Đa dạng và hoà nhập

Tại sao Đa dạng và Hoà nhập ngày càng quan trọng trong văn hoá doanh nghiệp?

Hồng Như
phút
14/06/2023
Hồng Như
phút
14/06/2023

Trong báo cáo “Diversity and Inclusion: The Power of Visibility” năm 2021, KPMG - Mạng lưới toàn cầu, gồm các công ty cung cấp dịch vụ Kiểm toán, Thuế và Tư vấn - chỉ ra rằng các công ty áp dụng chính sách đa dạng và hoà nhập thường có khả năng thu hút và giữ chân nhân viên cao hơn, cải thiện văn hóa làm việc và tăng cường hiệu suất tổ chức. 

Nghiên cứu “How Diverse Leadership Teams Boost Innovation” từ Công ty Tư vấn quản lý chiến lược toàn cầu Boston Consulting Group cho biết công ty có đội ngũ lãnh đạo tôn trọng sự đa dạng thường có khả năng đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với công ty không có tinh thần này.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều lợi ích của chính sách Đa dạng và Hoà nhập và cũng là lý do khiến các công ty ngày càng quan tâm, áp dụng chính sách này vào văn hoá doanh nghiệp. Trong bài viết dưới đây, PITO tổng hợp và phân tích nghiên cứu từ các báo cáo uy tín để giải thích rõ hơn về chính sách Đa dạng và Hoà nhập; và tại sao công ty, doanh nghiệp của bạn cần áp dụng hoặc thực hiện chính sách này!

Đa dạng và Hoà nhập là gì?

Đa dạng và Hoà nhập (Diversity and inclusion - D&I) là hai khái niệm liên kết chặt chẽ với nhau nhưng không thể hoán đổi cho nhau. Sự đa dạng nghiêng về tính đại diện hoặc cấu trúc của một thực thể, một nhóm cộng đồng, một công ty, doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội. Hoà nhập biểu thị mức độ đóng góp, sự hiện diện và quan điểm của một nhóm người đa dạng trong một môi trường.

Tại công ty, doanh nghiệp, Đa dạng và Hoà nhập thể hiện ở sự đón nhận và tôn trọng. Bất kể nhân viên là ai, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, xu hướng tính dục, tình trạng cơ thể, tầng lớp xã hội, tuổi tác… và các đặc điểm có ý nghĩa xã hội khác như thế nào thì cũng được đón nhận và đối xử bình đẳng. Tại môi trường làm việc, tất cả mọi người đều cảm thấy được tham gia và hỗ trợ một cách nhiệt tình và vui vẻ cùng nhau.

Tại sao chính sách Đa dạng và Hoà nhập quan trọng?

1. Tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn 5,4 lần

Khi nhân viên cảm thấy rằng sự hiện diện của họ, ý tưởng họ đóng góp không được công ty coi trọng hoặc để tâm đánh giá, họ sẽ nhanh chóng rời đi” - đây là nhận định của Great Place To Work - Cơ quan toàn cầu về văn hoá nơi làm việc - khi thực hiện nghiên cứu về sự đa dạng và hoà nhập.

Theo đó, nếu nhân viên nhận thấy rằng họ được đồng nghiệp và lãnh đạo đối xử công bằng, bất kể về chủng tộc, xu hướng tính dục, tuổi tác hay vẻ bề ngoài thì:

  • Khả năng họ mong được đi làm cao hơn 9,8 lần so với người không nhận được sự đối xử như thế.
  • Khả năng tự hào về công việc đang làm tăng 6,3 lần.
  • Khả năng muốn gắn bó lâu dài với công ty cao gấp 5,4 lần.

Do vậy, xây dựng và thực hiện tốt chính sách Đa dạng và Hoà nhập trong văn hoá, doanh nghiệp có thể giữ chân nhân sự, đặc biệt là những nhân sự tài năng; giảm sự biến động trong hệ thống, ảnh hưởng đến quá trình gắn kết nội bộ và có thể tiết kiệm được một phần chi phí tuyển dụng đối với những vị trí quan trọng.

2. Tăng mức độ hài lòng của nhân viên 

Niềm vui tại môi trường làm việc

Cảm xúc, trải nghiệm và phản ánh tích cực hoặc tiêu cực của nhân viên đã và đang là tiêu chí quan trọng trong thang đánh giá văn hoá doanh nghiệp. Bên cạnh các chế độ phúc lợi, người lao động ngày nay quan tâm nhiều đến văn hoá và môi trường làm việc. Sự đa dạng và hoà nhập ít nhiều ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của nhân viên đối với công ty.

Có tới 65% nhân viên tham gia khảo sát của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực - SHRM, cảm thấy việc được đối xử công bằng trong nội bộ là yếu tố quyết định đến việc họ có hài lòng với tổ chức hoặc doanh nghiệp hay không. Riêng với nhóm LGBTQ+ việc tôn trọng sự đa dạng và đề cao sự hoà nhập tại công sở lại càng có ý nghĩa hơn. Nghiên cứu định lượng 9.855 công chức là người LGBT đang làm việc trong các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cho thấy văn hóa tôn trọng sự đa dạng thực sự tăng mức độ thỏa mãn công việc và phát huy các khả năng đặc biệt của họ.

3. Thúc đẩy sự sáng tạo

Ý tưởng có thể xuất phát từ một cá nhân nhưng những ý tưởng vĩ đại thường do một nhóm người cùng đề xuất và thực hiện. Trong một doanh nghiệp, càng có những nhóm người đa dạng theo nhiều khía cạnh từ suy nghĩ đến văn hoá, học vấn đến kinh nghiệm, trải nghiệm… thì càng có nhiều cảm hứng và sự sáng tạo độc đáo hơn.

Sự đa dạng luôn song hành cùng khái niệm hoà nhập. Mỗi cá nhân cần cảm thấy an toàn, được đón nhận và dễ dàng hoà nhập với tổ chức thì mới có thể mạnh dạn đưa ra những ý tưởng hoặc những đề xuất sự đổi mới. Ngược lại, tổ chức hoặc công ty, doanh nghiệp xây dựng tốt văn hoá hoà nhập sẽ tạo điều kiện cho sự sáng tạo không ngừng. Nhìn chung, “Thế giới kinh doanh có thể luôn thay đổi, nhưng có một điều không đổi: Các tổ chức khai thác được sự khác biệt của nhân viên sẽ là những tổ chức vượt trội nhất” - theo Great Place To Work.

4. Tăng trưởng doanh thu

Khi phân tích kết quả tài chính của 270 công ty được coi là cởi mở, trong đó có chính sách tôn trọng sự đa dạng của nhóm LGBTQ+, ngân hàng lớn thứ 2 tại Thuỵ Sĩ - Credit Suisse - nhận thấy trong suốt 6 năm nghiên cứu, các công ty này luôn có mức tăng trưởng cao hơn 3% so với các công ty trên thị trường.

Một nghiên cứu khác của Đại học Harvard chỉ ra rằng chính sách Đa dạng và Hoà nhập giúp công ty có khả năng sáng tạo và thu lợi nhiều hơn. Cụ thể, nhóm công ty có sự đa dạng về giới, sắc tộc và nhóm cộng đồng LGBT thì có 45% xác suất tăng tỷ lệ thị trường và 70% xác suất có thị trường mới, so với nhóm không có chính sách này.

Tóm lại, về mặt con người hay kinh doanh, các chính sách về Đa dạng và Hoà nhập luôn có sự tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Công ty, doanh nghiệp càng có sự đa dạng về nhân sự, hoà nhập về văn hoá càng có nhiều khả năng chiếm lĩnh thị trường và chinh phục khách hàng.

5. Nâng cao hình ảnh thương hiệu tuyển dụng

Thương hiệu tuyển dụng (Employer Branding) đang là mục tiêu nhiều doanh nghiệp hướng đến trong quá trình tuyển dụng, thu hút nhân tài. Employer Branding của công ty càng nổi tiếng, càng có nhiều yếu tố hấp dẫn thì càng thu hút ứng viên mà không cần tốn quá nhiều chi phí tuyển dụng.

Việc công ty, doanh nghiệp đề cao sự đa dạng và hoà nhập là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự lựa chọn của ứng viên. Đặc biệt, các chính sách về tôn trọng cộng đồng LGBTQ+ như một cách doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với xã hội và tôn trọng quyền con người.

7 cách xây dựng chính sách Đa dạng và Hoà nhập

1. Tuyển dụng công bằng

Từ quá trình tuyển dụng, công ty bạn có hướng đến sự đa dạng và tạo điều kiện để ứng viên hoà nhập với văn hoá và môi trường chưa? Trong các điều kiện ứng tuyển, công ty bạn có đòi hòi về giới tính, quê quán hay tuổi tác không? Khi ứng viên tham gia phỏng vấn, có được tham quan văn phòng hay kết nối trước với các đồng nghiệp để tìm hiểu nhau không?... Trên đây chỉ là một số câu hỏi hướng đến sự Đa dạng và Hoà nhập từ quá trình tuyển dụng.

Sự hài lòng của nhân viên về môi trường làm việc, tỷ lệ gắn bó với công ty hay lan toả thương hiệu tuyển dụng đề cập ở trên chỉ thực sự có ý nghĩa khi quá trình tuyển dụng công bằng, công ty và ứng viên có cùng quan điểm về chính sách Đa dạng và Hoà nhập.

2. Tạo cơ hội gặp gỡ và kết nối

Kết nối nhân viên

Đa dạng và Hoà nhập sẽ chỉ là chính sách trên văn bản nếu công ty nói chung, bộ phận thực thi như Nhân sự, Admin, People Engegament… không có những hoạt động phù hợp. Tạo cơ hội để tất cả nhân viên gặp gỡ và kết nối cùng nhau là một trong những cách đơn giản để nhân viên cảm nhận rõ định hướng của công ty về D&I.

Bạn có thể tổ chức company trip hàng năm, các buổi liên hoan, tổng kết hàng quý hoặc những bữa tiệc tại văn phòng vào những dịp đặc biệt như tiệc Giáng sinh, tiệc Tất niên hoặc Happy Hour hàng tuần để gắn kết nhân viên. PITO tin rằng thông qua những buổi gặp gỡ “không chính thức” thế này, nhân viên và cả lãnh đạo có phần dễ dàng hoà nhập và trò chuyện, thấu hiểu nhau hơn.

3. Chú trọng đào tạo và phát triển

Bên cạnh những nỗ lực tạo ra sự đa dạng từ phía công ty, doanh nghiệp, sự nhận thức cũng như thái độ của người lao động cũng đóng một vai trò quan trọng. Việc đào tạo và phát triển nhân sự thông qua các buổi training, tập huấn hoặc huấn luyện trực tiếp góp phần giúp nhân sự có cái nhìn đúng đắn hơn về chính sách của công ty và xu hướng đa dạng, hoà nhập nói chung trong văn hoá của các doanh nghiệp.

Mặt khác, những buổi đào tạo với chủ đề phù hợp nhu cầu của nhân viên và định hướng phát triển của công ty là nền tảng vững chắc để nhân sự tích luỹ thêm các kỹ năng và kiến thức, từ đó tự tin hơn trong công việc và sẵn sàng hoà nhập cùng tổ chức.

4. Xây dựng chương trình Mentoring, Coaching

Nếu như các chương trình đào tạo (L&D - Learning & Development) sẽ dành cho tất cả nhân viên, ưu tiên tổ chức những buổi với số lượng đông thì chương trình mentoring, coaching tập trung hơn vào từng cá nhân.

  • Mentoring là mối quan hệ 1-1 trên tinh thần tự nguyện giữa hai hoặc một nhóm (không quá 5 thành viên) nhằm mục đích hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và đồng hành cùng nhau trong quá trình phát triển nghề nghiệp, công việc hoặc cuộc sống.
  • Coaching hiểu nôm na là quá trình huấn luyện, hỗ trợ một người quay về bên trong, tìm đúng hướng “chính bắc” của họ, xây dựng lộ trình phát triển phù hợp và vững vàng tiến về phía trước. Hoạt động này đòi hỏi sự đồng hành của một Coacher có kinh nghiệm và kiến thức.

Có thể nói mentoring và coaching là hai phương pháp hướng đến những giá trị bên trong của một người nhân sự, thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu của công ty với hành trình của nhân viên, thay vì chỉ muốn người lao động hoàn thành công việc và nhận lương như cách truyền thống. Áp dụng mentoring và coaching, công ty bạn có thể rút ngắn sự đa dạng và hoà nhập, giúp mọi người dễ dàng hiểu mình và hiểu lãnh đạo, hiểu cộng sư nhiều hơn.

5. Khuyến khích sự tham gia

Khuyến khích sự tham gia

Một nhân sự sẽ không có cảm giác được thuộc về nếu họ chỉ làm đúng những công việc theo sự phân công, không được lắng nghe và tham gia vào những vấn đề chung của tổ chức? Thế nên, để nhân viên thực sự hiểu về chính sách đa dạng và sẵn sàng hoà nhập, thì công ty cần có những hoạt động khuyến khích sự tham gia. Chẳng hạn:

  • Luôn khảo sát ý kiến của nhân viên trước khi áp dụng một chính sách hoặc quy định mới.
  • Trao đổi với nhân viên về cảm nhận sau một hoạt động, một buổi tiệc hoặc một chuyến company trip.
  • Bộ phận Nhân sự, Truyền thông nội bộ… đặt mục tiêu về sự có mặt của nhân viên trong các hoạt động nội bộ và tìm cách để đạt mục tiêu.
  • Xây dựng chương trình phù hợp với tất cả các nhóm đối tượng, để ai cũng có thể và chủ động tham gia.
  • ….

6. Trao quyền

Tại Nestlé, đa dạng và hoà nhập là một phần không thể thiếu trong văn hoá. Với chính sách này, Nestlé đề ra nhiều phương pháp thực hiện, trong đó có Trao quyền.

  • Trao quyền cho tất cả thế hệ tại nơi làm việc
  • Trao quyền cho người khuyết tật
  • Trao quyền cho cộng đồng LGBTQ+

Tất cả hành động này không chỉ thể hiện văn hoá của một công ty mà còn gián tiếp tạo sự kết nối với nhân viên. Trao quyền giúp nhân viên cảm giác về sự tin tưởng của công ty, tự tin về thế mạnh của bản thân và cởi mở khi làm việc, trao đổi cùng cộng sự hoặc lãnh đạo. Trao quyền thúc đẩy sự đa dạng về mặt nhân sự, như một cánh cửa chào đón tất cả mọi đối tượng nhân viên. Trao quyền mở ra cơ hội để nhân viên nhanh chóng hoà nhập, đề xuất, sáng tạo và xây dựng dấu ấn cá nhân.

7. Giảm thiểu khoảng cách cấp bậc

Có những công ty, mối quan hệ giữa nhân viên, quản lý và ban lãnh đạo luôn có những rào chắn vô hình, khó lòng phá vỡ. Lý do có thể là  khoảng cách tuổi tác, quan điểm cuộc sống, trình độ năng lực, kinh nghiệm hoặc đơn giản là giữa các nhóm đối tượng này không có lý do để kết nối.

Vì vậy, để chính sách Đa dạng và Hoà nhập được hiện thực hoá trong công ty, ngay từ các cấp lãnh đạo, ban quản lý cấp trung, quản lý đội nhóm cần “phá rào”, rút ngắn khoảng cách với nhân viên. Những buổi gặp gỡ, trò chuyện bên ngoài công việc, những buổi đào tạo, hướng dẫn trực tiếp hoặc những kết nối qua các bữa tiệc… là một phần để giảm thiểu khoảng cách cấp bậc, mà bất cứ công ty, tổ chức nào cũng có thể áp dụng.

Đa dạng nhưng không hỗn tạp - Hoà nhập nhưng không hoà tan

Dưới góc độ doanh nghiệp, PITO hiểu rằng khi xây dựng chính sách Đa dạng và Hoà nhập, ít nhiều các bạn lo lắng về sự hỗn tạp, dị biệt hoặc nhân viên sẽ hoà tan, mất đi nét riêng của chính họ. Và đây cũng là bài toán khó trong văn hoá doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo các trường hợp thực tế dưới đây để có thêm góc nhìn và định hướng đúng đắn cho công ty.

1. Cách Nestlé xây dựng sự Đa dạng và Hoà nhập

Tại Nestlé, tất cả chính sách đều xoay quanh các giá trị cốt lõi của văn hoá, trong đó có sự tôn trọng: tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, tôn trọng sự đa dạng và tôn trọng thế hệ tương lai. Họ hướng đến sự đa dạng và hoà nhập thông qua 3 lĩnh vực:

  • Văn hoá: xây dựng văn hoá hoà nhập, tận dụng sự khác biệt của nhân viên khi làm việc cùng nhau.
  • Xã hội: hành động, tham gia và hoà nhập với xã hội trên toàn bộ các chuỗi giá trị.
  • Đổi mới: luôn đổi mới theo nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh.

Nestlé tuyển dụng những nhân sự có năng lực và động lực, những người tôn trọng các giá trị của tổ chức, cung cấp các cơ hội phát triển cho nhân viên một cách bình đẳng và luôn bảo vệ sự riêng tư của tất cả mọi người. Nhờ những điều như thế, chính sách Đa dạng và Hoà nhập của Nestlé trở thành một trong những “kiểu mẫu” xây dựng văn hoá doanh nghiệp, vừa mang lại giá trị cho tập đoàn vừa thúc đẩy hình thành chính sách này tại đa dạng các môi trường doanh nghiệp.

2. Bình đẳng và Hoà nhập tại P&G

Sự đa dạng tại Tập đoàn P&G

P&G là một tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh nổi tiếng thế giới với 14 nhãn hàng uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong văn hoá doanh nghiệp, P&G toàn cầu nói chung và P&G Việt Nam nói riêng luôn đề cao sự Bình đẳng và Hoà nhập. Với P&G, "hòa nhập là cảm giác không lạc lõng, được có không gian và được hỗ trợ để sống đúng với 'chất riêng'". Tập đoàn cũng tin vào sức mạnh của sự đa dạng và những tác động của việc tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng đối với nhân viên và cả xã hội.

Tại P&G, sự đa dạng, bình đẳng và hoà nhập hiện diện ở nhiều yếu tố như:

  • Giới tính
  • Người khuyết tật
  • Cộng đồng LGBTQ+
  • Chủng tộc và sắc tộc

Nhìn chung, mỗi công ty, doanh nghiệp có những định hướng phát triển và những cách xây dựng hệ giá trị riêng. Tuy nhiên, hướng đến sự đa dạng và hoà nhập trong văn hoá doanh nghiệp dường sự là một xu thế tất yếu. PITO mong rằng những chia sẻ từ bài viết này đã giúp bạn phần nào hình dung về hai khái niệm này và có những định hướng phù hợp cho chính sách Đa dạng và Hoà nhập của tổ chức trong thời gian tới!

Hồng Như

Chiếc bánh Tea break xinh xắn, bàn Buffet sang trọng luôn có sự thu hút lớn với Như. Trước là vì món ngon nhưng sau là vì những giá trị về văn hoá, ẩm thực thú vị. Chọn con đường viết lách chuyên nghiệp nghiêng về ẩm thực và Catering, Như tin các bài viết của mình tại PITO có thể truyền cảm hứng đến bạn, đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm các giải pháp, dịch vụ ăn uống cho doanh nghiệp.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

>