Hiện Việt Nam xếp thứ 8 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới - theo báo cáo “Phụ nữ, Doanh nghiệp và Pháp luật” của Ngân hàng thế giới 2022. Và tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam đạt 60,1% - cao hơn so với mức trung bình của thế giới (49,5%).
Tuy vậy, trong môi trường làm việc và đứng trước các cơ hội thăng tiến, khoảng cách giữa lao động nữ và nam có sự chênh lệch đáng kể. Để thu hẹp hoặc kéo gần khoảng cách này, đòi hỏi sự nỗ lực nghiêm túc và cách làm phù hợp từ tất cả các công ty, doanh nghiệp.
Vai trò của phụ nữ trong các doanh nghiệp
Theo Báo cáo Giới và thị trường lao động tại Việt Nam của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2021, trong các công ty, doanh nghiệp, lao động nữ thường đảm nhận các vị trí sau:
- Nhân viên văn phòng: đây là vị trí phổ biến nhất đối với phụ nữ, chiếm khoảng 60% tổng số phụ nữ làm công hưởng lương.
- Công nhân: chiếm khoảng 20% tổng số lao động.
- Quản lý: chỉ chiếm khoảng 20%.
Dù ở vị trí hoặc vai trò công việc nào, phụ nữ luôn có những thế mạnh nhất định và đóng góp tích cực cho kết quả chung cũng như sự thành công của tổ chức, bao gồm:
- Khả năng lãnh đạo: Phụ nữ thường được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực cần sự đồng cảm và thấu hiểu.
- Khả năng sáng tạo: Phụ nữ có xu hướng suy nghĩ sáng tạo và linh hoạt hơn nam giới, điều này có thể giúp doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới cũng như chăm sóc và hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
- Khả năng làm việc nhóm: Phụ nữ thường có kỹ năng làm việc nhóm tốt, điều này có thể giúp doanh nghiệp xây dựng một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả.
Thách thức đối với phụ nữ trong môi trường làm việc
Mặc dù có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, song phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường làm việc, bao gồm:
- Định kiến xã hội phân biệt giới: Phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều định kiến giới trong công việc, chẳng hạn như họ không đủ năng lực, không có khả năng lãnh đạo, kém nhanh nhạy và thiếu quyết đoán so với nam giới… Nghiên cứu của ILO cho thấy, tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam đang chiếm 31,3%, chứng tỏ nữ giới có khả năng điều hành, lãnh đạo. Tuy nhiên, tính riêng trong các tổ chức doanh nghiệp thì các vị trí lãnh đạo cấp cao vẫn là do nam giới đảm nhiệm, chiếm tỷ lệ vượt trội 77,6%.
- Áp lực gia đình: Phụ nữ thường phải đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình, giai đoạn thai sản… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và khả năng phát triển sự nghiệp của họ. Năm 2018, 47,5% phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế là vì “Lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”. Trong khi đó, chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này. Mặt khác, trung bình một tuần, phụ nữ dành khoảng 20,2 giờ để làm việc nhà - gấp đôi nam giới - chỉ dành trung bình 10,7 giờ.
- Thiếu cơ hội thăng tiến: Tỷ lệ phụ nữ ở vị trí quản lý vẫn còn thấp là một chỉ dấu có thể cho thấy họ vẫn chưa được trao cơ hội thăng tiến công bằng với nam giới. Theo thống kê của Tổng cục Lao động, năm 2019, phụ nữ trong độ tuổi lao động chiếm gần một nửa (47,7%) tổng lực lượng lao động, nhưng chưa đến 1/4 (24,7%) nắm vai trò lãnh đạo, quản lý nói chung.
Các giải pháp để tạo ra bình đẳng giới trong môi trường làm việc
Để tạo ra bình đẳng giới trong môi trường làm việc, cần có sự nỗ lực của cả doanh nghiệp, chính phủ và xã hội. Ở cấp độ chính sách, Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã mở ra cơ hội thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm, chẳng hạn như quy định mới về độ tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ, quyền lựa chọn tham gia một số ngành nghề đặc biệt, chính sách dành cho phụ nữ sau khi sinh và trong thời gian nuôi con nhỏ…
Đối với mỗi doanh nghiệp, việc xây dựng và thực hiện những chính sách phúc lợi liên quan tới lao động nữ cần được nhìn nhận trên nhiều góc độ:
- Văn hóa công ty: biến thúc đẩy bình đẳng giới trở thành một phần quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, thông qua việc coi trọng năng lực và đóng góp của nhân sự không phân biệt giới tính; tạo cơ hội thăng tiến bình đẳng …
- Chính sách phúc lợi: xây dựng và thực hiện những chính sách chăm lo sức khỏe lao động nữ, cân nhắc áp dụng làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc gia đình, con nhỏ…
- Nâng cao nhận thức của nhân viên nam và nhân viên nói chung về bình đẳng giới bên ngoài môi trường làm việc: bởi vì thực tế: “Phụ nữ không thể đạt được bình đẳng ở nơi làm việc nếu họ không bình đẳng ở nhà. Điều đó có nghĩa cần tạo môi trường bình đẳng và đảm bảo rằng việc có con không cản trở việc tham gia đầy đủ vào nền kinh tế và hiện thực hóa hy vọng và tham vọng của người phụ nữ” - Trích chia sẻ của bà Carmen Reinhart, Phó chủ tịch cao cấp kiêm chuyên gia Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Phụ thuộc vào đặc thù của mỗi công ty mà bộ phận Nhân sự có những định hướng và các giải pháp thực hiện linh hoạt để thúc đẩy bình đẳng giới. Đây vẫn luôn một thách thức lớn cho những người làm nhân sự đang theo đuổi chiến lược DEI: đa dạng (diversity), bình đẳng (equity) và hòa nhập (inclusion). Nhưng đó là thách thức sẽ mang tới quả ngọt, góp phần xây dựng một môi trường làm việc thực sự lành mạnh và xứng đáng cống hiến.