Dân văn phòng Việt mê trà chiều như một "liều thuốc tinh thần" buổi chiều. Thói quen giúp dân văn phòng tỉnh táo sau giờ ngủ trưa, tập trung hơn trong công việc, nhưng nếu ngày nào cũng trà chiều, không chỉ “viêm màng túi” mà còn “viêm” vòng eo, hay gì nữa không, cùng PITO tìm hiểu.
Trong nhịp sống hối hả của môi trường văn phòng, thói quen "trà chiều" đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa làm việc của giới trẻ Việt Nam.
Sau giờ nghỉ trưa, khi năng lượng bắt đầu giảm sút, một ly trà sữa ngọt ngào như lựa chọn hoàn hảo để tiếp thêm động lực cho nửa ngày làm việc còn lại.
Tuy nhiên, liệu thói quen này có thực sự tốt cho sức khỏe và hiệu suất làm việc? Bài viết này của PITO sẽ phân tích thói quen uống trà sữa buổi chiều của dân văn phòng, từ thực trạng, lý do, tác hại, đến các phương án thay thế lành mạnh hơn.
Thói quen uống trà chiều của người trẻ ở Việt Nam
Trà sữa đã trở thành một biểu tượng văn hóa trong giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là dân văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng. Với sự phát triển của các chuỗi cửa hàng trà sữa, cà phê, việc gọi một ly trà sữa vào buổi chiều đã trở thành thói quen phổ biến.
Minh Anh, (26 tuổi, nhân viên marketing, TP.HCM) thường rơi vào trạng thái mệt mỏi khi kim đồng hồ chỉ sang khoảng 3 giờ chiều. Đây cũng là thời điểm nhóm cô bắt đầu gọi trà sữa như một liều thuốc tinh thần.
"Mỗi ngày, cứ đến khoảng 3 giờ chiều là cả team mình lại rộn ràng lên vì ai đó sẽ khởi xướng việc đặt trà sữa. Mỗi người một sở thích, nhưng cái cảm giác cùng nhau chọn món, chờ shipper giao hàng, rồi ngồi nhâm nhi trò chuyện là điều khiến mình mong chờ nhất mỗi buổi chiều”, Minh Anh kể.
Khi mới vào công ty, cô là một người năng động, chăm chỉ và luôn cố gắng duy trì lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, thói quen uống trà sữa buổi chiều đã thay đổi không chỉ thói quen sinh hoạt mà cả sức khỏe của cô.
Sau sáu tháng làm việc tại công ty, cô tá hỏa nhận ra mình đã tăng 6kg, trung bình mỗi tháng tăng khoảng 1kg.
“Mình từng nghĩ trà sữa chỉ là một món uống nhẹ, nhưng hóa ra một ly trà sữa cỡ lớn với đầy đủ topping có thể chứa đến 700 calo, gần bằng một bữa ăn chính”, Minh Anh nói.
Điều đáng lo hơn là cô bắt đầu cảm thấy "nghiện" trà sữa, ngay cả khi không đói. Cô thừa nhận có những ngày không thấy đói hay mệt, nhưng cứ đến giờ là lại thèm uống trà sữa, như một thói quen khó bỏ.
"Mình thích cảm giác nhai trân châu dai dai, vị ngọt của trà sữa làm mình thấy vui vẻ, thoải mái. Nhưng mình biết đó không phải vì cơ thể cần mà là vì mình đã quen với cảm giác đó”, Minh Anh thừa nhận.
Ngoài ra, Minh Anh còn dùng trà sữa như một cách để chống lại cơn buồn ngủ buổi chiều. Những ngày họp nhiều hoặc phải chỉnh sửa tài liệu liên tục, cô hay bị buồn ngủ vào khoảng 3-4 giờ chiều. Một ly trà sữa với đường và caffeine giúp mình tỉnh táo ngay lập tức. Tuy nhiên, đến buổi tối, Minh Anh lại rơi vào tình trạng mệt, thậm chí mất ngủ vì uống trà sữa có quá nhiều caffeine.
Nhìn lại hành trình sáu tháng, Minh Anh nhận ra thói quen uống trà sữa không chỉ là một phần của văn hóa văn phòng mà còn đang âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe của cô.
"Mình vẫn thích uống trà sữa, nhưng giờ mình cố gắng giảm xuống còn 1-2 lần mỗi tuần. Mình cũng bắt đầu mang theo trái cây hoặc yogurt đến văn phòng để thay thế. Nhưng thú thật, bỏ thói quen này không dễ, nhất là khi cả team vẫn gọi trà sữa mỗi ngày”, Minh Anh kể.
Tại sao thói quen này phổ biến?
Vì sao thói quen uống trà sữa vào buổi chiều lại trở nên phổ biến và khó bỏ? Có nhiều yếu tố góp phần vào hiện tượng này, từ tâm lý, sinh lý đến môi trường làm việc.
Cơ chế sinh lý và nhu cầu năng lượng
Buổi chiều, đặc biệt là khoảng thời gian từ 2 đến 4 giờ, thường được xem là "giờ thấp điểm" của cơ thể. Sau bữa trưa, cơ thể trải qua quá trình tiêu hóa, dẫn đến sự sụt giảm đường huyết và mức năng lượng.
Theo bác sĩ Lâm Vạn Phong, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đường trong những loại thức uống như trà sữa, nước tăng lực là loại đường nhanh, giúp cơ thể chuyển hóa thành năng lượng tức thì. Điều này tạo cảm giác tỉnh táo và sảng khoái ngay sau khi uống. Tuy nhiên, những loại nước này không có enzyme hay vitamin giúp chuyển hóa đường. Điều này khiến cơ thể phải lấy enzyme trong đường ruột để thay thế. Tình trạng này xảy ra lâu ngày sẽ khiến cơ thể bị cạn enzyme.
Ngoài ra, khi nạp đường vào cơ thể, não sẽ tiết hormone endorphin, hay còn được biết là “hormone hạnh phúc”. Việc tiêu thụ nước ngọt đều đặn rất dễ khiến con người quen với mức độ endorphin cao, từ đó gây nghiện đường.
Caffeine có trong trà – thành phần chính của trà sữa – đóng vai trò như một chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Caffeine giúp tăng cường sự tỉnh táo, giảm cảm giác buồn ngủ và cải thiện khả năng tập trung trong ngắn hạn. Đối với dân văn phòng, những người thường xuyên phải xử lý các nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung cao như báo cáo, họp hành hoặc giải quyết vấn đề, một ly trà sữa buổi chiều trở thành "cứu cánh" để vượt qua cơn buồn ngủ và lấy lại phong độ làm việc.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào đường và caffeine cũng có mặt trái. Theo bác sĩ Phong, việc tiêu thụ đường nhanh thường xuyên có thể gây ra tình trạng dao động đường huyết, khiến cơ thể rơi vào vòng lặp "tăng năng lượng nhanh – mệt mỏi nhanh". Điều này giải thích tại sao nhiều người cảm thấy càng uống trà sữa, họ càng cần uống nhiều hơn để duy trì trạng thái tỉnh táo.
Mỗi người chỉ nên nạp 25 gram đường/ngày, đặc biệt không nên nạp đường từ các thực phẩm công nghiệp như bánh kẹo hay nước ngọt.
Tâm lý và thói quen xã hội
Buổi chiều là thời điểm năng suất làm việc dễ bị chững lại. Việc uống trà sữa không chỉ giúp bổ sung năng lượng mà còn mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái. Hormone endorphin được tiết ra khi cơ thể hấp thụ đường, tạo cảm giác dễ chịu và thậm chí gây nghiện nếu tiêu thụ thường xuyên.
Ngoài ra, việc gọi trà sữa theo nhóm còn trở thành một hoạt động xã hội, giúp dân văn phòng gắn kết với đồng nghiệp, giảm căng thẳng từ công việc.
Môi trường văn phòng và sự tiện lợi
Các ứng dụng giao hàng như đã khiến việc đặt trà sữa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần vài cú chạm trên điện thoại, một ly trà sữa đã có thể được giao đến tận cửa văn phòng. Sự tiện lợi này, kết hợp với giá cả phải chăng và đa dạng hương vị, chưa kể, khi đặt theo nhóm còn được ưu đãi khá nhiều, khiến thói quen trà chiều của dân văn phòng khó thay đổi.
Tác hại từ mỗi ngày 1 ly
Mặc dù mang lại cảm giác sảng khoái tức thì, thói quen uống trà sữa hàng ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt khi tiêu thụ quá mức.
Tăng nguy cơ béo phì và các bệnh chuyển hóa
Theo bác sĩ Lâm Vạn Phong, trà sữa chứa năng lượng rỗng, tức là cung cấp nhiều calo nhưng thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, khoáng chất hay chất xơ.
Một ly trà sữa cỡ lớn với đầy đủ topping có thể chứa tới 500-700 kcal, tương đương một bữa ăn chính. Nếu uống hàng ngày mà không kiểm soát lượng calo nạp vào, dân văn phòng dễ rơi vào tình trạng dư thừa năng lượng, dẫn đến tăng cân và béo phì.
Hơn nữa, lượng đường cao trong trà sữa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như tiểu đường loại 2, máu nhiễm mỡ và bệnh tim mạch.
Ảnh hưởng đến thận và hệ tiêu hóa
Trả lời báo VnExpress, BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật, Khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng cho biết uống quá nhiều trà sữa có thể gây hại cho thận. Lượng đường và chất béo từ sữa đặc, kem béo trong trà sữa tạo áp lực lên thận, đặc biệt nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước.
Ngoài ra, topping như trân châu, làm từ tinh bột, có thể gây khó tiêu nếu ăn quá nhiều. Một số trường hợp tiêu thụ trà sữa kém chất lượng còn dẫn đến rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm.
Nguy cơ sâu răng và các vấn đề nha khoa
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo lượng đường tự do hàng ngày không nên vượt quá 10% tổng năng lượng, tương đương khoảng 12 thìa cà phê đường.
Tuy nhiên, một ly trà sữa trung bình có thể chứa lượng đường vượt quá mức này. Thói quen uống trà sữa thường xuyên mà không vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng dễ dẫn đến sâu răng và các bệnh nha chu.
Tác động đến tâm lý và thói quen ăn uống
Bác sĩ Phong nhấn mạnh rằng uống trà sữa đều đặn có thể gây nghiện do cơ thể quen với mức endorphin cao. Điều này khiến người trẻ khó từ bỏ thói quen này, ngay cả khi nhận thức được tác hại. Hơn nữa, việc chỉ uống trà sữa mà bỏ qua các bữa ăn lành mạnh có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Phương án thay thế
Để thay thế thói quen uống trà sữa, dân văn phòng có thể áp dụng các giải pháp lành mạnh hơn, đồng thời các công ty cũng nên tạo điều kiện để khuyến khích lối sống lành mạnh.
Lựa chọn đồ uống thay thế
Thay vì trà sữa, dân văn phòng có thể chọn các loại đồ uống ít đường và giàu dinh dưỡng hơn.
Trong đó, trái cây tươi là lựa chọn lý tưởng vì chứa đường tự nhiên, vitamin và chất xơ, giúp no lâu và không gây tăng cân. Ví dụ, một ly sinh tố bơ, chuối hoặc nước ép táo, cam có thể cung cấp năng lượng mà không gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà bạc hà hoặc nước lọc bổ sung lát chanh, dưa leo cũng là những lựa chọn tốt để làm mới cơ thể.
Ăn nhẹ lành mạnh
Thay vì topping trân châu, dân văn phòng có thể chọn các món ăn nhẹ như các loại hạt (hạnh nhân, óc chó), yogurt không đường, hoặc thanh năng lượng làm từ ngũ cốc nguyên cám. Những món này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp duy trì cảm giác no, tránh tình trạng ăn quá nhiều vào bữa tối.
Chính sách hỗ trợ từ công ty
Các công ty có thể góp phần thay đổi thói quen của nhân viên bằng cách cải thiện môi trường làm việc. Ví dụ, việc bố trí pantry với các lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh như trái cây tươi, sữa chua, hoặc bánh quy ít đường sẽ khuyến khích nhân viên ăn uống khoa học hơn.
Các công ty cũng có thể tổ chức "Happy hour" vào buổi chiều với các món ăn lành mạnh như salad, bánh mì nguyên cám hoặc nước ép trái cây, giúp nhân viên thư giãn và nạp năng lượng mà không cần dựa vào trà sữa.
Tổ chức “Healthy Refresh Time”
Thay vì ly trà sữa quen thuộc, doanh nghiệp có thể khởi xướng hoạt động “Healthy Refresh Time” – một buổi mini-break định kỳ vào mỗi chiều cuối tuần với nước ép nguyên chất, sinh tố hạt hoặc sữa hạt không đường.
Từ đó, có thể biến giờ trà chiều thành một khoảng lặng dễ chịu, giúp nhân viên nạp lại năng lượng sạch, tăng sự tỉnh táo và kết nối nhẹ nhàng giữa các phòng ban, vừa tốt cho sức khỏe, vừa làm mới văn hóa doanh nghiệp mỗi tháng.
Tặng Healthy Gift Box
Doanh nghiệp có thể tặng các Gift Box cho cộng sự gồm các món ăn healthy vào khoảng khung 2-3 giờ chiều - khung giờ cộng sự dễ tuột năng lượng, mất tập trung. Điều này không chỉ quan tâm sức khỏe nhân viên mà còn duy trì hiệu suất công việc.
PITO có các Gift Box với các thức ăn đồ uống healthy, tốt cho sức khỏe, được thiết kế tùy theo ngân sách, nhu cầu, sở thích, khẩu vị mà doanh nghiệp yêu cầu. Từ hạt dinh dưỡng, trái cây tươi đến bánh yến mạch ít đường, tất cả đều được đóng gói tiện lợi, bắt mắt và dễ sử dụng tại văn phòng. Một lựa chọn vừa chăm sóc thể chất, vừa thể hiện sự tinh tế trong chế độ phúc lợi hiện đại.
Tăng cường vận động và nghỉ ngơi
Thay vì dựa vào trà sữa để vượt qua cơn buồn ngủ, dân văn phòng có thể thử các bài tập vận động nhẹ như đi bộ, vươn vai hoặc thiền ngắn trong giờ nghỉ. Những hoạt động này giúp kích thích tuần hoàn máu, tăng cường sự tỉnh táo mà không cần nạp thêm calo.
Giáo dục về dinh dưỡng
Một cách khác các công ty có thể áp dụng là mời chuyên gia dinh dưỡng đến chia sẻ về tác hại của việc tiêu thụ đường quá mức và cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Những buổi workshop như vậy không chỉ nâng cao nhận thức mà còn giúp nhân viên thay đổi thói quen ăn uống bền vững.
Trà chiều không xấu – nếu bạn biết chọn đúng thức uống và cách tận hưởng. Một ly trà nhẹ nhàng, một chút snack lành mạnh có thể là liều "vitamin tinh thần" giữa ngày làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng nạp đường, chất béo hay caffeine quá mức, thì thói quen này dễ trở thành “con dao hai lưỡi” với sức khỏe và ví tiền.
Hãy chọn cách “trà chiều” thông minh, ưu tiên đồ uống ít đường, snack tốt cho sức khỏe, hoặc thậm chí là đổi sang hoạt động thư giãn nhẹ như đi dạo, hít thở hoặc cùng đồng nghiệp chia sẻ vài phút không màn hình. Tỉnh táo, kết nối, hiệu quả – trà chiều vẫn có thể là một phần đẹp của văn hóa công sở, nếu bạn biết tiết chế và thay đổi đúng lúc.
Hy vọng bài viết có thể đưa ra một số cách thay đổi thói quen và xây dựng lối sống khoa học để dân văn phòng không chỉ biết bảo vệ sức khỏe mà còn nâng cao hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống.