Well-being có thực sự cần thiết cho nhân sự?

Well-being có thực sự cần thiết cho nhân sự? [Tải template đánh giá]

Uyên Trinh
phút
20/06/2024
Uyên Trinh
phút
20/06/2024

Well-being của nhân sự tại doanh nghiệp là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng well-being thực sự cần thiết vì nhân viên hạnh phúc thì doanh nghiệp hạnh phúc, tăng hiệu quả công việc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đầu tư vào chăm sóc sức khỏe nhân viên chưa chắc mang lại hiệu quả mà còn tốn chi phí của doanh nghiệp.

Bài viết này, PITO hy vọng mang đến cho độc giả góc nhìn đa dạng.

Well-being là gì?

Xét về ngôn ngữ học, đây là một từ đa nghĩa. Khi dịch từ này sang tiếng Việt không chỉ tương đương với hạnh phúc mà còn được hiểu là sự viên mãn, hài lòng, sung túc, thịnh vượng…

Đôi khi, chúng ta thường nhầm lẫn giữa cách sử dụng từ này và từ happiness vì cả hai từ này khi được dịch sang tiếng Việt đều mang hàm ý chỉ sự hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong khi happiness được dùng để mô tả về mặt cảm xúc thì well-being lại là một phạm trù lớn hơn. Đó là sự tổng hòa của cảm xúc hạnh phúc, trạng thái thăng hoa của sức khỏe tinh thần, trạng thái khỏe mạnh của sức khỏe thể chất, cùng với đó là sự hài lòng đối với cuộc sống.

Well-being gồm những khía cạnh nào?

Well-being của nhân viên, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, đều nhằm mục đích nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và hạnh phúc, hài lòng của nhân viên.

Dưới đây là một số khía cạnh chính của well-being

1. Sức khỏe thể chất

  • Chế độ ăn uống: Cung cấp các lựa chọn ăn uống lành mạnh tại văn phòng như trái cây, rau củ, và các loại thực phẩm ít đường và chất béo.
  • Hoạt động thể chất: Khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động thể dục, thông qua việc cung cấp phòng gym, lớp yoga, thẻ tập, hoặc các hoạt động thể thao tập thể.
Hoạt động thể chất cho nhân viên tại văn phòng

Ảnh: Freepik

  • Cơ sở vật chất: Thiết kế văn phòng thân thiện với sức khỏe, hài hòa giữa thiên nhiên và sự tiện nghi, có không gian nghỉ ngơi, có ánh sáng tự nhiên, có khu pantry riêng, có phòng tập gym, tập yoga.

2. Sức khỏe tinh thần

  • Tư vấn tâm lý: Cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc hỗ trợ tâm lý cho nhân viên gặp căng thẳng, lo âu hoặc các vấn đề tâm lý khác.
  • Giảm căng thẳng: Tạo ra môi trường làm việc không căng thẳng thông qua các hoạt động như thiền, mindfulness, hoặc các kỹ thuật quản lý căng thẳng khác.
  • Linh hoạt trong công việc: Cung cấp các chính sách làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên làm việc từ xa hoặc có lịch làm việc linh hoạt để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

3. Mối quan hệ xã hội

  • Xây dựng đội ngũ: Tổ chức các hoạt động xây dựng đội ngũ để tăng cường sự gắn kết và hợp tác giữa các nhân viên.
  • Giao tiếp mở: Khuyến khích môi trường giao tiếp mở, nơi nhân viên cảm thấy an toàn khi chia sẻ ý kiến và nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp trên.
  • Sự công nhận và khen thưởng: Thường xuyên công nhận và khen thưởng những nỗ lực và thành tích của nhân viên để tạo động lực và cảm giác được đánh giá cao.

4. Phát triển cá nhân và nghề nghiệp

  • Đào tạo và phát triển: Cung cấp các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng để nhân viên có thể nâng cao năng lực và thăng tiến trong sự nghiệp.
  • Lộ trình sự nghiệp: Xây dựng lộ trình sự nghiệp rõ ràng và hỗ trợ nhân viên đạt được mục tiêu nghề nghiệp của họ.
  • Mentoring và coaching: Cung cấp các chương trình mentoring và coaching để hỗ trợ sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của nhân viên.

5. Môi trường làm việc

  • An toàn lao động: Đảm bảo môi trường làm việc an toàn và không có rủi ro về sức khỏe.
  • Văn hóa công ty: Xây dựng văn hóa công ty tích cực, bao gồm các giá trị cốt lõi và thái độ hỗ trợ lẫn nhau.
Hoạt động tăng cường sự sáng tạo cho nhân viên

Các hoạt động tăng cường sự sáng tạo cho nhân viên. Ảnh: Freepik

  • Không gian làm việc: Thiết kế không gian làm việc khuyến khích sự sáng tạo và hiệu quả, bao gồm các khu vực làm việc mở, không gian riêng tư và khu vực giải trí.
  • Những đãi ngộ, phúc lợi: đảm bảo và nâng cao sức khỏe nhân viên: bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, các gói tầm soát ung thư định kỳ…

Tầm quan trọng của well-being tại văn phòng

Well-being tại văn phòng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất công việc, giữ chân nhân viên và tạo ra một môi trường làm việc tích cực. Dưới đây là một số lý do chính giải thích tại sao well-being tại văn phòng lại quan trọng:

1. Tăng năng suất lao động

  • Hiệu suất cao hơn: Khi nhân viên cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc, họ có xu hướng làm việc hiệu quả hơn. Gallup - công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Washington, đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về well-being tại nơi làm việc, cho thấy rằng nhân viên có mức độ well-being cao hơn có xu hướng làm việc hiệu quả hơn. Cụ thể, những nhân viên này có năng suất cao hơn 21%, và tỷ lệ nghỉ ốm ít hơn 37% so với những nhân viên có mức độ well-being thấp hơn. Một nghiên cứu từ Đại học Warwick (2014) cho thấy rằng khi nhân viên cảm thấy hạnh phúc, họ làm việc hiệu quả hơn 12%.
  • Giảm thời gian nghỉ bệnh: Theo nghiên cứu của Gallup trên thì tỷ lệ nghỉ bệnh ít hơn so với nhân viên có mức độ well-being thấp hơn. National Institute for Health and Care Excellence (NICE) của Anh đã công bố một báo cáo cho thấy rằng các chương trình chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc giúp giảm số ngày nghỉ bệnh của nhân viên.
    Một môi trường làm việc chăm sóc sức khỏe giúp giảm thiểu thời gian nghỉ bệnh của nhân viên, từ đó tăng tổng thời gian làm việc hiệu quả, tăng năng suất và giảm chi phí y tế. Theo một nghiên cứu của chính phủ tại Mỹ, cứ mỗi USD được dùng cho chương trình sức khỏe sẽ giúp tiết kiệm gần 6 USD nhờ giảm được chi phí cho sự vắng mặt của nhân viên.

2. Giữ chân nhân viên

  • Gắn bó với công ty: Nhân viên cảm thấy được chăm sóc và đánh giá cao sẽ có xu hướng gắn bó với công ty lâu dài. Điều này giúp giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.
    Một báo cáo gần đây cho thấy, những người thuộc thế hệ Millennials (người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) xem những phúc lợi này là chìa khóa để đi hay ở một công ty nào đó.
    Báo cáo của Gallup - công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Washington, cho thấy rằng nhân viên có mức độ well-being cao hơn có xu hướng gắn bó với công ty hơn, giảm tỷ lệ nghỉ việc lên đến 41%. Những nhân viên này không chỉ có mức độ hài lòng cao hơn mà còn ít có ý định chuyển việc hơn. 
  • Tạo động lực làm việc: Một môi trường làm việc hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp sẽ tạo động lực cho nhân viên phấn đấu và cống hiến.
    Deloitte đã thực hiện một báo cáo về lợi ích của các chương trình well-being tại nơi làm việc. Báo cáo này chỉ ra rằng các công ty đầu tư vào well-being của nhân viên thấy sự gia tăng đáng kể về động lực làm việc. Nhân viên cảm thấy được hỗ trợ và quan tâm sẽ có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn và đạt được kết quả tốt hơn trong công việc .

3. Cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên

  • Giảm căng thẳng và lo âu: Các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần, như tư vấn tâm lý hoặc các hoạt động giảm căng thẳng, giúp nhân viên duy trì trạng thái tâm lý tốt. Nghiên cứu của Harvard Business Review chỉ ra rằng các chương trình well-being tại nơi làm việc, như các hoạt động giảm căng thẳng, thể dục và yoga, giúp giảm mức độ căng thẳng và lo âu của nhân viên giúp nhân viên có tinh thần làm việc tốt hơn và ít gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. 
  • Khuyến khích lối sống lành mạnh: Khi công ty đầu tư vào việc xây dựng well-being cho nhân viên sẽ khuyến khích nhân viên có lối sống, ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao như tập gym tại phòng gym công ty, lớp yoga tập thể…

4. Xây dựng văn hóa công ty tích cực

  • Tăng cường sự hợp tác và sáng tạo: Môi trường làm việc thoải mái và hỗ trợ lẫn nhau khuyến khích sự hợp tác giữa các nhân viên, từ đó tăng cường khả năng sáng tạo và đổi mới.
  • Văn hóa làm việc tích cực: Một văn hóa công ty chăm sóc sức khỏe và well-being tạo ra một môi trường làm việc mà nhân viên cảm thấy thoải mái và có giá trị.

5. Giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp

  • Giảm chi phí y tế: Sức khỏe tốt của nhân viên giúp giảm chi phí y tế và bảo hiểm y tế mà công ty phải chi trả. PricewaterhouseCoopers (PwC) đã tiến hành một nghiên cứu về tác động kinh tế của các chương trình well-being tại nơi làm việc. Kết quả cho thấy rằng các công ty có chương trình well-being hiệu quả giảm được 30% chi phí y tế.
  • Tăng lợi nhuận: Với nhân viên khỏe mạnh và hiệu quả, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng và giảm chi phí liên quan đến việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Harvard Business Review đã phân tích lợi ích kinh tế của các chương trình well-being và phát hiện rằng những công ty chú trọng đến well-being của nhân viên thường có mức độ sáng tạo cao hơn 3 lần, năng suất lao động cao hơn 31%, và sự hài lòng của khách hàng cao hơn 37%

6. Thu hút nhân tài

  • Lợi thế cạnh tranh: Một công ty chú trọng đến well-being có thể thu hút được nhân tài, bởi ngày càng nhiều người lao động quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc trong công việc. Báo cáo gần đây Tổng Y sĩ Hoa Kỳ về Sức khỏe Tâm thần cho thấy rằng 81% người lao động sẽ tìm kiếm những nơi làm việc có hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần trong tương lai.
  • Tạo dựng thương hiệu tốt: Một hình ảnh công ty chăm sóc nhân viên tốt có thể tạo ra thương hiệu mạnh mẽ, giúp thu hút cả khách hàng và nhân viên mới.

Tại sao well-being tại văn phòng lại gây tranh cãi?

Với những lợi ích, tầm quan trọng của well-being tại văn phòng như đã kể trên, vậy tại sao chủ đề này lại gây tranh cãi, nhận một số quan điểm trái chiều. Một số quan điểm cho rằng, đầu tư well-being tại văn phòng cho nhân viên có một số vấn đề sau:

Chi phí cao:

  • Đầu tư vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và thiết kế không gian làm việc lý tưởng có thể tốn kém. Một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, có thể gặp khó khăn trong việc đầu tư cho các chương trình này.

Không phải lúc nào cũng hiệu quả:

  • Không phải tất cả các chương trình chăm sóc sức khỏe, hướng đến xây dựng well-being cho nhân viên đều mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiệu quả của chúng phụ thuộc vào cách triển khai và văn hóa của từng công ty cụ thể.

Tập trung quá nhiều vào vật chất:

  • Một số ý kiến cho rằng tập trung quá nhiều vào việc cung cấp tiện nghi vật chất (như khu vực nghỉ ngơi, đồ ăn nhẹ, phòng gym) có thể khiến nhân viên mất tập trung vào công việc chính và tạo ra sự ỷ lại.

Không phải mọi chương trình well-being đều hiệu quả. Điều này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cách triển khai, sự tham gia của nhân viên và môi trường làm việc.

Những yếu tố khiến cho việc xây dựng well-being không hiệu quả:

1. Thiếu sự cam kết từ lãnh đạo và quản lý

  • Lãnh đạo và quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy well-being: Nếu lãnh đạo không cam kết hoặc không hỗ trợ chương trình well-being, nhân viên có thể không cảm thấy được động viên và chương trình có thể không được triển khai hiệu quả.
  • Thiếu tài trợ và nguồn lực: Việc thiếu tài trợ hoặc nguồn lực dành cho well-being có thể hạn chế khả năng triển khai các chương trình có hiệu quả. Các chương trình well-being thường cần sự đầu tư lớn về tài chính và nguồn lực để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả.

2. Thiếu tính cụ thể và phù hợp với nhu cầu của nhân viên

  • Chương trình không phù hợp với nhu cầu và mong đợi của nhân viên: Một chương trình well-being hiệu quả cần phải được thiết kế và triển khai dựa trên nghiên cứu nhu cầu của nhân viên. Nếu không phù hợp hoặc thiếu tính cụ thể, chương trình có thể không đạt được hiệu quả mong đợi.
  • Thiếu sự tích hợp và liên kết với nền văn hóa công ty: Well-being cần phải được tích hợp vào nền văn hóa tổ chức và liên kết với các hoạt động và giá trị hiện có của công ty. Nếu không có sự liên kết này, chương trình well-being có thể gặp khó khăn trong việc thực thi và đạt được sự hiệu quả.

3. Thiếu đo lường và phản hồi

  • Thiếu hệ thống đo lường và phản hồi: Để đánh giá được hiệu quả của chương trình well-being, cần có hệ thống đo lường rõ ràng và các cơ chế phản hồi từ nhân viên và tổ chức. Thiếu đo lường và phản hồi có thể làm mất đi sự minh bạch và khả năng cải tiến của chương trình.

Chiến lược xây dựng well-being hiệu quả cho doanh nghiệp

Xây dựng well-being cho nhân viên phụ thuộc nhiều vào cách triển khai, văn hóa doanh nghiệp, ngân sách công ty, chiến lược doanh nghiệp… Tuy nhiên, quan tâm và xây dựng sức khỏe tinh thần, well-being không thể bỏ qua trong thời đại cạnh tranh nguồn nhân lực như hiện nay.

Khảo sát “Well-being at Work 2023” của Deloitte cho thấy nhiều nhân viên vẫn “vật lộn” với vấn đề sức khỏe khi làm việc. Có 84% người trả lời khảo sát nói rằng cải thiện sức khỏe là ưu tiên hàng đầu trong năm nay và 74% cho rằng điều đó quan trọng hơn cả việc thăng tiến trong công việc.

Sức khỏe dần trở thành ưu tiên số một và là một phần định nghĩa về hạnh phúc đối với phần lớn nhân viên. Đó là lý do doanh nghiệp không thể “bỏ qua” hay “lơ là” trong việc lập chiến lược xây dựng well-being cho nhân sự.

PITO gợi ý một số cách thức để doanh nghiệp có thể lập kế hoạch, xây dựng chiến lược dần trên hành trình để nhân viên cảm thấy well-being khi làm việc.

  1. Khảo sát tình hình nhân viên hiện tại: Thực hiện khảo sát để đánh giá cảm nhận của nhân viên về môi trường làm việc hiện tại, mức độ gắn bó, mức độ hài lòng, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần hiện tại.
  2. Truyền thông về chương trình “chăm sóc sức khỏe”: bắt đầu truyền thông về chương trình, tổ chức các workshop về chăm sóc sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, sự kiện happy hour.
    Doanh nghiệp có thể bắt đầu từ những hình thức truyền thông nội bộ đơn giản như gửi email nội bộ, đặt poster về chương trình trong văn phòng, hoặc tìm kiếm những đại sứ có sức ảnh hưởng trong đội ngũ nhân viên để lan tỏa thông điệp đến từng phòng ban.
  3. Động viên, khích lệ tinh thần, hỗ trợ khi kịp thời: Anne Richter – Nhà tư vấn quản trị sức khỏe từ Công ty Tư vấn Willis Towers Watson cho biết, việc hỏi thăm thường xuyên và thể hiện sự đồng cảm với nhân viên từ những người giám sát trực tiếp hoặc trưởng nhóm có tác động tích cực tương tự như bất kỳ chương trình hỗ trợ nào khác.
  4. Trò chuyện cởi mở về sức khỏe tinh thần: Cởi mở hơn về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc “phải bắt đầu từ cấp cao nhất và liên tục trong toàn bộ tổ chức,” CEO Jon Shanahan của Business Solver nói. Theo đó, các nhà lãnh đạo cần tạo ra một nền văn hóa cởi mở và hòa nhập – nơi khuyến khích và cung cấp các con đường để mọi người có thể chia sẻ khi cần thiết. Trên thực tế, 93% nhân viên nói rằng chính sách cho phép giao tiếp trực tiếp với lãnh đạo hoặc bộ phận nhân sự là quan trọng đối với quá trình giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần của họ.
  5. Tận dụng ứng dụng công nghệ: Hiện nay, các ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần hoặc gắn kết nội bộ vô cùng đa dạng với mức chi phí hợp lý rất đáng để doanh nghiệp cân nhắc đầu tư. Công ty Headspace cho biết họ đã tăng hơn 400% yêu cầu từ khách hàng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho sức khỏe tinh thần kể từ giữa tháng 3 năm 2020. Và Big Health cho biết mức độ quan tâm của nhà tuyển dụng đã tăng lên gấp ba chữ số trong cùng thời điểm.
  6. Cân nhắc thêm ngày nghỉ, mô hình làm việc linh hoạt: tạo cho nhân viên một ngày gọi là Mental Health Day để “xả hơi” và tập trung vào việc chăm sóc bản thân. Hoặc linh hoạt trong cách thức làm việc cho nhân viên, kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc trực tuyến, hybrid work. Báo cáo Workforce Preferences Barometer 2022 của JLL cho thấy rằng phần lớn nhân viên văn phòng đã chọn mô hình làm việc kết hợp là phong cách làm việc yêu thích của họ.
  7. Thiết kế nơi làm việc lấy nhân viên là trung tâm: Thiết kế nơi làm việc thúc đẩy sự cộng tác và tập trung vào hạnh phúc của nhân viên đã trở thành tiêu chuẩn mới trong môi trường làm việc. Theo Báo cáo xu hướng sức khỏe tại nơi làm việc của Fellowes cho thấy, nhân viên mong muốn được làm việc trong một môi trường lành mạnh. 87% người lao động cho biết họ muốn doanh nghiệp cung cấp các phúc lợi về sức khỏe tại văn phòng như phòng chăm sóc sức khỏe, phòng gym hay vị trí làm việc đa dạng và nhiều tiện ích.
Thiết kế nơi làm việc lấy nhân viên là trung tâm

Xu hướng Well being – thiết kế nơi làm việc lấy nhân viên là trung tâm. Nguồn ảnh: Icad Việt Nam.

Để xây dựng một chiến lược well-being, doanh nghiệp cần: đánh giá và nghiên cứu ban đầu, thiết lập mục tiêu và chiến lược, thực thi và triển khai, đo lường đánh giá.

PITO tin rằng bài viết mang đến nhiều thông tin bổ ích, nhiều quan điểm để bạn đọc có góc nhìn riêng và có chiến lược, kế hoạch và lựa chọn riêng cho doanh nghiệp mình.

Uyên Trinh

Tình thân và sự gắn kết con người nơi công sở là chủ đề luôn thu hút Uyên Trinh. Hơn kinh nghiệm 10 năm trên hành trình viết (viết báo, blog, PR, chấp bút sách...) và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp, Uyên Trinh hy vọng những bài viết của mình sẽ mang đến cho độc giả góc nhìn mới với nhiều thông tin bổ ích.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>