết nhân viên cao hơn 55%, dẫn đến hiệu suất làm việc tăng 20% và giảm 41% tình trạng nghỉ việc.

Cảm giác thuộc về và gắn kết khi đi làm

Ảnh: Shutterstock

3. Cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm căng thẳng: Khi nhân viên cảm thấy an toàn và thoải mái trong công việc, họ ít bị kiệt sức và có thể duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân tốt hơn.

4. Thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới: Emotional salary giúp tạo ra một văn hóa doanh nghiệp nơi mọi người cảm thấy tự do để thử nghiệm và đổi mới, khuyến khích sự sáng tạo. 

5. Tăng cường sự hài lòng và hạnh phúc trong công việc: Một công việc mang lại sự hài lòng về mặt cảm xúc giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn, điều này không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc chung.

Một nghiên cứu được công bố trên Harvard Business Review 2021 cho thấy rằng nhân viên hài lòng với công việc có sức khỏe tinh thần tốt hơn và ít có nguy cơ bị kiệt sức (burnout). Khoảng 70% số người được khảo sát cho biết rằng cảm giác được công nhận và có giá trị trong công việc giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Báo cáo của Deloitte 2021 cũng cho thấy, nhân viên làm việc trong môi trường có emotional salary cao có mức độ căng thẳng thấp hơn 23% so với những người làm việc trong môi trường thiếu những yếu tố này.

Đối với doanh nghiệp: 

1. Nâng cao hiệu suất và doanh thu:
Nghiên cứu của Gallup năm 2017 cho thấy rằng các công ty có mức độ gắn kết nhân viên cao hơn có lợi nhuận cao hơn 21% so với những công ty có mức độ gắn kết thấp. Sự gắn kết này thường được thúc đẩy bởi emotional salary, khi nhân viên cảm thấy được công nhận, phát triển và có môi trường làm việc tích cực.

2. Lợi  ích tài chính dài hạn:
Báo cáo từ Deloitte 2018 chỉ ra rằng, các công ty đầu tư vào sự phát triển của nhân viên thông qua các yếu tố của emotional salary có lợi nhuận cổ phiếu cao hơn 2,3 lần so với các công ty không chú trọng đến yếu tố này.

3. Tạo ra văn hóa doanh nghiệp tích cực:
Công ty chú trọng đến emotional salary góp phần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực, nơi nhân viên cảm thấy được tôn trọng, hỗ trợ, và động viên. Văn hóa này không chỉ thu hút nhân tài mà còn giúp giữ chân họ, đồng thời thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và hợp tác trong tổ chức.

4. Thu hút nhân tài:
Bằng cách thể hiện cam kết về mức lương cảm xúc, các tổ chức có thể thu hút các chuyên gia đầu ngành không chỉ tìm kiếm công việc vì lương mà còn tìm kiếm văn hóa làm việc tích cực, cơ hội thăng tiến và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

5. Giữ chân nhân tài:
Emotional salary là yếu tố quan trọng giúp giữ chân nhân tài. Nhiều nhân viên sẵn sàng ở lại công ty lâu dài nếu họ cảm thấy được tôn trọng, đánh giá cao, và có cơ hội phát triển, ngay cả khi mức lương không phải là cao nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt để thu hút và giữ chân nhân sự giỏi.

Theo báo cáo của SHRM (Society for Human Resource Management, 2019) khoảng 40% nhân viên cho biết họ có xu hướng ở lại công ty lâu hơn nếu họ cảm thấy hài lòng với emotional salary mà họ nhận được, chẳng hạn như cơ hội phát triển nghề nghiệp, sự công nhận và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nghiên cứu của LinkedIn 2020 cho thấy 93% nhân viên sẽ tiếp tục làm việc tại một công ty nếu họ cảm thấy rằng công ty đó đầu tư vào sự nghiệp của họ. Sự đầu tư này thường bao gồm các yếu tố như đào tạo, mentoring và các cơ hội phát triển - tất cả đều là thành phần của emotional salary.

15 cách tăng Emotional Salary cho nhân viên 

Khi Bộ phận nhân sự có thể triển khai các cách tăng lương cảm xúc, công ty có thể cạnh tranh để có được nhân tài ngoài mức lương cơ bản.

Sau đây là một số cách tăng mức lương cảm xúc cho nhân sự:

1. Linh hoạt địa điểm, thời gian làm việc

Nếu mới áp dụng, công ty có thể quy định 1-2 ngày cố định trong tuần nhân viên có thể linh hoạt địa điểm, thời gian làm việc, có thể làm ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào họ muốn. Tuy nhiên, họ cần đảm bảo hoàn thành các công việc đúng thời hạn được giao cũng như cập nhật tình hình công việc nếu gặp những khó khăn để công ty sớm có thể hỗ trợ, hạn chế những rủi ro, thiệt hại xảy ra. 

Linh hoạt địa điểm, thời gian làm việc

Ảnh: Shutterstock

2. Tôn trọng không gian, thời gian riêng của nhân viên

Tôn trọng giờ nghỉ trưa, sau giờ làm, cuối tuần; không làm phiền khoảng không gian, thời gian riêng tư của nhân sự nếu không có việc quá gấp. Để làm được điều này, đồng nghiệp, cấp quản lý, lãnh đạo nói riêng cần tập trung giải quyết việc trong giờ làm việc và dự tính được những việc có thể xảy ra, từ đó có thể dự trù, kiểm soát ngay trong giờ làm việc, hạn chế xử lý ngoài giờ làm việc. Khuyến khích nhân viên tận dụng toàn bộ thời gian nghỉ phép để tránh kiệt sức.

3. Công nhận và khen thưởng

Công nhận và khen thưởng nhân viên công khai, không chỉ tại các sự kiện vinh danh của công ty mà có thể trong cuộc họp tuần, hoặc trong giờ làm việc khi nhân viên hoàn thành một tác vụ xuất sắc. Đừng “tiết kiệm” lời khen với nhân viên vì lãnh đạo, cấp quản lý sẽ nhận được những lợi ích không ngờ của lời khen.

4. Trao các cơ hội phát triển

Trao các cơ hội phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức xã hội, kỹ năng gồm các khóa học, hội thảo, workshop, seminar… để nhân viên nắm bắt. Từ đó, nhân viên cảm thấy có động lực làm việc và gắn kết với công ty. Khuyến khích đào tạo liên phòng ban để nhân viên cũng được mở rộng mối quan hệ với các đồng nghiệp từ các phòng ban khác.

5. Hỗ trợ thăng tiến

Nhân viên được nhìn thấy và hiểu rõ cơ hội thăng tiến của mình trong tương lai. Quản lý, lãnh đạo, công ty có thể hỗ trợ thăng tiến nghề nghiệp cho nhân sự thông qua các chương trình cố vấn và lộ trình thăng tiến rõ ràng. 

Hỗ trợ thăng tiến

6. Tặng những phần thưởng cá nhân hóa

Cá nhân hóa phần thưởng sẽ khiến nhân viên cảm thấy mình có giá trị riêng, có sự độc đáo, bản sắc riêng, không trộn lẫn với bất kỳ ai, cảm thấy được trân trọng.

Phần thưởng được cá nhân hóa

7. Chăm sóc sức khỏe toàn diện

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên, thúc đẩy sức khỏe cảm xúc.

8. Xây dựng văn hóa công ty tích cực

Xây dựng một văn hóa làm việc hỗ trợ, hòa đồng, giúp đỡ nhau khi cần, hợp tác và giao tiếp hiệu quả giữa các thành viên trong nhóm; một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, tôn trọng sự đa dạng. 

9. Tổ chức các hoạt động gắn kết

Các bữa tiệc tại văn phòng, Happy hour, tặng các phần quà nhân sự kiện 8/3, 20/10, các chuyến đi chơi xa cùng nhau…

Tổ chức các hoạt động ăn uống tại công ty

10. Tạo điều kiện cho nhân viên mới hòa nhập với văn hóa công ty

Xây dựng văn hóa người cũ luôn hỗ trợ, giúp đỡ người mới để sớm hòa nhập văn hóa công ty.

11. Phản hồi nhân viên đúng lúc

Đưa ra những phản hồi, đóng góp ý kiến sau khi nhân viên hoàn thành công việc, dự án giúp nhân viên cảm thấy được ghi nhận, được học hỏi, rút kinh nghiệm. Lời phản hồi cần được đưa ra đúng lúc, đúng thời điểm sẽ phát huy tác dụng.

12. Đặt ra các mục tiêu rõ ràng

Xác định các mục tiêu cụ thể, thực tế, đảm bảo rằng chúng phù hợp với tầm nhìn và giá trị của tổ chức. Nhân sự cần hiểu những điều này để thấy được mình thuộc về nơi này, đang làm công việc có mục đích, có giá trị.

13. Trao quyền cho nhân viên

Cho phép nhân viên có tiếng nói trong việc ra quyết định, thúc đẩy sự tham gia và trao quyền tự chủ ở một mức độ nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ.

14. Tạo điều kiện để nhân viên cân bằng công việc và cuộc sống

Hỗ trợ các chính sách và hoạt động giúp nhân viên duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Tạo điều kiện để nhân viên cân bằng công việc và cuộc sống

Ảnh: Shutterstock

15. Định hướng nghề nghiệp

Cung cấp các chương trình đào tạo, mentoring và coaching để giúp nhân viên hiểu rõ định hướng nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến của bản thân.

Emotional salary là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ môi trường làm việc nào, mang lại sự hài lòng, động lực và sự gắn kết cho nhân viên, từ đó góp phần vào sự thành công chung của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, việc chú trọng đến Emotional salary không chỉ là một chiến lược quản lý nhân sự thông minh mà còn là một cách để xây dựng một môi trường làm việc bền vững và phát triển mạnh mẽ trong dài hạn.

Uyên Trinh

Tình thân và sự gắn kết con người nơi công sở là chủ đề luôn thu hút Uyên Trinh. Hơn kinh nghiệm 10 năm trên hành trình viết (viết báo, blog, PR, chấp bút sách...) và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp, Uyên Trinh hy vọng những bài viết của mình sẽ mang đến cho độc giả góc nhìn mới với nhiều thông tin bổ ích.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>