Xây dựng thương hiệu tuyển dụng ấn tượng giúp thu hút ứng viên tiềm năng và giảm chi phí tuyển dụng.
Công ty trở thành nơi mong muốn làm việc của nhiều ứng viên, giữ chân được nhiều nhân viên khi thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh. Thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer branding) được hiểu là danh tiếng của doanh nghiệp với tư cách là nhà tuyển dụng; bao gồm: mục tiêu, văn hoá doanh nghiệp, môi trường làm việc, cơ hội nghề nghiệp, phúc lợi, trải nghiệm nhân viên… Những yếu tố này giúp công ty khác biệt so với các công ty khác trên thị trường.
Theo LinkedIn, các công ty với thương hiệu tuyển dụng mạnh tìm thấy các ứng viên chất lượng nhiều hơn 50%, tuyển dụng nhanh hơn từ 1 đến 2 lần và giảm 50% chi phí cho mỗi lần tuyển dụng. Cùng PITO điểm qua một số tập đoàn, công ty xây dựng thương hiệu tuyển dụng rất tốt, để lại nhiều ấn tượng trên thị trường tuyển dụng và thu hút nhiều ứng viên:
1. Google
Google không ngừng thu hút nhân tài gia nhập. Năm 2007, Google được trao danh hiệu “Nơi làm việc tốt nhất ở Mỹ” (giải thưởng do tạp chí Fortune và tổ chức Great Place to Work Institute bảo trợ) lần đầu tiên. Trong cuốn sách "Quy tắc của Google" (hiện tại được đổi tên thành: Quy tắc làm việc của Google) của Laszlo Bock - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nhân sự của Google có chia sẻ về quản lý nhân sự: “Tất cả những gì bạn cần là tin tưởng rằng con người về cơ bản đều tốt, và có đủ can đảm để đối xử với nhân viên của bạn như những người chủ, thay vì những cỗ máy. Cỗ máy chỉ làm công việc của nó; còn người chủ có thể làm bất kỳ điều gì để công ty và nhóm của họ thành công”. Đó là một trong những “thương hiệu” coi trọng con người của Google. Nền tảng văn hóa của Google là sứ mệnh, sự minh bạch và tiếng nói.
Những chế độ đãi ngộ của Google mà bất cứ nhân viên nào cũng ao ước:
- Google hỗ trợ như ngày nghỉ phép có lương cho nhân viên có con nhỏ, đối với những nhân viên vừa "lên chức ba mẹ". Không chỉ nhân viên nữ có thời gian nghỉ hậu sản mà cả nhân viên nam cũng có thể được nghỉ phép nếu như họ là người duy nhất có thể chăm con.
- Google là nơi làm việc thân thiện với chó. Chó được xem như một cách để cải thiện đời sống làm việc của nhân viên, vì vậy họ hoàn toàn được phép dẫn theo chó cưng đến nơi làm việc.
- Được ăn uống hoàn toàn miễn phí tại nhà ăn của công ty và được phục vụ bởi những đầu bếp có tay nghề cao.
- Có cả tiệm cắt tóc phục vụ nhân viên.
- Có chương trình thưởng cho nhân viên khi họ giới thiệu ứng viên cho nhà tuyển dụng.
- Nhân viên có thể nghỉ ngơi và vui chơi tại công ty với những trò chơi như bóng bàn, bể bơi, bóng chuyền, billard…
- Có phòng tập thể dục miễn phí đối với mọi nhân viên.
- Cung cấp ghế massage tự điều khiển trong văn phòng.
- Thỉnh thoảng, nhân viên Google được tặng quà bất ngờ, có lần họ được công ty tặng cho chiếc đèn flash trị giá gần 400 USD.
- Google sẽ chăm sóc gia đình nhân viên trong trường hợp họ không may qua đời. Vợ hoặc chồng của nhân viên đó sẽ nhận được tấm séc trị giá 50% lương hàng tháng của người đó trong vòng 10 năm mà không cần biết nhân viên đó đã làm cho Google được bao lâu.
2. Microsoft
Tháng 01/2024, Microsoft đã vượt qua Apple, trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Cách Microsoft xây dựng thương hiệu tuyển dụng luôn đề cao sự đổi mới và linh hoạt.
Chia sẻ của Chuck Edward – Phó Giám đốc Nhân sự của Microsoft: “Sự hấp dẫn của Microsoft đối với những người muốn định hình tương lai là khả năng kết hợp tính bùng nổ của một công ty khởi nghiệp với cơ hội mang ý tưởng sáng tạo ra toàn cầu. Và đó chắc chắn là một công thức chiến thắng. Trong thị trường lao động cạnh tranh cao như công nghệ, sẽ không bao giờ có chỗ cho sự tạm nghỉ hay dừng lại. Chúng tôi luôn muốn giữ vị trí hạng A trong lòng ứng viên”.
Và Microsoft đã làm điều đó như thế nào?
- Khuyến khích sự sáng tạo: Tại Microsoft, nhân viên được lắng nghe và tôn trọng các ý kiến đóng góp. Bất kỳ nhân viên nào có ý tưởng mới đều được khuyến khích trình bày và Bill Gates thường dành thời gian để trả lời các đề xuất này. Ông đánh giá cao việc học hỏi từ nhân viên cấp dưới và luôn sẵn lòng lắng nghe ý kiến của họ, đồng thời cân nhắc các hướng phát triển có lợi cho Microsoft. Những nhân tài mà công ty hướng đến là những người cởi mở với sai lầm và xem đó là cơ hội để học hỏi.
- Tạo sự thoải mái trong công việc: trao quyền cho nhân viên, cho nhân viên cảm giác xem nơi làm việc là nhà. Lương không phải là yếu tố quan trọng nhất tại Microsoft, như Bill Gates đã từng nói: “Tôi không trả lương cao cho nhân viên, nhưng họ cảm thấy hạnh phúc vì cảm nhận được rằng họ đang tham gia vào việc thay đổi thế giới”.
- Cách Microsoft làm Employer Branding chính là tin rằng mình có nhiều thứ hơn thế để trao cho ứng viên. Microsoft tin rằng nhân sự của công ty là những người giàu có về kiến thức mà những người trẻ mới bước vào ngành có thể học hỏi, không chỉ từ góc độ kỹ thuật, mà còn cách thương mại hóa các ý tưởng và sáng tạo.
- Với tham vọng mở rộng ranh giới về sáng tạo, cách Microsoft làm Employer Branding chính là tạo ra cơ hội để nhân viên được tham gia các đội nhóm và cho phép họ chạy những dự án thử nghiệm,
- Microsoft nhận thấy rằng những người trẻ yêu thích sự đổi mới không muốn trở thành chiếc bánh xe khác bên trong một cỗ máy lớn. Vì vậy, bí quyết thành công của Microsoft là tạo ra một nền văn hóa xem chuyển đổi như cơ hội để mỗi thế hệ mới chứng tỏ mình ngang hàng với những người tiên phong đi trước.
3. Southwest Airlines
Southwest Airlines là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất tại Mỹ sở hữu số lượng máy bay nhiều thứ 3 trên thế giới, 539 chiếc và toàn là Boeing 737. Southwest có số doanh thu lớn thứ 6 tại Mỹ và là hãng hàng không lớn nhất trên thế giới những năm 90 về số lượng hành khách chuyên chở.
Herb Kelleher – Giám đốc Điều hành tại Southwest Airlines từng có một câu nói trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp: “Khách hàng là số hai, nhân viên của chúng tôi mới là số một!”.
Nhân sự trong tổ chức được xem trọng như khách hàng. Từ đó, Southwest định hình được Thương hiệu Nhà tuyển dụng dựa trên tư duy Marketing và tạo ra chính xác trải nghiệm mà nhân viên mong muốn, giống như mang đến một sản phẩm chinh phục khách hàng mục tiêu của mình.
Southwest xác định 7 giá trị cốt lõi cho sự tự do mà công ty muốn nhân viên mình có được:
- Tự do rèn luyện để có sức khỏe tốt
- Tự do tạo cho mình sự đảm bảo về tài chính
- Tự do học hỏi và phát triển
- Tự do tạo nên những sự khác biệt tích cực
- Tự do đi du lịch và khám phá
- Tự do làm việc chăm chỉ và vui chơi
- Tự do đổi mới mình và kết nối với mọi người.
Sự “bắt tay” của nhân sự và bộ phận Marketing đã tạo ra những chiến thuật am hiểu tâm lý để chinh phục lòng trung thành của nhân viên và nhân viên trở thành người truyền thông trực tiếp cho văn hoá làm việc của công ty.
4. Netflix
Không chỉ là một doanh nghiệp vượt qua đại dịch nhờ cung cấp dịch vụ xem phim tại nhà, cách Netflix làm Employer Branding là tập trung thể hiện sự đồng cảm và xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi nhất.
Năm 2021, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Netflix đã truyền đi thông điệp truyền cảm hứng, khuyến khích mọi người tập trung vào điều tích cực.
5 lời khuyên từ Marquise và Amir - nhóm phụ trách chính chiến lược Employer Branding tại Netflix dành cho những ai đang trên hành trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng:
- Tập trung vào nội dung có tính đồng cảm và truyền cảm hứng.
- Tạo ra nội dung có giá trị của sự cho đi và giúp đỡ mọi người, nhưng đừng quá lạm dụng CSR của doanh nghiệp.
- Không phải mọi thứ đều cần xoay quanh các sự kiện hiện tại – mọi người đôi khi cần nghỉ ngơi và bạn có thể cho họ điều đó.
- Thể hiện văn hóa độc đáo và những con người tuyệt vời tại doanh nghiệp của bạn thay vì những đặc quyền mà công ty của bạn cung cấp.
- Hãy nhớ rằng hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau. Như câu nói: “Tất cả chúng ta đều ở trong cùng một cơn bão, nhưng không ở trên cùng một con thuyền”.
5. HubSpot
HubSpot là một doanh nghiệp Mỹ được thành lập năm 2006 chuyên về các sản phẩm phần mềm cho marketing, bán hàng và dịch vụ khách hàng.
HubSpot nổi tiếng trên thương trường toàn cầu là doanh nghiệp sáng lập ra Inbound Marketing – một trong những phương pháp được đánh giá giúp phát triển thương hiệu bền vững nhất hiện nay.
Thành công rực rỡ với Inbound Marketing, HubSpot cũng áp dụng Inbound Recruiting vào tuyển dụng.
Inbound Recruiting xây dựng phễu truyền thông tuyển dụng, thu hút ứng viên với đầu vào là các nội dung nói về công ty, như các bài blog và nội dung trên mạng xã hội; ở giữa phễu là khi ứng viên được “nuôi dưỡng” bởi các email gửi tới hòm thư cá nhân; tại cuối phễu là những offer mang tính trải nghiệm cá nhân nhất.
Hubspot xây dựng nền văn hóa làm việc tự do: nơi nhân viên có thể làm việc tốt nhất, thoải mái nhất, biến công việc thành một phần trong cuộc sống của họ. Thời gian làm việc linh hoạt, nhân sự có thể làm việc tại nhà khi có nhu cầu. HubSpot có cả những nhân sự làm việc từ xa – họ làm việc tự chủ và minh bạch.
Chiến lược Employer Branding được xây dựng dựa trên 4 điều cốt lõi: quyền tự chủ, minh bạch, sứ mệnh và Heart (Humble - khiêm tốn, Empathetic - đồng cảm, Adaptable - Thích nghi, Remarkable - Khác biệt, và Transparent - Minh bạch).
Một thương hiệu nhà tuyển dụng thành công hoàn toàn có thể đo lường bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, phải chắc chắn rằng xuất phát từ khẳng định của nhân viên: “Tôi đang làm việc tại đó!”. Hy vọng rằng, bài viết mang đến cho bạn một số thông tin hữu ích trên hành trình xây dựng thương hiệu tuyển dụng thu hút và khác biệt trên thị trường tuyển dụng cạnh tranh hiện nay.