Đến giờ nghỉ trưa, bạn cầm trên tay phần cơm văn phòng nóng hổi, thơm ngon được giao tận nơi. Nhưng có khi nào, bạn tò mò tự hỏi cơm văn phòng đã trải qua chặng đường như thế nào để hoàn thiện và đạt chất lượng như bạn đang thưởng thức hôm nay không? Hãy cùng PITO Cloud Canteen ngược dòng quá khứ và khám phá hành trình phát triển của cơm văn phòng tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nhé!
Từ cơm bụi đến cơm văn phòng chất lượng tại Việt Nam
PITO Cloud Canteen tin rằng đã ít nhất vài lần bạn nghe đến cụm từ “cơm bụi” - những bữa cơm bình dân, giá rẻ ở các quán cơm bên đường. Xuôi theo dòng thời gian, cơm bụi chính là tiền thân của cơm văn phòng hiện nay.
Quá trình cơm văn phòng ra đời
Nói một chút về cơm bụi, cơm bụi xuất hiện đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam và phát triển với quá trình đô thị hoá thời kỳ Pháp thuộc. Bấy giờ những quán cơm bình dân được mở ra để phục vụ người lao động nghèo. Đến những năm 1960, nước ta bước vào thời kỳ bao cấp, những cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ra đời. Người dân muốn ăn cơm ở cửa hàng mậu dịch phải có tem phiếu, phần cơm khi ấy được nấu bằng gạo cũ, ăn kèm canh, thịt lợn kho hoặc đậu kho.
Sau đó, những quán cơm bụi xuất hiện trở lại vào thời kỳ đổi mới năm 1986. Lúc này, thực khách của các quán cơm bình dân không chỉ là dân lao động ngoại tỉnh mà còn là các cán bộ, công nhân, viên chức.
Vào những năm 1999, đầu bếp Phạm Tuấn Hải - được bình chọn là một trong 10 đầu bếp nổi tiếng nhất Việt Nam - nhận thấy các quán cà phê tại TP.HCM thường chỉ tập trung vào đồ uống, không cung cấp thức ăn vì nấu thức ăn phức tạp và tốn nhiều chi phí. Ông hiểu nhu cầu và thói quen của dân văn phòng bấy giờ thường đi ăn trưa và sau đó đến quán cà phê. Thời gian nghỉ trưa chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ, nếu nhân viên văn phòng vừa muốn đi ăn trưa vừa uống cà phê sẽ không kịp.
Vì vậy, vị đầu bếp này quyết định đưa những phần cơm bụi vào bán trong những quán cà phê giúp nhân viên văn phòng ăn trưa thuận tiện hơn. Tên gọi “cơm văn phòng” cũng ra đời từ đó và được sử dụng rộng rãi cho tới hôm nay.
Hình thức và chất lượng cơm văn phòngliên tục thay đổi
Từ năm 2000 - 2005, xu hướng cơm văn phòng nở rộ dưới nhiều hình thức như quán cơm bụi bình dân chuyển sang kinh doanh cơm văn phòng, quán cà phê bắt đầu bán cơm văn phòng và xuất hiện dịch vụ giao cơm tận nơi.
Năm 2008 - 2012, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cơm văn phòng rơi vào thời kỳ bão giá. Giá suất cơm trưa văn phòng ở Hà Nội thời ấy phổ biến ở mức 15.000 đồng, có nơi giá mềm hơn chỉ 10.000-12.000 đồng. Những tiệm cơm văn phòng sang trọng với máy lạnh có giá 25.000-30.000 đồng/phần. Nhưng trong thời điểm vật giá leo tháng, các quán ăn đồng loạt tăng thêm 5.000-15.000 đồng.
Cùng thời điểm này, ở các doanh nghiệp, khu chế xuất xây dựng canteen phục vụ bữa trưa cho nhân viên. Tuy nhiên, đây cũng là một phần lý do của các cuộc đình công tại Bình Dương, TP.HCM. Nguyên nhân là "có tiếng chứ chưa có miếng", chất lượng bữa ăn trưa của nhân viên không được đảm bảo. Các loạt bài phóng sự được báo chí thực hiện xung quanh vấn đề suất ăn công nghiệp và bài toán khó của doanh nghiệp khi phải lựa chọn đơn vị cung cấp bếp ăn uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo chất lượng cho bữa ăn của nhân viên liên tục xuất hiện.
- Báo Tuổi Trẻ, loạt bài phóng sự Cơm công nhân từ bếp tới bàn: 3 kỳ phóng sự "vén màn bí mật" phía sau các căn bếp công nghiệp cung cấp cơm trưa không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Báo Vietnamnet, bài viết Cơm công nhân: Giá 15 ngàn còn bị ăn bớt: Bài viết cảnh báo về bữa ăn thiếu chất, không đảm bảo an toàn thực phẩm và giá trị thực của bữa trưa khi giao đến tay công nhân đã hao hụt qua nhiều khâu.
Vào năm 2014, cơm văn phòng trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho việc kinh doanh vì xu hướng cơm văn phòng giao tận nơi được nhiều dân văn phòng ưa chuộng. Nhiều startup nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và bắt đầu cung cấp các mô hình dịch vụ đặt cơm văn phòng online - giao tận nơi.
Bạn vẫn còn nhớ giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào đầu năm 2020 và giữa năm 2021 chứ? Dịch Covid-19 đã thay đổi mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, kể cả thói quen ăn uống của dân văn phòng. Khi lệnh giãn cách được ban hành, nhiều hàng quán ăn đóng cửa. Dân văn phòng có muôn kiểu ăn như tự mang cơm đến văn phòng, đặt qua ứng dụng, gọi giao tận nơi…
Đặc biệt, thời điểm này, các doanh nghiệp thực hiện quy định làm việc "3 tại chỗ" và tìm kiếm các nhà cung cấp 3 bữa ăn mỗi ngày cho nhân viên ngay tại nơi làm việc. Các bếp ăn đã cung cấp hàng nghìn suất cơm văn phòng mỗi ngày, dịch vụ cơm văn phòng bình thường mới nở rộ. Khi đó, PITO cũng cùng các đối tác bếp ăn, nhà hàng đáp ứng nhu cầu đặt cơm văn phòng của nhiều doanh nghiệp. Bạn biết không, đây cũng chính là dịch vụ tiền thân của PITO Cloud Canteen đó.
Tựu trung lại, trong hơn 10 năm trở lại đây, “diện mạo” cơm văn phòng đã thay đổi rất nhiều. Từ dĩa cơm bụi bên đường, giờ đây bạn có thể tìm thấy cơm văn phòng với chất lượng từ bình dân cho đến cao cấp, đa dạng lựa chọn món ăn, phong cách ẩm thực. Hay thậm chí, bạn có thể cá nhân hóa phần cơm văn phòng của mình dựa trên chế độ ăn uống (ăn chay, eat clean, ăn keto,...) bạn theo đuổi.
Cơm văn phòng trên thế giới phát triển ra sao?
Song song với hành trình phát triển tại Việt Nam, bữa trưa văn phòng trên thế giới nói chung cũng có những bước đi riêng. Nào, cùng PITO Cloud Canteen khám phá bạn nhé!
Sự ra đời của khái niệm "bữa trưa"
Trong quyển sách Three Squares: The Invention of the American Meal của nhà sử học Abigail Carroll - Giảng viên Chương trình Nghệ thuật Ẩm thực tại ĐH Boston, bà Carroll cho biết khái niệm "lunch" (bữa trưa) được định hình bởi sự phát triển và mô hình lao động vào cuối thế kỷ XIX, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp.
Nhà sử học giải thích bữa trưa được xem như bữa ăn nhỏ, không cần nóng hổi hay được chế biến cầu kỳ. Theo truyền thống, bữa ăn giữa ngày phải ăn cùng gia đình với các món ăn nóng. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, đa phần nơi làm việc sẽ là các nhà máy. Các công nhân không có điều kiện trở về nhà để ăn trưa, vì vậy bữa trưa đã được biến đổi nhanh gọn để phù hợp với lịch trình làm việc của họ.
Dấu mốc đầu tiên của bữa trưa văn phòng thế giới là năm 1902 với sự kiện hai doanh nhân Joseph V. Horn và Frank Hardart mở cửa hàng bán thức ăn bằng máy bán hàng tự động tại Philadelphia (Mỹ). Theo hãng thông tấn AP, sự kiện này được xem là khởi đầu của kỷ nguyên thức ăn nhanh trên thế giới.
Ở thời điểm đó, công nhân thậm chí không có 1 tiếng thời gian nghỉ trưa. Vì vậy, mua bữa trưa giá rẻ ở các máy bán hàng tự động của Horn & Hardart là cách giúp họ tiết kiệm thời gian và cả tiền bạc. Các món súp, salad, bánh sandwich, khoai tây nghiền, steak hay món ăn lạnh được bán ở Horn & Hardart với mức giá phải chăng và đầy đặn khẩu phần.
Năm 1929, thị trường chứng khoán của Mỹ sụp đổ và dẫn đến đại suy thoái kinh tế toàn cầu vào những năm 1930. Trong thời kỳ đen tối của nền kinh tế, các công ty cung cấp bữa trưa miễn phí hoặc giá rẻ để nâng cao tinh thần của nhân viên và giảm tình trạng vắng mặt.
Vào những năm 1950, đây là thời kỳ nước Mỹ vực dậy sau chiến tranh thế giới thứ hai, thập kỷ này đại diện cho một thời kỳ tiến bộ, hòa bình và thịnh vượng. Cơ sở hạ tầng của Mỹ bao gồm nhà cửa, đường bộ và dịch vụ đường sắt có những bước chuyển mình vượt bậc. Vì vậy, số lượng tòa nhà văn phòng gia tăng kéo theo sự phát triển của các nhà hàng ăn uống tại chỗ và cơ sở dịch vụ ăn uống.
Cơm văn phòng thời kỳ công nghệ phát triển
Đến thập kỷ 80, những nhà hàng bán thức ăn nhanh trở thành một địa điểm phổ biến để giới văn phòng nghỉ ngơi và ăn trưa. Sau đó, với những phát triển về công nghệ, đặc biệt là internet ở những năm 1990, các dịch vụ đặt bữa trưa trực tuyến và giao hàng tận nơi ra đời giúp nhân viên văn phòng thưởng thức bữa trưa dễ dàng, tiện lợi hơn. Giới văn phòng Mỹ có thêm lựa chọn bữa trưa vào những năm 2000 nhờ sự phát triển của xe thức ăn (food truck) và các bếp ăn trực tuyến.
Bạn biết đó, những diễn biến kinh tế - xã hội có ảnh hưởng nhất định đối với bữa trưa của người lao động. Năm 2008, sự bùng nổ của bong bóng nhà đất tại Mỹ kéo theo sự sụp đổ của các ngân hàng đã tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bấy giờ, người lao động cố gắng thắt chặt chi tiêu bằng cách tự chuẩn bị bữa trưa và mang đến công ty. Theo cuộc khảo sát 6.708 người của Zagat - Tổ chức thu thập thông tin và đối chiếu các xếp hạng của thực khách đối với nhà hàng tại Mỹ - 61% người cho biết họ nấu ăn ở nhà nhiều hơn thay vì gọi bữa trưa bên ngoài do ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế.
Tương tự như hành trình phát triển ở Việt Nam, thị trường thực phẩm ở Mỹ vô cùng phát triển vào giai đoạn 2014 - 2016, nhiều startup cơm văn phòng, đặt thức ăn trực tuyến ra đời. Họ đem đến những phần cơm văn phòng chất lượng với giá cạnh tranh so với các nhà hàng thông thường.
Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ thiết lập tiêu chuẩn chế độ phúc lợi cho nhân viên của họ bằng cách cung cấp những bữa trưa văn phòng miễn phí. Theo Insider, năm 2008, Google có 19.000 nhân viên, 40.000 bữa ăn được phục vụ mỗi ngày, 675 nhân viên làm việc tại nhà bếp và 80 triệu USD được chi cho phúc lợi ăn uống.
Trước đại dịch, nhân viên Google không chỉ được cung cấp bữa trưa mà còn được thưởng thức những bữa tiệc buffet hoành tráng với các món ăn đắt đỏ. Khi nhân viên Google quay trở lại làm việc sau đại dịch, dù không còn được tận hưởng những buổi trưa buffet, họ vẫn được cung cấp bữa trưa miễn phí, thậm chí cả bữa ăn sáng và ăn tối tại văn phòng.
Theo sau đó, “những gã khổng lồ” như Facebook cũng đầu tư cho bữa ăn của nhân viên. Trụ sở của Twitter ở San Francisco có khu vực ăn uống phục vụ bữa sáng, bữa trưa miễn phí và thức ăn nhẹ cho nhân viên. Hay hơn thế, công ty Dropbox xây dựng canteen với các đầu bếp có kinh nghiệm làm việc ở các nhà hàng đạt sao Michelin, nhân viên có bữa sáng, bữa trưa miễn phí và đặc biệt không món ăn nào lặp lại hai lần.
Tại Việt Nam, các công ty, doanh nghiệp cũng dần quan tâm đến chất lượng bữa trưa của nhân viên, cung cấp phúc lợi về ăn uống để giúp nhân viên vui vẻ và gắn kết hơn. Cụ thể:
- Mỗi chiến dịch siêu sale, Lazada đều cung cấp cơm văn phòng "ngon như cơm nhà" cho nhân viên.
- Kỳ lân công nghệ của Úc, công ty Employment Hero cung cấp cơm trưa mỗi ngày cho nhân viên.
- Công ty ReFlex mang đến cho nhân viên mỗi ngày một món ăn trưa.
Đọc đến đây, PITO Cloud Canteen mong rằng bạn đã có cho riêng mình những hình dung cụ thể về hành trình phát triển của cơm văn phòng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nếu bạn vẫn đang tìm kiếm giải pháp đồng hành chuyên nghiệp, uy tín để đem đến những kết nối sâu sắc qua bữa trưa văn phòng, PITO Cloud Canteen sẽ gợi ý giải pháp phù hợp và sẵn sàng hỗ trợ bạn hết mình.