Xây dựng tổ chức lấy con người làm trung tâm là một chiến lược quan trọng mà nhiều doanh nghiệp hiện đại đang theo đuổi. Chiến lược này sẽ tạo nên sự gắn bó, tin tưởng từ khách hàng, cải thiện động lực của nhân viên, góp phần tạo nên môi trường làm việc hạnh phúc và tích cực.
1. Vì sao doanh nghiệp nên xây dựng tổ chức lấy con người làm trung tâm?
Tổ chức lấy con người làm trung tâm là đề cao các yếu tố về phúc lợi, nhu cầu và trải nghiệm trong môi trường làm việc của nhân viên cũng như trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp này, yếu tố con người sẽ luôn được ưu tiên trước, bởi sự thành công của tổ chức có liên quan chặt chẽ đến sự gắn kết, hài lòng và sự phát triển của nhân lực trong tổ chức và khách hàng của doanh nghiệp đó. Một tổ chức lấy con người làm trung tâm sẽ:
- Tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho nhân viên.
- Xây dựng sự linh hoạt và khả năng ứng phó với rủi ro, khủng hoảng.
- Tin tưởng và sẵn sàng trao quyền cho nhân viên.
- Luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của khách hàng.
- Xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực và quan tâm đến đời sống của nhân viên (hay gia tăng sự thấu cảm giữa lãnh đạo và nhân viên, khách hàng).
Tổ chức tập trung vào giá trị của con người sẽ mang lại kết quả tích cực về nhiều khía cạnh. Theo khảo sát năm 2021 của Gartner, trong các doanh nghiệp theo đuổi triết lý lấy con người làm trung tâm, sự tiêu cực của lực lượng lao động giảm tới 44%, số người có ý định ở lại làm việc lâu dài tăng lên tới 45%, còn hiệu suất của họ thì tăng 28%.
2. Một tổ chức lấy con người làm trung tâm được thể hiện ở yếu tố nào?
2.1. Tập trung vào kết quả có lợi cho người dùng
Mọi thứ doanh nghiệp làm đều tập trung vào việc mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, khách hàng và cộng đồng. Các doanh nghiệp này thường sẽ thực hiện chiến lược làm việc từ ngoài vào trong. Đó là chiến lược dựa theo nhu cầu của người dùng hoặc khách hàng, thể hiện qua việc:
- Đo lường thành công dựa trên các thước đo liên quan đến người dùng, khách hàng hoặc nhóm cộng đồng liên quan.
- Họ biết cách ủng hộ sự đa dạng của người dùng và khách hàng.
- Họ ưu tiên việc trao quyền, khuyến khích sự tham gia tích cực trong quá trình thiết kế và chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
2.2. Xây dựng đội nhóm đa dạng và được trao quyền
Bên cạnh tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng và người dùng của mình, các tổ chức lấy con người làm trung tâm sẽ đầu tư vào trải nghiệm của nhân viên, cổ đông và nhà cung cấp.
Họ sẵn sàng trao quyền tự quyết cho nhân viên. Việc này mang lại nhiều lợi ích cho toàn tổ chức. Đầu tiên, khi nhân viên được trao quyền, họ nhận thức được trách nhiệm của bản thân nên sẽ làm việc với một mức độ cam kết cao hơn, đầu tư năng lượng và cống hiến nhiều hơn. Thứ hai, khi được trao quyền, nhân viên phải cáng đáng nhiều đầu việc, vì thế họ có cơ hội phát triển năng lực cá nhân sâu rộng. Và cuối cùng, được trao quyền đồng nghĩa với việc họ cũng có nhiều tiếng nói trong tổ chức và sẵn sàng để xuất giải pháp mới.
Một điều khác biệt so với tổ chức khác là các tổ chức lấy con người làm trung tâm không xây dựng đội nhóm đồng nhất hay làm việc theo cùng một phương pháp duy nhất. Thay vào đó, họ xây dựng các đội nhóm đa dạng và có sự hòa nhập linh hoạt trong nhiều tình huống và môi trường khác nhau. Họ hiểu rằng mỗi phòng ban sẽ có cách thức làm việc khác biệt và việc áp dụng cứng nhắc một phương pháp cho tất cả các phòng ban là không khả thi.
Đội nhóm đa dạng có khả năng nắm bắt nhiều khía cạnh khác nhau của thị trường và khách hàng, tăng cường khả năng ứng phó biến động, thích nghi nhanh với đổi mới. Ngoài ra, việc tạo cơ hội cho mọi thành viên tham gia và cảm thấy được hòa nhập không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và sự hài lòng của nhân viên.
2.3. Đổi mới không ngừng nghỉ
Không ngừng học hỏi và thử nghiệm là cách để tổ chức liên tục đi lên. Thay vì gắn bó với một giải pháp nhất định, các tổ chức lấy con người làm trung tâm học cách nghiên cứu và thực hiện các giải pháp khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu con người.
Bằng cách liên tục học hỏi từ kinh nghiệm và áp dụng những bài học đó, tổ chức có thể tối ưu hóa quy trình làm việc và tạo ra giải pháp tiên tiến. Đó cũng là cách xây dựng nền tảng kiến thức mạnh mẽ, làm giàu tư duy tổ chức và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
3. Cách để xây dựng tổ chức lấy con người làm trung tâm
3.1. Chấp nhận sự khác biệt của mọi người
Một tổ chức lấy con người làm trung tâm sử dụng Ergonomic (công thái học) và dữ liệu xã hội để hiểu rõ hơn về lực lượng lao động của mình và tạo ra các nhóm nhân viên có bộ kỹ năng bổ sung cho nhau.
Ergonomic có thể hiểu là khoa học liên ngành nghiên cứu về các phương tiện, phương pháp sản xuất, môi trường lao động và sinh hoạt phù hợp với các đặc điểm hình thái, sinh lý, tâm lý của con người để học có thể làm việc có năng suất cao, an toàn, vệ sinh và thoải mái khỏe mạnh.
Theo đó, tổ chức lấy con người làm trung tâm cần:
- Đầu tư vào công nghệ và nội thất văn phòng có thể điều chỉnh được.
- Thiết kế các hệ thống, sơ đồ tổ chức một cách rõ ràng.
- Đảm bảo thiết kế vai trò, vị trí công việc dựa trên thế mạnh và hạn chế của mỗi nhân viên.
3.2. Ưu tiên trải nghiệm người dùng và khả năng tiếp cận
Các tổ chức lấy con người làm trung tâm rất quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc tế. Họ muốn đảm bảo sản phẩm, hệ thống và dịch vụ đều phải được thiết kế dựa trên lợi ích con người, giúp cải thiện đời sống của con người, cụ thể:
- Áp dụng các tiêu chuẩn về User Experience (trải nghiệm người dùng) và Accessibility (khả năng tiếp cận) trong từng sản phẩm và thiết kế của bạn.
- Thay đổi hoặc làm lại những sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn về trải nghiệm khách hàng và khả năng tiếp cận để dành thời gian và nguồn lực cho sản phẩm khác.
3.3. Hài hòa mọi yếu tố
Một tổ chức lấy con người làm trung tâm là một hệ sinh thái mà ở đó tất cả các yếu tố từ con người, kỹ thuật và môi trường đều có thể hoạt động hài hòa.
- Sự hài hòa đến từ một thế thống phát triển đồng đều và thống nhất.
- Cho phép các cá nhân lựa chọn, kiểm soát và tự chịu trách nhiệm về công việc của mình.
- Đảm bảo mỗi công việc đều mang đến lợi ích tổng thể, tránh trường hợp thực hiện các công việc đi ngược với mục tiêu và tôn chỉ hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.
3.4. Bảo vệ quyền lợi, phúc lợi cho nhân viên
Trách nhiệm của mỗi tổ chức, doanh nghiệp là thực hiện đầy đủ các bước cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhân viên về sức khỏe, sự an toàn trong môi trường làm việc.
Một số lưu ý để đảm bảo quyền lợi, phúc lợi cho nhân viên:
- Lên kế hoạch và chủ động thực hiện các hoạt động đảm bảo quyền lợi cho nhân viên như kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra thiết bị làm việc định kỳ…
- Quan tâm tới sức khỏe tinh thần của nhân viên bằng cách tổ chức các hoạt động gắn kết thường niên như Happy Hours, hoặc hoạt động ăn uống Tea Break, tiệc Finger Food hoặc tặng quà vào các dịp lễ đặc biệt trong năm như lễ Giáng sinh, Tất niên…
3.5. Tạo ra môi trường làm việc tích cực
Tạo môi trường làm việc tích cực đòi hỏi sự tôn trọng, hỗ trợ và sự phát triển mỗi cá nhân trong tổ chức.
- Tổ chức cần thực hiện các chính sách nhân sự linh hoạt, tổ chức những khóa đào tạo và thu thập phản hồi của nhân viên để xây dựng tinh thần đồng đội ngày càng đoàn kết.
- Những cơ hội thăng tiến, khuyến khích sự đóng góp và tôn trọng quan điểm cá nhân cũng giúp thúc đẩy phát triển môi trường làm việc tích cực.
- Tổ chức Town Hall để gia tăng kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên. Đồng thời thiết kế thêm khu vực Tea Break, ăn uống nhẹ để tạo điều kiện cho cả lãnh đạo và nhân viên có thời gian chia sẻ, giao tiếp hiệu quả với nhau.
Tóm lại, xây dựng tổ chức lấy con người làm trung tâm không chỉ là chiến lược mà còn là chìa khóa mở cánh cửa dẫn đến sự đổi mới và thành công bền vững cho tổ chức của bạn.